Ngôi làng có 60 giáo sư, phó giáo sư
Làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường , Nam Định) vốn là một địa danh nổi tiếng cả nước bởi truyền thống hiếu học và khoa cử, đỗ đạt cao.
Chỉ hơn 50 năm (từ 1848 - 1901) ngôi làng nổi tiếng trên đã có 7 vị đỗ tiến sĩ và phó bảng. Trong vòng 400 năm (từ 1522 đến 1915), Hành Thiện có 97 nhà nho đỗ cử nhân, chưa kể 248 vị đỗ tú tài.
Còn thời Tây học? Hành Thiện cũng đã có 51 người đỗ cử nhân và tú tài.
Những nhân vật nổi bật nhất trong giai đoạn này phải nhắc đến ông Nguyễn Thế Truyền. Ông đỗ bằng cao học khoa học năm 24 tuổi tạ Pháp và phải bỏ dở ngày trình bày luận án tiến sĩ để tham gia hoạt động cứu nước trong nhóm Ngũ Long (gồm Pham Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh). Rồi ông Nguyễn Thế Rục, tốt nghiệp CĐ thương mại bên Pháp, tham gia cách mạng và được sang Nga học ĐH Phương Đông, học tiếp trường Giáo sư Đỏ đầu tiên có người Việt Nam . Chính ông là người cùng Tổng bí thư Trần Phú soạn thảo luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Kể từ năm 1955 đến nay, tuy chưa có con số thống kê ở các nước, nhưng nếu chỉ tính riêng ở trong nước, Hành Thiện đã có 60 nhà khoa học có học hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS), trong đó, 35 vị là GS (đều chỉ lấy số tròn vì đợt trao cuối năm 2011 vừa qua, chúng tôi chưa có điều kiện tổng hợp hoàn chỉnh).
Ngoài các GS, PGS kể trên, hầu hết đều có học vị tiến sĩ (TS) khoa học hoặc TS thì người Hành Thiện (không kể những người là con rể, cháu ngoại) còn có trên 120 vị là TS khoa học và TS nữa.
Người Hành Thiện cũng đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS - Anh hùng lao động Vũ Khiêu; GS y khoa Đặng Vũ Hỷ; GS-TS-Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ. Hành Thiện còn có 2 vị được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân khác là GS-TS y khoa, Anh hùng lực lượng vũ tang Phạm Gia Triệu; GS-TS y khoa Đặng Đức Trạch. Danh hiệu Nhà giáo nhân dân cũng được trao tặng cho 3 người gồm ông Đặng Xuân Đỉnh và 2 GS-TS khoa học là Nguyễn Xuân Bảo và Nguyễn Xuân Trực, cùng hơn hai chục Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú.
Nếu ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Hành Thiện được các vương triều bổ làm quan có đến 4 vị là quan thượng thư (cấp bộ trưởng ngày nay), 8 vị là quan tuần phủ và tổng đốc (ngang cấp chủ tịch tỉnh) thì ở chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, Hành Thiện có 1 vị là cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh, 1 vị là Phó chủ tịch Quốc hội, 6 vị hàm bộ trưởng hoặc Ủy viên T.Ư Đảng, 6 vị hàm thứ trưởng cùng 10 vị mang quân hàm thiếu tướng hoặc trung tướng.
Một vài ví dụ rất hy hữu khác nữa là có giai đoạn, người đứng đầu cả 2 cơ quan khoa học đầu não của đất nước là Viện Khoa học xã hội Việt Nam đều là người Hành Thiện, đó là cố GS Đặng Xuân Kỷ và GS-viện sĩ Đặng Vũ Minh.
Khi tìm hiểu về truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của người Hành Thiện, nhiều nhận xét cho rằng truyền thống quý báu đó đã xuất phát từ nép sống có văn hóa của mỗi gia đình, từ sự ganh đua vươn lên của mỗi con người. Họ ganh đua tích cực chứ không hề đối kị ghen ghét nhau. Thấy nhà nọ nghèo hơn nhà mình mà sao con người ta đỗ đạt thành tài, còn con mình lại không?
Vậy là lại quyết tâm cho được bằng người. Dần dà, nó trở thành một nếp sống tốt đẹp của người Hành Thiện.
Nếu như tính đến 2011, Nhà nước đã phong 1.441 người có học hàm GS, thì con số 35 GS ở một ngôi làng hình con cá chép đẹp như tranh thủy mặc, được bao bọc bởi dòng sông nhỏ chảy ra sông Ninh Cơ, vốn rất nghèo lại đất chật người đông thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ như Hành Thiện quả là rất đặc biệt.
(Theo báo Thanh Niên, số Tết) Quốc Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét