Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

21:45
Lề thói "ăn chơi" của người Hà Nội

Khi thế hệ những người cầm bút hiểu về Hà Nội bậc thầy như Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Văn Uẩn hay Hoàng Đạo Thuý... cho đến thế hệ đàn anh như Hà Ân, Băng Sơn, Siêu Hải... đã khuất, còn các vị cao niên như Tô Hoài, Giang Quân hay Nguyễn Vinh Phúc... thì dường như những gì có thể viết về trải nghiệm của mình thì đã viết... Vậy thì đến giờ, ai đây còn có thể  bàn đến cái thú ăn chơi của người Hà Nội xưa?

Đến thế hệ như tôi sức chỉ đủ nhớ về một hoa hội, từ năm Nhâm Thìn (1953) truớc cái năm Giáp Ngọ ghi trong sử sách sự kiện Giải phóng Thủ đô (1954), thì cái thành phố này đã bắt đầu "lột xác" từ chế độ cũ sang chế độ mới.
Ăn và Chơi vốn chỉ là hai lĩnh vực của đời sống con người bỗng được hiểu theo một cái nghĩa nếu không đối lập thì cũng là xa rời với một giá trị được tôn vinh ngày càng trở nên thiêng liêng là: lao động. Vì thế, khi dân cư Hà Nội đã đông đúc dần bởi những người từ nhiều địa phương của một đất nước đã nghèo lại vừa trải qua chiến tranh gian khổ, số đông đều xuất thân từ nông thôn thì "ăn chơi như người Hà Nội" là một thành ngữ nói về cái chất tiểu tư sản không còn phù hợp với cuộc sống mới.
Hồi mới giải phóng không lâu, người ta hay nói đến "viên đạn bọc đường" mà vở kịch của Trung Quốc "Đứng gác dưới ánh đèn nêông" được diễn nhiều lần tại Nhà hát Nhân dân mỗi tối có đến hàng năm bẩy nghìn người xem như sự cảnh báo. Cái thú ăn chơi "kinh điển" của người Hà Nội vốn đã hình thành từ trước cách mạng dường như cũng di cư đi nơi xa. Cái thú ấy có phần "lặn" vào phía khuất của cuộc sống ồn ào của những thay đổi lớn lao của chế độ mới.
Không còn biết đến những xóm cô đầu ở Hàng Giấy, Khâm Thiên hay bên Gia Quất bên kia cầu, không còn những quán nhảy ở Hàng Bông hay Tràng Tiền... Đã có  những tập tục mới khi cổng chào được dựng lên mỗi đầu phố, dưới mái hiên các nhà ở những phố buôn bán treo đèn kết hoa bằng giấy. Trong các gia đình, nơi trang trọng nhất cùng với bàn thờ gia tiên có nhà còn lập ban thờ Tổ quốc có quốc kỳ và khẩu hiệu giăng như hoành phi có câu "Tổ quốc trên hết". Các anh bộ đội mặc áo trấn thủ đội mũ nan bọc vải có lưới bằng dây dù đi ngoài phố và tạt vào nhà dân thăm hỏi.
Đêm Giao thừa những năm  sau, có nhiều cán bộ hay đồng bào miền Nam tập kết tụ họp quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi có một cây dừa trồng phía trước địa điểm của toà báo Hà Nội mới ngày nay. Bà con miền Nam đến nhìn cây dừa để nhớ quê hương rồi tạt vào Câu lạc bộ Thống nhất đặt tại toà trụ sở của Hội Khai trí Tiến đức cũ sinh hoạt. Dân phố Hà Nội quanh đấy được vận động ra đón bà con về nhà vui giao thừa. Một vài điểm rộng quanh hồ người ta quây quần với những điệu nhảy dân vũ mới ở chiến khu mang về còn lạ lẫm với dân vùng tạm chiếm. Kể từ đó, bắt đầu có tục lệ đón nghe lời Hồ Chủ tịch chúc Tết phút giao thừa qua những cái loa công cộng treo mắc quanh hồ...
Những cái thú ăn chơi Hà Nội vẫn duy trì nhưng có phần kín đáo hơn. Nếu ai hỏi "ăn chơi kiểu Hà Nội như thế nào?" thì điều dễ nhận thấy nhất là ăn có nơi chơi có chốn. Cũng như xưa, ăn hay chơi trước hết tuỳ theo gia cảnh. Đại loại Hà Nội xưa có 3 hạng người với 3 lối chơi khác nhau: của công chức hay những người Tây học, của các nhà nho hay một số tầng lớp trung lưu còn giữ nhiều nếp cũ, và người bình dân. Sau giải phóng, lớp công chức Tây học có phần vãn hơn trước nhiều. Các lớp người cũ có phần kín đáo hơn. Còn bà con bình dân tuy chưa có gì cải thiện về đời sống vật chất nhưng lại chứa chất hy vọng sắp đổi đời.
Nhà tôi thuộc lớp trung lưu vẫn giữ nhiều nếp cổ. Bàn thờ gia tiên vẫn nguyên như cũ, vẫn giữ được một cành mai thế và môt giò thuỷ tiên. Hà Nội vẫn còn một cộng đồng người Hoa đông đảo ngay gần nhà tập trung đông nhất ở phố Hàng Buồm nên những tục cũ vẫn duy trì. Dân ta cũng đốt pháo nhưng chỉ lúc trước, trong và sau Giao thừa mới nổ. Người Hoa nặng tính ganh đua nên đốt nhiều hơn và lấy lượng pháo và tiếng pháo làm điềm may mắn cho năm tới làm ăn phát đạt hơn năm trước.
Hoa thuỷ tiên mà mẹ tôi đã mua từ mấy tháng trước cũng của người Tàu nhập từ Hương Cảng sang, rồi trước Tết vài tuần đem ra cắt gọt, râm trong các chậu cát lúc cất gậm giường lúc phơi ra ngoài trời, rồi lại gọt tỉa... sao cho đúng đêm giao thừa bắt đầu có nụ hàm tiếu từ từ nở cho đến sáng mồng một thì có những bông hoa đầu tiên nở đủ khoe màu vàng của nhị giữa những cánh hoa trắng mọng... Cuộc thi thường tổ chức vào Tết mỗi năm để chấm ngoài đền Ngọc Sơn và rước những giò đẹp nhất về đền Bạch Mã duy trì được ít năm nữa rồi cũng mai một dần, vì nhiều lẽ, có phần vì nguồn nhập từ nước ngoài về ngày càng khó.
Nhưng món bài được đem ra chơi, truyền thống nhất vẫn  là tam cúc (tướng sĩ tượng...), với nhiều cách chơi. Bài Tây (rô, nhép, pích, cơ) cũng có nhiều cách chơi nhưng ngày càng phổ biến cách  chơi của các chú bộ đội học theo cách của Trung Quốc và cỗ bài nay được gọi theo phiên âm Hán Việt là "tú lơ khơ". Người già, nhất là ở nhà quê thì chơi tổ tôm rôm rả. Giới trưởng giả xoa mạt chược vẫn còn nhưng rất kín đáo vì lúc này sự khoe giàu sang không còn hợp thời nữa.
Việc cúng lễ vẫn được xem trọng nhưng càng ngày càng e ngại xem việc duy trì những lễ thức ấy có bị coi là mê tín dị đoan hay không. Những chùa chiền vẫn đông, chỉ có điều việc bói toán hay viết số bên ngoài và việc xóc thẻ hay khấn lễ ở bên trong cũng ngày một kín đáo hơn. Thói quen ăn tiệm ngoài các quán cao lâu tập trung ở những phố Hoa kiều, thì ăn phở vẫn là cái thú rất đặc trưng, nhất là sau 3 ngày Tết chính. Ban đầu là phở gánh, về sau mới mở quán. Các quán "cơm tám giò chả" là bếp ăn thuần Việt còn duy trì cho đến ngày nhà nước bắt đầu quản lý lương thực thì mới mất dần rồi gần như mất hẳn.
Thức uống tinh tế nhất của người Hà Nội vẫn là những ấm chè mạn, được uống mộc hay ướp các loại hoa. Ngoài hoa sen hay hoa nhài đến nay vẫn quen uống thì hoa cúc, hoa ngâu cũng được ướp vào chè mà đến nay nhiều người không còn biết đến. Những nhà khá giả hay cầu kỳ thì uống trà Tàu, chưa đến mức thành trà đạo, nhưng rất quan tâm đến những món đồ sắp thành bộ để uống và quan tâm đến người cùng ngồi uống với mình.  Người bình dân uống chè tươi hay nước vối vừa giải khát lại vừa tiêu cơm. Nhưng các quán nước chè hồi đầu chưa có, phục vụ bình dân là những người bán nước rong xách những chiếc ấm bằng thiếc hay ủ trong ấm đất.
Uống càphê giống như phở tại các gánh hàng nhiều hơn là quán xá. Thói uống bia mai một hẳn, đến năm 1958 nhà máy bia của Pháp mới được phục hồi nhờ sự giúp đỡ của các bạn Tiệp Khắc với thương hiệu danh tiếng là "Bia Trúc Bạch". Rồi có cả bia hơi, nhưng dân Hà Nội phải tập lại, bước đầu còn pha với sirô (nước  mứt hoa quả) cho bớt... đắng.
Trừ cá thu do các hàng gánh của người buôn từ mạn biển về những con cá đã được phơi khô nẹp 2 thanh tre xếp thành từng bó như củi  trở thành một món ăn rất hợp với bánh chưng ngày Tết, thì các loại cá biển khác  vốn xa lạ với người Hà Nội. Sau này, do thiếu thịt, để tăng đạm nhà nước cung cấp cá biển, người dân Hà Nội phải mua kèm để thay thịt.
Đương nhiên, những thức hải sản sang trọng trong bữa cỗ nhà giàu như bóng, vây, hải sâm... cũng ít dần không chỉ vì giá cả mà vì nhà nước bắt đầu ưu tiên dành mọi thức quý để xuất khẩu phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Hồi đó người ta lên án việc ăn một tấn lạc là mất mấy tấn gang thép để xây nền công nghiệp quốc dân... Cho đến lúc chiến tranh bùng nổ, các công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã hoàn thành trên nhiều phương diện, nói đến Hà Nội người ta quên dần đi thuộc tính "ăn chơi".
Nhưng rồi khi đất nước Đổi mới, lại hội nhập... dường như những nét riêng trong tập quán "ăn chơi" của người Hà Nội có phần trở lại với những nét đẹp, tinh tế xưa... Nhưng thật không đơn giản khi nó cũng đối mặt với biết bao thứ mới mẻ vừa tốt lại vừa xấu, rồi mở rộng thêm cả Xứ Đoài vừa tinh tế vừa quê mùa... Lề thói ăn chơi của người Hà Nội vẫn trải qua nhiều biến đổi và mọi thứ còn tuỳ thuộc vào chính mỗi người Hà Nội còn ý thức về niềm tự hào và trách nhiệm đối với danh hiệu ấy hay không?
Theo Lao Động cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét