Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

Tấm gương tài đức đáng khâm phục

 

Ông cố vấn - Người bắc nhịp cầu quan hệ Việt-Mỹ

Cập nhật lúc 08:12                 

 Vượt qua những trở ngại suốt 20 năm thời hậu chiến, tháng 11/1995 Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển, hội nhập của Việt Nam. Để có được thành công đó, không thể không nhắc đến vai trò làm cầu nối và những đóng góp to lớn của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người từng là cộng sự thân tín của anh em nhà Ngô Đình Diệm.

Năm 1954, sau khi giữ chức Thủ tướng Quốc gia Việt Nam, Ngô Đình Diệm đích thân mời chàng trai Bùi Kiến Thành, khi đó 23 tuổi, từ Hoa Kỳ về giúp việc. Ngoài tham gia tiếp quản ngân hàng Đông Dương của Pháp để lại và tham gia xây dựng Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Bùi Kiến Thành còn là trợ thủ cho anh em nhà họ Ngô về nhiều lĩnh vực và vì vậy, ông trở thành chính khách trẻ nhất Dinh Gia Long (trụ sở của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa) ngày ấy. Cha ông, bác sĩ Bùi Kiến Tín cũng là Bộ trưởng Thông tin đầu tiên trong Chính phủ của Ngô Đình Diệm và là nhà tư bản lớn ở Sài Gòn.

Cuối 1955, Bùi Kiến Thành trở lại Mỹ để tiếp tục học về ngân hàng và một năm sau, ở tuổi 25, ông được Chính phủ của Ngô Đình Diệm cử làm đại diện Ngân hàng quốc gia Việt Nam tại New York và là người trẻ nhất trong số hơn 60 đại diện ngân hàng nhà nước tại Hoa Kỳ.


Ông Bùi Kiến Thành với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Ở tuổi 27, Bùi Kiến Thành trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm của Hoa Kỳ AIU (tiền thân của Tập đoàn AIG sau này) tại Đông Dương và cũng là người Á Đông đầu tiên ở vị trí này. Trải qua nhiều biến cố, và bị ở tù gần 15 tháng sau khi anh em Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sát hại, ông Bùi Kiến Thành chạy trốn khỏi chế độ Việt Nam Cộng hòa và sang Pháp định cư với hai bàn tay trắng. Tại đây, ông gầy dựng sự nghiệp và trở thành tỷ phú địa ốc. Đây cũng là nơi đặt viên gạch đầu tiên trong việc bắc nhịp cầu quan hệ Việt-Mỹ về sau.

Làm việc có ích cho đất nước

Một ngày giữa tháng tư năm 2022, trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố Hội An (Quảng Nam), ông Bùi Kiến Thành - người đàn ông ở tuổi 90, tóc bạc phơ lần về quá khứ, chia sẻ với phóng viên Tiền Phong câu chuyện của đời mình gắn với vận mệnh đất nước từ nhiều thập niên trước. Ông Thành kể, những năm 1980-1981, thông qua một người bạn, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp muốn hẹn gặp ông. Cuộc hẹn đầu tiên được sắp xếp tại nhà người bạn ấy ở cách trung tâm Paris 40 km. Cuộc gặp âm thầm, đóng cửa, kéo dài suốt một ngày, với tinh thần: “Không bàn chủ nghĩa nào, chỉ bàn những vấn đề có ích cho đất nước”. Khái niệm “Dân có giàu thì nước mới mạnh” của ông Thành đưa ra được thảo luận nhiều và được Chính phủ chấp nhận và cũng là cơ sở để bàn sâu vào các vấn đề chi tiết sau này.

 


Ông Bùi Kiến Thành tại quê nhà Hội An

Kể từ thời điểm đó, ông Bùi Kiến Thành trở thành con thoi ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam (thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp) và Chính phủ, giới chức Hoa Kỳ. Vì vậy, không chỉ là cố vấn cho 3 đời Thủ tướng Việt Nam sau này, ông còn là người tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị cho bước ngoặt “Đổi mới” của Việt Nam cũng với vai trò cố vấn.

“Tranh cãi ý thức hệ là điều vô ích trong khi hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng, Đồng bằng sông Cửu Long thiếu gạo, miền Bắc phải ăn bo bo, người dân không được quyền tự do kinh doanh... Tôi đã làm tất cả sức mình để góp phần cho sự đổi thay của đất nước”.

Chuyên gia kinh tế - Cố vấn Bùi Kiến Thành

Năm 1984, ông Bùi Kiến Thành được Tập đoàn AIG mời sang Mỹ làm việc rồi trở thành công dân Mỹ vào giữa năm 1991. Nhờ đó, ông có thêm nhiều cơ hội để vận động Chính phủ Mỹ ủng hộ, tham gia giải quyết những vấn đề của Việt Nam lúc đó, như vấn đề Campuchia, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Ông tiếp tục làm con thoi đi lại giữa Hà Nội và Washington để hỗ trợ nhà nước giải quyết thành công các vấn đề hóc búa như chương trình tù binh và mất tích trong chiến tranh (MIA - POW), giải quyết vấn đề trao trả tài sản hai bên tịch thu của nhau; Chính phủ Việt Nam trong việc nghiên cứu cơ sở luật pháp để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa biển Đông...

Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, cuối năm 1991, ông Bùi Kiến Thành trở về nước nhằm để thuận tiện hơn trong việc trao đổi, phối hợp công việc. Đây là lần đầu tiên ông Cố vấn đặt chân về quê hương sau 26 năm xa cách.

Với những cống hiến không mệt mỏi cho việc phát triển đất nước Việt Nam, năm 2004, Bùi Kiến Thành là một trong 19 Việt kiều được trao danh hiệu “Vinh danh nước Việt”. Năm 2007, ở tuổi 76 ông Thành được nhập quốc tịch Việt Nam.

Hướng về tương lai

Từ khi về nước, ông Bùi Kiến Thành chọn ở Hà Nội để thuận tiện cho công việc. Gần 20 năm ở đó, ông sống trong căn nhà thuê và miệt mài làm việc hỗ trợ cho Chính phủ nhưng không hưởng một đồng thù lao.

Động lực nào khiến ông từ bỏ gia đình và mọi phú quý ở nước ngoài để về Việt Nam? Trước câu hỏi ấy, ông Cố vấn với nụ cười hồn hậu trả lời rành mạch: “Dù ở đâu và mang quốc tịch nào thì tôi vẫn là người Việt Nam và ơn sâu với đồng bào, dân tộc đã thôi thúc tôi trở về. Về Việt Nam là hạnh phúc vô bờ của tôi và tôi cống hiến cho nước nhà như một lẽ hết sức tự nhiên của một con dân nước Việt. Đó là Đạo trung, hiếu, tiết, nghĩa xưa nay và là bổn phận muôn đời của kẻ sĩ”.

 


Ông Bùi Kiến Thành với Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney trong dịp viếng thăm Hà Nội năm 1995. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông cũng cho biết, gia đình ông có một gia sản khổng lồ tại Sài Gòn và sau 1975 Nhà nước đã quốc hữu hóa. Khi trở về nước, ông vẫn không đòi lại vì biết đó là điều khó khăn. “Tôi không tính toán thiệt hơn mà chỉ nghĩ làm gì được cho đất nước là làm. Việc mình làm là hướng về tương lai”, ông nói.

Đánh giá về thành tựu của hơn một phần tư thế kỷ bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, từ việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã mở ra rất nhiều cơ hội để Việt Nam bắt tay với nhiều quốc gia trên thế giới. Thành tựu lớn nhất Việt Nam đạt được là vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao và hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới bằng việc hàng chục hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội để phát triển đất nước như tiềm năng vốn có. Nguyên do là thể chế của Việt Nam chưa được hoàn chỉnh, hệ thống quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là bộ máy còn cồng kềnh, chưa hiệu quả và tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa được diệt trừ. Đó là cản ngại rất lớn để các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ vào đầu tư. Và đó cũng là điều khiến ông trăn trở nhất hiện nay.

Cách đây 3 năm, khi ngấp nghé tuổi 90, ông trở về quê hương Hội An sinh sống. Tuy sức khỏe có phần suy giảm nhưng ông vẫn miệt mài làm việc và đóng góp ý kiến cho Chính phủ khi cần thiết. Ông tiếp tục một mình ở nhà thuê, dù nhiều khi con cháu “giận” vì không chịu về Mỹ sống: “Phải ở Việt Nam, để giúp được gì thì giúp”, ông Cố vấn cười hiền khô.

(Theo Người Lao Động) Đại Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét