09:28
Quản lý giá sữa:
Biện pháp hành chính chưa đủ
KTĐT - Những ngày cuối tháng 2, lại có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn thông báo tăng giá từ ngày 1/3.
Mặc dù giá sữa trong nước luôn cao hơn khu vực, cơ quan quản lý nhiều lần kiểm tra, kiểm soát thị trường sữa nhưng quyền tăng giá vẫn là… của DN.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Nhiều DN lý giải giá sữa tăng do giá nguyên liệu đầu vào và các chi phí kinh doanh tăng, theo ông nguyên nhân này có hợp lý hay không?
- Cơ cấu giá sữa có nhiều thành phần nhưng chủ yếu là nguyên liệu sữa rồi mới đến các thành phần bổ sung để phù hợp cho từng lứa tuổi. Trong những tháng đầu năm 2012, giá sữa còn 3.250 USD - 3.700 rồi giảm xuống còn 3.200 - 3.500 USD, trung bình khoảng 100 USD/tấn (khoảng 2,5%). Chính vì vậy, không thể nói nguyên liệu sữa bột trên thế giới tăng khiến giá sữa trong nước tăng.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sữa hộp tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt
Một vấn đề bất hợp lý nữa là so với mặt bằng chung trên thế giới, thuế nhập khẩu sữa tại Việt Nam còn khá thấp, song giá sữa lại thuộc hàng cao trên thế giới. Đến năm 2012 thuế sữa nguyên liệu chỉ còn 18%, sữa thành phẩm từ 30% xuống còn 25%. Nếu nhập từ các nước ASEAN, thuế suất chỉ còn 5%. Cước vận chuyển, điện... cũng ảnh hưởng một phần đến giá sữa. Thế nhưng các yếu tố này không phải là yếu tố quá lớn trong cấu thành giá sữa, nhất là với những loại không sản xuất trong nước mà phải nhập ngoại.
Mới đây, Bộ Tài chính đã liên tục phát hành ba công văn liên quan đến việc bình ổn giá sữa. Ông nhìn nhận động thái này thế nào?
- Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Sở Tài chính yêu cầu các DN sữa không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố đầu vào không thay đổi. Đối với sản phẩm sữa nước đã điều chỉnh tăng giá trong thời gian vừa qua (từ 1/1/2012), phải báo cáo giải trình chi tiết tỷ lệ tăng giá, nguyên nhân tăng giá. Tôi cho rằng đây là hành động tích cực để ngăn đòn "thổi" giá, "lách" luật của DN. Hiện nay cũng chưa có quy định nào về tần suất tối thiểu giữa hai lần tăng giá, các hãng sữa vô tư điều chỉnh tăng giá bán miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20%. Nếu thấy bất hợp lý, cơ quan quản lý có quyền căn cứ vào Pháp lệnh Giá để yêu cầu DN giảm giá thành.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân giá sữa tại Việt Nam tăng cao là do cầu tăng và tâm lý sính hàng ngoại, điều này có đúng không, thưa ông?
- Trên thị trường sữa bột hiện nay, sữa ngoại chiếm đến 80% thị phần, hầu hết các DN kinh doanh sữa đều nhập khẩu độc quyền. Đó lại là thực phẩm dinh dưỡng, vấn đề an toàn là số một nên không tránh khỏi việc bị đẩy giá do tâm lý tiêu dùng. Nhiều bà mẹ khi nghe thông tin giá sữa tăng, sẵn sàng mua về dự trữ và việc làm này càng đẩy giá sữa lên cao hơn.
Ông có góp ý gì với cơ quan chức năng trong việc quản lý kiểm soát giá sữa?
- Làm thế nào để bình ổn giá sữa là vấn đề cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Sữa không phải là mặt hàng do Chính phủ định giá nên dù đã áp dụng chương trình bình ổn giá vẫn rất khó kiểm soát. Khi Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta không nên can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính mà nên để người tiêu dùng tự quyết định. Việc của các cơ quan quản lý cần làm là tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá nhập khẩu, giá thành, giá bán và tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý để có cơ sở so sánh với giá bán. Tất cả những yếu tố đó cần được rà soát, làm một cách bài bản minh bạch và có sự thuyết phục. Sau đó phải có chính sách tuyên truyền công khai, cung cấp cho người tiêu dùng chính xác các yếu tố đầu vào để người tiêu dùng biết, sử dụng sữa đang bán với giá cạnh tranh. Nếu người tiêu dùng phẫn nộ, tẩy chay, không mua, sản phẩm không còn chỗ đứng trên thị trường. Làm được điều này sẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, khách quan cho người sản xuất, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, để hạn chế việc các DN sữa ngoại độc quyền "làm giá", việc quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu sữa, nâng tỷ lệ nội địa hóa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sữa trong nước mới là gốc của vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
Rất cần có một cái nhìn căn cơ với mặt hàng sữa. Để quản lý giá cả, nếu chỉ dùng biện pháp hành chính là thất bại, nếu có, chỉ nên dùng tối đa 10% thôi, còn chủ yếu là dùng biện pháp kinh tế. Tất nhiên, trong chuỗi giá cả sẽ còn nhiều khâu bất hợp lý khác cần kiểm soát. Ví dụ như hiện tượng mặt hàng sữa bị chuyển giá, tức là DN nhập khẩu chuyển giá quốc tế để sữa tăng giá trước khi được nhập khẩu vào VN. Để làm rõ, Bộ Tài chính phải phối hợp với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan khảo sát và đánh giá cụ thể. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Anh |
Nguyên Thảo thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét