Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Phòng chống tham nhũng

 

Đại biểu QH khóa XIV Nguyễn Chiến: "Chúng ta cần lấy vụ Việt Á làm bài học"

Cập nhật lúc 14:57  

Lâu nay, đâu đó người ta vẫn nói đến “hoa hồng” để cảm ơn nhau sau những giao dịch mua bán. Nhưng chỉ đến khi vụ việc Công ty Việt Á bị phanh phui và điều tra với những con số khủng thì vấn nạn “hoa hồng” đã đến mức báo động.

Gục ngã trước “hoa hồng”

Kết quả điều tra sơ bộ của Bộ Công an xác định: Công ty Việt Á "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45% để hưởng lợi bất chính hơn 500 tỷ đồng. TGĐ Công Ty Việt Á khai số tiền đã chi "hoa hồng" cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang nhận “hoa hồng” nhiều nhất là trên 44 tỷ đồng. Ngoài ra, giám đốc CDC tỉnh Hải Dương nhận 27 tỉ đồng. Giám đốc CDC của các tỉnh Hà Giang, Nam Định cũng bị xác định đã nhận "hoa hồng" từ hơn 700 triệu đến hơn 3 tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV  chia sẻ: cá nhân ông rất sốc và bức xúc bởi những người cứ ngỡ là anh hùng trong phòng chống dịch nhưng thực tế lại “bỏ túi” hàng chục tỷ đồng. Và không chỉ cá biệt rơi vào 1-2 cá nhân mà hàng loạt Giám đốc CDC ở các tỉnh thành đều “nhúng chàm”.

“CDC Bắc Giang nhận “hoa  hồng” 44 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng là 148 tỷ đồng, nghĩa là tới 30%, một con số không ai có thể ngờ. “Ăn” ngay giữa lúc đồng bào cả nước hoạn nạn là hành vi không thể chấp nhận được”, luật sư Nguyễn Chiến chia sẻ.

Liên quan đến vụ Việt Á, đã có 3 quan chức Bộ Y tế và 9 Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC của các tỉnh thành bị khởi tố. Và danh sách này chắc chắn chưa dừng lại, bởi hiện nhiều cán bộ địa phương đang tiếp tục phải làm việc với cơ quan điều tra vì có liên quan đến chuyện nhận “hoa hồng”.

Điều đáng nói là trước đó, rất nhiều giám đốc CDC bị bắt đều khẳng định là “không nhận đồng nào từ Việt Á”, thế nhưng, những người tuyên bố hùng hồn nhất lại là những người “nhúng chàm” sâu nhất. Nếu không có sự quyết liệt làm cho đến tận cùng của cơ quan điều tra, thì có lẽ giờ này nhiều người vẫn bị “bịt mắt, che tai”.

Tiền đâu để “lại quả”?

Theo cơ quan điều tra, để có tiền “hoa hồng” cho CDC các tỉnh thành, Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên đến 45%.

Luật sư Nguyễn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV cho biết: mặc dù hiện nay chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng việc nâng giá thiết bị này là có sự cấu kết, móc ngoặc với bên mua, để cùng nhau trục lợi.

Như vậy mới có chuyện, khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng một loại máy xét nghiệm Realtime PCR nhưng ở Thái Bình mua giá này, Quảng Ninh mua giá khác và Ninh Bình lại mua giá còn khác hơn. Thậm chí, khi giám đốc CDC Hà Nội bị bắt do có liên quan đến nâng khống thiết bị, cơ quan chức năng còn phát hiện ra là giá thiết bị của Hà Nội mua dù đã bị nâng khống mà vẫn còn thấp hơn thiết bị cùng loại của một số tỉnh thành, cũng tại thời điểm đó. Chính vì bị “làm giá”, “thổi giá”, “phù phép” mà không ai biết giá trị thực của các thiết bị đó là như thế nào.

Nhưng nâng khống giá thiết bị y tế chỉ là một mánh khóe trong các hình thức che đậy tinh vi của cái gọi là “hoa hồng”. Vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ. Không “cảm ơn” trực tiếp bằng tiền mà đơn vị cung cấp thiết bị với danh nghĩa là cho mượn máy đã nâng giá thiết bị. Sau đó Bệnh viện căn cứ vào giá đó cấu thành giá dịch vụ áp cho người bệnh. Và khoảng chênh lệch này đã “rơi vào túi” một nhóm người.

Bằng các hình thức như vậy, hàng tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước lọt vào tay cá nhân. Hàng tỷ đồng nâng giá dịch vụ khám chữa bệnh khiến người bệnh đã nghèo lại càng khốn khổ hơn…

Làm đúng liệu có khó?

Hiện nay theo Luật đấu thầu có các hình thức đấu thầu mở rộng, đấu thầu rút gọn và chỉ định thầu. Tùy từng trường hợp, các đơn vị y tế sẽ được phép thực hiện hình thức nào. Theo Luật sư Nguyễn Chiến, đây chính là kẽ hở đã bị các cá nhân lợi dụng và tham nhũng.

Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, trước tình hình rối ren và thiếu thốn thuốc men, thiết bị y tế lúc đó, hầu hết các đơn vị đều rút gọn quy trình đấu thầu, chỉ thông qua một hội đồng để quyết định mà thôi.

Cũng phải nói thêm rằng, một phần trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế. Bởi  theo quy trình đấu thầu là phải căn cứ vào giá được công bố trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế. Nhưng điều này được cho là rất chậm trễ, trong khi áp lực mua sắm phục vụ phòng chống dịch tăng cao từng ngày tại thời điểm đó.

“Một loạt sai phạm xảy ra do không có cơ sở giá của Bộ Y tế”, ông Nguyễn Chiến nhấn mạnh.

Từ vụ việc của Việt Á nhìn ra vấn đề “hoa hồng” trong mua sắm trang thiết bị y tế, nhiều người đặt ra câu hỏi là liệu có thể ngăn chặn vấn này được không?

Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, chúng ta cần lấy vụ Việt Á làm bài học. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ tìm ra những kẽ hở mà các bị can đã lợi dụng để thông đồng, trục lợi và chia chác “hoa hồng”. Để từ đó có kiến nghị điều chỉnh Luật và siết chặt quy trình và nâng cao trách nhiệm quản lý của các bên liên quan, trong đó có Bộ Y tế.

Mới đây, trong phiên tòa xét xử vụ án VN Pharma, bị can Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã nói rằng: "hiện nay, sau các vụ bắt giữ sai phạm, siết chặt, thì nhiều đơn vị y tế không còn dám thực hiện mua sắm thiết bị y tế, thuốc men và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh".

Từ đây đặt ra câu hỏi, liệu có khó để làm đúng? Luật sư Nguyễn Chiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV khẳng định: pháp luật xây dựng là để thực hiện, chứ không phải là để sợ hãi. Vấn đề không phải là có dám mua hay không mua mà đây là nhu cầu tự thân của các bệnh viện, việc mua sắm thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân là trách nhiệm.

Hiện nay, với thiết bị nhập khẩu, khi thông quan đã có giá từ nơi sản xuất. Sau đó, cộng với thuế, đơn vị nhập khẩu sẽ tính toán thêm bao nhiêu phần trăm để ra được giá thành và tham gia đấu thầu. Luật định hết sức rõ ràng.

Như vậy, vấn đề cốt lõi nhất vẫn nằm ở quy trình và cách thực hiện quy trình này. Nếu nó được diễn ra minh bạch, có trách nhiệm và cả đạo đức của người đứng đầu thì chắc chắn không thể có chuyện “cửa trước” “cửa sau”, “chung chi” “hoa hồng”. Minh bạch là cách tốt nhất và cũng có thể là duy nhất để chống tham nhũng trong y tế./.

(Theo VOV) Thanh Phượng  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét