23:50
Chuyện tình cô gái Chơ Ro và ông tây "quý tộc"
TP - Amaury De Saint Martin người Bỉ gốc Pháp, 37 tuổi, cao thước chín, trắng trẻo, hiền từ. Xuất thân trong một gia đình danh giá, tốt nghiệp trường chính trị danh tiếng, đường công danh đang thênh thang thì anh từ bỏ tất cả, sang Việt Nam đi làm thuê, ở nhà mướn, theo tiếng gọi tình yêu.
Cổ tích giữa đời thường
Một ngày cuối năm Tân Mão 2011, trong một quán ăn nhỏ, ấm cúng giữa thành phố Sài Gòn, Amaury De Saint Martin âu yếm dùng đũa gắp thịt nướng và rau sống cho vợ một cách khéo léo. Anh nói từ lúc sang VN, anh tập ăn đũa rồi ghiền những món ăn Việt lúc nào không hay. Đặc biệt, Amaury rất thích các món ăn dân dã do mẹ vợ nấu, nhất là món chả giò chiên.
Anh tâm sự: “Quê tôi ở Tournai, một thành phố nhỏ, lâu đời của Bỉ. Theo bia lưu niệm của thành phố, dòng họ De Saint Martin là một trong những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Nhà vua phong Nam tước và huy hiệu cho dòng họ De Saint Martin. Các thành viên trong họ tộc đều khắc huy hiệu trên mặt nhẫn và đeo khi đến tuổi trưởng thành".
Căn cứ theo gia phả của dòng họ De Saint Martin thì Amaury là cháu Tướng Đờ Cát. Ông nội Amaury gọi Tướng Đờ Cát là ông cậu. Hồi ức của Amaury về Tướng Đờ Cát không nhiều, hầu hết rời rạc qua lời kể của ông nội anh. Anh nói sau khi trở về Pháp, Đờ Cát được điều động sang Algeria cho đến khi rời quân ngũ vào năm 1959 và mất ở Paris năm 1991. “Ông là người mạnh mẽ, rất quyết đoán” - Amaury nhớ lại.
Nhiều người trong dòng họ De Saint Martin là quan chức cấp cao của thành phố. Bố anh là Chánh tòa tư pháp thành phố Tournai còn mẹ là giảng viên đại học Brussels . “Tôi không theo định hướng của gia đình. Sau khi tốt nghiệp khoa lịch sử Đại học Cathocique De Louvain, tôi sang Paris học chính trị xã hội ở Sciences Po Paris và định cư ở Pháp sau khi tốt nghiệp".
Trong một chuyến công tác, đưa đoàn nhà báo nước ngoài sang Việt Nam cuối năm 2006, Amaury tình cờ gặp Thổ Thị Kim Duyên. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, anh nhận ra đã tìm thấy một nửa đích thực của mình. Trở về Pháp, Amaury liên tục gọi điện, trò chuyện với Duyên hàng giờ. Chị càng lẩn tránh, anh càng quyết tâm chinh phục.
Những gì anh làm nhiều lúc khiến chị nghi ngờ anh là người không bình thường. “Tôi chưa thấy ai điên như anh này” - chị cười.
Biết không thể thuyết phục được người yêu sang Pháp, Amaury quyết từ bỏ mọi thứ để sang cưới Duyên và định cư lâu dài ở Việt Nam , bất chấp phản đối từ phía gia đình. “Dân tộc Việt Nam rất thân thiện, hiền hòa song cũng rất mạnh mẽ, quật cường. Điều đó giúp tôi tự tin hơn khi quyết định ở lại đất nước các bạn” - anh nói.
Kết thúc có hậu
Amaury bộc bạch: "Tôi không thể sống thiếu Duyên. Tôi vô cùng hạnh phúc khi có cô ấy”.
Điều gì đặc biệt ở cô gái Chơ Ro đã cuốn hút, thôi thúc anh đi hơn nửa vòng Trái Đất để tìm chị? Duyên nhà nghèo, quanh năm thiếu ăn. Từ nhỏ, chị ý thức rõ chỉ có một cách duy nhất để thoát nghèo là phải học. May mắn thi đỗ khoa Nhật Bản học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, trong bốn năm đại học, chị đã vắt kiệt sức, làm đủ các nghề để có tiền trang trải chi phí học tập, ăn ở, sinh hoạt… Do nhạy bén, tháo vát, Duyên được một công ty xuất khẩu đồ gỗ nhận vào làm nhân viên bán hàng rồi được đề bạt làm trợ lý giám đốc.
Đó là bước ngoặc lớn trong cuộc đời chị. Chắt chiu, dành dụm, đến năm 2006, Duyên xin nghỉ việc, ra mở công ty riêng, chuyên xuất khẩu đồ gỗ. Rồi chị chuyển sang lĩnh vực trang trí nội thất, trực tiếp lặn lội giám sát thi công.
Thương vợ vất vả, Amaury quyết định san sẻ gánh nặng với chị. Năm 2009, Amaury và Duyên thành lập Công ty truyền thông DSM Communications hoạt động theo chuyên ngành của Amaury. DSM Communications chuyên khai thác các thương vụ, lãnh sự của các nước. Chị là Tổng giám đốc nhưng tình nguyện đứng phía sau chồng (Giám đốc điều hành).
Nhờ có chiến lược kinh doanh đúng đắn, sau gần hai năm thành lập, DSM Communications đã thu hút được hầu hết các thương vụ, lãnh sự tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư giữa VN và các nước trên thế giới.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ càng được nhân lên sau khi hai công chúa lần lượt chào đời. Không có nhiều thời gian chăm sóc con, hai vợ chồng đành cho con đi nhà trẻ lúc các bé mới chín tháng tuổi. Chị kể, những khi rảnh rỗi, Amaury thường tự tay chăm sóc và ngồi lặng hàng giờ ngắm con ngủ. Anh cho các con mang họ mình, riêng tên, quốc tịch Việt Nam và dân tộc thì đặt theo người Chơ Ro.
Amaury còn cất công tìm kiếm, tra cứu hàng nghìn tài liệu, hồ sơ lưu trữ từ các thư viện, …để tìm lại ngôn ngữ, chữ viết của người Chơ Ro. Anh bảo đó là sự tri ân của mình đối với buôn làng đã đùm bọc, cưu mang và nuôi nấng vợ anh nên người.
Huy Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét