Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Một chi tiết lịch sử nhầm lẫn*

 

Chiếc micro đi vào lịch sử với câu hỏi bất hủ “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”

 Cập nhật lúc 08:27                

 Trước thời khắc thiêng liêng đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi một câu nay đã trở nên bất hủ qua chiếc micro: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”.        

Bên cạnh những hình ảnh đã quen thuộc với công chúng như: Bản Tuyên ngôn độc lập; Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập"; bộ quần áo kaki Bác Hồ đã mặc trong ngày 2/9 lịch sử... thì hình ảnh cận cảnh chiếc micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 là khá mới so với hiểu biết của nhiều người.

Hơn 70 năm trôi qua, chiếc micro chứng nhân lịch sử ấy hiện vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đó là chiếc micro bằng than chì, mạ kền trắng cao 30cm, phần trên có hình tròn, đường kính 8cm, giữa có mạng sắt, đế tròn rộng 16cm đặt trên lễ đài, truyền tiếng nói ấm áp của Bác trong giờ phút thiêng liêng đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến quốc dân đồng bào.

 


Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Có lẽ, hàng triệu người đã từng ngắm hiện vật đặc biệt này, nhưng hẳn ít người biết giữa những ngày vô cùng khẩn trương và thiếu thốn của buổi đầu mới giành được chính quyền, người chuẩn bị chiếc micro đi vào lịch sử này là ai.

Theo Báo Tuổi trẻ, đó chính là ông Nguyễn Dực - con trai học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh. Nhà báo Vĩnh Trà trong cuốn sách viết về lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam kể rằng những ngày gấp rút chuẩn bị thành lập đài phát thanh quốc gia sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhóm người được giao nhiệm vụ thành lập đài rất muốn có sự cộng tác của ông Nguyễn Dực, một người bạn của một thành viên trong nhóm. Nhưng đang tham gia thì ông Dực được điều lên chuẩn bị cho khâu phóng thanh buổi lễ 2/9 ở Ba Đình, Hà Nội.

Một số bài viết từng nhắc tới vai trò ông Nguyễn Dực - người trực tiếp tham gia chuẩn bị cũng như lắp đặt trang thiết bị, phụ trách hệ thống âm thanh ngày lễ Độc lập 2/9/1945 - nhưng thân thế đặc biệt của ông Nguyễn Dực thì hầu như chưa được nhắc đến. Nguyễn Dực là người con giáp út của học giả Nguyễn Văn Vĩnh - một trí thức lớn của đất nước những năm đầu thế kỷ 20. Hai anh trai ông Dực cũng là hai nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Giang.

 


Cận cảnh chiếc micro.

Sinh năm 1921, ông Nguyễn Dực theo học Trường kỹ nghệ thực hành, bộ môn cơ khí, nhưng ông lại say mê vô tuyến điện. Ở tuổi 20, ông đã nổi tiếng với cửa hiệu Nguyễn Dực radio - cửa hiệu radio lớn nhất Hà Nội thời đó vừa sửa chữa vừa bán thiết bị vô tuyến điện ở 43A Đồng Khánh (tên gọi cũ của phố Hàng Bài).

Từ năm 1944, Nguyễn Dực được tiếp xúc với ông Xuân Thủy. Trước đó, ông Dực đã nhiều lần giúp anh chị em tuyên truyền đường lối cách mạng bằng thiết bị âm thanh của mình và chỉ đường rút lui khi lính Pháp ập đến.

Được giao nhiệm vụ chuẩn bị âm thanh cho lễ Độc lập, lúc diễn ra buổi lễ, ông Dực thường trực ngay dưới gầm lễ đài, theo dõi dòng điện, tiếng loa. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Khi vừa chào cờ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn vào ba chiếc micro, rồi khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Philips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng ‘phù’ từ các loa dội lại khá to. Người lùi lại một chút rồi nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Phía dưới lập tức vang lên: Có ạ!”...

Năm 1997, người phụ trách micro cho Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập được công nhận lão thành cách mạng và sau đó ông qua đời ở tuổi 79.

Theo Báo Nhân dân, từ góc nhìn nghề nghiệp, ông Dực cho rằng câu hỏi ấy của Bác thể hiện sự am tường về kỹ thuật truyền thanh của Người. Cấu tạo trong micro ngày ấy có bột than, nên người làm nghề rất ngại khi có người dùng tay gõ vào micrô, có thể ảnh hưởng đến chất lượng do bột than bị tác động...

Hôm đó, chiếc xe chuyên dụng vuông vức như toa tàu hỏa, đặt các thiết bị âm thanh, được bố trí gần cổng Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) do quân Nhật chiếm giữ, mục đích để cản mặt hướng về phía khán đài.

Ông Dực đã không tưởng tượng được trước, rằng sự kiện ngày hôm đó lại có tầm quan trọng đặc biệt, khi thực hiện việc truyền phát đi tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hệ thống âm thanh mà chính mình lắp đặt và chịu trách nhiệm, để phát ra toàn hệ thống loa trong khu vực mít-tinh rộng lớn, tính từ điểm gần nhà thờ Cửa Bắc (phía đường Phan Đình Phùng), đến tận Vườn hoa Cột cờ, với khoảng hơn hai chục vạn người tham gia.

Ông còn là người đã đưa toàn bộ máy móc và thiết bị lắp đặt cho cuộc mít-tính khổng lồ của Tổng Hội Viên chức Thủ đô ngày 17/8/1945 ở Nhà hát Lớn, sau đó từ đây, đã biến thành ngọn lửa Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Trong giai đoạn đó, hầu hết các sự kiện quan trọng diễn ra ở Hà Nội, đều có sự tham gia của ông trong việc cung cấp và vận hành hệ thống truyền thanh.

Nhưng với Nguyễn Dực, kỷ niệm thiêng liêng nhất và hết sức cụ thể, đó là việc làm thế nào để có được đài phát thanh theo đề nghị của các nhân vật quan trọng trong bộ máy của Việt Minh, mục đích là loan báo cho thế giới biết, rằng chúng ta đã cướp được chính quyền.

Theo Pháp luật Việt Nam

* Câu nói “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” mà PV trích dẫn trên là chưa chính xác và cũng rất nhiều người tưởng là đúng. Chính xác phải là “Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?" Câu này không còn giữ trong băng ghi âm gốc hiện nay mà chỉ những người trực tiếp dự lễ hôm đó biết và đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại trong trường ca Theo chân Bác:  

Người đọc Tuyên ngôn… Rồi chợt hỏi:

“Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?”

Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi

Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!". 

Đây mới là nhân cách của Bác. Người luôn đặt Nhân dân, Đồng bào lên trên mọi bài viết, lời nói của mình và không bao giờ đặt chữ Tôi lên trên.

Thương Giang

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét