Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Có hay không việc 170 tỉ đồng tiết kiệm lại 'bốc hơi'?

 Cập nhật lúc 09:31                  

Khách hàng nói bị bốc hơi 170 tỉ đồng nhưng ngân hàng khẳng định khách hàng đã cầm cố các sổ tiết kiệm trên với số tiền vay từ 95-98,5% giá trị sổ. Việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của khách hàng.

 Có hay không việc 170 tỉ đồng tiết kiệm lại bốc hÆ¡i? - Ảnh 1.
Khách hàng tố bị bốc hơi 170 tỉ đồng khi gửi tiết kiệm nhưng ngân hàng khẳng định khách hàng đã rút tiền. Ảnh minh hoạ: giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: T.L.

Ngày 4-1, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã có thông tin chính thức liên quan đến khoản tiền gửi 170 tỉ đồng của khách hàng sau khi bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (ngụ phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có đơn kêu cứu về việc bị "bốc hơi" 170 tỉ đồng khi gửi tiết kiệm tại NH Việt Á. 
Trong đơn, bà Trinh và ông Cường cho biết có gửi 6 cuốn sổ tiết kiệm có kỳ hạn theo 6 hợp đồng với tổng số tiền 170 tỉ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank. Trong đó, 3 hợp đồng trị giá 90 tỉ đồng (30 tỉ đồng/hợp đồng), 1 hợp đồng 35 tỉ đồng, 1 hợp đồng 25 tỉ đồng và 1 hợp đồng 20 tỉ đồng. 
Các sổ này có thời hạn gửi tiền từ khoảng tháng 9, tháng 10-2018 với thời hạn gửi 3 tháng, lãi suất 5,5%/năm. Tất cả sổ đều có chữ ký của giám đốc VietABank Chi nhánh Hà Nội, Phòng giao dịch Đông Đô ký và có đóng dấu đỏ của ngân hàng này.
Ngày 8-12-2018, khi lên Phòng giao dịch Đông Đô để rút tiền thì bà Trinh và ông Cường nhận được thông báo số tiền gửi của mình đã được rút, trong khi bản thân chưa tất toán sổ, chưa rút tiền và không uỷ quyền cho ai.
Tuy nhiên trong thông cáo phát đi chiều 4-1, đại diện VietABank lại cho rằng sự thật không phải như vậy. Theo VietABank giữa năm 2018, nhóm khách hàng trong đó có ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Nguyễn Thị Hà Thành, ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh bắt đầu giao dịch tại ngân hàng, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu.
Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, các khách hàng này thực hiện việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên với số tiền vay từ 95%-98,5% giá trị sổ. Việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên.
"Bằng thủ đoạn này, doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm đã lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng số tiền thực tế gửi tại ngân hàng còn lại rất ít; đồng thời chuyển tiền qua lại lẫn nhau trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành trên hệ thống VietABank, tại các chi nhánh khác nhau. Đối tượng Thành đang bị Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và công an khẳng định Thành không phải nhân viên của ngân hàng" – VietABank thông tin.
Cũng theo VietABank, nhận thấy các giao dịch bất thường, liên tục mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu và cầm cố vay để rút tiền của nhóm khách hàng trên, ngân hàng đã có đơn gửi Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ sự việc.
Ngày 24-12-2018, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ an hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội, có liên quan đến vụ việc tại VietABank.
"Riêng với nhóm khách hàng là ông Cường, bà Trinh yêu cầu ngân hàng trả 170 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm nhưng không xuất trình được sổ tiết kiệm hoặc các chứng từ chứng minh việc nộp tiền vào ngân hàng. Các khách hàng này chỉ đưa ra giấy tờ ghi hợp đồng tiền gửi, trong khi theo quy định, khách hàng cá nhân chỉ được ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi" - VietABank khẳng định.
Theo VietABank, sự việc đang được cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ và ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các bên. Đơn vị này cũng cam kết sẽ kiến nghị xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng câu kết, móc nối với nhân viên thiếu phẩm chất của ngân hàng trong vụ việc. 
(Theo Tuổi trẻ) A.HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét