Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư mưu sát vợ gây chấn động dư luận Cập nhật lúc 08:22 Kỳ
cuối: Bi kịch trong vỏ bọc hoàn hảo Mâu thuẫn, cãi vã khiến cuộc sống hôn nhân trở nên ngột ngạt, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Vưu Hữu Chánh nảy ra ý định giết vợ. Vụ án là một tấn bi kịch khuất lấp sau vỏ bọc một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Cuộc khai quật tử thi y tá Mai (tên nhân vật đã
được thay đổi, vợ bác sĩ Chánh) diễn ra ngay trong đêm Vưu Hữu Chánh xuống
Quảng Ninh tham gia hội thảo. Những người tham gia cuộc khai quật vô cùng ám
ảnh vì thi thể đã chôn cất gần 100 ngày, từ việc lấy mẫu phẩm cho đến xét
nghiệm đều vô cùng khó khăn. Còn với bác sĩ Chánh, dường như có một cảm giác bất
an trong lòng, vị Giám đốc bệnh viện đã định bỏ về giữa chừng nhưng không dám
trái lệnh của cấp trên nên đành ở lại. Sau 5 ngày, bác sĩ Chánh về Hà Nội và
ngay lập tức đi xe xuống nghĩa trang thăm mộ vợ… Lộ diện kẻ sát nhân trí
thức Lúc này, vấn đề quan trọng nhất là chứng minh được
trong người y tá Mai có chất acxenic (thạch tín). Trước đó, vợ Giám đốc Bệnh
viện Nhi T.Ư qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai thì các bác sĩ ở đây cũng đã yêu
cầu tiến hành khám nghiệm pháp y. Tuy nhiên, bác sĩ Vưu Hữu Chánh nói với
đồng nghiệp vì Mai mất quá nhanh, lại vừa sinh con xong nên nếu mổ sẽ làm cho
thân xác thêm đau đớn, người thân nhìn vào cũng xót xa. Phần vì lời nói có phần hợp tình hợp lý, phần vì
Chánh là người mang tầm ảnh hưởng trong ngành y nên Phó phòng Chính trị, Bệnh
viện Bạch Mai đã quyết định ngưng tiến hành phẫu thuật tử thi. Đó là mấu chốt
giúp Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư với âm mưu giết vợ đã qua mặt cơ quan điều
tra khi đó. Nhưng đến khi Cục Quân y thuộc Bộ Quốc phòng trực
tiếp xét nghiệm mẫu phẩm mã X-715 (trong số 10 mẫu phẩm đã được niêm phong),
với các phương pháp tiên tiến nhất, các bác sĩ đã tìm thấy các mẫu phẩm đều
chứa hàm lượng rất cao chất acxenic. Kết luận xét nghiệm đã khẳng định, trong thi thể của
y tá Mai chứa rất nhiều thạch tín và là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô.
Xâu chuỗi lại tất cả các chứng cớ cũng như tài liệu đã thu thập được, lúc này
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,
Bộ Công an - đã chính thức khẳng định Chánh đã đầu độc vợ mình bằng thạch tín. Sau khi có kết luận xét nghiệm, hồ sơ vụ án đã được
chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và đến tận tay Viện trưởng Hoàng
Quốc Việt. Tiếp đó, hồ sơ vụ án được chuyển sang tòa án và Vưu Hữu Chánh được
triệu tập ngay lập tức. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, công tố viên
Nguyễn Quang Dụ, thuộc Tòa án Hà Nội đã gặp trước Chánh. Lúc đầu, Chánh khăng
khăng chối tội khi Chánh vẫn chưa biết quá trình điều tra đã hoàn thành.
Chánh vẫn khẳng định rằng lượng liqueur fowler đã được cấp phát cho bệnh nhân
ở các tỉnh. Tuy nhiên, với những chứng cớ mà ông Phòng (lúc đó phụ trách
Phòng Bảo vệ y tế, Cục Bảo vệ cơ quan và văn hóa, Bộ Công an) và anh em trong
phòng thu thập được, Chánh đã phải cúi đầu nhận tội giết vợ. Âm mưu thâm độc của vị
Giám đốc bệnh viện Phiên tòa xét xử Vưu Hữu Chánh thu hút được sự quan
tâm đặc biệt của quần chúng, đặc biệt là những người trong ngành y. Ai nấy
đều tỏ ra phẫn nộ trước hành vi giết người cực kỳ dã man của Chánh. Kẻ sát
nhân là một bác sĩ đầu ngành, được rất nhiều người bấy lâu nay vẫn kính phục.
Gia đình của Chánh cũng như gia đình y tá Mai đều rất bất ngờ, bởi ẩn sau vẻ
bề ngoài đàng hoàng của một Giám đốc bệnh viện là một kẻ giết người tinh vi
và xảo quyệt. Với trình độ y học trong tay, Chánh đã nghĩ ra một
kế hoạch rất kín đáo hòng che giấu hành động thú tính của mình. Kế hoạch sát
hại vợ thật hoàn hảo, nhưng tội ác không thể nào lọt lưới được công lý. Trước vành móng ngựa, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư
phải thừa nhận hành vi giết vợ trước những chứng cớ không thể chối cãi của
Ban chuyên án điều tra dưới sự chỉ đạo của ông Phòng. Nguyên nhân khiến vị Giám đốc bệnh viện có năng lực, địa vị lập mưu giết vợ xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. (Ảnh minh họa) Theo lời khai của Vưu Hữu Chánh, những ngày đầu sau
khi cưới, cuộc sống của cặp vợ chồng bác sĩ - y tá đúng là rất hạnh phúc,
nhưng rồi nó cũng nhanh chóng phai nhạt bởi nhiều yếu tố, trong đó công việc
là nguyên nhân then chốt. Bác sĩ Chánh kể, y tá Mai vốn là con của một gia
đình khá giả, được cưng chiều từ nhỏ nên trong cuộc sống luôn đòi hỏi phải có
sự cung phụng từ người khác. Trong khi đó, công việc của một Giám đốc bệnh
viện rất bận rộn nên Chánh không thể lúc nào cũng kè kè bên vợ, làm theo ý vợ
được. Trong thời gian dài khi Mai mang bầu, hai vợ chồng
liên tục xảy ra mâu thuẫn. Cuộc sống vợ chồng luôn trong tình trạng "cơm
không lành, canh chẳng ngọt", dù bên ngoài mọi người vẫn thấy hình ảnh
một gia đình đầm ấm, vẹn toàn. Vì suy nghĩ giữ thể diện cho bản thân cũng như
gia đình mà Chánh luôn chịu phần thua trong các cuộc cãi vã. Vậy nhưng, có những lúc Chánh đi về nhà lúc nửa đêm
thì y tá Mai không chịu mở cửa, bắt Chánh nằm ngoài hè giữa đêm đông. Tức tối
vì đường đường là Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư mà phải khổ như vậy, Vưu Hữu
Chánh nảy ra suy nghĩ sẽ phải giết vợ vì đã đối xử tệ với chồng. Nảy sinh ý định sẽ đầu độc vợ từ khi Mai mang thai
ở tháng thứ 6, thứ 7, tuy nhiên bác sĩ Chánh nghĩ rằng, nếu ra tay lúc này sẽ
giết luôn cả con mình nên đã không thực hiện. Chính vì lý do này mà khoảng
thời gian sau đó, Chánh cố gắng nhẫn nhịn để cho cuộc sống không xảy ra xung
đột, vẫn cố tỏ ra bình thường. Sau khi Mai sinh nở, Chánh cố ý giành lấy phần nấu
nướng thức ăn cho vợ, mỗi lần nấu ăn, bác sĩ Chánh lại cho vào một chút dung
dịch thạch tín pha loãng. Là người làm ngành y nên bác sĩ Chánh rất biết sử
dụng liều lượng sao cho chỉ để y tá Mai đổ bệnh rồi “chết từ từ”… Sau gần 20 ngày, kế hoạch của bác sĩ Chánh đã thành
khi y tá Mai dù được các bác sĩ cứu chữa tận tâm bằng những kỹ thuật cao
nhất, nhưng vẫn không qua khỏi. Để có thể che giấu toàn bộ tội trạng của
mình, bác sĩ Chánh đã cố tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo về hình ảnh một người
chồng mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ để qua mặt mọi người. Cuộc hôn nhân hóa thành bi kịch vì thiếu sự cảm thông, thấu hiểu. (Ảnh minh họa) Phiên tòa xét xử bác sĩ Chánh diễn ra trong tâm lý
trĩu nặng của tất cả mọi người. Từ Hội đồng xét xử cho đến những người chứng
kiến đều mang nặng tâm trạng về sự việc, tiếc nuối nhưng cũng rất căm phẫn
trước những gì mà vị Giám đốc bệnh viện này đã gây ra... Thời gian xét xử
cũng khá nhanh khi các luật sư biện hộ cho Chánh không thể phản biện được
trước những chứng cớ vô cùng xác đáng. Những bằng chứng, những hồ sơ giấy tờ
mà ông Phòng và anh em cùng đơn vị thu thập được đã không cho các luật sư một
cơ hội để cãi tội cho Chánh. Vụ án bác sĩ Vưu Hữu Chánh giết vợ đã từng gây rúng
động Hà Nội trong một khoảng thời gian rất dài. Sau nhiều năm tháng, dư luận
dần chìm lắng, vụ việc này đi vào quên lãng, nhưng khi nhắc lại nó, mọi người
cho rằng, đây là một bài học về cách đối nhân xử thế, đối đãi giữa vợ chồng
với nhau và cũng là sự cảnh tỉnh về cách sống màu mè, quá xem nặng hình thức.
Và, tội phạm có thể là bất cứ ai, không kể học vấn hay địa vị xã hội. Thậm
chí, người có học vấn càng cao thì hành động lại càng đáng sợ, được chuẩn bị
kỹ lưỡng, lên kế hoạch và hành động đến mức cạn tình. Vưu Hữu Chánh bị kết án tử hình, dù có đơn xin ân
xá nhưng bị Chủ tịch nước bác đơn. Với việc phá được chuyên án này, Phòng Bảo
vệ y tế do ông Phòng đứng đầu đã được Bộ Công an lúc đó khen thưởng. Dư luận
lúc đó đánh giá quá trình phá vụ án này như là một cuốn tiểu thuyết trinh
thám gay cấn và đầy hấp dẫn. Nói về vụ án đặc biệt này, Thiếu tướng Nguyễn Quang
Phòng từng chia sẻ, yếu tố để phá vụ án này là lực lượng công an đã được sự
ủng hộ của quần chúng nhân dân, sức mạnh tập thể và ý chí quyết tâm của người
Công an nhân dân là yếu tố then chốt trong việc đưa một vụ án tưởng như đã
chìm sâu vào bí mật ra ánh sáng công lý. Với sự giúp đỡ của những cơ quan,
ban ngành như Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Bộ Y tế…, công tác điều
tra của Ban chuyên án đã hoàn thành một cách xuất sắc trước sự thán phục của
nhiều người. (Theo Dân Việt) Huy Lam |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét