Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Dịch tiếng Anh phong cách Gu Gồ

 

Học sinh giỏi về nghiên cứu khoa học dịch 'Phan Huy Chú’ thành Phan Huy Uncle

Cập nhật lúc 14:14  

 Một dự án nghiên cứu được Bộ GD-ĐT chọn tranh tài tại Hội thi ISEF 2022 thế giới, được trình bày một cách chuyên nghiệp như của những nhà khoa học thực thụ nhưng lại dịch tên riêng “Phan Huy Chú” thành “Phan Huy Uncle”.

Ngày 11.5, trên diễn đàn Liêm chính khoa học, một thành viên phát hiện trong bài viết của nhóm học sinh là các tác giả của một dự án được cử đi dự thi Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022 đang diễn ra tại Mỹ (từ 4 - 13.5), một lỗi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh tuy không nghiêm trọng nhưng… khó hiểu.


Lỗi dịch được phát hiện trong bối cảnh dư luận hoài nghi về tính trung thực từ bấy lây nay của cuộc thi VISEF. QUÝ HIÊN

Cụ thể, trong số 7 dự án được Bộ GD-ĐT lựa chọn đại diện cho đoàn Việt Nam dự thi ISEF 2022, có dự án "Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên" của nhóm học sinh một trường THPT ở Hà Nội.

Đây đều là những dự án đạt giải nhất cuộc thi khoa học cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2021 - 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức (có tổng cộng 12 giải nhất). Tên viết tắt của cuộc thi là VISEF.

Dự án "Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên" thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi. Đây là dự án duy nhất của học sinh Việt Nam (tại ISEF 2022) không chỉ đăng slides trình bày mà còn công bố toàn văn nghiên cứu (được viết bằng tiếng Anh) trên trang chủ của ISEF.

Bài nghiên cứu gồm 16 trang được viết như một bài báo khoa học, trong đó nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với các phân tích thống kê phức tạp.

Cuối trang 10 trong bài nghiên cứu dài 16 trang, viết bằng tiếng Anh, của nhóm học sinh tác giả của dự án “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” có đoạn viết:

“The seminar war conducted online on Microsoft Team software with the participation of Phan Huy Uncle high school students in the experimental group and the headteachers of classes”.

(Tạm dịch: Buổi toạ đàm được thực hiện trực tuyến trên phần mềm Microsoft Team với sự tham gia của học sinh trong nhóm thực nghiệm và các giáo viên chủ nhiệm của Trường THPT Phan Huy Uncle).

Theo bình luận của thành viên diễn đàn Liêm chính khoa học (người phát hiện ra lỗi dịch tiếng Anh kể trên), mặc dù bài nghiên cứu được trình bày một cách chuyên nghiệp như của những nhà khoa học thực thụ, nhưng lỗi “Phan Huy Uncle” và nhiều lỗi diễn đạt khác cho thấy nhiều khả năng nhóm tác giả dùng dùng phần mềm tự động dịch để dịch.

Ngoài ra, cuối bài nghiên cứu, nhóm tác giả cho biết kết quả dự án đã được công bố trên Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tháng 12.2021. Tuy nhiên, 2 số báo 602 và 603 tháng 12.2021 của tạp chí này không có bài nào liên quan đến dự án của nhóm tác giả.

Một trong các sản phẩm của dự án "Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên" là page Gen Z Tiêu Dùng Có Trách Nhiệm với mức độ tương tác rất cao, nhưng hầu hết các lượt chia sẻ đều là ảo.

Phát hiện trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến trong dư luận giới khoa học nghi ngờ về tính trung thực của cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, được Bộ GD-ĐT tổ chức hàng năm, từ năm 2012 đến nay.

Theo nhiều nhà khoa học, có nhiều bằng chứng cho thấy ranh giới giữa “hướng dẫn” với “làm thay” rất mong manh, nên nhiều khả năng nhiều dự án tham gia cuộc thi không thể hiện năng lực các học sinh mà là năng lực của thầy cô, của người hướng dẫn (là các nhà khoa học).

Được biết, Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022 đang diễn ra tại Mỹ (từ 4 - 13.5), với 2 hình thức thi trực tiếp và trực tuyến. Cả 4 dự án của đoàn Việt Nam đều tham gia với hình thức dự thi trực tuyến.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết sáng 12.5, Vụ Giáo dục Trung học đã kiểm tra lại hồ sơ các dự án được Bộ GD-ĐT thẩm định chọn gửi đi dự thi hội thi ISEF và nhận thấy tất cả tài liệu có trong hồ sơ đều bằng tiếng Việt.

Cụ thể, đăng ký dự thi VISEF, báo cáo tóm tắt 15 trang bằng tiếng Việt. Sau khi thi thì có thêm bảng tóm tắt dự án, bản đáng giá, bảng điểm đều bằng tiếng Việt. Khi gửi hồ sơ sang ban tổ chức bên Mỹ thì có thêm một bản tóm tắt ngắn (chỉ khoảng mấy trăm chữ) bằng tiếng Anh.

Khi chọn dự án để gửi dự thi quốc tế thì chủ yếu đánh giá thông qua phỏng vấn để kiểm tra kỹ năng tiếng Anh của các tác giả có dự án gửi đi dự thi.

Vì thế mà Bộ GD-ĐT đã không xem xét đến bài trình bày toàn văn nghiên cứu bằng tiếng Anh của nhóm tác giả. Theo đó, bài trình bày nghiên cứu bằng tiếng Anh của các nhóm tác giả nếu có sai sót thì đó không phải là căn cứ để ban tổ chức VISEF rút lại giải thưởng, hoặc rút lại tư cách dự thi ISEF 2022.

(Theo Thanh niên) Quý Hiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét