Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

06:00

BAO GIỜ THỰC SỐNG ĐƯỢC BẰNG LƯƠNG?

Nhu cầu cải cách tiền lương đã rất cấp bách, nhưng vấn đề là cải cách như thế nào, hay vừa cải cách vừa điều chỉnh, mà chưa bao giờ đuổi kịp mức độ mất giá của đồng tiền?

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo tại TP HCM để lấy ý kiến đề xuất phương án mới cho cải cách tiền lương. Thực trạng đưa ra hiện nay là mức lương tối thiểu chung của công chức hiện chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011 là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Bởi vậy, nhu cầu cải cách tiền lương đã rất cấp bách, nhưng vấn đề là cải cách như thế nào, hay vừa cải cách vừa điều chỉnh, mà chưa bao giờ đuổi kịp mức độ mất giá của đồng tiền?
Chúng ta hãy cùng nhau tính toán mức lương mà cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực hành chính, sự nghiệp công được hưởng hiện nay: 830 ngàn nhân với bậc lương đang hưởng. Mức thấp nhất là bậc 1 cho một cử nhân vừa mới ra trường là 2,34 và mức cao nhất là bậc 13. Sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, đảng phí, công đoàn phí… thì còn 1,7 triệu ở mức lương bậc 1 và chưa đầy 10 triệu ở bậc 13.
Từ thực tế này, ai cũng đặt ra một loạt câu hỏi.
Vậy thì với số tiền đó hiện nay có thể chi cho những khoản gì, khi cuộc sống gia đình có biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu và vật giá ngày một leo thang, khi tăng lương lên 1 thì giá cả đã tăng gấp 2, gấp 3 lần? Lương cứ chạy đua với mức độ mất giá của đồng tiền và chạy đua với giá cả thị trường.
Liệu một cử nhân đứng trước sự lựa chọn, vào Nhà nước với mức lương 1,7 triệu hay làm việc cho khu vực kinh tế khác có mức lương thỏa thuận, 5 triệu, thậm chí cả ngàn USD. Vậy ai sẽ chấp nhận vào làm trong khu vực hành chính nhà nước? Bộ máy Nhà nước đang ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tuyển mộ những nhân tài thực sự. Không ít người tài trong Nhà nước chấp nhận chạy ra ngoài làm việc để giải quyết các nhu cầu trước mắt của cuộc sống – ăn, ở, đi lại, học hành của bản thân, của vợ chồng, con cái…
Vậy thì tại sao vẫn có một bộ phận công chức có cuộc sống xa hoa, sang trọng, nhiều người vẫn có nhà cao, cửa rộng, mua sắm được xe hơi hạng sang? Bằng cách nào? – cũng có dăm bảy đường, bất chính có, chân chính có… có lẽ ai cũng biết, nhưng không mấy ai nói ra… và biểu hiện của nó cũng vô cùng đa dạng.
Vậy trước thực trạng lương nhà nước như vậy, nhiều người vẫn chấp nhận vào làm công chức. Không loại trừ khả năng, hoặc là những người năng lực yếu kém không thể tìm được việc làm ở doanh nghiệp, hoặc có người muốn vào Nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng, tiến thân theo con đường quan chức, tham nhũng, làm giàu bất chính…
Chế độ tiền lương rất bất cập: Nhận thức rõ điều này, chỉ tính trong vòng 8 năm gần đây, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh 7 lần, từ 210 ngàn đồng lên 830 ngàn đồng, nhưng lương thấp vẫn hoàn thấp. Việc giải quyết những khó khăn của Nhà nước trong vấn đề cải cách chính sách tiền lương đang chủ yếu tập trung ở việc nâng lương tối thiểu. Thế nhưng lương tối thiểu vẫn bị giới hạn bởi các yếu tố khống chế: tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của ngân sách nhà nước, số người hưởng lương.
Công chức đang chịu sức ép từ hai phía. Một là, tính cạnh tranh mạnh mẽ giữa các khu vực kinh tế, các thành phần kinh tế trong nước, do tính năng động, cũng như mức chênh lệch quá lớn giữa hai khu vực lao động trong Nhà nước và ngoài Nhà nước. Hai là, cạnh tranh giữa nguồn lực lao động trong nước với nhu cầu tuyển dụng của nước ngoài.
Lạm phát tuy là vấn đề của kinh tế vĩ mô, nhưng nó tác động trực tiếp đến thu nhập của từng người dân nói chung, công chức nói riêng. Nhiều năm nay, cuộc “rượt đuổi” giữa lương và lạm phát chưa hề có phần thắng nào thuộc về tiền lương.
Nhiều phương án đã được đưa ra bàn tính, nhưng khi động đến giới hạn của ngân sách Nhà nước thì đều bị rụt lại, thậm chí phải dẹp bỏ. Bởi quỹ lương hiện nay đã chiếm tới 30% tổng chi ngân sách và bằng 60% của chi thường xuyên. Ngân sách nhà nước thường xuyên trong trạng thái bội chi, có năm tới gần 5%. Việc tăng lương để đạt mức hợp lý theo những dự tính của các phương án trong một thời gian ngắn là điều rất khó khăn và dường như không thể (như mới đây có phương án đưa ra mức lương tối thiểu 1,1 triệu đồng, nhưng chỉ sau ý kiến của Bộ Tài chính, thì rút xuống còn 1,05 triệu đồng).
Tình trạng như vậy, chẳng khác nào chúng ta như “cá mắc trong lưới trên cạn”, như một cái vòng luẩn quẩn dường như không có lối thoát.
Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tiền lương của cán bộ, công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Hiện tại, mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức là 830.000 đồng/tháng và sẽ được nâng lên 1.050.000 đồng/tháng, bắt đầu từ 1/5/2012. Dự kiến giai đoạn 2013-2020, mức lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội sẽ có ba phương án là 2.000.000 đồng/tháng, 1.680.000 đồng/tháng và 3.150.000 đồng/tháng. Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này mà tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và tăng dòng dịch chuyển lao động từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường (chảy máu chất xám).
Tại hội thảo trên, đã có nhiều ý kiến đồng tình với phương án hai (1.680.000 đồng/tháng) về việc điều chỉnh lương tối thiểu dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Về tạo nguồn cải cách tiền lương, theo Bộ Nội vụ là sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sử dụng dự toán ngân sách Nhà nước. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách.
Song có chăng đó chỉ là những giải pháp trên văn bản, giấy tờ, thủ tục, còn về lâu dài, cần có cả một cuộc cải cách về tư duy, nhận thức. Đó là phải có quyết tâm chính trị, nếu không sẽ khó phá bỏ cái vòng luẩn quẩn như đã nói ở trên. Quyết tâm chính trị sẽ có tác dụng giải quyết tiếp nhiều vấn đề mang tính căn bản như thống nhất quan điểm về mặt tiền lương, tiền công là gốc của nhiều vấn đề.
Thứ hai là, phải coi tiền công, tiền lương là giá trị sức lao động, hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Thứ ba là, tạo bước đột phá trong nhận thức, cũng như trong hành động thực tiễn về giới hạn khó vượt qua của ngân sách trong chi cho quỹ lương Nhà nước.
Thứ tư, phải quản lý chặt các nguồn thu – chi của công chức, xây dựng một lĩnh vực an ninh mới mang tên an ninh thu nhập để vừa chống thất thu thuế thu nhập cá nhân, vừa làm cho lành mạnh và minh bạch thu thập của công chức.
Thứ năm, thực hiện thường xuyên công tác tuyển dụng, sàng lọc để nâng cao trình độ chuyên môn của công chức.
(Petrotimes)  Ngọc Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét