Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

21:32
SOPA: Kẻ hủy diệt các đại gia công nghệ
(VEF.VN) - Nếu dự luật chống xâm phạm bản quyền nội dung số (SOPA) được thông qua, chúng ta có thể sẽ phải nói từ biệt vĩnh viễn với Wikipedia, Youtube, hay thậm chí là cả Facebook, Yahoo, Google,...
Bản dự luật phá hủy ý nghĩa của Internet
Có tên đầy đủ là Stop Online Piracy Act (SOPA), dự luật đang gây ra nhiều tranh cãi trong Quốc hội Mỹ được lập ra với mục đích chống lại nạn xâm phạm bản quyền nội dung âm nhạc, phim ảnh, thông qua việc trao cho bên nắm giữ bản quyền được phép cô lập và đóng cửa các trang web, hoặc các dịch vụ trực tuyến có chứa đựng, dung túng hoặc có liên quan đến những nội dung bị xâm phạm đó.
Nếu được thông qua, SOPA và PIPA (Protect IP Act - về sở hữu trí tuệ) cho phép Chính phủ Mỹ đơn phương kiểm duyệt và xóa sổ trang web nước ngoài, ngăn cản người dùng truy cập vào những website chứa nội dung "lậu", cung cấp cho chủ sở hữu nội dung gốc quyền thực hiện các vụ kiện chống lại nhà khai thác, khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành tội phạm nếu vô tình sử dụng nội dung vi phạm bản quyền...
Theo những gì được trình bày trong SOPA, mọi nội dung được chứng minh là sao chép và phát tán bất hợp pháp, kể cả những đường link chia sẻ file (lậu) trên các diễn đàn, hoặc mạng xã hội của một vài cá nhân. Chưa hết, chủ sở hữu của những trang web nói trên cũng sẽ bị truy tố hình sự, và phía chính quyền còn được quyền tịch thu mọi lợi nhuận có được trên trang web đó, cũng như ra lệnh cho các công cụ tìm kiếm (Google, Yahoo, Bing...) chặn đường dẫn đến các trang web này.
Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet đồng loạt 'tắt điện' để phản đối SOPA, cho mọi người thấy viễn cảnh một ngày không có thể tiếp cận các thông tin miễn phí trên Internet.
Một cách khái quát, nếu như một trang web ở bất kỳ nơi nào trên thế giới có những hành động vi phạm bản quyền, thì tòa án tại Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đâm đơn khởi kiện trang web đó. Và nếu Tòa án kết luận trang web này vi phạm điều luật SOPA, thì tòa án sẽ ra lệnh cho các nhà cung cấp internet (ISP) tại Mỹ "chặn" để người sử dụng không thể truy cập đến trang web này, và khiến nó không thể truy cập vào từ Mỹ nữa.
Hiện tại, bản dự luật này đang nhận được sự ủng hộ bởi nhiều tập đoàn thương mại lớn, đặc biệt là các hãng phim và sản xuất đĩa nhạc bởi nội dung của dự luật này rất có lợi cho họ. Với sự vận động hành lang từ các tập đoàn, cũng như sự ủng hộ của các chính khách thuộc cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, khả năng dự luật trên được thông qua sẽ là rất lớn.
Tất nhiên, bản dự luật đang bị đa số người dùng Internet cực lực phản đối, nhiều hoạt động đã được đưa ra để "biểu tình" về dự luật này. Hầu hết người sử dụng đều cho rằng SOPA sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các công ty công nghệ và ảnh hưởng đến kinh tế, tăng trưởng và việc làm trong thế kỷ 21. Những công ty thương mại điện tử sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng khả năng tự do ngôn luận và tìm kiếm thông tin của Internet.
"Bản Dự luật này được xây dựng một cách nghèo nàn, khá nguy hiểm và không thực sự giải quyết được các vấn đề về vi phạm bản quyền. Các đạo luật về Internet không nên được thiết lập bởi những kẻ đến từ Hollywood", Jimmy Wales, đồng sáng lập của Wikipedia phát biểu.
Ngày tàn của các ông lớn trong làng công nghệ?
Trên lý thuyết, SOPA và PIPA ra đời nhằm trấn áp vấn nạn vi phạm bản quyền, nhưng bên cạnh ý nghĩa tích cực đó, chúng lại gây tổn hại trực tiếp đến ngành công nghệ và ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận trên Internet. Đồng thời, đạo luật còn khiến những trang chia sẻ thông tin như Wikipedia buộc phải đóng cửa. Hiện tại, Wikipedia đang thực hiện chiến dịch "blackout" trang web của mình, tất cả các bài viết trên Wikipedia tiếng Anh ngoại trừ hai bài viết về SOPA và PIPA đều tự động đưa người sử dụng đến một trang màn hình đen.
Không chỉ những trang chia sẻ thông tin như Wikipedia, hàng loạt các trang web của các ông lớn trong ngành công nghệ, có trị giá hàng chục tỉ USD như Facebook, Twitter, Google, Flickr, eBay, Yahoo,... và mới nhất là Microsoft và Apple cũng đã thể hiện những động thái mạnh mẽ nhằm ngăn chặn SOPA và PIPA được thông qua, bởi họ sẽ là những người chịu tổn hại nặng nề nhất từ đạo luật này.
Ông chủ của Facebook, Mark Zurenberg đã bày tỏ quan điểm phản đối của mình trên Facebook, "Mạng Internet là công cụ mạnh mẽ nhất của con người để mở ra cánh cửa kết nối với thế giới. Chúng ta không thể để những đạo luật thiếu suy nghĩ là mảnh hưởng tới sự phát triển của Internet. Facebook phản đối SOPA, PIPA, và bất cứ đạo luật nào gây tổn hại đến Internet".

Status của ông chủ Facebook đã nhận được nhiều ủng hộ và chia sẻ qua lại trên cộng đồng Facebook.
Lấy một ví dụ đơn giản, đó là dịch vụ chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube. Tại đây, bạn có thể tìm ra hàng loạt những đoạn video ca nhạc, trailer phim hay thậm chí là cả bản hoàn chỉnh của một bộ phim. Tất nhiên, với hàng triệu video được tải lên Youtube mỗi ngày, việc kiểm duyệt từng video là điều không thể. Thông thường, khi phát hiện ra nội dung vi phạm bản quyền, chủ sở hữu bản quyền đó có thể thông báo trực tiếp cho ban quản trị của YouTube để gỡ bỏ đoạn video vi phạm xuống, hay mạnh tay hơn là tự đống xóa cả đoạn video lẫn tài khoản kia mà không cần báo trước.
Tuy nhiên, một khi SOPA có hiệu lực, thì "kẻ chịu trận" sẽ không chỉ là những người cho đăng tải những đoạn video vi phạm bản quyền, mà còn là chính bản thân YouTube. Lý do? Rất đơn giản, vì trang web của họ là "công cụ" tiếp tay để những nội dung số vi phạm bản quyền có cơ hội tồn tại. Chiểu theo đạo luật mới này, YouTube cũng như hãng chủ quản (ở đây là Google) sẽ bị khởi kiện và chịu những án phạt không hề nhẹ nhàng. Kết cục có thể xảy ra là YouTube sẽ vĩnh viễn ra đi vì những lỗi lầm mà họ không hề gây ra.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Facebook hayTwitter nếu một thành viên nào đó của mạng xã hội vô tình hay cố ý để lại một đường link, một đoạn nhạc hay một clip có nội dung vi phạm bản quyền theo luật của SOPA. Và nếu bị phát hiện, Facebook hay Twitter có thể bị kiện vì điều này. Như thế, thay vì đem lại những hiệu ứng tích cực, SOPA có thể trở thành công cụ để các hãng triệt hạ lẫn nhau, và thế giới có thể mất đi một ngành công nghiệp có giá trị khổng lồ, cả về vật chất và tinh thần.
Không chỉ vậy, những tập đoàn công nghệ chỉ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, bên cạnh đó là hàng loạt các doanh nghiệp khác sử dụng Internet để quảng bá thương hiệu, mở rộng kinh doanh, chăm sóc khách hàng,...cũng sẽ bị liên lụy. Internet không chỉ là nơi chia sẻ thông tin, nó còn là một khu vực kinh tế đầy tiềm năng, dự luật SOPA được thông qua cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn sự phát triển của khu vực này.
"Thế giới ngày này cần những nhà lãnh đạo chính trị am hiểu về Internet. Tôi mong người dân Mỹ hãy tìm hiểu về Dự luật này và nói với những chính trị gia đại diện mình rằng, bạn cần họ am hiểu hơn về Internet", Mark Zurenberg viết trên Facebook.
Tương lai của "Thế giới mở" khép lại
Nếu bạn vẫn chưa hình dung ra internet sẽ ra sao khi SOPA được thông qua, thì hãy nghĩ tới Trung Quốc. Với hệ thống tường lửa "Great Firewall of China", người sử dụng internet ở quốc gia đông dân nhất thế giới này hoàn toàn lạ lẫm với YouTube, Facebook hay thậm chí là cả Google Search. Tương tự như vậy với các nước như IranSyria, nơi có hệ thống kiểm soát Internet chặt chẽ tương đương Trung Quốc.
Không chỉ vậy, việc SOPA được thông qua sẽ đóng cửa gần như hoàn toàn cánh cửa dẫn đến kho tri thức miễn phí khổng lồ trên mạng Internet, vốn là một trong những điều tự hào của con người về mạng toàn cầu. Gần như toàn bộ các bài viết trên các trang bách khoa toàn thư mở (đặc biệt là Wikipedia) sẽ bị chặn vì có nội dung vi phạm tác quyền của các tác phẩm đang được bán trên thị trường như sách báo, phim ảnh hay âm nhạc.

Nếu SOPA - "Giấc mơ về một thế giới Internet sạch" của các nghị sĩ Mỹ được thông qua, sẽ đồng nghĩa với sự khép lại của một "thế giới mở".
Như vậy, "giấc mơ về một thế giới Internet sạch" của các nghị sĩ Hoa Kỳ đang ấp ủ cũng đồng nghĩa với sự khép lại của một "thế giới mở", trong đó mọi người có thể tự do chia sẻ, tìm kiếm thông tin hay nói một cách đơn giản là kết nối với nhau.
Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet, thậm chí là làm chậm bước tiến của nhân loại. Tổng thống Mỹ Barack Obama và phó tổng thống Joe Biden hiện cũng đã công khai phản đối thông qua các cuộc phỏng vấn cũng như video trên YouTube đối với SOPA và cho rằng nó sẽ "hủy hoại hoàn toàn bộ mặt của Internet".
Hiện tại, PIPA sẽ được mang ra bỏ phiếu trước SOPA tại Thượng viện Mỹ vào ngày 24-1 tới. Tuy nhiên, với những làn sóng phản đối lớn như hiện nay, Quốc hội Mỹ cần thận trọng, không nên vì lợi ích của một vài doanh nghiệp lớn mà vội vàng tung ra một dự luật "nguy hiểm" có ảnh hưởng tới hơn 2 tỉ người trên toàn thế giới.
Tác giả: Quốc Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét