Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013


11:55
NHỮNG NGƯỜI BÁN VÉ SỐ

                                                                      
               Tôi và Lê Vũ vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp kêu ly cà phê, thì một ông già chìa tập vé số vào trước mặt:
              - Mua giùm mấy tở đi! Có cặp ba số chín hên lắm!
              Nhìn khuôn mặt già nua, nhăn nheo, đầu chỉ còn vài sợi tóc bạc, cổ dài ngoẵng như cổ cò và thân hình ốm nhom, khoác lỏng lẻo chiếc áo thun cũ của ông già thật tội nghiệp. Lê Vũ  nói:
              - Tôi mua giúp cụ hai tờ lấy hên buổi sáng!
Lê Vũ  đưa cho ông già 20.000 đồng, rút  hai tờ vé số, đưa tôi một tờ, cười  xòa:
              - Biếu anh một cái hên!
               Ông già chưa kịp bước đi, một chị  nhà quê, mặc bộ  ba ba, vai đeo túi vải, chìa tập vé số năn nỉ:
               - Mua giùm em mấy tở hai anh! Có cặp Long An đẹp lắm. Hai anh mua chiều trúng độc đắc!
               Để đáp lại thịnh tình của Lê Vũ, tôi mua hai tờ, chia cho anh một tờ.
             Li cà phê vừa bưng lên, chưa kịp khuấy cho tan đường, thì một gã thanh niên xộc vào. Hắn dí tập vé số tận mặt tôi, không thèm nói năng gì. Tôi gạt tay hắn, bảo:
               - Mua rồi!
                Gã thanh niên như câm điếc. Hắn dúi mạnh thêm tập vé số vào trước mặt tôi. Tôi nhìn lên, bắt gặp một khuôn mặt ngây ngô, nhưng lì lợm, đôi mắt lừ lừ. Khuôn mặt dữ tợn ấy như nói muốn nói: “Tại sao mua của hai người kia mà không mua của tôi?”.
                Thôi một sự nhịn chín sự lành! Tôi rút hai tời vé số, dúi vào tay gã thanh niên hai chục ngàn, gã lừ lừ bỏ đi.
               Ngoài cửa lại xuất hiện mấy người bán vé số nữa. Một đứa bé khoảng hơn mười tuổi, một người mẹ bồng con trên tay, và một người đàn ông đầu trọc. Tôi bỏ ly cà phê chưa kịp uống, kéo Vũ đứng dậy:
                  - Kiếm chỗ khác !
                  Lê Vũ cười chua chát:
                  - Chỗ nào chả vậy? Đất nước mình giờ nhân văn thật! Đâu cũng gặp người đi bán may mắn cho người khác!
            Lê Vũ nói đúng. Dù chúng tôi đã chọn một quán cà phê nhỏ trong ngõ hẻm, nhưng vừa ngồi xuống đã thấy mấy người bán vé số xuất hiện. Họ không mời chào bình thường mà như ép buộc phải mua. Sự nài nỉ lằng nhằng làm mình khó chịu.
              Lê Vũ nói hội chứng vé số đã lan tỏa trên cả nước. Mấy năm trước chỉ ở Sài Gòn, giờ đâu cũng gặp người bán vé số. Một thành phố lịch lãm như Đà Nẵng  mà người bán vé số dạo xông vào các nơi.
              Vâng, đúng như vậy thật! Những sấp giấy bằng ba đầu ngón tay, in ấn cẩu thả, màu sắc lòe loẹt ấy đã và đang theo chân người đi khắp mọi nơi, ùa vào từng quán cà phê, quán nhậu, rạp hát, đình chùa miếu mạo, trường học, bệnh viện, bãi chợ, nghĩa trang, giao lộ, đám cưới, đám ma và cả cơ quan công quyền... 
              Ngày xưa, khi đất nước chưa giàu đẹp văn minh như bây giờ, thỉnh thoảng mới  nhìn thấy tờ “Xổ số kiến thiết Thủ Đô”. Ngày ấy, người ta phát hành Xổ số nhân một sự kiện nào đó, và mỗi lần phát hành đều công bố số tiền thu được chi vào công trình phúc lợi nào đó. Vé Xổ số in giới hạn, và không có người bán vé số dạo.  Các  quầy bán vé xổ số đặt cạnh những quầy bán báo, hiệu sách ai muốn mua tới đó, như các nước văn minh bây giờ họ vẫn làm. 
              Ngày ấy, mỗi  lần quay xổ số đều như một cuộc vui tập thể. Mọi người không quá háo hức cầu may trúng thưởng, chỉ coi như một cuộc chơi, hơn nữa, có một chút tự hào vì mình đã đóng góp xây dựng Thủ Đô, trái tim cùa cả nước.
               Bây giờ vé số đã trở thành một nghề kinh doanh, do nhà nước độc quyền .  Mỗi tỉnh, thành phố  đều có Công ty cổ phần xổ số, trực thuộc Sở tài chính. Mỗi ngày hàng chục triệu tờ vé số được in ấn phát hành, nguồn thu hạch toán theo ngành dọc, lời lỗ thế nào chỉ nhũng người trong cuộc hiểu với nhau. Một tờ vé số trước kia mệnh giá 2.000 đồng, giờ 10.000 đồng, 20.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng. Lại bán cặp, bán lô. Có lô 10 tờ, lô 100 tờ. Mệnh giá càng cao, tiền thưởng càng lớn. Có tờ vé số ghi tiền thưởng  độc đắc lên tới hàng chục chục tỷ. Có lô quảng cáo trúng thưởng hàng trăm tỷ. Xổ số kiến thiết không còn là một cuộc chơi tập thể, một hình thức góp gió thành bão, chung tay xây dựng những công trình ích nước lợi nhà. Nó đã biến dạng thành những sới bạc công khai , đầy rẫy những mánh lới làm ăn. Nay vẫn thấy đề "Xổ số kiến thiết" nhưng không rõ tiền lãi thu được  nhiều như thế lo kiến thiết cho xã hội được những gì? Người ta thấy các Công ty XSKT nào cũng giàu sụ, các lãnh đạo trực tiếp và liên quan cũng không thiếu phần chia chác! Hèn gì, Nhà nước thả lỏng cho hình thức "đánh bạc" có con dấu này. 
                 Người ta mơ ước đổi đời từ vé số. Người ta coi vé số là một phương tiện đề làm giàu. Có kẻ bán vợ đợ con vì vé số . Nhiều vụ án lừa đảo, giết nhau vì vé số. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt cũng bắt đầu từ  những canh bạc đỏ đen. hên xui ấy. Vé số của Nhà nước là đường dẫn "minh bạch" cho nạn số đề làm rối tung xã hội tha hóa lối sống. Những cá cược từ vài trăm ngàn, đến vài chục tỷ, đều dựa vào những số đầu, số đít của các lồng quay xổ số. Những lò ghi đề lừa đảo, sát phạt nhau đến tan cửa nát nhà cũng từ đó mà ra. Từ Trờ, Phật đến Thánh, Thần, Thiên Linh, Địa Linh, từ linh hồn ông bà, tổ tiên đến ma quỷ, từ cuộc gặp tình cờ một con chó chạy qua đường đến một  giấc chiêm bao, cũng được vận dụng làm phương tiện để chơi những canh bạc nhà nước độc quyền mang danh nghĩa "Xổ số kiến thiết"!
               Ai cũng biết kinh doanh xổ số là đánh bạc, là siêu lợi nhuận. Nhưng ngoài các công ty độc quyền của nhà nước được hưởng , chỉ  một số ít đại lý kinh doanh vé số, và bọn chủ đề, chủ sới  ăn theo làm giàu, chứ những người bán vé số dạo chằng kiếm chác gì. Mỗi ngày họ đi bộ hàng chục ây số, mưa nắng dãi dầu, bã bọt mép van nài, mà chỉ kiếm được vài  đồng tiền còm! Đó là cái nghề nhếch nhác nhếch mà những người lương thiện phải làm. Phải làm vì thất nghiệp, vì đói khổ. Đội quân bán vé số dạo không ai thống kê hết, nhưng có lẽ phải hàng trăm ngàn người.
               Đất nước ta rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú, khí hậu ôn hòa, lại  có đảng cộng sản  đỉnh cao trí tuệ lãnh đạo, mà sao dân ta nghèo, phải làm cái nghề nhếch nhác, bấp bênh như vậy? Không biết ở các nước tư bản giẫy chết, như Mỹ, Anh, Pháp có cái nghề bán vé số dạo như ta khống?
              Trên xa lộ 22, chỗ ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn, ngày nào đi ngang qua,  tôi cũng gặp một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi, gầy đét, mặt quắt queo cháy nắng, đứng bán vé số. Ông chỉ còn một chân, một chân đã bị cụt tới đầu gối. Cái chân lành đen đúa như khúc củi xỏ vào chiếc dép , đoạn  chân cụt  kê lên chiếc nạng gỗ. Ông kẹp vào nách chiếc nạng gỗ còn lại, đứng lom khom như con cò, tay cầm  tập vé số chĩa ra đường. Trên ngực áo của ông có gắn chiếc huy hiệu cựu chiến binh, màu đỏ, lóe sáng như một đốm lửa.
            - Anh quê đâu? Tôi hỏi.
            - Dạ Long An!
            - Anh bị thương năm nào, ở đâu ?
            - Dạ  năm 1979, mặt trận 779!
            Tôi nhớ những năm tháng ấy trên biên giới phía Nam, hàng ngàn người lính Việt Nam đã gục ngã trong những khu  rừng bạt ngàn và nhửng cánh đồng đầy mìn sát thương của Trung Quốc. Theo thống kê, gần mười năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, hơn 30.000 cán bộ chiến sỹ ta đã hy sinh, và hàng ngàn người mang thương tật như người cựu chiến binh này. Số phận họ giờ đây ra sao? Bao nhiêu người có mặt trong đội ngũ bán vé số dạo?
              Người thương binh bán vé số nói với tôi, giọng rưng rưng:
             -Thà chết đi còn hơn! Sống lay lắt khổ quá, anh ạ!
             Nhìn người thương binh, tôi biết anh nói thật. Đôi mắt đỏ ngầu kia đã là giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng!
             - Vợ chồng tôi không có ruộng - Anh nói - Vợ tôi quanh năm  làm ruộng thuê, tôi có mỗi cái chân không  lội đìa được, bán vé số suốt ngày có khi không đủ ăn hai  bữa cơm bụi!
               Anh thương binh kể, vì không có tiền mua vé số đi bán, nên anh và một nhóm gần hai chục người, trong đó có 5 thương binh, 3 con liệt sỹ, phải làm thuê cho một đại lý vé số. Đai lý thuê cho họ một gian nhà kho, có một vòi nước tắm, không điện, không giường chiếu. Không bao cơm nước gì hết. Chỉ cho mượn một manh chiếu , một cái mền. Sáng mỗi người nhận một sấp vé số đi bán, chiều về kiểm lại, bán được tờ nào ăn huê hồng tờ đó. Tờ vé số mệnh giá 10 ngàn, được hoa hồng hai ngàn. Mất tờ nào đền tờ đó. Mỗi ngày bán được vài chục tờ vé số, không chắc đủ ăn hai bữa cơm bụi. Có người không may bị bọn lưu manh giật mất cà sấp vé số, phài làm trừ  nợ cả năm chưa đủ. Họ cầu người mua vé số gặp may, trúng độc đắc, cho mình chút  lộc trời!
                  - Đã có ai mua vé số của anh trúng độc đắc chưa?
                  - Chưa!
                  - Những người trong nhóm anh?
                  - Cũng chưa!
                   Người ta quảng cáo nhiều người trúng số độc đắc. Những câu chuyện  trúng số độc đắc lung linh như huyền thoại. Nhưng tôi chưa gặp người mua, bán vé số nào may mắn như vậy. Ngược lại đã chứng kiến sự ngược đãi bất công.
              Một lần, trong một quán cà phê đang đông khách. Một người đàn ông béo tốt, mặt mũi phương phi, vẫy tay gọi chị bán vé số đến, bảo đưa cuốn sổ trúng thưởng. Chị bán vé số cười tươi, hy vọng dò xong, dù trúng hay không, người khách phương phi cũng mua mình vài tờ.
                Người đàn ông móc túi, lấy tập vé số dày cộp, gắn kính lão lên mắt, lấy tay thầm nước bọt, rồi chăm chú lật từng tờ dò tìm. Khuôn mặt lúc đỏ lúc tái, có vẻ hồi hộp lắm.
                Gã bỗng thét lên:
                - Đù má con đĩ ngựa!
                Rồi gã đập tay xuống bàn, xé tập vé số, ném vào mặt chị phụ nữ. Những mảnh vé số bay như bươm bướm. Chị cúi xuống nhẫn nhục nhặt cuốn sồ, mắt ầng ậng nước.
                Gã đàn ông kia coi thầy, bảo mua “con ngựa” sẽ trúng độc đắc. Gã theo “con ngựa” cả tháng, mơ thành tỷ phú, nhưng không trúng, dù chỉ cái giải an ủi, nên gã cáu tiết, trút dận lên người bán vé số dạo.  
                   Nhà báo  Lê Vũ  nói với tôi:
                - Người kém may mắn, lại đi  bán cái may mắn cho  người khác!
                - Ai cũng có quyền  hy vọng!
                -  Hy  vọng  trong  tuyệt vọng! Hình như Hemingway đã nói thế.
                Ngày mai tôi sẽ gặp người thương binh bán vé số ở ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn, nói với anh  như vậy, không hiểu anh có nghe tôi không?
                Trước cửa quán xuất hiện một phụ nữ đeo chiếc loa sắt tây, kéo lê một tấm gỗ đặt trên bốn bánh xe gần sát mặt đất, trên có một cụ già nằm co quắp, một tay ôm chiếc bị, một tay cầm tập vé số. Người phụ nữ vừa kéo xe vừa hát, giọng não nùng:
                            Ngày xưa tay mẹ đào hầm
                      Chở che cán bộ dưới tầm bom rơi!
                            Giặc tan họ tếch đi rồi,
                  Bao nhiêu ơn nghĩa trên đời họ quên!
                        Mẹ ơi nước xuống nước lên,
                  Thói đời đổi trắng thay đen lẽ thường!
                         Lạy Trời Phạt rủ lòng thương!
          Trước cảnh tượng ấy, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ trong bài "Đò Lèn" của Nguyễn Duy: 
Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất
Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn!
            Nghĩ sâu xa một chút, nghe âm hưởng những câu thơ ấy mà đau. Nay không còn bom Mỹ dội đã gần 40 năm, coi như cũng gần một đời người, không bom Mỹ dội. Nhưng tại sao chùa chiền vẫn xây nhiều mà Thánh, Phật đi đâu hết? Ai ở xứ này làm cho Thánh, Phật phát giận, lỉnh mặt quay đi? "Những pho tượng chùa Tây Phương không biết trả lời...Cửa vẫn đóng và cuộc đời im ỉm khóa" (Chế Lan Viên). Con người không còn biết tin vào cái gì, chỉ biết tin vào Chúa, Phật, Thánh, Tiên, nhưng nén nhang cứ cháy, lòng nhân thế vẫn lạnh tanh. 
            Một con mưa bỗng ập xuống. Những giọt nước mưa trái mùa như nước mắt của Trời, như những giọt cảm thương của Phật. Nhưng khi con người sống bên nhau, cũng nhau trên thế gian này mà không có trước có sau, chỉ biết vơ vét về mình vinh thân phì gia đến mấy cũng không thấy đủ, không biết thương nhau, thì Trời, Phật, Thánh, Thần chắc cũng không ôm xuể, phải đành bó tay thôi! Số phận mỗi con người lay lắt trong xã hội cũng bấp bênh, phập phù trông mong sự "ăn may" như những tờ vé số!
(Theo Blog BvBong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét