18:30
Thế nào là trí thức?
(TNO) Những ngày tết Nhâm Thìn 2012, cộng đồng mạng, đặc biệt là các blogger..., đã bàn tán và tranh luận không ngớt quanh phát biểu của giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu về định nghĩa "trí thức".
Những tranh luận được mô tả là "sôi sùng sục" này bắt nguồn từ một đoạn phát biểu của GS Ngô Bảo Châu trên một tờ báo:
"… Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng...".
Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức". Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc | |
GS Ngô Bảo Châu |
Blogger Quê Choa (tức nhà văn Nguyễn Quang Lập) tỏ ra "bứt rứt không yên" trước phát biểu này và đưa ra ý kiến "phản hồi": "Không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc, cũng như không thể nghĩ giản đơn con người là động vật biết tư duy".
Để "thay lời muốn nói", blogger Quê Choa đã trích dẫn bài viết của một blogger khác có tựa đề "Trách nhiệm trí thức", bàn khá sâu về định nghĩa "trí thức".
Bài viết này có đoạn: "Trí thức là một quy chuẩn giá trị, không phải là một quy chuẩn nghề nghiệp. Một người lao động trí óc chỉ là một chuyên viên, một công chức, một học giả, một nhà khoa học. Dù thành quả lao động của anh ta lớn đến đâu, đẳng cấp chuyên môn của anh ta cao đến đâu, nhưng anh ta vẫn không phải là trí thức cho đến khi thực hiện trách nhiệm xã hội của mình".
Không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc, cũng như không thể nghĩ giản đơn con người là động vật biết tư duy | |
Blogger Quê Choa |
Tác giả bài viết trên cho rằng: “trí thức” đã bị đánh đồng với chuyên viên, học giả, công chức.
Những dòng “bứt rứt” của blogger Quê Choa cùng bài viết “Trách nhiệm trí thức” vừa đề cập đã kéo theo hàng trăm ý kiến khác nhau để đi tìm lại định nghĩa của hai chữ “trí thức”.
Theo một blogger có nickname Khoai thì “Trí thức là những người có tri thức, có khả năng nhận thức nhanh nhạy, hiểu biết và nắm được quy luật vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng, quá trình… trong các lĩnh vực nhất định. Họ lao động nhiệt huyết và sáng tạo chủ yếu bằng trí óc. Những thành quả lao động của họ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của xã hội, đất nước”.
Phát biểu của GS Ngô Bảo Châu về khái niệm trí thức và phản biện xã hội đã làm xôn xao cộng đồng mạng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Một blogger khác thì cho rằng trí thức phải hội đủ 2 điều kiện. Điều kiện cần: người có học vấn. Điều kiện đủ: dám dấn thân, có trách nhiệm và nghĩa vụ đấu tranh cho lẽ phải, chân lý vì sự tiến bộ của cộng đồng.
Thước đo để đánh giá một người có là trí thức đích thực hay không cần phải dựa vào hành động của họ gắn với thực tiễn lịch sử.
Về vấn đề trí thức và phản biện xã hội, một số cư dân mạng nhận định, không nhất thiết phải gán ghép “phản biện xã hội” với “trí thức”.
Một blogger trong số này lập luận: “Trí thức” là một tầng lớp xã hội, họ có trách nhiệm nghiên cứu, tìm tòi cái mới trong lĩnh vực chuyên môn của mình. “Phản biện xã hội” là hành động của những người có chính kiến và nghĩa khí, sẵn sàng lên tiếng đối với các vấn đề, sự việc không đúng xảy ra trong xã hội. Và các tầng lớp xã hội khác vẫn làm được chứ không riêng gì trí thức.
Trí thức là sự cảm nhận của người khác, là sự quan sát, nhận định từ bên ngoài, đánh giá một con người dựa vào những tiêu chí mà người quan sát, nhận định có sẵn trong đầu. Nếu không thấy được cái đặc điểm này thì cứ tranh cãi miết không dứt về hai chữ trí thức | ||
Blogger Nguyễn Vạn Phú | ||
Blogger Nguyễn Vạn Phú thì cho rằng: Trí thức cũng là một khái niệm tương tự theo nghĩa không ai có thể tự gán cho mình danh nghĩa trí thức được cả.
Trí thức là sự cảm nhận của người khác, là sự quan sát, nhận định từ bên ngoài, đánh giá một con người dựa vào những tiêu chí mà người quan sát, nhận định có sẵn trong đầu. Nếu không thấy được cái đặc điểm này thì cứ tranh cãi miết không dứt về hai chữ trí thức, theo Blogger Nguyễn Vạn Phú.
Blogger này phân tích thêm: “Như vậy lao động trí óc là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cái điều kiện đủ nó rất phong phú, tùy thuộc vào sự cảm nhận của người đánh giá.
Với người này, đó là phong cách sống, là ứng xử với thế sự và nhân cách con người. Với người khác, nó có thể đơn giản là trách nhiệm với gia đình, với mọi người chung quanh. Nhưng với xã hội lớn nói chung, cái điều kiện đủ đó chính là sự minh định rõ ràng tư thế, quan niệm, lập trường trước các vấn đề của xã hội. Nó không phải đơn thuần là sự phản biện (hiểu theo nghĩa cứ ai chăm chăm phê phán nhà nước là trí thức thì nông cạn quá). Phản biện chỉ là một phần và là một phần quan trọng trong tâm thế của một con người trước muôn vàn vấn đề của cuộc sống"...
Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, trí thức (TT) là tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong đó, bộ phận chủ yếu là những người có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh. TT bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên, thầy giáo, thầy thuốc, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ... TT xuất hiện cùng với việc tách lao động trí óc khỏi lao động chân tay, phát triển cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. TT không phải là một giai cấp riêng vì nó được thu hút từ nhiều giai cấp khác nhau, không có vị trí riêng trong hệ thống sản xuất xã hội. TT nói chung, thường nhạy cảm với cái mới, tiếp thu và truyền bá những tư tưởng cách mạng, tiến bộ trong nhân dân, có vai trò rất lớn đối với sự phát triển lịch sử, nhất là trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay… |
Trí Quang
(tổng hợp
(tổng hợp
Tôi nghĩ “Quê choa” đã có sự lầm lẫn hoặc ngộ nhận. Trí thức không đồng nhất với chính trị. Không thể bắt trí thức là phải làm chính trị. Anh coi mình là trí thức thì mọi người sẽ hiểu anh có một chuyên môn, ngành nghề gì đó vể KHKT … Nếu những chuyên môn đó anh không làm tốt, không có sản phẩm mang lại lợi ích cho cộng đồng thì anh có giỏi phản biện hay phản kháng đến đâu cũng chẳng ai coi anh là trí thức. Không thể đòi hỏi một người chuyên nghiên cứu về giống lúa lại phải am tường về chính trị để có phản biện về lĩnh vực này. Khi anh phản biện một lĩnh vực không am hiểu (chẳng hạn về lãnh đạo, sử dụng con người, vận động quần chúng vv…) thì vô hình chung sẽ thành kẻ phá hoại. Muốn phản biện xã hội phải am hiểu về khoa học xã hội nhân văn. Mong “Quê choa đừng lấy chiêu bài này để lôi kéo trí thức theo quan điểm riêng của mình. Tôi đồng ý với giáo sư Ngô Bảo Châu. Ông chính là một trí thức chân chính!
Kinh Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét