Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

07:30
LÃNG PHÍ TỪ PHONG TRÀO…TIẾT KIỆM

QĐND - Phong trào cắt giảm chi phí, thực hành tiết kiệm tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang được khởi động một cách rầm rộ từ đầu tháng 2 đến nay. Đây được coi là bước khởi đầu cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị Quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012. Tính đến thời điểm này, đã có 8 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đăng ký tiết giảm với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 3, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn lại sẽ hoàn thành việc đăng ký tiết giảm. Bộ Tài chính hy vọng qua phong trào này sẽ tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng.
Việc tiết giảm chi phí của các tập đoàn, tổng công ty, vốn được mệnh danh là "đầu tàu" của nền kinh tế đất nước không chỉ đơn thuần là sẽ dôi dư ra hàng tỷ đồng tiết kiệm mà điều quan trọng hơn sẽ góp phần làm lành mạnh hóa nền tài chính đất nước, hạ giá thành sản phẩm, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Ví dụ, việc tiết giảm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ có thể giảm đến giá bán điện; hoặc việc cam kết tiết giảm 137 tỷ đồng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ tương đương với việc hạ 15 đồng đối với mỗi lít xăng, dầu xuất bán trong nước năm 2012...
Thế nhưng, việc tổ chức thực hiện phong trào tiết kiệm này lại có nhiều điều cần bàn. Lễ công bố kế hoạch tiết giảm chi phí của doanh nghiệp nào tổ chức cũng rất hoành tráng. Có doanh nghiệp mời cả lãnh đạo một số địa phương trên cả nước, lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài tập đoàn cùng đông đảo đội ngũ báo giới, truyền thông từ Trung ương đến địa phương. Khách ở xa về đã tốn kém, chủ nhà còn tốn kém hơn bởi phải lo phần tổ chức và quà cáp cho khách.
Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, sau khi phải dự nhiều buổi lễ “tiết kiệm” đã nhắc nhở các doanh nghiệp rằng, không cần phải tổ chức ký kết, công bố một cách tràn lan, theo phong trào. Thay vào đó, chỉ cần hội đồng thành viên ban hành nghị quyết để các đơn vị, cá nhân thực hiện, sau đó giám sát chặt chẽ.
Có thể nói, chủ trương tiết giảm chi phí quản lý, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong giai đoạn này là hết sức cần thiết, nhưng không thể triển khai thực hiện theo kiểu... phong trào, hô khẩu hiệu để báo cáo "thành tích". Việc tiết kiệm phải thực chất, hiệu quả. Vấn đề cấp bách lúc này là cần phải có quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong đó phải có chế tài xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nếu để xảy ra thất thoát, lãng phí, dù đó là lãng phí trong tổ chức thực hiện phong trào tiết kiệm.
Đỗ Phú Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét