Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Tăng trưởng xanh

 

Hóa giải điểm yếu điện xanh: Cớ nào ưu ái điện than?

Cập nhật lúc 15:15               

Thách thức của NLTT là đến từ các nguồn năng lượng thiếu ổn định. Giải pháp đưa ra là lưu trữ năng lượng kết hợp cùng với NLTT.

 “Mặt trời không phải luôn tỏa sáng và gió không phải lúc nào cũng thổi” vẫn luôn được coi là một trở ngại cho năng lượng tái tạo. Trong những ngày đẹp trời có nhiều nắng và nhiều gió thì lượng điện tái tạo sinh ra thường dư thừa phải cắt giảm bớt công suất để tránh cung vượt cầu.

Theo các nhà chuyên môn, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện không thiếu giải pháp khắc phục sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo.

Trong kiến nghị góp ý lần thứ 4 cho dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cũng nhận định, sự phát triển vượt bậc của công nghệ tích trữ trong thời gian qua là giải pháp cho vấn đề năng lượng tái tạo không ổn định.

Hoa giai diem yeu dien xanh: Co nao uu ai dien than? 

Nhà máy Điện gió Trung Nam ở Ninh Thuận. Ảnh: Lao động 

Liên minh dẫn số liệu của Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) cho biết, giá pin tích trữ giảm rất nhanh, từ 2010 đến 2020 giảm khoảng 80%. Giá tích trữ điện bằng pin hiện nay ở mức khoảng từ 10,8 đến 14 cent/kWh, rẻ hơn cả giá tích trữ bằng thủy điện tích năng, khoảng 20 cent/kWh. Dự báo đến năm 2030, giảm còn khoảng 55% và đến năm 2050 chỉ còn khoảng 40% so với hiện nay.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm "Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh" do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đức Tuyên – Lab100RE, Viện Điện Đại học Bách Khoa Hà Nội bày tỏ: "Chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn: một hệ thống điện truyền thống hay một hệ thống điện tiên tiến, hiện đại. Nếu được, chúng ta hãy dũng cảm chọn một hệ thống điện mà tỷ lệ nguồn năng lượng sạch lớn hơn, theo đuổi bước đi của các nước tiên tiến trên thế giới, tránh lặp lại những cái chúng ta nghĩ là bền vững nhưng lại trở nên lạc hậu trong thời gian tới. Để phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cần đẩy mạnh công nghệ hiện đại như vận hành linh hoạt, dự báo công suất phát, lưới điện thông minh, phát triển nguồn điện phân tán và lưu trữ năng lượng”.

Theo TS Tuyên, đối với năng lượng tái tạo ở Việt Nam, hệ thống vận hành khó khăn hơn năng lượng tái tạo ở nước ngoài do khí hậu nhiệt đới, mây và mưa nhiều.

Để giải quyết tình trạng này, hiện nay Việt Nam đang xây dựng công trình thủy điện tích năng đầu tiên là thủy điện tích năng Bác Ái (Ninh Thuận) với tổng công suất 1.200MW. Đây sẽ là nguồn dự trữ điện rất lớn.

Về nguyên lý, lưu trữ bằng thủy điện tích năng dựa vào hai hồ chứa được đặt ở các độ cao khác nhau. Điện được phát ra nhưng chưa cần sử dụng được dùng để bơm nước từ hồ chứa dưới lên hồ trên. Khi cần điện, nước được giữ ở hồ trên sẽ được xả xuống và cung cấp năng lượng cho tuabin.

Việt Nam cũng có lộ trình phát triển các nguồn tích trữ, không chỉ là tích trữ bằng thủy điện mà còn bằng pin, ắc quy giá thành tương đối rẻ. Chưa kể còn nhiều giải pháp tích trữ điện khác như lưu trữ bằng hydro - có lợi ích rất lớn là khi nguồn năng lượng tái tạo dư thừa thì sẽ chuyển đổi nó thành một dạng dự trữ, không sử dụng ngay, và có thể chạy cả các tua bin nhiệt điện mà chúng ta vẫn đang dùng. Bởi vậy, ông Tuyên tin rằng trong tương lai, năng lượng tái tạo sẽ vận hành rất tốt.

Nói thêm về công nghệ lưu trữ điện trên thế giới, TS Ngô Dương Hoàng Thao (Group Global One) cho biết, ở Mỹ áp dụng công nghệ all iron flow battery - sử dụng sắt, muối, nước mà không gây hại môi trường hay ở Phần Lan áp dụng công nghệ Polar Night Energy, sử dụng cát để trữ năng lượng, khả năng lưu trữ được năng lượng trong vài tháng. Trong những tháng mùa đông, người ta sử dụng nhiệt làm nóng nước rồi chuyển nước nóng đến các nhà trong thành phố làm nguồn sưởi chính. 

Ngoài ra, trong hệ thống pin lưu trữ thì pin Vanadium được đánh giá cao. Pin Vanadium lưu trữ năng lượng vào trong 2 chất điện giải âm và dương dạng lỏng. Trong quá trình xả, hai chất điện này được bơm vào trong tế bào pin để chuyển hóa trở lại thành năng lượng điện. Pin này có thể vận hành 25 năm mà năng lượng trong pin không bị giảm, đặc biệt giá thành rất rẻ. Hiện nay, giá thành mỗi kW khoảng 400 USD, so với pin lithium-ion tuổi thọ khoảng 8 năm thì pin Vanadium có lẽ là một công nghệ phát triển nhanh nhất và khả thi nhất.

Theo ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam, khi chuyển dịch xanh, an ninh năng lượng và phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt của Việt Nam. Để đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng thì phải chủ động về tương lai.

"Không thể dựa vào cái thuận lợi trước mắt để đảm bảo an ninh lâu dài. Cái thuận lợi trước mắt có thể là đang vận hành hệ thống thuận tiện, giá than đang rẻ hay các nước xuất khẩu than hiện đang có nguồn cung ứng dồi dào... Nhưng về lâu dài phải nhìn thấy những thuận lợi đó kéo dài được bao lâu, cơ sở nào đảm bảo nó sẽ kéo dài mãi mãi trong tương lai?

Nếu khẳng định được thì mới là đảm bảo cho an ninh, còn nếu nó chấp chới, kiểu như năm nay nhập khẩu, năm sau bão gió, thiên tai địch họa, hay môi trường chính trị thay đổi khiến Việt Nam không nhập được nguyên liệu, giá cả tăng cao... thì nó không còn là yếu tố đảm bảo an ninh cho ngành năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung", ông Huân chỉ rõ. 

Bên cạnh đó, theo ông Huân, phát triển bền vững bao gồm cả phát triển kinh tế và phát triển xã hội, đảm bảo an toàn môi trường.

Năng lượng than hay hạt nhân đã và đang được nhiều nước sử dụng nhưng với tinh thần là "cực chẳng đã" và phải kiểm soát tốt, còn nó không thể đảm bảo thân thiện với môi trường như các nguồn năng lượng gió, mặt trời.

"Nếu đã khẳng định phát triển bền vững thì không thể ưu tiên những năng lượng mà chúng ta biết chắc chắn là trong tương lai nó sẽ gây nguy hại cho môi trường. Dĩ nhiên, không thể loại trừ điện than ngay lập tức trong đời sống kinh tế-xã hội nhưng phải có lộ trình giảm dần và đến lúc nào đó là phải đóng cửa", vị đại biểu nhấn mạnh.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét