Nhiều nước giảm
thuế, kìm giá xăng, gas
Cập nhật lúc 10:01
Giá dầu thế giới tăng mạnh đầu tuần này do những
"động cơ" như Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh để bàn về việc cấm
vận dầu mỏ Nga và nhu cầu năng lượng tăng khi hoạt động đi lại trên thế giới
hồi phục mạnh mẽ thời hậu COVID-19.
Bên trong Nhà máy
lọc dầu Marathon ở Utah, Mỹ, ngày 24-5 - Ảnh: AFP
Ngày 30-5, Hãng tin Reuters
cho biết giá dầu Brent tăng lên mức 120 USD/thùng trong khi giá dầu trên thị
trường Mỹ ở ngưỡng 116 USD/thùng.
Để
giảm gánh nặng hóa đơn cho người dân, nhiều quốc gia ở phương Tây đã áp dụng
nhiều chính sách tiêu tốn hàng tỉ USD từ khống chế mức tăng giá, giảm thuế và
trợ giá nhiên liệu cho đến phát tiền cho người dân.
Chúng ta cần một
thị trường được thiết kế xoay quanh nhu cầu của người tiêu dùng chứ không
phải nhà cung cấp.
Nhà nghiên cứu
Brenda Boardman (Viện biến đổi khí hậu thuộc Đại học Oxford) nói về giải pháp
giảm gánh nặng giá năng lượng cho người dân.
Anh: lấy của người giàu chia cho người nghèo
Giá
dầu diesel và xăng ở Anh hiện đang ở mức kỷ lục, lần lượt là 2,29 USD và 2
USD/lít, theo Hãng tin Bloomberg.
Giữa
tuần trước, Chính phủ Anh đã công bố gói chính sách trị giá 15 tỉ bảng (19 tỉ
USD) và đánh thuế lợi nhuận bất thường với các công ty năng lượng để kìm giá
xăng dầu.
Bộ
trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ nước này sẽ hỗ trợ tài
chính cho người dân, nhất là các gia đình nghèo. Khoảng 8 triệu hộ dân Anh sẽ
nhận trực tiếp khoản tiền hỗ trợ chi phí sống ít nhất 1.200 bảng (khoảng
1.500 USD) vào tài khoản ngân hàng. Trước đó, chính quyền Anh đã công bố gói
hỗ trợ 22 tỉ bảng vào đầu năm nay.
Ông
Sunak cũng công bố một khoản "thuế lợi nhuận" tạm thời 25% đánh vào
lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng, trong khi vẫn khuyến khích
đầu tư. Khoản thuế này dự kiến thu về 5 tỉ bảng trong một năm, phần nào bù
đắp vào gói hỗ trợ tài chính cho người dân.
Bộ
trưởng Sunak khẳng định chính phủ sẽ đánh thuế công bằng, tránh làm ảnh hưởng
đến đầu tư và thuế sẽ được bỏ sau khi giá dầu, khí đốt hạ nhiệt trở lại.
Dù
khoản thuế này khiến các công ty năng lượng phải trả mức thuế từ 40% lên 65%
từ ngày 26-5, ông Sunak cho rằng các công ty này vẫn kiếm lợi nhuận
"khủng", trong khi người dân đang chịu tác động từ giá nhiên liệu.
Theo ông, hệ thống thuế vẫn tạo ra động lực cho các công ty tái đầu tư lợi
nhuận. "Công ty đầu tư càng nhiều thì họ càng trả ít thuế", ông
Sunak nhấn mạnh.
Tương
tự Anh, chính quyền các nước Liên minh châu Âu cũng đang áp dụng mọi công cụ
đối phó mà không vi phạm các quy tắc cạnh tranh, bao gồm trợ cấp để giúp các
hộ gia đình nghèo, tài trợ cho việc cải tạo nhằm giảm sử dụng năng lượng hoặc
hỗ trợ thuế năng lượng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Chẳng
hạn, vào tháng 3-2022, Chính phủ Đức đã đồng ý phát thêm tiền mặt cho người
lao động và gia đình, cùng với giảm giá xăng, giá vé các phương tiện giao
thông công cộng.
Pháp
cũng cam kết hạn chế mức tăng giá điện theo quy định ở mức 4%, đồng thời
triển khai gói hỗ trợ trị giá gần 27 tỉ USD nhằm giúp các công ty về chi phí
khí đốt và điện. Từ đầu tháng 4-2022, Pháp đã áp dụng việc trợ giá 0,16
USD/lít xăng, dầu diesel cho người dân trong 4 tháng, dự kiến tiêu tốn khoảng
2,15 tỉ USD.
Nguồn:
Globalpetrolprices.com - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Không có nhiều lựa chọn
Nhìn
chung, chính phủ nhiều nước không có nhiều lựa chọn trong việc giải quyết
khủng hoảng giá năng lượng ở thời điểm hiện tại, hay nói cách khác không có
chính sách nào là vẹn toàn. Nhưng mục tiêu trước mặt là giảm tối đa khó khăn
cho hàng triệu người dân đang khốn khó vì giá năng lượng tăng cao.
Chuyên
gia Adi Imsirovic của Viện nghiên cứu năng lượng Oxford của Đại học Surrey
(Anh) cho rằng việc Chính phủ Anh đánh thuế lợi nhuận bất thường vào các công
ty năng lượng là ý tưởng tồi khi vừa đánh thuế nặng các doanh nghiệp năng
lượng vừa muốn họ tăng đầu tư.
"Tại
sao lại đánh thuế riêng ngành công nghiệp dầu và khí đốt? Sao không áp lên
các công ty luật, vốn cũng kiếm cả gia tài trong vài năm qua, hoặc các công
ty Internet như Google, Twitter?", ông Imsirovic đặt câu hỏi.
Nhưng
giải quyết cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt hiện là sứ mệnh chính trị cấp
thiết nhất không chỉ của chính phủ ở các nước châu Âu mà cả thế giới. Các
nước đang muốn áp dụng các giải pháp ngắn hạn, nhưng điều này có nguy cơ làm
trầm trọng thêm những thách thức lớn hơn về trung hạn: quá trình chuyển đổi
carbon và cân bằng năng lượng tại khu vực trước nay vốn phụ thuộc nhiều vào
Nga.
Nhà
phân tích Martin Sandbu của Financial Times cho rằng các nước có thể thay đổi
cấu trúc thị trường để người tiêu dùng hưởng lợi từ chi phí năng lượng thấp.
Ví dụ, ở Liên minh châu Âu, ngành sản xuất cần sử dụng nhiều năng lượng tái
tạo hơn hoặc khuyến khích người mua và người bán năng lượng ký kết các hợp
đồng dài hạn với giá cả ổn định hơn.
Đối
với việc trợ giá cho người dân, ông Sandbu cho rằng việc này cần tiến hành
song song với việc đảm bảo nguồn cung: triển khai nhanh chóng năng lượng tái
tạo và tăng nguồn dự trữ năng lượng.
Liên minh châu Âu áp giá trần năng lượng tạm
thời?
Trong cuộc họp
thượng đỉnh từ ngày 30 đến 31-5, ngoài việc thảo luận gói trừng phạt thứ sáu
đối với Nga, Liên minh châu Âu cũng sẽ tìm cách đối phó với việc tăng giá
năng lượng và khủng hoảng lương thực.
Hãng
tin Reuters dẫn các dự thảo cho biết các nhà lãnh đạo khu vực sẽ thảo luận biện
pháp áp dụng giá trần năng lượng tạm thời, triển khai các nguồn năng lượng
tái tạo và đầu tư vào mạng lưới điện xuyên quốc gia để hỗ trợ lẫn nhau.
Mỹ: giảm thuế để giá bớt nóng
Tại Mỹ, giá xăng
dầu dự kiến tiếp tục tăng trong mùa hè này khiến nhiều người ngao ngán. Hiện
họ đã phải trả trung bình 4,76 USD/gallon (3,785 lít) xăng, tức khoảng 100
USD cho mỗi bình xăng, hoặc cao hơn tại một số bang.
Khi chiến sự Nga
- Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí xả 60 triệu thùng dầu từ các
kho dự trữ để hạ nhiệt giá nhiên liệu, tuy nhiên động thái này vẫn chưa đủ.
Để hỗ trợ người
dân, đặc biệt trong đợt du lịch vào mùa hè, bang Michigan mới đây thông qua
khoản giảm thuế nhiên liệu tạm thời đến tháng 9-2022, còn New York ngừng một
số khoản thuế nhiên liệu đến cuối năm.
Tuy nhiên, các
chuyên gia đánh giá rằng việc giảm thuế xăng dầu được cho là có lợi cho các
công ty hơn là người dân, vì nó thúc đẩy tiêu thụ năng lượng nhiều hơn và tạo
ra vòng lặp khiến giá tiếp tục tăng.
Một số bang lại
áp dụng một số biện pháp thuế khác như, theo báo New York Times, chính quyền
bang Kansas đang thúc đẩy giảm thuế hàng tạp hóa trong khi bang New Mexico
giảm 1.000 USD thuế cho các gia đình gặp khó khăn vì giá nhiên liệu. Các bang
Iowa, Indiana, Idaho đều giảm thuế thu nhập trong năm nay. Nhưng việc chi
tiền cho người dân cũng có điểm bất lợi là kích thích tiêu dùng làm giá cả
tăng cao hơn và thúc đẩy lạm phát.
Nhà
phân tích Matt Smith của Tổ chức Kpler cho rằng chính quyền Tổng thống Joe
Biden sẽ khó giảm được giá dầu trong nước khi các yếu tố làm tăng giá dầu
mang tính quốc tế, trong đó có ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã
kéo dài sang tháng thứ 3.
Philippines, Thái Lan công bố nhiều sáng
kiến
Người
đi xe máy xếp hàng chờ đổ xăng trước một cây xăng ở thành phố Quezon,
Philippines trước một đợt tăng giá xăng - Ảnh: Getty Images
Tại
Philippines, các nhà kinh tế đã có nhiều góp ý cho chính phủ để giảm tác động
từ xăng dầu, đánh vào 3 yếu tố bao gồm: giảm thuế, trợ giá và làm việc từ xa.
Cụ thể, thuế
xăng dầu sẽ giảm theo tỉ lệ phần trăm nhất định nếu giá xăng dầu thế giới đạt
các mốc 85-90-100 USD/thùng. Khi giá ổn định, chính phủ có thể khôi phục mức
thuế cũ.
Nhà kinh tế
trưởng Michael Ricafort từ Tập đoàn Ngân hàng thương mại Rizal - một trong
những ngân hàng toàn cầu lớn nhất ở Philippines - cho biết tăng trợ giá cho
giao thông và nông nghiệp là biện pháp can thiệp "dễ chấp nhận
nhất", giúp giảm thiểu tác động lạm phát.
Tại Thái Lan,
Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định chính phủ sẽ không bỏ ai lại phía sau
và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giúp đỡ người dân có thu nhập
thấp.
Vào cuối tháng
3, Thái Lan công bố một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh
hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng cao như duy trì giá bán lẻ dầu diesel ở
mức 30 baht/lít (20.400 đồng) cho đến cuối tháng 4 nhờ quỹ bình ổn xăng dầu.
Sau đó, Chính phủ Thái Lan trợ giá 50% cho mức tăng giá nhiên liệu.
Chính phủ của
ông Prayuth cũng cam kết tăng cường dự trữ dầu và cắt giảm thuế tiêu thụ đặc
biệt đối với xăng dầu. Ngoài ra, người dân Thái cũng được nhận phúc lợi: được
tăng trợ cấp tiền mặt lên 100 baht/tháng (từ mức 45 baht) và hỗ trợ tiền mặt
100 baht/tháng khi mua gas nấu ăn.
Các cơ quan
chính phủ cũng được yêu cầu tìm cách giúp đỡ những người nông dân đang bị ảnh
hưởng bởi chi phí phân bón và thức ăn gia súc tăng cao trước mùa gieo trồng
mới, giảm tiền điện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 cho người tiêu
dùng.
MINH KHÔI
(Theo Tuổi trẻ) TRẦN PHƯƠNG
|