'Hương vị tình thân' càng về cuối càng ẩu, không logic và lằng nhằng Cập nhật lúc 16:22 Từ bộ phim được nhiều người yêu mến, "Hương vị tình thân" đang khiến người xem ức chế bởi những tình tiết vô lý tới khó hiểu. Thậm chí, như độc giả Hoàng LC nhận xét: "Trình độ của biên kịch hết sức hạn chế". Hương vị tình thân là bộ phim Việt hot nhất 3 tháng qua. Tuy nhiên các tập gần đây, tác phẩm truyền hình này có nhiều tình huống thừa thãi cộng với thời lượng chiếu quá ngắn mỗi tập khiến người hâm mộ chán nản. Đặc biệt, 2 tập phát sóng mới nhất liên quan đến nhân vật ông Sinh một lần nữa bị tình nghi giết người và bị bắt đi dù ông không phải là thủ phạm. Rõ ràng ông Tín - nhân vật bị chết, có tiền sử cao huyết áp, khi qua đời không có dấu hiệu từ ngoại lực nhưng không thấy cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm tử thi hay điều tra về tiền sử bệnh tật của ông Tấn. Đỉnh điểm là tập phát sóng tối 29/9, nhân vật chính Nam đã âm thầm đến tìm gặp người giúp việc trong gia đình nạn nhân để ghi âm lại lời nói của nhân chứng cung cấp cho luật sư không khác gì cảnh sát điều tra. Sau bài viết chỉ ra những tình tiết vô lý trong phim, nhiều độc giả đã gửi những góp ý và nhận xét về Hương vị tình thân. Từ nhiều sạn tới lan man nội dung Độc giả Ben Cường chỉ ra rằng: ''Trong thực tế, công an chỉ cần trích xuất camera thì thấy được thời gian ông Sinh vào nhà và ra khỏi nhà, thời gian đó không đủ giết người, cộng thêm khám nghiệm tử thi tìm nguyên nhân cái chết là khẳng định được ngay ông Sinh không phải là thủ phạm. Với lại khi đến nhà bắt ông Sinh thì công an phải khám nhà luôn và niêm phong lại căn nhà, làm gì có chuyện bắt đi rồi có kẻ dễ dàng vào nhà tạo nhân chứng giả''. Bạn Cuong nhận định: "Án giết người mà đưa vào phim cách xử lý của công an như vậy là non nớt, thậm chí xem nhẹ chức năng, nhiệm vụ ngành công an, vô lý nữa là các nghi vấn tội ác lẽ ra phải báo công an làm thì tự làm. Phim cơ bản là hay, hấp dẫn, có ít sạn vậy mong kịch bản được đúc rút ưu nhược cho các phim sau". Bạn Ngoc Nguyen phân tích mỗi tập phim có thời gian ngắn đã đành, xem phim 10 phút thì quảng cáo 5-6 phút. 'Có tập chẳng thấy nhân vật chính đâu mà giành gần hết thời gian để nói về” tình yêu” của nhân vật Diệp. Phải xem nhân vật này trên phim thấy khó chịu lắm lắm'' - bạn Ngoc Nguyen viết. Độc giả Thu lại cho rằng: "Đúng là phim càng về cuối càng ẩu, không logic và lằng nhằng". Trong khi đó, bạn Lê Xuân Vinh cho biết được khen chưa hẳn là hay: "Biết đủ biết dừng đúng lúc đúng chỗ thì hay hơn. Biên kịch và đạo diễn rút kinh nghiệm đừng tham cố cầu". "Kết cấu của bộ phim rối bời. Không chi tiết nào là hoàn thành chỉ gọi là lướt qua khiến người xem những tập này cảm thấy chán. Và có một chi tiết nhỏ là bộ phim không chỉ quay trong ngày mà rất nhiều ngày nhưng nhân vật Long đường đường là con nhà giàu mà chỉ thấy mặc trang phục đúng cái quần trắng là nhiều... Chắc là trang phục đắt quá'' - bạn Dung Nguyen nêu quan điểm. Lỗi tại biên kịch? Mệt mỏi vì những tình huống thừa thãi, vô lý trong những tập phim gần đây, không ít độc giả VietNamNet "đổ tại" biên kịch của Hương vị tình thân. Bạn Nguyễn Văn Thư phân tích: "Những tình tiết cực kỳ vô lý như bài viết nêu ở trên cho thấy biên kịch, đạo diễn không hiểu gì về nghiệp vụ công an, hoặc là không tôn trọng khán giả nên cứ tự ý tung tác các tình tiết vô lý, lê thê gây bức xúc cho người xem". Các độc giả Nguyễn Đức Học, Nguyen Dang thì cho rằng: "Kịch bản không thuyết phục", "Biên kịch thì dàn trải quá, nhiều chi tiết thừa thãi ngoài tuyến nhân vật chính, cố vấn trong các tình tiết liên quan đến điều tra phá án yếu làm giảm tính hấp dẫn của bộ phim"... Độc giả Hoàng LC khá gay gắt: "Các tập gần đây của Hương vị tình thân nói lên một điều: trình độ của biên kịch hết sức hạn chế. Nhất là vụ bắt giam ông Sinh. Biên kịch và đạo diễn chẳng hiểu một tý gì về trình tự điều tra các vụ án (giết người) của cơ quan công an (cho dù là phim). Cứ nghĩ thế nào, hiểu thế nào là tung lên phim, không coi khán giả ra gì. Không hiểu sao VFC lại không giao kịch bản cho những nhà biên kịch cứng tay, như: Nguyễn Thị Thu Huệ, BTV Kim Ngân....? Nếu chiếu cùng giờ, chắc phim 11 tháng 5 ngày sẽ bóp chết Hương vị tình thân. Khán giả sẽ dồn hết sang 11 tháng 5 ngày". Trong khi bạn Phu xuề xoà: "Trình của đạo diễn mình chỉ đến vậy thôi, mọi người bức xúc làm gì. Không thích thì chuyển kênh khác thôi". Nhìn vào toàn cảnh truyền hình Việt, bạn Minh cho rằng chuyện "sạn" hay lỗi biên kịch đã lặp lại không ít lần: "Không chỉ phim này mà nhiều phim truyền hình Việt Nam cũng vô số hạt sạn như vậy. Chưa khẳng định về trình độ của biên kịch, đạo diễn nhưng rõ ràng có sự hời hợt, nếu nói quá hơn là coi thường khán giả, trong việc sản xuất phim truyền hình trong khung giờ vàng. Nếu VTV đã muốn dành khung giờ vàng 5 ngày trong tuần cho các phim Việt Nam thì cần đầu tư kỹ lưỡng để có những bộ phim chất lượng, còn không thì hãy chỉ rút bớt số phim để tập trung công sức, thời gian, chi phí đầu tư để có thể ra được ít phim hơn nhưng chất lượng hơn". Bạn Tạ Minh Giang cho rằng phim có thể kết thúc vì "người xem cũng không mặn mà nữa!' Ý kiến muốn nhanh thì đừng xem phim truyền hình của bạn VanMinh cũng rất đáng tham khảo: "Nếu kêu chán thì đừng xem nữa, còn đạo diễn người ta đang dẫn dắt câu chuyện từ những tình tiết vô lý ấy để đến cái có lý. Xem phim truyền hình thì phải kiên nhẫn chứ muốn nhanh thì đừng xem phim truyền hình. Thế thôi. Tôi còn nhớ phim Về nhà đi con ban đầu cũng có nhiều người "chửi bới" vì họ cho tình tiết em lại yêu con riêng của chồng chị ruột là vô lý, nhưng dần dần đạo diễn đã dàn dựng các diễn biến dần giải quyết cái "vô lý " ấy thành cái rất có lý... rồi cuối cùng phim lại được giải Ấn tượng nhất đấy thôi". (Theo VietNamNet) Lê Cúc(tổng hợp) THVN hiện rất bừa bãi trong quảng cáo. Vi dụ hết chương trình thời sự-QC- đến tiêu đề mục Dự báo thời tiết - lại QC- Dự báo thời tiết - QC- Tiêu đề thể thao - lại QC- Nội dung thể thao xong - tiếp tục QC. Liệu trên báo giấy, báo điện tử có ai được phép chèn quảng cáo vô tội vạ ngay sau tít một bài báo hay trang báo như thế? Họ đang quá lạm dụng sóng TH trung ương để kiếm tiền, gây bức xúc cho người xem. Thương Giang |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét