Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Hà Nội mong có cây cầu đẹp

 

Cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng: Tranh luận gắt về kiến trúc

Cập nhật lúc 09:14     

Phương án cầu Trần Hưng Đạo với thiết kế trụ tháp kiểu cổ điển phong cách cổ điển xứ Đông Dương đã nhận được không ít ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia, kiến trúc sư.


Kiến trúc cổ kính của cầu Trần Hưng Đạo đã được Hà Nội thống nhất lựa chọn (Ảnh: TEDI).

Sao lại là kiến trúc "xứ Đông Dương"?

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.

Theo đó, kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp và bờ bắc - khu vực phát triển mới bắc sông Hồng.

Phương án được nhấn mạnh sẽ mang dáng vẻ cổ điển, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính. Sơ đồ nhịp 102+4x156+102, chiều dài cầu 828 m, bề mặt cầu 31 m, với 6 làn xe.

Tuy nhiên ngay khi thông tin này được công bố, không ít ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia, kiến trúc sư đã nổ ra. 

Trao với Dân trí, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết, việc xây dựng cây cầu Trần Hưng Đạo nằm trong chủ trương xây dựng 18 cây cầu bắc qua sông Hồng theo đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cây cầu này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô những năm tới.

"Về chủ trương xây dựng tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay dư luận xôn xao về hình thức kiến trúc cây cầu này dù Hà Nội đã lập cả một Hội đồng tuyển chọn gồm 15 chuyên gia, KTS hàng đầu về các lĩnh vực như bảo tồn di sản, văn hóa, kiến trúc - quy hoạch, công trình cầu…", ông Tùng cho biết.

Như thông tin được đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Hội đồng với tỷ lệ 13/15 thành viên đã nhất trí chọn phương án số 3 (là một trong 3 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo do Tổng Công ty Tư vấn công trình giao thông TEDI lập). Trần Hưng Đạo là loại cầu cứng, kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực.

Ông Tùng cho rằng, kết cấu như vậy sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng so với cầu dây văng, hơn nữa thi công loại cầu này cũng là thế mạnh của ngành giao thông Việt Nam. Nhưng điều gây bức xúc hiện nay, theo ông Tùng, chính là hình thức kiến trúc cầu.

"Rất không ổn. Bởi theo như thuyết minh của phương án, là hình thức mang phong cách kiến trúc "xứ Đông Dương" với các trụ tháp kiểu cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp", ông Tùng nói.

"Tôi rất ngạc nhiên khi người ta lại lấy tên "xứ Đông Dương" cho kiến trúc một cây cầu hiện đại được xây dựng ở thế kỷ 21. Là một KTS, nghiên cứu về kiến trúc đô thị, tôi không thấy có cái gọi là phong cách kiến trúc "xứ Đông Dương" mà chỉ có phong cách kiến trúc Đông Dương do KTS người Pháp Ernest Hebrard sáng lập, một hình thức kiến trúc giao thoa hai nền văn hóa Việt - Pháp truyền thống, được xây dựng tại Hà Nội những năm 1920 - 1930 của thế kỷ 20…", ông Tùng nói.

Trong khi đáng lẽ ra, theo ông Tùng, kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của Thủ đô phải có tính hiện đại, đổi mới, phải là điểm nhấn kiến trúc đô thị của một thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo như Hà Nội.

Ông Tùng thẳng thắn cho rằng đã có sai lầm về "nhận thức" đối với việc chọn ý tưởng thiết kế kiến trúc cho cây cầu này. Cầu Trần Hưng Đạo - theo góp ý của ông Tùng - phải phản ánh đúng tầm vóc Thủ đô Hà Nội. Thời đại nào thì có nền kiến trúc đó. Kiến trúc của cây cầu này cũng phải thể hiện được điều đó.

Thêm nữa, theo ông Tùng, cầu cứng nhưng lại được thiết kế các trụ tháp như kiểu cầu dây văng với rất nhiều chi tiết hoài cổ rối rắm. "Bản thân là một kiến trúc sư, một chuyên gia độc lập, tôi không ủng hộ phương án kiến trúc cầu này. Và đã đến lúc Hội đồng tuyển chọn cũng cần lên tiếng vì sao lại chọn phương án xứ Đông Dương trên", ông Tùng nhấn mạnh.

Thêm nữa, theo ông Tùng, đây là công trình đặc biệt, nằm trong quy hoạch được duyệt, vì thế theo Luật Kiến trúc, cần phải được thi tuyển kiến trúc với nhiều tổ chức tư vấn kiến trúc có uy tín tham gia, chứ không phải là cuộc tuyển chọn với vài ba phương án do một đơn vị tư vấn lập. Và một điều rất quan trọng là phải triển lãm các đồ án dự thi cho nhân dân xem, góp ý. Bởi nhân dân sẽ là đối tượng hưởng thụ, sử dụng công trình giao thông đặc biệt qua sông Hồng này sau khi xây dựng.

Kết luận về phương án kiến trúc cho cầu Trần Hưng Đạo, ông Tùng nêu quan điểm nó phải đại diện cho thời kỳ phát triển mới, cho sự sáng tạo, cho một thành phố đang vươn lên với tầm vóc Thăng Long - Hà Nội, văn hiến, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc. "Đề nghị Thành phố thi tuyển kiến trúc, sau đó triển lãm lấy ý kiến của người dân", ông Tùng đề xuất.

Nhiều "hạt sạn"

Bình luận về phương án cây cầu Trần Hưng Đạo với phong cách Đông Dương, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cũng cho rằng, có khá nhiều "hạt sạn", thậm chí lỗi rất sơ đẳng cần được xem xét lại.

Thứ nhất về chiều cao của cây cầu, ông Ánh đặt vấn đề: Vì sao lại thấp thế, trong khi các cây cầu bắc qua sông Hồng xây mới đều khoảng cách 11 m so với mặt nước thì cầu Trần Hưng Đạo chỉ 4,75 m.

 

Dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.

"Cầu thấp thế thì sao đảm bảo lưu không để tàu lớn và các phương vận tải thủy đi lại? Cây cầu có giá trị nhiều mặt, trong đó yếu tố lưu thông giao thông thủy cũng rất quan trọng. Nếu được cầu đường bộ mà không ổn về đường thủy thì dễ lợi bất cập hại", ông Ánh bày tỏ sự băn khoăn với Dân trí. 

Cũng theo ông Ánh, một số cây cũ xây dựng từ lâu đời thì chúng ta chấp nhận khoảng cách so với mặt nước thấp, nhưng một cây cầu ở thế kỷ hiện đại với tổng mức đầu tư lớn thì vì sao không tính toán kỹ điều đó.

"Phương án xây cầu này hướng tới hiện đại, tương lai hay quay về quá khứ? Nếu hướng tới tương lai thì lại thấp thế. Có thể coi đây là do tư vấn thiết kế chưa tính hết chăng?", ông Ánh nhấn mạnh.

Câu hỏi thứ hai ông Ánh đặt ra, đó là về yếu tố thẩm mỹ của kiến trúc cây cầu. Cách thiết kế theo ông Ánh nhận xét, tạo cảm giác "chắp vá", giả cổ. Trong khi đó, cầu Trần Hưng Đạo lại là một dự án có quy mô lớn, có tác động tới kiến trúc cảnh quan trung tâm…

Trước đó, ngày 1/9, tại văn bản 2880, UBND TP Hà Nội đã nhất trí với đề xuất phương án thiết kế kiến trúc của Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông và chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Him Lam có trách nhiệm liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội để được cung cấp thông tin và kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư…

(Theo Dân trí) Nguyễn Mạnh

 Có thể không đúng khi gọi cây cầu là kiến trúc Đông dương. Đúng ra phải gọi kiến trúc Pháp, nhưng kiến trúc Pháp tại VN đến nay vẫn mang tính hiện đại, chưa lạc hậu so với không ít kiến trúc mới được xây dựng sau này. Đa số cây cầu mới như Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì chỉ đơn thuần là công trình bê tông giao thông đơn thuần, ít tính mỹ thuật. Cầu mới xây cần quan tâm tới mỹ thuật vì là bộ mặt Thủ đô văn hiến. Cầu Trần Hưng Đạo về kiến trúc như vậy còn đẹp hơn những cây cầu đã xây (ngoài cầu Nhật Tân). Nếu khiếm khuyết gì (như chiều cao thông thuyền…) thì chỉnh sửa là được.

Các kiến trúc sư ý kiến thì hay nhưng đã góp gì được cho bao công trình tại Thủ đô mà nay chưa thấy cái nào có dấu ấn. Chỉ có 1 cái mang dấu ấn nhưng là không đẹp – Bảo tàng HN!

Thương Giang

1 nhận xét: