Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Bằng cấp và vấn đề sử dụng cán bộ

 

Chưa được cấp bằng vẫn thăng tiến: Không là cá biệt?

Cập nhật lúc 08:35  

Ở đây người ta mới đang nói tới chuyện bằng giả, nhưng tôi còn lo lắng nhiều hơn với những trường hợp có bằng thật nhưng trình độ giả...

Vụ việc ông Phùng Văn Chiến, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình sử dụng bằng giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ khiến dư luận rất quan tâm. Ông Chiến đang bị tạm đình chỉ chức vụ để tập trung báo cáo giải trình. Đáng nói, trong thời gian này, phía Trường Đại học Đông Đô lại khẳng định chưa cấp bằng tốt nghiệp cho ông Chiến, nhưng ông vẫn được bổ nhiệm chức Viện trưởng. Điều này càng gây khó hiểu, bức xúc.

Chua duoc cap bang van thang tien: Khong la ca biet?
Ông Phùng Văn Chiến bị nghi vấn sử dụng bằng giả bởi thời điểm năm 2002, PGS-TS Nguyễn Niên chưa phải là hiệu trưởng Trường đại học dân lập Đông Đô

Lý giải cho điều kỳ lạ nói trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, xúc tiến thương mại cho rằng, mấu chốt nằm ở công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ.

Vị chuyên gia cũng khẳng định, trường hợp của ông Chiến không phải là duy nhất, trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp không có bằng cấp, sử dụng bằng giả để thăng tiến. Và trên thực tế, vẫn có thể còn nhiều trường hợp tương tự nhưng chưa được phát hiện.

PGS Nguyễn Văn Nam cho rằng, nguyên nhân là ở thời kỳ trước, công tác cán bộ phụ thuộc nhiều vào việc xem xét lý lịch, xuất thân. Đến giai đoạn sau này thì việc tuyển dụng lại quy định dựa trên tiêu chuẩn về bằng cấp. Các quy định lại được áp dụng cứng nhắc, máy móc như vậy mới dẫn tới những tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm.

"Khi bằng cấp không chỉ để đánh giá năng lực mà còn là vật tiến thân thì sẽ có những người bằng mọi cách hợp thức hóa việc học hành, hợp thức hóa bằng cấp, kể cả chạy bằng, làm giả bằng... để đạt được mục đích của mình.

Tôi còn từng biết có trường hợp làm quản lý rồi mới đi thi bằng, khi thi lại gian lận, chép bài bị phát hiện, kỷ luật, rất bi hài.

Đáng ra, muốn làm quản lý thì phải đánh giá dựa trên năng lực làm việc của mỗi người. Để có được năng lực này, con người phải được đi học, vì học là năng lực đầu tiên của một con người rồi từ đó mới đi làm, tích lũy kinh nghiệm, từng bước chứng minh năng lực làm việc của mình qua kết quả trải nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp chứng minh năng lực của mình không dựa trên khả năng và kết quả làm việc mà lại dựa vào quan hệ và tiền bạc. Đây chính là mấu chốt dẫn tới nhiều tiêu cực khác", vị chuyên gia lo lắng.

Vì điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng công tác cán bộ cần phải nhìn nhận, thay đổi, quy trình tuyển dụng phải dựa trên năng lực thực tế chứ không chỉ dựa trên bằng cấp.

Bằng giả ở đâu ra?

Về giải pháp lâu dài, vị chuyên gia cho rằng cần phải rà soát, xử lý thật nghiệm với những trường hợp vi phạm đã được phát hiện.

"Cứ nói là sử dụng bằng giả để thăng tiến nhưng bằng giả đó là bằng giả kiểu gì? Tôi lấy ví dụ như trường hợp của ông Phùng Văn Chiến, nói là ông sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả nhưng trường đại học Đông Đô lại khẳng định chưa cấp bằng tốt nghiệp cho ông này vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Bằng giả này ở đâu ra?

Nếu làm rõ được việc này, tôi e là còn nhiều phần trăm cán bộ đang sử dụng bằng giả chưa bị phát giác, chứ không chỉ là một vài trường hợp được dư luận phát hiện, tố cáo gần đây", vị chuyên gia thẳng thắn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam để hạn chế tình trạng gian dối trong sử dụng bằng cấp để thăng tiến thì cần phải xử lý triệu để với những trường hợp đã bị phát hiện. Sai phạm ở đâu phải làm rõ ở đó. Ai sai thế nào phải xử lý nghiêm người đó. Phải rất rõ ràng, triệt để từ chuyện giảng dạy, cấp bằng, cho tới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm. Ở khâu nào cũng phải có sự rà soát nghiêm ngặt.

"Ở đây người ta mới đang nói tới chuyện bằng giả, nhưng tôi còn lo lắng nhiều hơn với những trường hợp có bằng thật nhưng trình độ giả.

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay vẫn đang dựa nhiều vào bằng cấp, nếu không cẩn thận để lọt bộ phận những người có trình độ giả vào trong các cơ quan quản lý, bộ máy hành chính thì đây mới chính là mối nguy hại. Vì thế, công tác đánh giá, tuyển dụng cán bộ là rất quan trọng", vị chuyên gia lo lắng.

(Theo Đất Việt) Thái Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét