14:45
Không chỉ là bài toán kinh tế (HNM) - Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định về việc huy động vàng trong nhân dân thông qua hệ thống đại lý là các tổ chức tín dụng. Việc này đã được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập và cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và nhiều tổ chức tín dụng, ước tính người dân hiện nay đang nắm giữ khoảng 500 tấn vàng, tương đương 20 tỷ USD. Có chuyên gia kinh tế cho rằng con số này thực tế còn cao hơn. Đây là một nguồn lực tài chính không nhỏ. Thế nhưng để huy động được một phần trong số đó, chuyển hóa thành tiền, lưu thông trong nền kinh tế không hề đơn giản. Ngân hàng Nhà nước hy vọng trên cơ sở những quy định pháp lý được ban hành, các cơ quan quản lý Nhà nước có "cây gậy" đủ mạnh để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ vàng, vốn là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua, đồng thời quản lý thị trường theo hướng bảo đảm quyền lợi của người dân trong dự trữ vàng. Từ đó, có thể bình ổn được thị trường trong nước và điều tiết giá vàng phù hợp với giá thế giới… Tóm lại là điều hành thị trường vàng hoạt động một cách lành mạnh và tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế. Điều này thật sự cần thiết trong bối cảnh thị trường tài chính vốn eo hẹp hiện nay, trong khi đó thị trường vàng cũng đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, nếu triển khai đề án này có rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Thực tế, thời gian qua, không ít tổ chức tín dụng đã nhắm đến việc huy động nguồn lực "ngủ quên" trong dân qua kênh đầu tư gửi tiết kiệm vàng, thế nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả bởi nhiều lý do. Từ xưa đến nay, vàng trong dân luôn được coi là "của để dành" như "tích cốc phòng cơ", Nhà nước huy động thông qua hệ thống tín dụng thì giá trị vàng gửi tại ngân hàng có được bảo đảm như giá trị vốn có của nó trên thị trường hay không? Rồi các ngân hàng có trách nhiệm như thế nào với người gửi vàng?... Chưa kể, với lãi suất thấp hơn lãi suất gửi tiền tiết kiệm, kênh huy động này khó có thể hấp dẫn người dân, đặc biệt là với những người từ lâu vốn coi vàng là "vật bất ly thân". Với ngân hàng thì sao? Việc huy động vàng chuyển thành nguồn vốn đầu tư cũng là biến tài sản tích trữ thành hàng hóa. Mà đã là hàng hóa, đương nhiên sẽ phải chịu chi phối bởi yếu tố thị trường. Một khi giá vàng lên cao, nếu người dân rút vàng ra, bán kiếm lời, hoặc khi đáo hạn phải mua vàng giá cao, ngân hàng sẽ phải ứng xử thế nào? Nếu các ngân hàng không có những công cụ dự phòng các trường hợp phát sinh, rất khó hạn chế rủi ro. Mà rủi ro với mặt hàng đặc biệt này khó thể lường hết. Chưa kể đến việc trả lãi cho người dân và phải thiết lập được thị trường thứ cấp để giao dịch các chứng từ có giá trị bằng vàng… Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng: Huy động vàng trong dân là một chủ trương đúng, nhưng để làm được điều đó thôi, chưa nói đến phát huy hiệu quả nguồn lực này đã là cả vấn đề. Các nhà hoạch định chính sách không chỉ phải giải bài toán kinh tế mà còn phải tìm cách thay đổi tâm lý coi vàng như tài sản "phòng thân" của người dân. Thêm nữa, để tạo lòng tin cho những người mang "của để dành" vào gửi ngân hàng, phải có được một sự ổn định về chính sách. Nếu tình trạng chính sách nay thế này, mai thế nọ thì "một sự bất tín" sẽ kéo theo hệ lụy lâu dài. Tuy nhiên, đã đến lúc người dân nên bỏ đi một thói quen không còn phù hợp với sự vận động của nền kinh tế hiện nay. Và các nhà quản lý cần phải tạo ra cơ chế chính sách phù hợp để lượng vàng còn nằm trong dân được vận động trong dòng chảy của nền kinh tế. Thế Phương |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét