Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

Minh bạch làm từ thiện

 

Lùm xùm nghệ sỹ làm từ thiện: Rào giậu cho kỹ  

Cập nhật lúc 14:21  

Để hạn chế sai phạm, lạm dụng, trục lợi từ làm từ thiện thì pháp luật phải chặt chẽ, rào giậu cho kỹ.

 Quản chặt thế nào?

Việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bị gọi tên, yêu cầu sao kê tiền từ thiện trên mạng xã hội, làm rộ lên tin đồn họ "ăn chặn" từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Hầu hết các nghệ sĩ đều đã lên tiếng, người phản bác, người đe dọa, người khóc lóc, còn có người tung cả nghìn trang sao kê chứng minh trong sáng nhưng vẫn chưa xoa dịu được dư luận.

Lum xum nghe si lam tu thien: Rao giau cho kyPhóng to
Nhiều nghệ sĩ bị yêu cầu sao kê tiền làm từ thiện

Trước thông tin trên, LS Trương Xuân Tám cho hay, từ thiện là truyền thống tốt đẹp, cần được khuyến khích, vinh danh những người làm từ thiện đúng nghĩa, góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ thực tế một nghệ sĩ có thể đứng ra huy động được hàng chục tỷ, trăm tỷ tiền từ thiện rồi tới những lùm xùm sau vụ nhiều nghệ sĩ om tiền từ thiện hỗ trợ bà con vùng lũ miền Trung hay nghi ngờ nhận nhiều phát ít đã bộc lộ không ít những bất cập trong quy định pháp luật.

Trên thực tế, theo pháp luật hiện hành, cá nhân muốn vận động, tiếp nhận tiền từ thiện thì phải lập quỹ hợp pháp.

Điều đó có nghĩa việc các nghệ sĩ chưa lập quỹ hợp pháp mà dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là trái pháp luật.

Tuy nhiên, vì từ thiện vẫn được xem là truyền thống tốt đẹp mang nặng về tình người, tương thân tương ái và thực hiện trong hoàn cảnh cấp bách, nên cơ quan thực thi pháp luật còn thiếu kiểm soát.

Hơn nữa, nếu trước đây việc làm từ thiện được quy định rất rõ ràng với các cơ quan, tổ chức, các đoàn thể, thì việc cá nhân đứng ra làm từ thiện lại được xem là chưa từng có tiền lệ, chưa được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Tài chính mới xây dựng dự thảo Nghị định trong đó có quy định cho phép cá nhân vận động, tiếp nhận và phân phối tiền từ thiện cho phù hợp với thực tế.

Vị LS cho rằng, quan trọng là quy định như thế nào cho chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ví dụ từ trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh trong vụ chậm chạp giải ngân tiền từ thiện nhưng lại được giải thích do không có quy định cụ thể nên Hoài Linh không có lỗi thì phải được nhìn nhận thế nào? Giải thích thế là đúng hay sai? Nếu sai thì phải quy định thế nào?

"Tinh thần chung của hoạt động từ thiện được xã hội ghi nhận là phải đúng đối tượng, đúng mục đích, nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch. Như vậy, xét theo đạo lý trên, rõ ràng những giải thích của Hoài Linh chỉ là né tránh trách nhiệm.



Vậy, lần này phải được đưa vào và quy định cụ thể ra sao? Về thời gian, hình thức, đối tượng được nhận tiền từ thiện hoặc hình thức công khai, minh bạch cần thực hiện như thế nào? Phải rất rõ ràng, cụ thể thì mới có căn cứ để kiểm soát và xử lý với những trường hợp cá nhân làm từ thiện có vi phạm", LS Trương Xuân Tám chỉ rõ.

Đối với những trường hợp bị tố ăn chặn, gian dối, tiền từ thiện như: Thủy Tiên, Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng... lại là câu chuyện khác, nghiêm trọng hơn, vị LS cho biết.

Theo vị LS, với những trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, có đơn thư tố giác thì các cơ quan chức năng, cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ.

Cùng với đó, dự thảo mới cũng cần đặt ra những điều kiện được phép kêu gọi từ thiện rất cụ thể đối với trường hợp là cá nhân.

Theo đó, việc đầu tiên là không cho phép cá nhân sử dụng tài khoản chung để kêu gọi từ thiện, thay vào đó, phải sử dụng tài khoản riêng. Tài khoản này chỉ để làm công tác từ thiện, không được phép sử dụng vào mục đích khác.

Việc sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện hiện nay đã bộc lộ rất nhiều bất cập, một tài khoản vừa thu chi cho mục đích cá nhân, vừa làm từ thiện trong một thời gian dài sẽ rất khó chứng minh tính minh bạch.

Tiếp theo, các tài khoản làm từ thiện cũng phải được quy định điều kiện để giải ngân, việc giải ngân có thể được kiểm soát, giám sát từ một đơn vị thứ ba, có thể là ngân hàng.

Vấn đề nữa là tiền gửi làm từ thiện cho mục đích nào phải được sử dụng đúng cho mục đích đó và bảo đảm kịp thời, đúng thời hạn. Ngoài ra, trong khoảng 15-30 ngày người làm từ thiện phải có báo cáo công khai về các hoạt động từ thiện đã thực hiện trong khoảng thời gian đó.

Bên cạnh đó, khi có vấn đề liên quan phải có đơn vị kiểm toán tham gia, kiểm toán toàn bộ quá trình thực hiện để xác định đúng - sai.

Yêu nhau rào giậu cho kín..

Từ phía các nghệ sĩ cần tuân thủ nghiêm túc các quy định được đặt ra.

 Với các nghệ sĩ từng tham gia vào các hoạt động nhận - trao tặng tiền từ thiện, muốn chứng minh trong sáng thì cần phải thực hiện từ thiện một cách trách nhiệm đúng với lương tâm, đạo đức của mình.

Tự nguyện, tự giác, sao kê, công bố công khai các thông tin liên quan tới hoạt động từ thiện mình làm. Việc công khai cần thể hiện từ khi tiếp nhận cho tới khi giải ngân, ngay cả khi không có thông tin tố giác.

Công khai, minh bạch các hoạt động từ thiện chỉ mang lại những lợi ích tốt hơn, giúp nâng cao hơn nữa những giá trị tốt đẹp cũng như uy tín, hình ảnh của người nghệ sĩ, không có gì phải né tránh.

Những người còn e dè, không muốn công khai thông tin chỉ làm tăng thêm những nghi ngờ về tính minh bạch của mình trước công chúng.

Việc này có thể chứng minh ngay bằng hiệu quả từ các chương trình kêu gọi hỗ trợ về sau, chắc chắn không một mạnh thường quân nào sẵn sàng muốn gửi tiền cho những người không còn đủ uy tín, không đàng hoàng.

Tất nhiên, trong quy định mới cũng cần có điều khoản quy định rõ khoản nào cá nhân làm từ thiện được chi, khoản nào không được phép. Ví dụ, cá nhân làm từ thiện có thể được phép trích một phần từ quỹ tiền gửi để thực hiện chi trả cho các hoạt động ăn uống, đi lại phục vụ hoạt động làm từ thiện.

 Các cá nhân làm từ thiện có thể được trích một phần tiền quỹ khi cần thực hiện kiểm toán, sao kê... Tất cả cần được quy định định mức rất chi tiết, hợp lý.

"Đa phần những người đứng ra làm từ thiện đều là những người có lòng tốt. Tuy nhiên, ở mỗi con người luôn có hai phần đó là, phần con và phần người. Đứng trước những lợi ích quá lớn thì phần con chưa chắc đã vượt qua được phần người, chính vì thế, nếu quy định chặt chẽ phần nào sẽ giúp tiết chế được lòng tham, hạn chế được sai phạm", LS Trương Xuân Tám nêu quan điểm.

Cùng với đó, vị LS cũng cho rằng, cần có những quy định rất cụ thể giữa bên trao tiền từ thiện với phía chính quyền địa phương nơi được nhận tiền hỗ trợ. Ngoài những quy định trong phối hợp thực hiện giữa hai bên cũng phải đặc biệt lưu ý thực hiện hỗ trợ phải dựa trên tính công bằng, khách quan. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chèo kéo, xin - cho để được cho nhiều, cho ít, hoặc tình trạng vì mục đích không trong sáng mà dẫn tới những xác nhận sai, xác nhận không đúng.

Kể cả trường hợp thỏa thuận trao tiền từ thiện, chụp ảnh cho đẹp rồi quay lại từng nhà đòi lại một phần.

Do đó, cũng cần phải có quy định chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của những đơn vị được đứng ra nhận tiền từ thiện cùng với đó là phải có chế tài xử lý thật nghiêm.

"Muốn minh bạch trong làm từ thiện, ngoài việc trông chờ vào tinh tự giác thì quan trọng nhất là các quy định pháp luật phải chặt chẽ, rào giậu cho kỹ sẽ hạn chế được những sai phạm", vị chuyên gia cho hay.

(Theo Đất Việt) Thái Bình

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét