08:11
Thị trường
giá cả: Đối diện với mặt bằng giá mới
Giá xăng đã chính thức được điều chỉnh
tăng thêm 1430 đồng/lít từ tối ngày 28-3 vừa qua. Với những khó khăn mà nền
kinh tế đang phải gánh chịu, sức mua yếu, hàng tồn kho cao, thì việc giá xăng
tăng đang dội thêm một gáo nước lạnh vào người tiêu dùng và doanh nghiệp sản
xuất. Giới chuyên gia cho rằng, một làn sóng tăng giá ngầm đang trực nổi lên,
khuấy động thị trường giá cả.
Doanh nghiệp lo lắng
Ảnh: T.L
Có thể thấy, tác động đầu tiên của việc
tăng giá xăng chính là ngành giao thông vận tải. Ngay sau tối 28-3, thời điểm
giá xăng được điều chỉnh tăng, các hãng taxi lớn đã phải ngồi lại để bàn xem
giá cước sẽ được điều chỉnh ra sao. Đại diện một hãng taxi cho hay, thực tế
nhiều DN kinh doanh vận tải đã phải ngừng hoạt động vì những khó khăn chung
của nền kinh tế, và việc tăng giá xăng lần này tiếp tục dội thêm gáo nước
lạnh vào các DN trong lĩnh vực này. "Giá xăng tăng cao như vậy, chắc
chắn các DN vận tải sẽ khó khăn thêm bội phần, tất nhiên việc điều chỉnh sẽ
cần phải cân nhắc sớm”. Vị này khẳng định.
Tuy nhiên, dù vẫn đang còn ở thời điểm
cân nhắc, nhưng chủ nhiều hãng taxi cho hay, việc kìm giá cước sẽ không trụ
được lâu bởi xăng dầu chiếm một phần chi phí rất lớn của ngành vận tải
(30-40%). Bởi vậy, cân nhắc, tính toán lại là những việc cần làm nhất hiện
nay của các DN vận tải nói chung. Đó là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Vận
tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.
Hệ lụy nhãn tiền của việc giá xăng tăng
đã rất rõ. Và việc giá cước vận tải cũng đang rục rịch điều chỉnh tăng đang
trở thành mối lo của nhiều DN cũng như người dân bởi nó ảnh hưởng trực tiếp
đến chi phí đầu vào trong sản xuất, sinh hoạt.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tăng giá
xăng dầu, rồi sẽ tăng giá cước vận tải, trong khi năm 2012, các DN thép đã
phải chống chọi với những khó khăn do tồn kho lớn, lãi suất ngân hàng cao…
thì nay, giá cước vận tải tăng sẽ chồng thêm gánh nặng vào những khó khăn mà
ngành thép đang phải gánh chịu.
Ông Đoàn Trọng Lý, Tổng Giám đốc Công
ty Cổ phần chăn nuôi - chế biến xuất nhập khẩu Aprosimec cũng bày tỏ những lo
lắng khi giá xăng tăng. "Giá xăng tăng, cước vận tải sẽ tăng theo là
điều khó tránh khỏi. Và như vậy, một loạt những chi phí về nông sản, thức ăn
chăn nuôi… cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Trong khi ngành chăn nuôi đang phải đối
diện với một loạt những khó khăn do nhu cầu tiêu dùng đã giảm mạnh từ đầu năm
đến nay, thì việc giá xăng tăng lần này sẽ cộng dồn thêm hàng loạt những mối
lo về chi phí đầu vào của các DN ngành chăn nuôi”.
Nhiều DN khi được hỏi đều khẳng định,
rồi đây sẽ phải cân nhắc, tính toán lại để tiết giảm chi phí, do đó việc co
hẹp sản xuất là điều khó tránh. "Nếu không co hẹp sản xuất thì sẽ phải
tăng giá thành sản phẩm. Như vậy, càng không thể tiêu thụ được hàng hóa, vì
đến thời điểm này, sức mua đã quá yếu rồi” - Giám đốc một công ty sản xuất
vật liệu xây dựng bày tỏ.
Vận tải hành
khách và hàng hóa rục rịch tăng giá cước
sau đợt
xăng tăng giá kỷ lục
Ảnh: S. XANH
Người dân hoang mang
Suốt năm 2012, người ta đã chứng kiến
cảnh mỗi lần giá xăng điều chỉnh tăng, là y như rằng, thị trường giá cả
lại thiết lập một mặt bằng giá mới. Và lần này cũng không phải ngoại lệ.
Những ngày này, tại các chợ lớn, bé ở
Hà Nội, người ta chỉ thấy dư luận xôn xao quanh việc giá xăng tăng. Chị Quỳnh
Trang, một tiểu thương ở chợ Thành Công, Hà Nội cho biết, chị chưa có ý định
tăng giá thịt lợn nhưng giá xăng tăng, chi phí đi lại, vận chuyển thịt lợn bị
đội lên, nên chắc cũng phải tăng giá thịt lên một vài giá. Theo chị Trang,
chị cũng như nhiều tiểu thương khác ở các chợ không hề muốn tăng giá thực
phẩm, bởi giá như hiện nay đã rất khó bán hàng, nếu tăng lên thì không biết
có tiêu thụ nổi hàng nữa không.
Trên thực tế, thời gian qua, ngành chăn
nuôi đang rất khó khăn do cầu trên thị trường giảm, giá các sản phẩm thức ăn
chăn nuôi cao đã khiến người nông dân lâm cảnh lỗ lớn. Và tin giá xăng tăng, giá
cước vận tải cũng đang có xu hướng tăng… thực sự là tin dữ đối với người nông
dân. Ông Hoàng Thanh Tuy, nông dân ở Đông Anh, Hà Nội cho biết, thời gian
qua, các hộ nông dân đã vô cùng điêu đứng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao,
và giờ giá xăng tăng sẽ là cái cớ để mặt hàng này đẩy giá lên tiếp, vì bao
giờ cũng liên quan đến chi phí vận chuyển.
"Hiện tượng” CPI tháng 3 âm ở mức
hiếm thấy cho thấy sức mua người dân đã cạn kiệt, sản xuất trì trệ. Tồn kho
hàng hóa vẫn ở mức cao. Giới chuyên gia lo ngại, việc tăng giá xăng sẽ lan
tới các hàng hóa khác là điều khó tránh.
Đó còn chưa kể, từ đầu năm đến nay, thị
trường sữa liên tục chứng kiến các công ty sữa thi nhau đẩy giá. Theo
chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, xăng dầu, sữa… là những mặt hàng thiết yếu
không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Việc các mặt hàng
này "cùng nhau” đội giá sẽ là những cú sốc lớn đánh mạnh vào túi tiền
người tiêu dùng. Và dưới sự cộng hưởng của nhiều yếu tố và tác động dây
chuyền, một làn sóng tăng giá mới trên thị trường giá cả sẽ dội tới.
Cuối cùng, mọi khó khăn sẽ đổ dồn
vào cộng đồng DN và người dân. Để chống chọi lại với "cơn bão giá”,
người dân không còn cách nào khác là phải cắt giảm chi tiêu. Điều này dường
như đang đi ngược với những nỗ lực của các nhà quản lý trong việc giải
thoát hàng tồn kho, kích cầu sức mua suốt thời gian qua (?).
(Theo Đại đoàn kết) Minh Phương
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét