Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

PAPI 2021:

 

Còn ‘lót tay’, chi phí ngoài ở lĩnh vực cấp sổ đỏ, chữa bệnh  

Cập nhật lúc 14:42 

 Kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2021) được công bố sáng nay cho thấy nhiều chuyển biến tích cực.

Trong báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thường niên năm 2021 cho thấy chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được trình bày thành bốn nhóm xếp hạng bao gồm cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất.

Khác với kết quả khảo sát 10 năm trước, năm 2021 sự phân bố các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố đều hơn ở phía Bắc và phía Nam. TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES) nhận định năm nay có nhiều tỉnh, thành phía Nam lọt vào nhóm cao nhất trong kiểm soát tham nhũng khu vực công, đây là "sự thay đổi thú vị".

Ông Giang đánh giá, đây là năm đầu tiên sau nhiều năm việc giảm thiểu tham nhũng bị chững lại, "đi ngang".

Điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 điểm trên thang điểm từ 1-10. Qua hai năm 2020 và 2021, 20 tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể, trong đó có Bình Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lâm Đồng đạt mức gia tăng đáng kể trên 15% điểm qua hai năm.


Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cấp tỉnh năm 2021

Theo phản ánh của người dân, hiện trạng ‘chung chi’ để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến. Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường), ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

Tương tự kết quả 2020, Sơn La và Điện Biên vẫn là những tỉnh nơi hiện trạng ‘vị thân’ vẫn phổ biến nhất.

Dưới 70% số người trả lời ở tất cả các tỉnh, thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng. Ở hơn 30 tỉnh, thành phố, tỉ lệ người trả lời cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc chỉ ở mức dưới 50%.

Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi ‘lót tay’ dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Hiện trạng ‘chung chi’ để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Tỉ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40% đến 80% cũng ở khoảng 40 tỉnh, thành phố. Tỉ lệ này thấp nhất ở Đồng Tháp, Hậu Giang và TP.HCM.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, những phát hiện từ báo cáo PAPI 2021 có ý nghĩa quan trọng giúp hiểu được tác động của đại dịch Covid-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân.

“Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai….


Chỉ số PAPI của TP.HCM

Chúng tôi hy vọng rằng số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đặc biệt là dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở và dự án Luật đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm”, bà Caitlin Wiesen cho hay.

Tham tán phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam Cherie Russell nhận định, khảo sát PAPI đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, giúp chính quyền các cấp cải thiện việc ra quyết định, hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công cho người dân dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy về trải nghiệm của người dân. Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao và hướng tới mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao thì việc chính quyền các cấp hiểu được mong muốn của người dân, kịp thời chuyển đổi và cải thiện đường lối chính sách dựa trên các phản hồi của người dân là vô cùng quan trọng.

Phát biểu tại hội nghị công bố, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.

Tương tự như các năm trước, báo cáo PAPI năm 2021 trình bày các kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh theo 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử), và điểm Chỉ số PAPI tổng hợp.

So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, và quản trị điện tử.

Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có ​​sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’, ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’, và ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’. Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.

Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, TP.HCM thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn song Covid-19 lần thứ tư ở TP.HCM.

(Theo Vietnamnet)  Thành Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét