11:31
BẢN ÁN PHÚC THẨM VỤ ÁN TÂN HOÀNG PHÁT
“Lạ lùng” và nhiều sai phạm
Cần phải giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM vì có quá nhiều sai phạm
Phan Cao Trí và đồng phạm về lại trại tạm giam sau phiên tòa. Ảnh: Huỳnh Hiếu
Sau khi bản án phúc thẩm vụ án Tân Hoàng Phát của TAND Tối cao được phát hành, một lần nữa dư luận lại bất bình bởi có quá nhiều bất thường xung quanh vụ án này.
Tách khỏi quá trình tố tụng
Trước hết, về mặt tố tụng, một vụ án hình sự điển hình bao gồm và trải qua 5 giai đoạn sau: Khởi tố vụ án, khởi tố bị can; điều tra; truy tố (hoàn tất bản luận tội chuẩn bị đưa ra xét xử); xét xử (gồm xét xử sơ thẩm và phúc thẩm); thụ hình (thi hành án đối với người bị kết án).
Như vậy, để đưa một người được xem là có hành vi vi phạm pháp luật ra xét xử cần phải có một khoảng thời gian nhất định để điều tra, làm rõ các tình tiết trong vụ án. Đối với vụ án Tân Hoàng Phát, cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã phải trải qua một thời gian dài điều tra rất phức tạp để có thể hoàn thành hồ sơ vụ án dưới sự giám sát chặt chẽ của VKSND TPHCM. Từ kết quả điều tra này, VKSND TPHCM đã hoàn tất cáo trạng chuyển qua TAND TPHCM xét xử. TAND TPHCM dựa vào kết quả điều tra, các chứng cứ khách quan có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai tại tòa của các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhân chứng để ra một phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có thể khẳng định phán quyết của TAND TPHCM về vụ án này gần đúng với kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Công an TPHCM và nội dung cáo trạng của VKSND TPHCM.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM lại có những nhận định hoàn toàn không thống nhất với kết quả điều tra ban đầu. Nói cách khác, bản án phúc thẩm có một nhận định riêng, tách rời khỏi quá trình tố tụng. Chẳng hạn như đưa Phan Cao Trí từ vai trò chủ mưu, cầm đầu sang vai trò đồng phạm giúp sức; từ việc nhận định các bị cáo phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần đối với nhiều người sang phạm tội không có tổ chức, hậu quả hạn chế; từ 93 người bị hại bị bắt giữ trái pháp luật còn 1 người bị hại… Như vậy, cấp phúc thẩm dựa vào đâu để ra phán quyết này hay chỉ dựa vào lời khai phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm của các bị cáo và một số người bị hại? Những lời khai phát sinh đầy mâu thuẫn với hồ sơ vụ án, chưa qua điều tra nhưng vẫn được sử dụng, vậy kết quả điều tra hao tốn nhiều thời gian, công sức của cơ quan điều tra dùng để làm gì?
Trái pháp luật
Đi vào phân tích nội dung vụ án, trước hết phải thấy rằng khi được nhận vào làm việc tại Tân Hoàng Phát, các cô gái được ký hợp đồng lao động theo mẫu chung của Nhà nước nhưng bên cạnh đó, họ phải ký vào một bản thỏa thuận riêng cam kết làm việc và ăn ở 24/24 giờ tại Tân Hoàng Phát. Nghèo, ít học, cần việc làm, các cô gái nhắm mắt làm theo yêu cầu mà không hề biết thỏa thuận viết tay này là “luật riêng” của công ty nhằm giam lỏng họ. Thủ đoạn tinh vi là ở chỗ này, chiếc thòng lọng đã được Tân Hoàng Phát treo sẵn và các cô gái ấy là người tự thắt nút kết thúc tự do của chính mình. Họ phải làm việc từ 9 giờ đến 1 giờ hôm sau và không được tự do ra ngoài.
Cần nói rõ, nếu những người này không bị giữ trái pháp luật thì họ có nộp tiền, vàng cho Tân Hoàng Phát hay không? Vợ chồng Phan Cao Trí - Phan Thị Yến có cơ hội để chiếm đoạt tài sản của họ không? Nếu không bị giam giữ, chị T.N.T có cần phải giả bệnh, chị Đ.T.H.T phải leo cửa sổ sang nhà bên cạnh để bỏ trốn rồi trượt chân ngã, chấn thương cột sống không? Khi cơ quan điều tra ập vào Tân Hoàng Phát giải thoát cho 65 cô gái đưa về lấy lời khai là hoàn toàn có cơ sở xác định tội giữ người trái pháp luật. Nếu công an không vào cuộc, liệu số phận của họ sẽ ra sao? Vậy mà bản án phúc thẩm lại cho rằng: “Các nội quy, các cam kết để bảo đảm trật tự kỷ cương nơi ở, nơi làm việc là đúng pháp luật”.
Các bị cáo chối tội, Tòa Phúc thẩm cũng chỉ buộc các bị cáo bắt giữ người trái pháp luật đối với chị T.N.T. Thế nhưng, trong bản án lại nhận định chị T. “có lỗi, bỏ trốn trong giờ làm việc, vi phạm nội quy lao động” để xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo thì quả là điều “lạ lùng”.
Việc từ 93 bị hại chỉ còn 1 bị hại là hoàn toàn phi pháp. Vấn đề phải làm rõ, bị hại ở đây là những người bị bắt, giữ và bị cưỡng đoạt tài sản. Vậy tại sao cấp phúc thẩm không đưa tất cả những người này vào mà chỉ xác định 1 người?
Trong phần tuyên án ngày 12-12-2011, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, ông Phạm Hùng Việt, không nhắc gì đến phần dân sự, cho rằng “các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật” nhưng bản án phúc thẩm lại hủy bỏ quyết định buộc Trí - Yến bồi thường cho chị T.T.L.Đ 3 chỉ vàng 18 K và bà B. (mẹ của chị T.T.L.Đ) 25 triệu đồng là hoàn toàn không đúng theo những quy định của pháp luật. Việc tuyên án và ra bản án khác nhau là một vấn đề trái pháp luật.
Nói tóm lại, cần phải được giám đốc thẩm lại vụ án để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Không được phép sửa chữa, bổ sung tình tiết vụ án “Bản án phát hành và các quyết định kèm theo phải thông qua đúng như nội dung đã được đọc kỹ trong phòng nghị án và đã tuyên công khai tại tòa, không được thêm bớt tình tiết vụ án, phải căn cứ và tuân thủ quy định của Tòa Tối cao về hướng dẫn, bổ sung ý kiến sửa chữa bản án. Theo đó, không được phép sửa chữa bổ sung tình tiết nào mà chỉ được sửa chính tả, văn phạm, câu cú sao cho sắc bén và gọn gàng hơn” - một vị thẩm phán của TAND TPHCM nói. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, một vị kiểm sát viên của VKSND TPHCM trầm tư: “Lần đầu tiên trong hơn 20 năm công tác trong ngành kiểm sát, tôi mới thấy một vụ án phúc thẩm lạ lùng và nhiều sai phạm như vậy”. |
(NLĐ) Huỳnh Hiếu - Phạm Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét