Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:
Xây dựng quân đội đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc
TPO – Nhân kỷ niệm 38 năm non sống gấm vóc thu về một mối, phóng viên Tiền Phong đã trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, trong bất kỳ thời nào, hòa bình hay chiến tranh, phải bằng mọi giá giành cho được và giữ cho được độc lập tự chủ. Mất độc lập tự chủ là thời chiến sẽ thua, thời bình sẽ loạn.
Giữ cho được độc lập, tự chủ
Mỗi năm vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thượng tướng có suy nghĩ và mong muốn điều gì?
Khi nghĩ về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta vào ngày 30/4/1975, tôi cũng như mọi người dân Việt Nam đều có hai mong muốn. Thứ nhất là mong muốn hòa bình. Thứ hai là giữ cho được độc lập, tự chủ và đất nước phát triển.
Vì sao như vậy? Chiến thắng của chúng ta rất vĩ đại và oanh liệt nhưng để trả giá cho chiến thắng đó chúng ta đã mất quá nhiều xương máu. Đó là bài học chúng ta rút ra từ lịch sử, không được để cho những cuộc chiến tranh tái diễn.
Tuy nhiên, muốn có hòa bình, một nền hoà bình bền vững và đích thực thì không thể không có một nền quốc phòng mạnh. Đó là nền quốc phòng vừa đủ để bảo vệ Tổ quốc, củng cố hòa bình, độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ.
Do vậy, chính sách quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Trách nhiệm của chúng ta- những người đi sau cuộc chiến tranh này- phải biết kế thừa những thành quả sau chiến tranh. Đó là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và một nền hoà bình bền vững, lâu dài.
Đây là di sản lớn nhất ông cha ta để lại sau những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975, mà chúng ta phải gìn giữ cho được.
Vậy những bài học của chiến thắng 30/4 sẽ giúp gì cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, thưa Thượng tướng?
Mỗi người có những ưu tiên và bài học khác nhau. Đối với tôi có ba bài học. Thứ nhất trong bất kỳ thời nào, hòa bình hay chiến tranh, phải giành cho được và giữ cho được độc lập tự chủ. Phải bằng mọi giá giữ được điều này như Bác Hồ đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Mất độc lập tự chủ thì thời chiến sẽ thua, thời bình sẽ loạn. Bài học thứ hai là một nền hòa bình lâu dài phải được chuẩn bị và xây dựng trong một thời gian lâu dài, đất nước phải mạnh.
Một nước yếu, đặc biệt là mất ổn định, không có khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, thì đất nước đó sẽ không có nền hòa bình thực sự, lâu dài và bền vững. Thứ ba là bài học về sức mạnh quốc gia, trong đó có sức mạnh quốc phòng.
Chúng ta không bao giờ đem sức mạnh quốc phòng để đe dọa ai, sử dụng với bất kỳ ai. Nhưng chúng ta phải đảm bảo sức mạnh quốc phòng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tin tưởng vào khả năng bảo vệ Tổ quốc, không có nghĩa chỉ là quân đội, vũ khí mà trước hết là ý chí của toàn dân tộc sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Có được những bài học này chúng ta sẽ có độc lập tự chủ, giữ được toàn vẹn lãnh thổ và nền hòa bình bền vững.
Giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế
Thưa Thượng tướng, ngoài xu thế chủ đạo là hòa bình, hợp tác, hữu nghị thì thế giới và khu vực cũng có những diễn biến phức tạp, ví như những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông gần đây, nhìn lại sự kiện 30/4 sẽ giúp chúng ta điều gì trong giải quyết tình hình hiện nay?
Thời nào cũng vậy, dù thế giới bình yên hay xáo trộn, thì cũng nổi lên những vấn đề cần giải quyết, những thách thức về hòa bình, an ninh có thể ở tầm quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi cuộc sống tự phát sinh những cọ xát, bất ổn.
Vấn đề là chúng ta làm sao không để những cọ xát đó trở thành xu thế chung mà đó chỉ là những hiện tượng cá biệt và càng thu hẹp phạm vi, khoanh càng nhỏ lại bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Trên toàn cầu, những năm vừa qua bất ổn ở nhiều khu vực, nguyên nhân sâu xa là sự phát triển không đồng đều ở các khu vực, tạo ra khoảng cách giàu nghèo, những cách ứng xử không phù hợp với quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, tham vọng lợi ích của một số quốc gia, nhưng lợi ích đó không thực sự là của mình ở các khu vực, từ đó cũng tạo ra những thách thức, bất ổn.
Cụ thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề an ninh biển và Biển Đông đúng là quan ngại, là mối quan tâm đặc biệt của cả thế giới chứ không chỉ khu vực.
Việc sử dụng vũ lực với ngư dân dù dưới bất kỳ hình thức nào, quân sự hay phi quân sự, là không bao giờ được phép. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của thế giới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
|
Bởi, càng ngày người ta càng thấy lợi ích của Biển Đông. Lợi ích về chiến lược, địa chính trị, giao thông hàng hải quốc tế, tài nguyên thiên nhiên và nhiều lợi ích khác nữa. Chính vì Biển Đông có rất nhiều lợi ích nên được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới.
Và cũng vì có nhiều lợi ích mà nó dễ xảy ra xung đột lợi ích nếu các quốc gia không tự thấy cái gì là lợi ích chính đáng, cái gì không phải là lợi ích chính đáng của mình.
Nếu các quốc gia không đặt lợi ích của quốc gia mình trong lợi ích chung của các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới, thì dễ dẫn đến bất ổn. Đối với Biển Đông, những tranh chấp từ lâu đã gây quan ngại và thế giới đã chú ý, khi những hành xử ấy mang tính hệ thống thì nó trở thành vấn đề của khu vực, càng gây quan ngại nhiều hơn.
Ở khu vực Biển Đông của chúng ta có hai vấn đề lớn. Một là vấn đề tự do, an ninh, an toàn hàng hải. Bất ổn xảy ra khi một số quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là không tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mỗi quốc gia.
Khi đó, đụng ngay đến tự do, an ninh, an toàn hàng hải quốc tế, đây là vấn đề của thế giới. Quan ngại thứ hai trên Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ, vấn đề này cũng đã có ở nhiều nơi, nhiều đời và kéo dài hàng trăm năm. Vấn đề là xử lý những tranh chấp đó như thế nào.
Việt Nam chủ trương giải quyết theo luật pháp quốc tế một cách triệt để và bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền chính đáng của chúng ta đối với thềm lục địa, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam tin rằng, với xu thế chung như vậy, nếu kiên trì, có đối sách đúng đắn, thái độ hòa hiếu, có trách nhiệm với lợi ích của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực, kể cả quốc gia có tranh chấp với chúng ta, thì Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ và hòa bình cho đất nước, đóng góp cho ổn định của khu vực.
Không tham gia vào những trò chơi quyền lực
Thưa Thượng tướng, trong những điểm nóng, bất ổn hiện nay thì lúc nào cũng có bóng dáng, can dự của những nước lớn, vậy chúng ta nhìn nhận vấn đề này như thế nào, cụ thể là những tranh chấp trên Biển Đông?
Khi là nước lớn thì người ta có lợi ích trên toàn cầu. Như vậy, sự can dự của họ về chính trị, văn hóa, kinh tế, kể cả quốc phòng, sẽ trải rộng trên toàn thế giới, trong đó có khu vực của chúng ta.
Chúng ta tôn trọng những can dự, lợi ích đấy nếu họ tôn trọng luật pháp quốc tế, can dự một cách hoà bình, song trùng với lợi ích của các nước trong khu vực và đặc biệt là không xâm hại đến chủ quyền, lợi ích chiến lược của các quốc gia. Những can dự như vậy thì chúng ta ủng hộ vì nó đem lại sự phát triển chung cho khu vực.
Tuy nhiên, những can dự ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định chung của khu vực, xâm hại đến lợi ích của các quốc gia, nghiêm trọng nhất là xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, thì chúng ta không bao giờ chấp nhận.
Chúng ta cần phải kiên định giữ cho được thái độ của quốc gia mình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và chế độ chính trị ở nước ta, không tham gia vào những can dự, những trò chơi quyền lực ấy. Nếu can dự của các nước lớn không được sự đồng tình của các quốc gia trong khu vực thì can dự đó sẽ không đem lại lợi ích cho ai cả, và sẽ thất bại.
Cụ thể trên Biển Đông, chúng ta không kéo bất kỳ quốc gia nào tham gia vào những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà Việt Nam tự giải quyết với các nước mà chúng ta có tranh chấp.
Giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế nhưng không được quên một điều là phải công khai, minh bạch, lắng nghe và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Như vậy, giải quyết đó mới thực sự bền vững, đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.
Năm 2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký với lãnh đạo Trung Quốc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông thì được các nước ASEAN hết sức quan tâm và đánh giá cao.
Các nước lớn ngoài ASEAN như Nga, Ấn Độ, Mỹ... cũng theo dõi rất kỹ và khi gặp chúng tôi trong các hội nghị quân sự-quốc phòng, họ đều đánh giá cao.
Họ nói rằng những nguyên tắc đó không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam và Trung Quốc mà còn đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Vấn đề là chúng ta và Trung Quốc thực hiện những nguyên tắc đó như thế nào.
Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận
Như Thượng tướng nhấn mạnh, vấn đề là hai nước thực hiện những nguyên tắc đã cam kết. Trở lại hoạt động của ngư dân chúng ta trên Biển Đông, thực tế là bà con đã gặp những cản trở, khó khăn và có trường hợp vừa qua đi quá giới hạn dân sự, Thượng tướng nghĩ sao?
Việc sử dụng vũ lực với ngư dân dù dưới bất kỳ hình thức nào, quân sự hay phi quân sự, là không bao giờ được phép. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung và cũng là đạo lý chung của thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận nó trong một tổng thể xem những sự việc như vậy có phải là tính hệ thống hay không. Nếu là tính hệ thống thì chúng ta đặt nó ở tầm lo ngại lớn hơn. Quan trọng nhất là giải quyết như thế nào, phải làm thế nào để hiện tượng đó không tái diễn. Đảng, Nhà nước ta luôn ủng hộ và bảo vệ ngư dân đánh bắt trong vùng biển của chúng ta.
Như phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khi ra thăm đảo mới đây: “phần chủ quyền biển đảo của mình, bà con cô bác cứ đánh bắt”. Ngoài ra, chúng ta cũng giáo dục ngư dân phải tuân thủ luật pháp và hướng dẫn cách xử lý trong những trường hợp bị gây khó khăn.
Cụ thể, chúng ta đã có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân trên biển, thưa Thượng tướng?
Đảng, Nhà nước ta luôn cố gắng cao nhất đảm bảo cho ngư dân yên tâm khi ra đánh bắt cá ở vùng biển của Việt Nam. Tình hình hiện nay đòi hỏi những bước phát triển hơn nữa, đảm bảo an toàn cho các hoạt động lao động hòa bình, phát triển trên biển, bởi kinh tế biển ngày càng quan trọng. Vừa qua chúng ta đã có bước củng cố Cảnh sát biển.
Chính phủ cũng đã cho thành lập lực lượng kiểm ngư. Những lực lượng này vừa giúp ngư dân đánh bắt cá vừa bảo vệ ngư dân, đồng thời xử lý các vi phạm của ngư dân Việt Nam và nước ngoài. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã cứu dân trong bão, giúp dân khi đắm tàu… không chỉ với ngư dân Việt Nam mà cả ngư dân các nước khác.
Lòng tin càng cao thì quan hệ càng phát triển
Trở lại việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, theo Thượng tướng công tác này sẽ đóng góp như thế nào vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là giải quyết những điểm nóng của khu vực và quốc tế?
Đối ngoại quốc phòng nằm trong chiến lược đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Đặc trưng là xây dựng lòng tin. Trên cơ sở xây dựng lòng tin, nó sẽ phục vụ cho sự phát triển quan hệ đối ngoại toàn diện với các nước, lòng tin càng cao thì quan hệ càng phát triển.
Bên cạnh đó, đối ngoại quốc phòng cùng với các lĩnh vực đối ngoại khác là diễn đàn để hợp tác và đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, chế độ chính trị XHCN của chúng ta.
Do là quốc phòng nên những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ được đề cập một cách trực tiếp. Khi giới quân sự đã ngồi được với nhau để bàn về hợp tác vì hoà bình thì rõ ràng nguy cơ xung đột giảm đi, hòa bình được giữ gìn và đến gần hơn, chiến tranh xa hơn.
Đối ngoại quốc phòng cũng trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng quân đội, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, đào tạo cán bộ.
Trong đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng thì khó khăn lớn nhất là đối tác có thực tâm, có muốn giải quyết theo luật pháp quốc tế những mối quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh hay không. Trong giới quốc phòng, những tuyên bố đơn phương, hành động đơn phương rất khó được chấp nhận. Trong thế giới hiện nay, không nước nào có thể áp dụng chính sách đơn phương được.
Đối với người trẻ, nhất là những chiến sỹ trẻ đang huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở biên giới, hải đảo, Thượng tướng muốn nói với họ điều gì về vai trò người lính trong thời bình?
Người trẻ tham gia quân đội ở bất kỳ lĩnh vực, vị trí nào thì tôi muốn nói với các chiến sỹ là: Đất nước không thể có hòa bình, phát triển nếu không có nền quốc phòng mạnh.
Việc thanh niên tham gia quân ngũ trong thời bình không phải chỉ là sẵn sàng chiến đấu nếu có chiến tranh, mà chính là tạo ra gốc rễ của hòa bình. Đó là nền quốc phòng vững mạnh, đủ để bảo vệ Tổ quốc. Đó là trách nhiệm, vinh dự và tự hào của người chiến sỹ trong thời bình.
Hiện nay nếu không xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến sỹ có trình độ cao thì không có nền quốc phòng mạnh. Mặt khác môi trường quân ngũ là nơi học tập rất hiệu quả, không phải những kiến thức cụ thể về kinh tế, xã hội mà nó xây dựng nhân cách, bản lĩnh cá nhân, phương thức làm việc, tính độc lập khi ra xã hội...
Môi trường đó cũng tạo cho người lính mối quan hệ đặc biệt, đó là tình đồng đội. Nếu người lính vào quân ngũ với tâm thế như vậy thì sẽ trở thành người lính tốt và khi xuất ngũ sẽ trở thành một công dân tốt.
Xin chân thành cảm ơn Thượng tướng!
(Theo TPO) Hà Nhân - Minh Đức - Quốc Hùng
|