Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

21:45

PGS.TS Trịnh Hòa Bình:

Thư của Quỳnh Anh phảng phất bóng bà Ngọ


(GDVN) - "Cô bé Quỳnh Anh trong trường hợp này có thể xem là một “nạn nhân”. Người ta thấy tội nghiệp, thấy thương cô bé nhiều hơn là giận", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói về chuyện bức thư ký tê cô bé Quỳnh Anh Vietnam's Got Talent.



Bức thư ký tên Lê Nguyễn Quỳnh Anh (thí sinh từng dự thi Vietnam's Got Talent) gửi tới Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - Bà Ngô Thị Minh đang trở thành tâm điểm dư luận mấy ngày qua. Dưới góc nhìn một nhà xã hội học có tiếng, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, bức thư có sự can thiệp, “mớm lời” của người lớn, và như vậy là không nên một chút nào...

- Khi sau sự việc mẹ thí sinh Quỳnh Anh – bà Nguyễn Thị Ngọ “giành mirco” bênh con tại cuộc thi VietNam’s Got Talent lắng xuống thì dư luận hết sức bất ngờ khi thí sinh Quỳnh Anh được cho là lần đầu tiên lên tiếng bằng cách gửi lá thư kêu cứu tới Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – bà Ngô Thị Minh. Ông nhận định thế nào về bức “tâm thư” này?

Tôi đã đọc về bức thư này trên mạng. Mới lướt qua thôi đã thấy đây là một bức thư hết sức logic, có ý đồ, ý tưởng rõ ràng nhằm chuyển tải cái khác nhiều hơn là sự “kêu cứu”. Tuy nhiên, cũng không khó để nhận ra, bức thư được “cài cắm” nhiều thứ. Phải nói là… rất nản khi đọc bức thư, bởi về mặt logic, hình thức đều rất bài bản, dù vậy, tinh ý một chút, hoàn toàn có thể nhận ra sự bất bình thường trong cái logic đó.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: "Cô bé Quỳnh Anh trong trường hợp này có thể xem là 
một “nạn nhân”. Người ta thấy tội nghiệp, thấy thương cô bé nhiều hơn là giận".
Nói thẳng, sự việc của cô bé Quỳnh Anh không có gì đáng để kêu cứu. Ở đây, không có ai chà đạp, không ai chủ động “bày binh bố trận” lừa bịp mẹ con cô bé để người khác cười họ. Có chăng là sự thiếu văn hóa trong ứng xử của người mẹ. Chứ còn cô bé Quỳnh Anh trong trường hợp này có thể xem là một “nạn nhân”. Người ta thấy tội nghiệp, thấy thương cô bé nhiều hơn là giận.

- Ông đánh giá sao về cách đặt vấn đề trong bức thư?


15 tuổi - vẫn là một đứa trẻ, nhưng cách đặt vấn đề qua thư này rất nghiêm trọng. Cái logic thì không còn sự hồn nhiên, thêm vào đó là toan tính của người lớn qua việc khẩn cầu, kết tội từ ban giám khảo đến toàn bộ hệ thống truyền thông, những người quan tâm tới vấn đề và từng bày tỏ ý kiến nhận xét phê bình, phản đối hay chia sẻ. Cô bé nói đến chuyện mất ăn, mất ngủ, thì tôi nghĩ, việc đó xuất phát từ sự xấu hổ chứ không phải do bị chà đạp.

Người có tư duy bình thường đều cảm nhận được bức thư - chắc chắn do tự tay đứa trẻ viết, nhưng trong trạng thái có người lớn “gà”, “mớm lời”. Đọc xong thư, tôi thấy phảng phất bóng dáng bà Ngọ - theo nghĩa những gì đã từng thể hiện trên sân khấu Vietnam’s Got Talent.

- Theo ông vì sao bức thư không gửi cho một ai khác mà lại nêu đích danh bà Ngô Thị Minh?

Đây là một chi tiết làm bức thư tưởng chừng vô cùng ngây ngô, trong sáng trở nên kệch cỡm, thể hiện rõ có sự can thiệp của người lớn. Vì sao tôi nói vậy, đơn giản vì trẻ con không thể nghĩ ngay ra bà Ngô Thị Minh với chức vụ là Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, là người công tác trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.
Gia đình Quỳnh Anh tại VietNam's Got Talent.
Trẻ con làm sao nghĩ được sự cố lùm xùm của mình với cuộc thi Vietnam’s Got Talent là việc chà đạp lên quyền trẻ em, là làm nhục, bôi xấu trẻ em nên phải gửi đến đúng địa chỉ đó chứ! Cái tư duy đó tưởng chắc chắn, thì vô tình cho thấy sự nghiêm trọng hóa vấn đề quyền trẻ em từ phía người lớn phía sau Quỳnh Anh.

Việt Nam đã phê chuẩn công ước của Liên hiệp Quốc về Quyền trẻ em. Vì vậy,  chúng ta có những chính sách bảo vệ quyền trẻ em nghiêm ngặt. Trẻ em được hưởng bốn nhóm Quyền: Quyền được sống còn, Quyền được bảo vệ; Quyền được phát triển; Quyền được tham gia. Như thế, ý đồ ở đây rất rõ việc muốn kéo đại biểu Quốc hội vào cuộc, thổi sự việc lên tầm quốc tế. Tư duy một đứa trẻ làm sao nghĩ ra được việc đó!

Trong thư, Quỳnh Anh có nhắc đến chuyện một cô bé bị đánh sưng môi thì được cộng đồng chia sẻ, còn số phận của em thì lại không ai dòm ngó. Đúng, mọi sự việc liên quan tới quyền lợi trẻ em đều không hề nhỏ, nhưng ở khía cạnh ra sao mới quan trọng.

Quỳnh Anh tham gia một cuộc thi để muốn được giới thiệu, muốn hưởng sự vinh quang, không đạt tới điều đó quay sang oán thán nên hoàn toàn khác với việc một đứa trẻ bị chà đạp, bị tước bỏ nhân quyền. Trong trường hợp này, Quỳnh Anh vô tình đang trở thành nơi hứng chịu chỉ trích từ nhiều phía.

- Ông có nhận ra “cái tôi” của cô bé Quỳnh Anh - 15 tuổi trong lá thư?  

Tôi đọc thì thấy cô bé nói nhiều về nỗi đau, nhưng nói thật, điều đó xem chừng rất hời hợt, chủ yếu mô tả về ngôn từ chứ chưa với tới nỗi đau thực sự. Có vẻ như nỗi đau được nâng tầm vĩ mô lên phạm vi thế giới, cứ như cô bé là đại diện cho 1 thế hệ trẻ của nhân loại vậy.

Nói thật, kiểu nâng tầm vĩ mô như vậy không phải cách lập luận của con trẻ thơ ngây. Trẻ con thường chỉ biết tới nhóm bạn, cộng đồng nhỏ xung quanh thôi, chứ ít khi có cái nhìn bao quát toàn thế giới. Nói cách khác, ngôn ngữ sử dụng trong lá thư rất đáng ngờ, thê hiện sự khác thường.

- Ông có thể chỉ ra 1 số câu trong lá thư thể hiện sự khác thường đó?  


Tôi nói lá thư “phảng phất” hình ảnh bà Ngọ - mẹ cháu Quỳnh Anh bởi trong thư 2 mẹ con luôn “dính” vào nhau. Nào là “hai mẹ con cháu”, “cháu cùng mẹ”…

Riêng câu: “Cháu đã được dạy ở trường, sống là phải ngay thẳng, phải tôn trọng sự thật. Học sinh chúng cháu luôn được dạy kỹ như vậy thì tại sao người lớn, mang danh là người có học thức, làm một chương trình lớn mang tầm cỡ quốc gia như thế lại không làm đúng được theo những bài giáo dục công dân cơ bản ạ?”, tôi không hề thấy giống suy nghĩ của trẻ mà thấy hao hao cách viết kiểu một công trình nghiên cứu.

Hay như câu: “Chỉ trong vài ngày thôi, mẹ già đi trông thấy, còn cháu đã sụt 3kg rồi, ngày nào cũng ăn cháo, ngày nào cũng có cảm giác muốn lả đi. Có lúc cháu tưởng chừng như không còn sức để gắng gượng nổi nữa. Hôm nay cháu không thể đi học và cháu quyết định viết thư này gửi bác”.

- Bức thư gửi đi còn kèm đĩa DVD những bài hát cháu yêu thích nhất trong đó có bài Tình mẹ mà Quỳnh Anh hát tới bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ông nghĩ gì về điều đó?

Cô bé gửi chiếc đĩa, có thể nhằm thể hiện sự trong sáng, chân thành, không giấu giếm hoặc như một bằng chứng cho giọng hát của mình tốt. Đó là bằng cớ buộc tội những người không ủng cô bé suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nếu có sự xúi giục, thì đây là một “thâm ý” nhằm cố thể hiện sự ngây thơ, trong trẻo của con trẻ.

- Ông nghĩ gì về việc bức thư được đăng trên website của hệ thống trường mà mẹ của Quỳnh Anh làm Chủ tịch hội đồng quản trị?  


Tôi nghĩ điều đó thể hiện sự kệch cỡm! Nếu đứa bé đăng lá thư lên một chỗ khác, một diễn đàn nào đó thì hay hơn là đăng trên trang web hệ thống trường mẹ của cô bé làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Và, nếu trang web trường đó lấy lại bức thư từ một địa chỉ khác thì mọi việc sẽ bình thường hơn.

Điều này khiến người ta nghĩ đến việc Quỳnh Anh gửi thư là một kịch bản, người lớn bên cạnh cô bé đang tìm cách “bày binh bố trận”. Mà việc đó cũng hay nhé! Rất có thể trang web của hệ thống trường đáng kính nọ không nhiều mấy người quan tâm biết đến, nay bỗng chốc nhiều người vào ra để đọc.

- Theo ông nghĩ, trong đời sống có khi nào người ta mang lùm xùm của con cái ra để kinh doanh không?


Có thể lắm chứ! Khối người sẽ cho rằng, bằng cái việc đưa bức thư lên trang web của nhà trường đáng kính sẽ là một việc kinh doanh hiệu quả. Vì qua sự kiện của con gái, mà ngôi trường được thiên hạ biết đến đông đảo hơn!

- Xin cám ơn ông!
 GDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét