Tiến sĩ
làm gì?
Cập nhật lúc 07:50 Tốt nghiệp xong
thạc sĩ từ một đại học Mỹ, nhiều người thân và không thân khuyên tôi
"học nốt tiến sĩ đi, có bằng tiến sĩ vẻ vang cả nhà, cả dòng họ". Vì thế, với
tôi, đã sang tới Mỹ thì không có lý do gì không xin học tiếp tiến sĩ, trừ khi
chẳng trường nào nhận. Tôi hăm hở thi
GMAT, nộp hồ sơ vào vài đại học xin học bổng tiến sĩ. May mắn là có chút khả
năng toán nên điểm GMAT cũng khá cao. Từ năm 2007, tôi nhập học chương trình
tiến sĩ về marketing tại Georgia State University. Được nhận vào
chương trình tiến sĩ thật tự hào, tôi ngẫm nghĩ sẵn đề tài thật hoành tráng,
thật vang dội về Việt Nam để các thầy hướng dẫn sẽ phải gật đầu đồng ý ngay
và tôi có thể hoàn thành sớm chương trình. Đề tài nghiên cứu của tôi về các
giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nhập khẩu của Việt Nam, những điều tôi đã được
nghe là rất quan trọng với kinh tế đất nước từ hồi học đại học. Gửi đề xuất và
xin gặp để trao đổi với giáo sư hướng dẫn, tôi nhận được nụ cười nhẹ nhàng:
"Ở đây người ta không quan tâm tới giải pháp cho Việt Nam". Giáo sư
Daniel Bello hiền hậu nhưng hóm hỉnh nói với tôi: "Chúng tôi quan tâm
tới cái gì đúng cho mọi quốc gia, mọi nơi, mọi lúc. Thôi cứ học, đọc đi đã
rồi hãy nghĩ về đề tài nghiên cứu". Gáo nước lạnh ấy vẫn đem lại cảm
giác tỉnh người với tôi tới tận bây giờ. Học tiến sĩ dễ
bị nhầm lẫn về mục tiêu. Trong các bậc học hiện nay, tiến sĩ là học vị cao
nhất. Người có bằng tiến sĩ vì vậy thường được xã hội nể trọng, phát biểu của
họ được nơi này nơi kia trích dẫn, thậm chí có người còn được dán mác nghe
rất kêu. Ở Việt Nam, học
vị tiến sĩ nhiều khi là tấm giấy thông hành, tiêu chuẩn so sánh lựa chọn cho
các vị trí quản lý. "Học tiến sĩ để làm quan" cũng là chủ đề được
bàn rất nhiều những năm qua. Không có con số chính thức, nhưng theo quan sát
của tôi, số tiến sĩ là quan chức khá nhiều. Ngoài ra, có
"mác" tiến sĩ, bạn được mời tham gia phát biểu tại các diễn đàn,
hội thảo, đi dạy, tư vấn, tham gia hội đồng với các ý kiến được cho là có học
thuật và tri thức cao. Tiến sĩ còn đi dạy làm giàu, khởi nghiệp, thậm chí có
thể trả lời về mọi vấn đề, trong nhiều lĩnh vực. Chính vì kỳ
vọng tiến sĩ phải tìm ra các giải pháp cho xã hội, nên nếu xã hội có vấn đề
gì, nhiều người lại réo tên các tiến sĩ, thậm chí mỉa mai "tiến sĩ
giấy". Và cũng có lẽ vì vậy, tôi hay gặp nụ cười nhạt: "Bao nhiêu
nghìn tiến sĩ mà Việt Nam chả sản xuất nổi con ốc". Cá nhân tôi
cũng từng nhầm lẫn như vậy. Nhưng sau này, tôi hiểu ra, mỗi người học có thể
có mục tiêu khác nhau, nhưng nếu quan niệm học tiến sĩ để có tấm giấy thông
hành cho các vị trí quản lý hay danh tiếng thì không phải. Đến nay, sau
khi đã học xong tiến sĩ và về nước tham gia giảng dạy nghiên cứu sinh - những
người học để lấy bằng tiến sĩ - tôi gặp lại các đề xuất không khác gì của tôi
từ 15 năm trước. Thực ra, tìm ra
giải pháp cho các vấn đề thời sự và thực tiễn cũng rất tốt. Tuy nhiên, mục
tiêu quan trọng nhất khi làm nghiên cứu ở bậc tiến sĩ không phải đề ra giải
pháp thay cho chính phủ, nhà quản lý kinh tế, xã hội. Bởi đây là nhiệm vụ
chính của các cơ quan nhà nước được lập ra để điều hành xã hội. Thay vào đó,
chương trình tiến sĩ ở các nước phát triển có mục đích đào tạo ra các nhà
nghiên cứu chuyên nghiệp. Người làm nghiên cứu ở đây là người nắm bắt, tạo ra
tri thức về các quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Sau tốt nghiệp,
thường các tiến sĩ muốn tham gia vào tổ chức nghiên cứu như đại học, viện
nghiên cứu hay nơi dành cho nhà nghiên cứu. Phần lớn tiến
sĩ tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm
hai nhiệm vụ: tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học).
Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới -
những cấp mà họ chỉ cần tập trung vào việc dạy. Cũng có số ít
tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực
sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để
đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Vậy, tiến sĩ có
trách nhiệm gì với việc Việt Nam sản xuất ra con ốc? Trên thực tế,
nhà điều hành khi ra quyết định có thể dựa vào kinh nghiệm của mình, thậm chí
vào trực quan hay phán đoán cá nhân, trên kiến thức họ đã có. Gợi ý trong các
đề tài nghiên cứu tiến sĩ vì vậy thường chỉ mang tính định hướng: nếu làm thế
này, về quy luật sẽ đạt được kết quả thế kia. Vì là người
nghiên cứu, truyền bá kiến thức về quy luật như các học thuyết, lý thuyết đã
được khái quát hóa, được chứng minh, các phương pháp và kỹ thuật để phát
triển các quy luật... người học tiến sĩ cũng có thể nếu ý kiến về các lĩnh
vực khác mình am tường. Tuy nhiên, chê họ không biết làm đinh ốc thì không
đúng. Họ sẽ hữu ích và đúng chuyên môn hơn nếu đóng góp quan điểm hay cảnh
báo về những quyết định quản lý đi ngược lại quy luật vận động. Tiến sĩ ở Việt
Nam làm gì để đóng góp tốt hơn cho xã hội? Thứ nhất, với
nền tảng được đào tạo, họ nên tập trung nghiên cứu các quy luật tự nhiên và
xã hội để tiếp tục đóng góp cho tri thức nhân loại. Đóng góp vào kho tri thức
toàn cầu cũng là nâng cao vị thế và hình ảnh của khoa học Việt Nam. Các tiến
sĩ vì thế rất nên tham gia hoạt động đào tạo đại học và sau đại học, chuyển giao
tri thức đã được kiểm chứng qua các công trình công bố có kiểm duyệt tới mọi
người. Thứ hai, nếu
tham gia công tác quản lý, tiến sĩ nên giúp tạo ra môi trường nghiên cứu và
truyền bá kiến thức tiên tiến hơn. Hoạt động nghiên cứu luôn có rủi ro vì mục
tiêu là phải tìm tòi quy luật mới. Môi trường nghiên cứu vì thế chỉ đủ tốt
nếu khuyến khích lao động sáng tạo, đồng thời chấp nhận được các rủi ro của
người nghiên cứu. Thứ ba, tham
gia vào hoạt động tư vấn chính sách, công nghệ, kỹ thuật cũng tốt, nhưng các
tiến sĩ lưu ý chỉ tập trung vào thế mạnh của mình, không lấn sân các nhà quản
lý và chuyên gia lĩnh vực khác. Biết mình ở
đâu, có thể làm tốt nhất việc gì cũng là năng lực của tiến sĩ. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Hùng (Theo
VnExpress) Nguyễn Vũ Hùng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét