Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

23:50

Chiến lược Châu Á của Trung Quốc sẽ đi về đâu?

 

(VTC News) - Trung Quốc trỗi dậy nên định vị quốc gia như thế nào và lựa chọn chiến lược quốc gia như thế nào tại Châu Á? Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ giữa các quốc gia tại Châu Á, đặc biệt là quan hệ Trung - Mỹ cũng như thay đổi và phát triển của trật tự Châu Á.

Hiện nay, trật tự Châu Á vẫn là Châu Á của người Mỹ. Tuy trên ý nghĩa địa lý Mỹ không phải là quốc gia Châu Á nhưng trên ý nghĩa trật tự và chiến lược Châu Á thì Mỹ đúng là quốc gia Châu Á. Bởi Mỹ là quốc gia định ra và bảo vệ trật tự Châu Á. Trật tự Châu Á vẫn lấy Mĩ làm trung tâm. Mỹ vẫn là quốc gia cầm chịch trật tự Châu Á.

Trật tự Châu Á được hình thành từ Chiến tranh Lạnh. Tuy trật tự này nhiều lần thay đổi theo thời gian nhưng khung cốt lõi và cơ bản không hề thay đổi.
Mỹ là quốc gia Châu Á?
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, do mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô được công khai hóa, thế giới chia làm đôi: một bên là phe chủ nghĩa tư bản do Mỹ đứng đầu còn một bên là phe chủ nghĩa xã hội do Liên Xô đứng đầu. Giữa hai phe là bức màn sắt ngăn cách đông tây. Bức màn sắt này bắt đầu từ vĩ tuyến 38 tại bán đảo Triều Tiên ở phía đông Châu Á, theo phía tây đi qua Nhật Bản, eo biển Đài Loan, Việt Nam và thẳng đến Ấn Độ.

Để ngăn chặn Liên Xô và Trung Quốc, Mỹ và các nước đồng minh Châu Á đã xây dựng quan hệ đồng minh quân sự đảm bảo an ninh giống như NATO tại Châu Âu. Về kinh tế, ngoài viện trợ lớn, Mỹ còn mở cửa thị trường. Từ đó đã tạo nên kỳ tích kinh tế của Nhật Bản và 4 con rồng nhỏ Châu Á. Về chính trị, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã lần lượt sao chép chế độ dân chủ của Mỹ.

Những năm 70 của thế kỷ trước, do mâu thuẫn giữa Trung - Xô và quan hệ Trung - Xô bị phá vỡ, quan hệ Trung - Mỹ được cải thiện. Trung Quốc được tiếp nhận vào trật tự Châu Á của Mỹ, trở thành quốc gia gần như thành viên của trật tự này. Quan hệ giữa các quốc gia Châu Á như quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc có xu thế hòa dịu và phát triển.

Cuối cùng, do Liên Xô tan giã, phe chủ nghĩa xã hội giải thể. Trật tự do Mỹ đứng đầu giành được thắng lợi cuối cùng trên phạm vi toàn thế giới, trong đó cũng bao gồm thắng lợi tại Châu Á.
Mỹ - Nhật luôn gìn giữ quan hệ đồng minh 
Sau những năm 90 của thế kỷ trước, Châu Á bước vào thời kỳ tương đối hòa bình và kinh tế phát triển mạnh mẽ. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và các nước Châu Á phát triển nhanh chóng. Quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế kéo theo tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực phát triển. Còn tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực phát triển lại đưa Châu Á phát triển theo hướng nhất thể hóa và phương tây hóa về chính trị.

Bão táp tài chính tiền tệ Châu Á khiến các quốc gia Châu Á thức tỉnh. Họ nhận thức được sự phát triển của Châu Á không thể dựa vào Mỹ mà chỉ có thể vào dựa vào chính mình. Nên nhận thấy đây là sự thức tỉnh của cả Châu Á, là thời đại Châu Á trỗi dậy, một thời đại Châu Á là người Châu Á, Châu Á trở thành khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất trên thế giới. Trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Nhưng cùng với sự trở lại Châu Á của Mỹ, thời đại hoàng kim này đang đứng trước nhiều thách thức.

Tuy Mỹ đang suy thoái nhưng Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất trên thế giới hiện nay và là quốc gia chủ đạo trong hệ thống quốc tế. Do đó, mục tiêu chiến lược của Mỹ là duy trì địa vị lãnh đạo của nước này trên thế giới, bất cứ nước lớn hay nước nhỏ trỗi dậy nào đều có thể là mối đe dọa của Mỹ. Mỹ quay trở lại Châu Á, chuyển mục tiêu chiến lược toàn cầu sang Châu Á, khóa chặt Trung Quốc. Mục đích chính là khẳng định lại vị trí chủ đạo của Mỹ tại châu lục này, tăng cường và củng cố trật tự Châu Á do Mỹ đứng đầu.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược, Mỹ thực hiện một số chính sách sau:

Thứ nhất
, cổ xúy thuyết mối đe dọa Trung Quốc khiến các nước các quốc gia Châu Á cảnh giác và lo lắng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai
, gây ra mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các quốc gia xung quanh, quốc tế hóa các vấn đề mang tính khu vực và vấn đề do lịch sử để lại.

Thứ ba
, thúc đẩy ngoại giao quan niệm giá trị, nối lại quan hệ đồng minh cũ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, hình thành vòng vây hình vòng cung đối với Trung Quốc từ ba phía đông, nam và tây. Vòng vây này gần giống như bức màn sắt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đẩy Trung Quốc vào bối cảnh quốc tế bị cô lập và bất lợi.

Thứ tư, lần lượt tổ chức tập trận với các quốc gia tương ứng tại biển Đông, biển Hoàng Hải, gây nên va chạm và khủng hoảng.

Cùng với chiến lược trở lại Châu Á của Mỹ, Châu Á đang trở lại trật tự do Mỹ đứng đầu. Cốt lõi của trật tự này là quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, cộng thêm Hàn Quốc, Úc, có thể còn có Ấn Độ. Khung của trật tự này là vòng vây hình vòng cung bao vây Trung Quốc hay còn gọi là chuỗi đảo thứ nhất. Mục đích của trật tự này là cô lập và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Từ đó hình thành cái gọi là cân bằng chiến lược.
Mỹ - Hàn tập trận tại biển Hoàng Hải vào 9/2010 
Đứng trước vòng vây chiến lược của Mỹ, Trung Quốc trỗi dậy nên lựa chọn như thế nào? Có thể thấy, hiện nay Trung Quốc có 3 lựa chọn chiến lược.

Thứ nhất, đối đầu và thay thế. Hiện nay Trung Quốc chưa thực sự đủ sức mạnh để làm điều này. Ở một góc độ nào đó, cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc có thể coi là mượn cớ dư luận ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. Do đó, thuyết mối đe dọa Trung Quốc trên thực tế cũng là thuyết đe dọa Trung Quốc.

Thứ hai, hội nhập vào hệ thống Châu Á hiện có, từng bước thay đổi trên nền tảng trật tự này để trật tự này trở nên bao dung và cởi mở hơn. Trên thực tế, Trung Quốc trỗi dậy chính là kết quả Trung Quốc hội nhập trật tự Châu Á hiện có. Hơn nữa, Trung Quốc và các quốc gia Châu Á có liên kết chặt chẽ, không thể chia rẽ về kinh tế.

Tuy nhiên, do nghi ngờ và lo lắng về Trung Quốc trỗi dậy, khác biệt về quan niệm giá trị cũng như những khiêu khích từ hai nước Mỹ và Nhật Bản, tiến trình nhất thể hóa kinh tế của các quốc gia Châu Á bị thay thể bởi xung đột và đối lập. Có thể nói, Trung Quốc ngày càng bị cô lập.

Thứ ba, trở lại với chính sách "cô lập vinh quang", tránh xung đột, tập trung phát triển. Lựa chọn thứ ba này giống với bối cảnh và đối sách của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Mỹ từ con nợ trở thành chủ nợ, từ quốc gia nhập khẩu tư bản trở thành quốc gia xuất khẩu tư bản. Tổng thống Mỹ khi đó là
Woodrow Wilson đã đưa ra kế hoạch 14 điểm, cố gắng đưa Mỹ bước vào trung tâm vũ đài chính trị quốc tế nhưng gặp phải sự phản đối từ các cường quốc phương tây. Lúc đó, Mỹ lựa chọn quay trở lại với chính sách chủ nghĩa cô lập, dốc sức phát triển đất nước, đưa ra tư tưởng làm kinh tế bằng chính trị. Từ đó đã xuất hiện thời kỳ đại chuyển đổi, đại cách mạng và đại thịnh vượng trong lịch sử đất nước Mỹ, lịch sử gọi là "thịnh vượng Coolidge", giúp nền kinh tế Mỹ có được sự phát triển vượt bậc, người Mỹ bước vào "cuộc sông hạnh phúc hiếm có trong lịch sử nhân loại", đặt nền móng vững chắc cho Mỹ bước lên vũ đài chính trị quốc tế.
Trung Quốc sẽ lựa chọn như thế nào? 
So sánh ba lựa chọn chiến lược này, lựa chọn thứ ba xứng đáng là lựa chọn hàng đầu. Bởi như vậy một mặt có thể đảm bảo ổn định và thịnh vượng tại Châu Á, đưa Châu Á trở thành khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới; mặt khác đối với Trung Quốc, có thể đảm bảo Trung Quốc có được môi trường quốc tế hòa bình với cái giá thấp nhất.

Tuy nhiên, điều này còn được quyết định bởi thay đổi trong quan hệ Trung - Mỹ cũng như lựa chọn lý tính của các quốc gia Châu Á.

Sáng Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét