Vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt đang “tăng tốc”Cập nhật lúc 09:45Vaccine Covid-19 dạng xịt được thiết kế để đưa vaccine vào niêm mạc mũi và họng, nơi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, và cung cấp phản ứng miễn dịch. Đây không phải lần đầu có loại vaccine dưới dạng xịt qua đường mũi…Cho đến nay, mọi loại vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng đều được tiêm vào bắp tay. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu một phương pháp sử dụng vaccine khác, đó là vaccine dạng hít và xịt thông qua mũi và miệng. Trong số hơn 100 loại vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận, có 8 loại vaccine dạng xịt mũi. VÌ SAO NÊN XỊT VACCINE VÀO MŨI?Theo một số nghiên cứu, các loại vaccine được sử dụng rộng rãi ở thời điểm hiện tại có thể bị suy giảm về hiệu quả khi đối mặt với những biến thể mới xuất hiện. Chính vì vậy giới y khoa trên toàn cầu nhanh chóng tìm ra những vaccine mới cải tiến về cả hiệu quả và phương thức sử dụng, nhằm tạo thành lớp bảo vệ mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Trong khi vaccine tiêm ở bắp tay tạo ra các phản ứng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể mà không nhắm mục tiêu cụ thể vào vùng lây nhiễm của virus, thì vaccine dạng xịt nhắm mục tiêu cụ thể vào các bề mặt niêm mạc mũi, họng và phổi, điểm xâm nhập của virus, để tạo ra phản ứng miễn dịch. Tuy số lượng được nghiên cứu không nhiều, nhưng một khi các loại vaccine dạng xịt được cấp phép sử dụng, nó có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 vốn đã và đang đẩy nền kinh tế thế giới lâm vào khó khăn.Lớp niêm mạc này tạo ra các kháng thể được gọi là immunoglobulin A, giúp cơ thể chống lại các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Mũi là cửa ngõ xâm nhập chính của virus SARS-CoV-2, đó là lý do vì sao các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại mũi. Ưu điểm của vaccine dạng xịt là không sử dụng kim tiêm, do đó nhiều người sẽ không cảm thấy lo lắng khi bị kim đâm vào da thịt. Quan trọng hơn hết là vaccine dạng xịt cho mũi, họng đạt được đáp ứng miễn dịch tại chỗ hiệu quả hơn để ngăn chặn virus chui vào sâu hơn trong cơ thể Các nghiên cứu trong những năm 1960 và 1970 đã từng chỉ ra rằng, vaccine dạng xịt ngừa bệnh cúm và sởi mang lại sự bảo vệ hiệu quả cho cơ thể. Tại Anh, mỗi năm đều có vaccine dạng xịt được cấp phép để ngừa bệnh cúm cho trẻ em. Cách đây 10 năm, Ấn Độ cũng đã sử dụng vaccine dạng xịt cho mũi để ngăn ngừa virus cúm H1N1… TS Troy Randall tại Đại học Alabama (Mỹ) giải thích trên trang web Healthline rằng: "Virus SARS-CoV-2 là chủng virus đường hô hấp nên tạo phản ứng kháng thể tại mũi chắc chắn là giải pháp tốt hơn" Vaccine dạng xịt BBV154 của Bharat Biotech (Ấn Độ) đã được phê duyệt để đưa vào giai đoạn thử nghiệm thứ 2 và 3. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, các loại vaccine xịt mũi đã tạo được phản ứng miễn dịch mạnh tại vị trí xịt thuốc, kích thích sản sinh kháng thể và tế bào lympho trực tiếp trong mũi. Kháng thể có khả năng tiêu diệt virus ngay khi chúng xâm nhập qua đường mũi bằng cách ngăn chặn virus nhân lên, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và chữa bệnh. Vaccine dạng xịt còn có thể sản sinh kháng thể và tế bào lympho trong khoang mũi và đường hô hấp. Hiện tượng này không xảy ra đối với vaccine tiêm bắp. Tuy nhiên, nhược điểm của vaccine dạng xịt là tạo phản ứng miễn dịch toàn thân kém hơn và phản ứng miễn dịch không kéo dài như vaccine tiêm bắp. Theo TS Troy Randall, các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến giải pháp kết hợp hai loại vaccine này. Mục đích là sử dụng vaccine tiêm bắp để sản sinh kháng thể lâu dài và tạo số lượng lớn tế bào lympho B và T, đồng thời kết hợp với vaccine dạng xịt như "chất tăng cường" để tạo tế bào lympho B và T trong mũi. MỘT SỐ VACCINE SẮP CÓ KẾT QUẢ CUỐI CÙNGTrong số các loại vaccine dạng xịt được đánh giá là có triển vọng hiện nay, đứng đầu là vaccine BBV154 của Bharat Biotech (Ấn Độ). Hiện nay, loại vaccine xịt trực tiếp vào mũi này đã được phê duyệt để đưa vào giai đoạn thử nghiệm thứ 2 và 3. Các nhà nghiên cứu của công ty sản xuất cho biết, vaccine dạng xịt này có thể cung cấp khả năng miễn dịch tương tự như khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, đồng thời cho hiệu quả cao hơn ở một số nhóm đối tượng nhất định. Đặc biệt, với khả năng phát triển một loại miễn dịch độc nhất không có trong trường hợp tiêm vào bắp tay, vaccine dạng xịt của Bharat Biotech còn đang được điều chỉnh để có thể chống lại biến thể Delta mạnh hơn các loại vaccine hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Chưa dừng lại ở đó, loại vaccine này cũng ít gây khó chịu hơn so với các loại vaccine tiêm, hạn chế rủi ro khi sử dụng cho trẻ em, người cao tuổi, bệnh nhân nhiễm HIV hoặc nhóm đối tượng đã có bệnh lý nền từ trước đó. Khác với vaccine tiêm bắp, vaccine dạng xịt cung cấp đến hai lớp bảo vệ. Đó là tạo kháng thể và tạo tế bào lympho T và B trong màng nhầy đường hô hấp, từ đó hình thành hàng rào chống virus tại khu vực này. Dù vậy, nhược điểm của vaccine dạng xịt là tạo phản ứng miễn dịch toàn thân kém hơn và không kéo dài như vaccine tiêm.Hiện nay ngoài Ấn Độ, một số quốc gia khác cũng đang tập trung phát triển loại vaccine dạng xịt này. Altimmune – một công ty của Mỹ đang nghiên cứu loại vaccine mũi có tên AdCOVID. Tại Anh, vaccine dạng xịt Codagenix đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang được hỗ trợ bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ. Mới đây nhất, Thái Lan dự định cuối năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi mà nước này đang phát triển, sau khi các cuộc thử nghiệm ở chuột mang lại kết quả khả quan. Phó phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek ngày 11/8 cho biết hai loại vaccine này do Trung tâm công nghệ di truyền và công nghệ sinh học quốc gia bào chế. Sau khi tiến hành thử nghiệm ở chuột, giai đoạn đầu thử nghiệm ở người sẽ được bắt đầu vào cuối năm nay trong khi chờ cấp phép từ cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm. Các cuộc thử nghiệm cũng sẽ kiểm tra tính hiệu quả của các vaccine này trong phòng chống biến thể Delta, với giai đoạn hai dự kiến diễn ra vào tháng 3/2022 và đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt vào giữa năm 2022 nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt. Hồi đầu tháng 8, công ty dược phẩm sinh học CanSino Biologics của Trung Quốc cũng đã công bố kết quả của một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy, một phiên bản dạng hít của vaccine Ad5-nCoV đã được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc, Pakistan và Mexico. Theo kết quả thử nghiệm, loại vaccine dạng hít này kích hoạt các phản ứng miễn dịch và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Nga cũng đang thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 dạng xịt mũi phù hợp với trẻ em từ 8 - 12 tuổi.Hai liều vaccine Covid-19 dạng hít sẽ được sử dụng cách nhau 28 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một liều vaccine dạng hít có thể tích chỉ bằng 1/5 liều vaccine tiêm vào bắp tay, trong khi phản ứng miễn dịch được tạo ra là tương đương nhau. Một vài người trong số 130 người tham gia thử nghiệm ở Trung Quốc đã sử dụng 1 liều vaccine dạng tiêm và 28 ngày sau sử dụng 1 liều vaccine dạng hít. Kết quả thử nghiệm cho thấy, những người này có lượng kháng thể trung hòa cao. Còn tại Nga, Viện trưởng Viện Gamaleya, người đi đầu trong việc phát triển vaccine Sputnik V phòng Covid-19 ở Nga, ông Alexander Gintsburg cho biết nước này đã thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 dạng xịt mũi phù hợp với trẻ em từ 8 - 12 tuổi và dự kiến sẵn sàng được đưa vào sử dụng trước ngày 15/9 tới. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ em từ 8 - 12 tuổi và không phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào trong nhóm được thử nghiệm, trong đó không làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, ông Gintsburg không nêu chi tiết về cuộc nghiên cứu, chẳng hạn như số lượng trẻ em tham gia nghiên cứu này. (Theo VnEconomy) Hoài Phương |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét