Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

10:31

Thu hút đầu tư nhìn từ những dự án tỷ USD
(VEF.VN) - Nhiều dự án tỷ đô đã đổ vào lĩnh vực công nghệ cao tại do ngành này được Việt Nam ưu đãi rất lớn. Bên cạnh những dự án thành công, một số dự án đã bị thu hồi giấy phép hoặc phải tạm ngừng hoạt động. Đó là một thực tế buộc chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc thực thi và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn tới.
Không thành hiện thực
Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của tập đoàn First Solar (Mỹ) đầu tư vào TPHCM đầu năm 2011 với số vốn 1,2 tỉ USD, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2012.
Tuy nhiên sau tám tháng triển khai, dự án này hiện đã bị dừng. First Solar phải dừng dự án do sự mất cân bằng về cung-cầu trong việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời trên thế giới. Chủ đầu tư cho biết, dự án này sẽ tạm ngưng cho đến khi có nhu cầu của thị trường. Trong thời gian này, First Solar vẫn sẽ hoàn thiện việc xây dựng nhà máy, nhưng sẽ tạm hoãn tuyển dụng nhân công mới và nhập khẩu thiết bị cho đến khi dự án được tái khởi động.
Các nguồn tin khác lại cho biết, dự án bị ngừng lại là do tính toán sai nhu cầu về điện mặt trời trên thế giới của First Solar. First Solar cho rằng sẽ có sự bùng nổ trong việc sử dụng pin mặt trời. Vì thế đã lên kế hoạch đầu tư mạnh thêm nhà máy mới ở Việt Nam để sản xuất pin mặt trời. Ngoài ra công nghệ mà First Solar chọn phát triển đã không còn là tối ưu và hiện đại nhất.
Nếu như thế, dự án này không biết đến khi nào mới tái khởi động. Đó thực là một thất vọng lớn nếu nhớ lại những kỳ vọng lớn lao ngày dự án này được cấp phép và khởi công xây dựng
Dự án Công viên Phần mềm Thủ Thiêm mới đây đã bị thu hồi giấy phép sau hơn 2 năm được cấp phép đầu tư. Đây là dự án có tổng số vốn đầu tư ban đầu là 1,2 tỉ USD và nếu hoàn tất sẽ là khu công viên phần mềm lớn nhất khu vực ASEAN vào thời điểm được cấp giấy phép. Theo dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, dự án sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2012.
Nhưng cuối 2011, dự án cũng bị thu hồi giấy phép đầu tư do triển khai chậm, không thanh toán tiền thuê đất chỉ khoảng một triệu USD và các khoản lãi phát sinh do việc thanh toán chậm trễ.
UBND TP.HCM đã ra quyết định rút giấy phép đầu tư đối với dự án này sau nhiều lần làm việc không thành giữa các cơ quan chức năng với chủ đầu tư. Qua tìm hiểu được biết, dự án triển khai chậm được cho là do đối tác nước ngoài gặp khó khăn về tài chính.
Những thành công ban đầu
Bên cạnh những dự án không thành hiện thực thì vẫn có nhiều dự án đang phát triển nhanh và có hiệu quả.
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức khai trương nhà máy sản xuất đầu tiên của mình vào ngày 28/10/2009, với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến gần 700 triệu USD. Đây là nhà máy sản xuất ĐTDĐ có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam và cũng là nhà máy sản xuất ĐTDĐ lớn thứ 2 trên thế giới, cung cấp ĐTDĐ cho thị trường toàn cầu.
Hiện nay, hơn 95% sản phẩm điện thoại di động của SEV đã được xuất khẩu đi châu Âu và một số nước châu Á. Trong đó, riêng một số sản phẩm mũi nhọn như Galaxy SII, xuất khẩu tới 99%. Không chỉ là nhà sản xuất, lắp ráp các sản phẩm đầu cuối, SEV đã thu hút được 30 dự án vệ tinh, với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.
Theo kế hoạch, Samsung  sẽ kéo 200 công ty vệ tinh, trong đó 50% là của Việt Nam, tới để cung ứng nguyên phụ liệu cho nhà đầu tư này.
Mới đây Công ty điện tử Samsung Vina lại đưa thêm dây chuyền sản xuất điện thoại di động thứ hai tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đi vào hoạt động nhằm nâng công suất lên 100 triệu chiếc trong năm 2012. Giá trị xuất khẩu trong năm 2011 của Samsung đạt gần 5 tỷ USD.
Samsung đã quyết định tăng vốn cho dự án từ mức 670 triệu USD hiện nay lên mức 1,5 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử, điện máy tại Việt Nam.
Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất trong mạng lưới của Intel và cũng là nhà máy sản xuất chip bán dẫn đầu tiên của Việt Nam chính thức được khánh thành ngày 29/10/2010, sản xuất những chipset di động mới nhất của Intel dùng cho máy tính xách tay, thiết bị di động và thời gian tới là những bộ vi xử lý. Đây là một nhà máy không chỉ lớn đối với Việt Nam mà một cơ sở tầm cỡ thế giới mà nhiều nước thèm muốn.
Các sản phẩm từ nhà máy của Intel Việt Nam hiện nay đã xuất đi nhiều nước trên thế giới.  Ông Paul Otellini, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Intel cho biết,  "Khách hàng toàn cầu của Intel sẽ sử dụng chính các sản phẩm được lắp ráp từ nhà máy tại Việt Nam để tạo ra những công nghệ có thể làm thay đổi thế giới".
Hai năm qua, hơn 150 nhân viên Việt Nam, gồm các kỹ sư và kỹ thuật viên đã được Intel cử đi đào tạo ở Malaysia, Trung Quốc và Mỹ để khi về sẽ làm việc tại nhà máy Intel Việt Nam. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng được Intel cam kết đào tạo góp phần phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Canon là một tập đoàn đa quốc gia của Nhật bản, một công ty trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm về hình ảnh và quang học, bao gồm máy Camera,máy Photocopy và máy in.Tập đoàn Canon có các nhà máy ở khắp thế giới. Canon Việt Nam là một trong những công ty thuộc tập đoàn, hiện nay có các nhà máy tại KCN Thăng Long, KCN Quế Võ, KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), KCN Phố Nối A (Hưng Yên).
Tập đoàn Canon đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 300 triệu USD, sản xuất các sản phẩm về hình ảnh và quang học, bao gồm máy Camera, máy Photocopy và máy in. Tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh), Canon đã đầu tư 1 trung tâm sản xuất máy in laser lớn nhất thế giới, sản lượng 700.000 sản phẩm/tháng, bằng khoảng 80% tổng lượng máy in laser mà Canon đang sản xuất mỗi năm và đáp ứng khoảng 35% cho thị trường xuất khẩu. Canon có kim ngạch xuất khẩ khoảng 1 tỷ USD trong năm 2011.
Thời gian qua, Panasonic đã không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc thành lập các công ty và nhiều dự án lớn trên cả nước. Tính đến tháng 8/2011, nhóm công ty Panasonic tại Việt Nam gồm có 6 công ty, bao gồm 1 công ty mẹ chủ quản, 4 công ty sản xuất và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao (PRDCV), với tổng số nhân viên lên đến trên 8.200 người. Năm 2012, Panasonic cũng sẽ khánh thành một nhà máy mới chuyên sản xuất máy giặt tại khu công nghiệp Thăng Long 2 (tỉnh Hưng Yên). Với quy mô lớn nhất châu Á, nhà máy này đặt mục tiêu sản xuất 700.000 sản phẩm/năm vào năm 2015.
Song hành cùng nhà máy này, một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng sẽ được thành lập tại Hưng Yên nhằm nghiên cứu, phát triển những sản phẩm điện gia dụng phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy và trung tâm R&D sẽ góp phần tạo ra hơn 1.000 việc làm cho người dân địa phương.
Panasonic cũng có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam. Trong quý 3/2011, Panasonic đã khởi công xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội phục vụ cho nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng của điện thoại thông minh. Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất từ tháng 8/2012. Đây là nhà máy thứ ba sản xuất bo mạch công nghệ cao của Panasonic ngoài Nhật Bản và Đài Loan.
Ông Shinichi Wakita nói việc mở rộng đầu tư này đã tái khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam của tập đoàn Panasonic.  Với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm ở mức hai chữ số trong giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, mục tiêu doanh thu của Panasonic tại thị trường Việt Nam là 1 tỷ USD.
Để có thêm nhà đầu tư mới
Mới đây, tập đoàn Kyocera Mita (Nhật Bản) đã khởi công tại Hải Phòng nhà máy sản xuất máy in, máy photocopy, các sản phẩm đa chức năng và thiết bị ngoại vi cho văn phòng với công suất hằng năm là ba triệu sản phẩm, giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Dự án này có vốn đầu tư gần 200 triệu đô la và thu hút hơn 5.000 người lao động. Đây là nhà máy lớn thứ hai của Kyocera Mita sau nhà máy ở Trung Quốc, dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào cuối năm sau.
Nokia nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, cũng đã quyết định đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 280 triệu USD cho giai đoạn đầu và dự kiến đưa nhà máy đi vào hoạt động vào đầu năm 2012. Việc Nokia chọn đầu tư vào Việt Nam mà không phải là Indonesia, Thái Lan hoặc Malaysia vốn là những nước có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất đồ điện tử cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm hấp dẫn về đầu tư.
Theo ông Trần Quang Hùng - Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, đang có xu hướng chuyển các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á sang Việt Nam.
Lý do là Việt Nam hiện có quỹ đất lớn với nhiều vị trí đẹp, thuận lợi cho sản xuất điện tử và giá công nhân rẻ. Bên cạnh đó sản xuất điện tử được coi là lĩnh vực công nghệ cao nên Việt Nam có các chính sách ưu đãi lớn. Trong khi đó tại các nước như Trung Quốc, Malaysia... giá thuê đất, giá nhân công tăng vì vậy Việt Nam trở nên có lợi thế.
Tất cả các dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử  sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Lúc đầu các sản phẩm sản xuất chủ yếu để xuất khẩu, nhưng khi các DN trong nước và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần thì có thể sử dụng ngay tại chỗ. Bên cạnh đó với việc sử dụng nhiều nhân công, sẽ tạo điều kiện để Việt Nam có được đội ngũ lao động trong ngành điện tử được đào tạo. Đây chính là những hiệu quả to lớn mà đầu tư nước ngoài mang lại.
Tuy nhiên đầu tư vào nhiều, nhưng theo ông Hùng, chủ yếu các DN vẫn chỉ sử dụng đất đai và lao động tại Việt Nam là chính. Việc sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ rất ít, chủ yếu vẫn nhập khẩu và chỉ gia công tại Việt Nam, vì vậy hiện tại giá trị gia tăng còn rất thấp.
Cũng theo ông Hùng việc các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào sản xuất linh kiện điện tử là cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện tử của mình. Nhưng chỉ sản xuất linh kiện không thì chưa đủ. Để có được ngành công nghiệp điện tử thì cần có đội ngũ các nhà thiết kế có chất lượng, điều này Việt Nam lại rất yếu.
Qua điều tra của Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam thì trong 10 năm qua, các DN đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử hầu như không đào tạo đội ngũ thiết kế. Họ chỉ đào tạo lao động trông coi dây chuyền sản xuất, công nghệ và sửa chữa bảo hành.
Bản thân các trường đại học của Việt Nam cũng chạy theo nhu cầu này của Doanh Nghiệp và gần như không có đào tạo về thiết kế. Nếu không có đội ngũ thiết kế, Việt Nam khó có sản phẩm của riêng mình. Vấn đề này đã nhiều lần Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam đã đề cập với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay sự quan tâm vẫn chưa đúng mức - ông Hùng cho biết.
Vì thế, với quan điểm tập trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Việt Nam cần phải giải quyết một "điểm nghẽn" là chất lượng nguồn nhân lực. Hiện, Việt Nam vẫn còn thiếu lao động có kỹ năng, thiếu năng suất và hiệu quả, cũng thiếu cả năng lực quản lý. Do đó, mục tiêu trong 10 năm tới phải tập trung vào đào tạo con người và đào tạo nghề. Nếu không thành công mục tiêu này thì Việt Nam không thể đạt được các mục tiêu khác.
Tác giả: Trần Thuỷ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét