18:45 Chuyện Phí và sự Công bằng
(Dân trí) - Chủ đề được luận bàn sôi sục nhất trong những ngày cuối tháng Ba này vẫn là chuyện Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, với khía cạnh được nhấn mạnh hơn cả là tính công bằng. Như Bác Hồ từng dẫn lời Khổng Tử: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”…
Công bằng xã hội
Vế tiếp theo của lời dạy đó là: “… Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo..." Ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của các bậc tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị cho cả hôm nay và mai sau.
Xét về thực tế liên quan đến chuyện thu Phí hôm nay, cũng có một số ý kiến ủng hộ đề xuất vừa được BT Thăng và Bộ GTVT đưa ra, với lý giải chính rằng: làm vậy là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới văn minh, tạo sự công bằng hơn cho xã hội. Đồng thời cũng là để dân ta phải sống có trách nhiệm hơn khi thực thi những nghĩa vụ của chính mình trước xã hội…
Song từ phía phản đối, nhiều lập luận của bạn đọc chúng tôi nhận thấy khá xác đáng và sát thực. Trước hết, nếu đã là công bằng thì vì sao bên đưa ra là ngành chức năng của Nhà nước (ở đây là Bộ GTVT) lại đề xuất không thu phí với các xe công?
“Đã có quá nhiều ý kiến, song tôi nhận thấy mục đích chính của người dân vẫn là mong sao đảm bảo được sự công bằng trong xã hội. Mọi người dân đều có nghĩa vụ cũng như được hưởng quyền lợi như nhau. Là một người Việt, tôi mong sao Đảng và nhà nước luôn lựa chọn để đưa ra được những chủ trương, chính sách đúng đắn. Chứ còn đề xuất của Bộ GTVT về thu phí như thế này, tôi e rằng chẳng mấy chốc người dân ta có lẽ chỉ còn cách đi bộ” - Người Việt: nguoiviet@gmail.com “Hạn chế phương tiện cá nhân, thế các xe công có phải đóng phí không? Nếu đóng thì lấy tiền ở đâu để đóng, hay lại là tiền ngân sách cũng là từ tiền thuế của dân. Như vậy, người dân vừa phải đóng Phí hạn chế phuơng tiện cá nhân, vừa phải đóng Phí khuyến khích sử dụng xe công sao?” - Công Bộc: nguyenhuy73vn@gmail.com “Buộc người dân tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân phải đóng phí, còn xe công thì lại không phải đóng phí trong khi xe công là đi nhiều nhất. Vậy sao gọi là công bằng? Đó là còn chưa kể tới chuyện hầu như các loại xe công tham gia GT trên đường lại thường đi ẩu hơn. Tôi thật không thể hiểu nổi quy định này dựa trên cơ sở nào và phân biệt đối xử như vậy có thể gọi là vì dân không?” – Mai Lan: nguyenvanchinhgtvt@gmail.com
“Tình trạng kẹt xe ở 2 thành phố lớn hiện nay của đất nước là do những yếu kém về trình độ lãnh đạo, quản lý đã tích tụ từ nhiều năm của ngành GTVT. Bộ trưởng Thăng chỉ là người đứng ra giải quyết hậu quả mà thôi, vậy không nên trút hết những bực tức lên ông ấy.
Vấn đề kẹt xe phải được giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Tuy nhiên các sáng kiến của khi Bộ trưởng Thăng nhậm chức đến nay, tôi thấy chủ yếu xoay quanh hai loại giải pháp:
Thứ nhất là mệnh lệnh hành chính: cách chức các quan chức làm sai, chậm tiến độ thi công, cấm đoán một số việc... Điều này đã phát huy một số tác dụng tốt.
Loại giải pháp thứ hai tựu trung là đánh vào túi tiền của người dân. Người dân sẵn sàng trả thêm tiền để phát triển giao thông, nhưng các giải pháp đưa ra phải mang tính khoa học, tính công bằng cao và phải được đưa ra Quốc hội quyết định. Chứ không thể đưa ra một cách tùy hứng như thời gian vừa qua. Chúng tôi mong Quốc hội họp lần này nên tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng Thăng sau khi ông ấy trình bày các giải pháp của mình” - Nguyễn Quang Thao: nqthaossf@yhaoo.com
Tính cho dân
Mặt khác, đa số người dân cũng nêu rõ: nếu thực sự cần thiết họ sẵn sàng đóng phí nhưng vấn đề là mức phí đưa ra phải hợp lý, được sử dụng minh bạch, đem lại lợi ích chính đáng cho cả nhà nước và nhân dân. Chứ không nên áp đặt theo kiểu đẩy khó cho dân.
“Kính thưa BT GTVT, kính thưa các quí vị độc giả. Tôi đã đọc và theo dõi rất nhiều ý kiến và thấy hầu hết phản đối các loại phí do Bộ GTVT đề xuất. Có lẽ cũng thật dễ hiểu vì trong lúc giá cả gia tăng, nền kinh tế đang gặp khó khăn thế này, thì việc đưa ra các loại phí mới là chưa phù hợp.
Tôi cũng có ô tô đã từ lâu, nên tôi thấy việc đưa các loại phí ra nên xem xét gộp lại. Nhân dân không ngại đóng góp và ủng hộ các giải pháp, miễn là có sự công bằng. Đất nước còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc nhà nước phải lo, mong các vị HÃY VÌ DÂN mà chú trọng hiệu quả của công tác CHỐNG THAM NHŨNG. Vì thất thoát trong xây dưng giao thông đang là vấn đề đặt ra rất gay gắt.
Chúng tôi sẵn sàng đóng phí nhưng phải hợp lý. Chúng tôi mua ôtô từ số tiền chắt chiu, tiết kiệm hàng chục năm mới có chiếc xe để phục vụ kinh doanh, tạo ra ít nhiều việc làm cho người lao động. Chúng tôi đóng thuế má đầy đủ (7-8 loại thuế, phí từ lúc mua xe). Chúng tôi không muốn ra đường nếu không có công việc. Vậy mong các vị suy nghĩ lại cho thật kỹ, sao cho hợp lý và công bằng: đi nhiều nộp nhiều, đi ít nộp ít. Mà như vậy thì thu qua xăng là hợp lý nhất, đối tượng nào dùng vào sản xuất đã có hóa đơn để hoàn thuế. Các vị đừng đẩy khó cho dân nữa. Vài lời góp ý” - Nguyen Duc Chi: ducchi8571294@yahoo.com
Nếu không giải đáp được những thắc mắc về tính công bằng, hợp lý trong giải pháp mang tên gọi là Phí này, thì nỗi ấm ức vì buộc phải đóng thêm tiền một cách vô lý chỉ để tạo thêm những lãng phí rất lớn khác nữa, chắc chắn vẫn còn trong suy nghĩ của nhiều cư dân VN trên cả nước.
“Bỏ tiền ra mua xe, rồi lại phải bỏ tiền ra để nộp phí hạn chế đi xe. Như thế thật là vô lý. Điều trên có nghĩa là mình bỏ tiền ra để hạn chế bớt quyền tự do cá nhân của mình? Xin Bộ trưởng hãy suy nghĩ kĩ trước khi đưa ra quyết định, vì một quyết định của Bộ trưởng không chỉ ảnh hưởng đến rất nhiều người, mà còn tốn kém rất nhiều tiền của nhà nước và nhân dân” - Le Nam Thanh: lethanh_ck1310@yahoo.com
Huyết mạch kinh tế
Dưới đây, chúng tôi xin trích giới thiệu tiếp một số ý kiến nữa của một người trong cùng ngành GTVT, cùng các bạn đọc có lẽ là đều còn trẻ và hiện đang sống xa Tổ quốc – những người có thể đưa đến cho bạn đọc những cái nhìn khác hơn so với những nhận xét, đánh giá chung của dư luận người dân trong nước hiện nay (mà vì điều kiện thời gian và trang báo có hạn, chúng tôi không thể đăng tải hết được tới hàng ngàn ý kiến của bạn đọc gửi tới mỗi ngày phản hồi với mỗi thông tin liên quan tới chuyện Phí).
“Tôi cũng làm giao thông mà làm nhà thầu nữa, nên tôi biết chất lượng và quy hoạch giao thông của nước mình đến mức nào. Tôi cũng đã thấy từ khi bác Thăng đưa ra những sáng kiến, thì gần như tất cả người dân đều… sợ đến mức nào. Qua đọc rất nhiều báo và lời bình luận của độc giả, tôi tin chắc là không có BT nào lại được người dân quan tâm bằng bác Thăng như hiện nay. Xin chúc mừng bác!
Nhưng những điều tôi nghĩ là vẫn cần nói thì có lẽ tất cả người dân và nhiều chuyên gia đều đã nói nhiều rồi. Tôi là một người dân bình thường nên có nói chắc là cũng không tới được chỗ bác BT đầu. Tôi đành chỉ xin mạo muội cược với bác một điều: Tài sản tôi có tuy cũng không nhiều, nếu bán toàn bộ gia sản của gia đình tôi kể cả nhà chắc được khoảng 5 tỷ đồng. Nếu được, tôi xin đem tất cả cược với bác là: nếu sáng kiến ''thu phi hạn chế phương tiện cá nhân'' của bác thành công, thì tôi xin được đưa số tài sản trên để làm một công trình GTNT nào đó cho Dân. Nếu được thì xin bác chấp nhận lời đề nghị này của tôi. Nếu lời đề nghị này có gì không đúng cũng xin bác BT và các quý độc giá thông cảm cho tôi, âu đây cũng là một chút tấm lòng và tình thương mà tôi muốn tỏ bày với người dân nước mình” - Nguyễn Văn Hùng: Nguyenvanhungbb@gmail.com
“Cháu là 1 sinh viên đang học tập tại Nga. Tuy xa VN nhưng cháu luôn đọc và theo dõi mọi vấn đề về GIAO THÔNG VN vì đây cũng là ngành học của cháu. Cháu thấy mọi người đưa ra ý kiến đều có lý, và bộ GTVT thông báo những vấn đề thu phí cũng có những mặt tích cực. Vấn đề nằm ở chỗ mọi người dân có biết là thời điểm đến 01/06/2012 mới áp dụng cơ mà, liệu có phải Bộ GTVT đưa ra và thông báo sớm chỉ để thăm dò dư luận thì sao? Vì thế cháu mong mọi người cứ bình tĩnh, không quá nóng vội trách Bộ trưởng, vì Bộ trưởng cũng làm vì dân và muốn tốt cho dân mà! Chúng ta cứ nghĩ thế đi!” – Tran Du: tran_quang_du@yahoo.com
“Tôi là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, thường tôi cũng chỉ về thăm quê hương 1 hoặc 2 năm 1 lần, nhưng tôi rất quan tâm đến mọi vấn đề đang diễn ra trong nước .Ở nước tôi đang sinh sống, tôi cũng dùng qua 3 đời xe rồi mà chỉ phải đóng đúng 1 thứ thuế khi đăng kiểm xe 2 năm 1 lần. Nhưng bây giờ thì thay đổi luật không phải đăng kiểm xe nữa, chỉ phải đóng tiền mua bảo hiểm dân sự bắt buộc.
Trong khi tôi nhận thấy ở đất nước ta thời gian qua vấn đề này thật là gây nhiều bức xúc cho người dân… Theo tôi, Bộ trưởng Thăng cần có biện pháp khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước nhà chứ không lạm phát sẽ tăng, làm thụt lùi đã phát triển kinh tế đất nước và làm mất lòng tin của người dân…. Tôi góp ý như vậy cũng vì thực sự chỉ mong sao đất nước mình ngày càng giàu đẹp và văn minh mà thôi!” – Phạm Thanh Bình: binhhuyenvp@yahoo.com
“Tôi đang sống và làm việc ở Hàn Quốc. Ở nước bạn hầu như người nào cũng có ô tô riêng và ý thức tham gia giao thông của người Hàn rất tốt. Không bao giờ người ta vượt đèn đỏ, đi trên đường người ta cũng rất hạn chế vượt nhau và đặc biệt là người Hàn không sử dụng còi xe khi tham gia giao thông. Ở đây khi đến ngã ba tất cả đều dừng lại để quan sát và nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên. Ở nước bạn cũng có nhiều con đường nhỏ và hai bên đường cũng có nhiều xe đậu, nhưng hầu như không có chuyện tắc đường.
Nếu ai đã từng đến Hàn Quốc hoặc các nước khác, chắc sẽ cũng như tôi mới thấy rõ ý thức tham gia giao thông của người Việt mình là quá kém. Vậy thì bảo làm sao mà không tắc đường. Tôi nghĩ nhà nước mình nên đầu tư đồng bộ cho tất cả các tỉnh trên cả nước, để mọi người dân đều có thể nhận được những dịch vụ tốt nhất ngay trên địa phương mình sinh sống, thì người ta sẽ không đổ dồn về Hà Nội và thành phố HCM nữa.
Nếu cả nước cùng san sẻ gánh nặng giao thông cho hai thành phố lớn thì sẽ không còn (hoặc giảm thiểu được) chuyện tắc đường. Mà người dân cũng được hưởng nhiều dịch vụ tốt” - Cuong Nguyen: nguyenvietcuong152@yahoo.com
“Chào bác Thăng! Cháu cũng chỉ đáng tuổi con cháu của bác, nên cho phép cháu được gọi bác như vậy. Cháu hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng cháu cũng đang sở hữu 1 chiếc ô tô ở Việt Nam. Cháu vẫn nghĩ bác nên xem xét lại trước khi đưa ra quyết định thu phí trên, bởi theo cháu thì đó chỉ là dùng biện pháp mà theo nhiều người dân gọi là do “không nghĩ ra cách gì” khác, nên nói là Phí hạn chế phương tiện cá nhân thì quả thật là… rất đáng buồn.
Cháu nghĩ, với mức thu nhập như hiện nay của đa số người dân VN thì mức phí đó quả là một con số phải tính toán. Với người có thu nhập cao thì không sao, nhưng với những người có thu nhập cứ cho là trung bình đi thì có lẽ chắc chỉ còn cách báncxe đi để chuyển sang xe bus như bác hô hào. Nhưng với những vấn nạn vẫn tồn tại với xe bus như ở VN, thì chắc chính bác cũng đã quá hiểu là biết đến bao giờ đa số người dân mới dám đi. Vậy có lẽ chỉ còn cách đi bộ cho an toàn. Nhưng nếu để người dân phải chuyển sang đi bộ thì mục tiêu Bộ GTVT đề ra là để giải quyết cái gì ạ? Cháu tha thiết mong BT xem xét lại việc áp phí này” - Dang Dinh Tan: nhattan@yahoo.com
“Tôi là người sống xa quê hương, đi lao động nơi đất khách quê người. Với nỗi buồn của người xa xứ, hàng ngày tôi hay lên mạng đọc báo chí và theo dõi tình hình phát triển của nước nhà. Hiện tôi cũng thấy rất lo vì loại phí mới sắp áp dụng từ ngày 1/6 tới này… Bởi tôi hiểu mỗi năm một gia đình bình thường ở VN đâu có tích góp được bao nhiêu tiền của, vậy mà phải nộp nhiều loại phí thế. Trong khi đó vật giá thì tăng cao do xăng dầu, điện nước… lên giá, viện phí cũng tăng….Đến bây giờ lại thêm cái phí hạn chế xe cá nhân này nữa?
Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế đất nước, hạn chế xe cũng đồng nghĩa với hạn chế giao thông. Thế thì khác gì nói “Máu ơi đừng chảy nữa!”… Lẽ nào lại khiến người dân phải đi ngược với xu thế phát triển của thời đại, của khoa học kỹ thuật, thưa BT ĐLT?...” - Tran Thanh Hai: phuongxa_90@yahoo.com
Tựu trung lại, có tới 99,99% phản hồi của bạn đọc cũng chia sẻ những suy nghĩ, nhận xét và đánh giá như của các bạn đọc nêu trên. Cũng như bạn đọc, chúng tôi chỉ còn biết mong các quý vị ở ngành GTVT nói chung và Bộ trưởng Đinh La Thăng nói riêng có thể bớt chút thời gian lưu tâm tới những ý kiến này từ phía người dân. Để nếu có thể, mong các vị suy xét lại sao cho mỗi đề xuất mới của mình đều trước hết đảm bảo được hai yếu tố: Hợp lý và công bằng!
Khánh Tùng |