11:15
Tăng lương, công nhân… “nghèo” đi (?!)
Đáng lý ra, khi Nghị định 70/2011/NĐ –CP về điều chỉnh lương tối thiểu vùng được ban hành, công nhân (CN) phải được hưởng lợi thế nhưng, nhiều DN đã xây dựng, điều chỉnh lại hệ số thang lương, bảng lương theo kiểu… đi xuống. Việc này khiến chuyện tăng lương của CN chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức, quyền lợi BHXH, BHYT… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói là, cơ quan chức năng lại đồng tình việc này…
Hạ thấp hệ số lương
Chị Nguyễn Thị Lan, làm việc tại một DN chế biến thủy sản ở quận 4, TPHCM cho hay, ăn Tết xong, vừa qua Cty chị đã điều chỉnh lại hệ số lương của toàn thể người lao động (NLĐ). Theo đó, lương của chị Lan là hơn 1,8 triệu đồng/tháng (đây là mức lương để tham gia BHXH, BHYT).
Được biết trước đây Cty tự xây dựng thang bảng lương và áp dụng việc xây dựng thang lương theo Nghị định 107/2010/ND –CP. Sau khi Nghị định 70/2011/NĐ –CP về điều chỉnh lương tối thiểu vùng có hiệu lực, nếu áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng I (quận 4, TPHCM) và hệ số lương phải tăng tương ứng thì tổng lương của chị cũng phải trên 2,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giám đốc lại chỉ đạo Phòng nhân sự điều chỉnh hệ số lương của toàn bộ NLĐ theo hướng…giảm xuống.
Vậy là, nếu đem lấy mức lương tối thiểu vùng I đã được điều chỉnh nhân với hệ số lương (đã giảm xuống) thì tổng thu nhập của NLĐ vẫn giữ nguyên, hoặc chỉ tăng một ít trong khi Cty vẫn chấp hành đúng theo quy định về lương tối thiểu của Chính phủ.
“Với “chiêu” này rõ ràng NLĐ chúng tôi bị thiệt thòi khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng, bởi lẽ dù thu nhập không tăng nhưng CN lại “mang tiếng” được tăng lương khiến tiền nhà trọ, giá cả… cũng tăng theo, như vậy có phải khiến đời sống CN “nghèo” đi không?” - Chị Lan bức xúc.
Anh Bùi Hoàng Long – làm CN kỹ thuật trong KCN Tân Bình - thì cho biết, Cty anh cũng mới điều chỉnh hệ số lương của toàn bộ NLĐ theo hướng thấp xuống, dù lương thực lãnh của anh vẫn nhận như cũ song hệ số lương đã bị Cty giảm xuống vài lần, ảnh hưởng đến mức tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Theo anh Long, lúc đầu Cty cũng định cắt các khoản phụ cấp khác như cơm trưa, đi lại…, nhưng sợ bị CN phản ứng nên Ban giám đốc đã quyết định chọn biện pháp giảm hệ số lương là tối ưu nhất.
Chị Hoa – kế toán tại một DN ở quận Bình Thạnh thì tiết lộ, sau khi Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng, giám đốc Cty đã lập tức chỉ đạo Phòng Kế toán tìm phương án để làm sao vừa giữ nguyên chi phí cho quỹ BHXH của Cty như hiện tại, vừa hợp lý để NLĐ không phản ứng mà vẫn thực hiện đúng quy định Nhà nước về lương tối thiểu. Cuối cùng, giảm hệ số lương của NLĐ xuống là cách được thực hiện. Chị Hoa còn tâm sự, hầu hết các DN đều xây dựng hai bảng lương (một để áp dụng cho DN, một để đối phó với cơ quan nhà nước).
Cơ quan chức năng: Được phép(!?)
Tại TP.HCM, ngay sau khi Nghị định 70/2011/NĐ –CP quy định lương tối thiểu vùng có hiệu lực, thời gian qua, rất nhiều DN đã sử dụng biện pháp giảm hệ số lương của người lao động để “lách” luật. Tuy nhiên, có một số DN dù đã nắm được kẽ hở này nhưng khi thực hiện còn… sợ nên đã làm văn bản hỏi lên Sở LĐTBXH TP HCM.
Không trực tiếp trả lời được, Sở này đã phải làm Công văn số 382/SL ĐTBXH – LĐ hỏi lên Bộ LĐ –TB&XH. Tại công văn số 247/LĐTBXH – LĐTL trả lời Sở LĐTBXH TP HCM do Vụ trưởng Vụ Lao động – tiền lương Tống Thị Minh ký, giải thích: “Đối với các DN đã xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương với Sở LĐTBXH TP HCM, nay DN điều chỉnh lại hệ số lương thấp hơn hệ số lương trong thang lương, bảng lương đã đăng ký… nhưng các mức lương trong thang lương, bảng lương mới của DN không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP… đồng thời đã có sự thỏa thuận, thống nhất của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn lâm thời và NLĐ thì vẫn bảo đảm theo quy định của Nhà nước”.
Theo hướng dẫn này của Bộ LĐ –TB&XH thì DN vẫn được phép hạ thấp hệ số lương của người lao động so với hệ số đã đăng ký tại cơ quan lao động. Tuy nhiên, khác quan điểm, một số chuyên gia lao động lại cho rằng: Tại Điều 6, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP đã nói rõ, thang lương, bảng lương được áp dụng làm cơ sở để xác định đơn giá tiền lương, thực hiện chế độ nâng bậc lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể; đóng và hưởng các chế độ bảo BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu cho DN thực hiện việc hạ hệ số lương của CN thì việc nâng bậc sẽ không còn ý nghĩa, mức đóng và hưởng BHXH, BHYT cũng chỉ như sự hợp thức hóa. Và rõ ràng nó đã “vô hiệu hóa” quy định tại Điều 6, Nghị định 114/2002/NĐ-CP, đồng thời làm giảm đi nhiều quyền lợi chính đáng mà lẽ ra người lao động phải được hưởng.
Lam Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét