Thế giới di động gửi 'tối hậu thư' đến chủ nhà: Trả lời giảm giá hoặc thanh lý hợp đồngCập nhật lúc 09:30Thế giới di động vừa ra công văn mới, 'dằn mặt' sẽ xúc tiến thanh lý hợp đồng nếu chủ nhà không phản hồi về việc giảm giá thuê trước ngày 25-10.Nếu làm theo công văn do Thế giới di động gửi, nhiều chủ nhà có thể bị cấn trừ khoản đã thanh toán và "nợ ngược lại" doanh nghiệp này (ảnh chụp bên trong một cửa hàng Thế giới di động ở TP.HCM) - Ảnh: BÔNG MAILấy lý do hiện đã đến kỳ thanh toán tiền mặt bằng nhưng chưa nhận được phản hồi từ bên cho thuê về các vấn đề nêu trong công văn ngày 2-8, Công ty cổ phần (CTCP) Thế giới di động vừa ra thêm công văn (ngày 6-10) mới gửi "quý đối tác mặt bằng của chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh". Trong công văn này, công ty nhắc lại nội dung của công văn trước (ngày 2-8), thông báo không thanh toán 70-100% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian bị hạn chế bán hàng/đóng cửa để phối hợp phòng chống dịch COVID-19, áp dụng từ 1-1-2021 đến 1-8-2021), cấn trừ tiền thuê đã thanh toán vào các kỳ thanh toán tiếp theo... Đồng thời yêu cầu chủ nhà phản hồi trước ngày 25-10-2021 để thống nhất mức giảm giá thuê mặt bằng trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong trường hợp hai bên đạt thỏa thuận, hợp đồng thuê sẽ điều chỉnh theo sự thống nhất của hai bên. Sau ngày 25-10-2021, nếu chủ nhà không có bất kỳ phản hồi nào, công ty sẽ tiến hành các nội dung như đã thông báo trong công văn ngày 2-8, đồng thời "sẽ xúc tiến các thủ tục để thanh lý hợp đồng thuê theo điều kiện bất khả kháng được nêu trong hợp đồng mà hai bên đã ký". CTCP Thế giới di động cho biết sẽ thanh lý hợp đồng nếu chủ nhà không phản hồi về việc giảm giá thuê trước ngày 25-10 - Ảnh: NVCCNhận được công văn mới vào tối ngày 7-10 (qua Zalo), gia đình bà B.L. (chủ nhà, Q.12, TP.HCM) không khỏi ngỡ ngàng, cho biết sau khi bị nợ tiền thuê nhà tháng 8 và 9, bà đã hai lần gửi văn bản phúc đáp, thể hiện quan điểm không đồng ý với bất kỳ điều kiện nào trong các công văn do Thế giới di động gửi, đề nghị thanh toán đủ theo hợp đồng. "Trong trường hợp sau ngày 10-10-2021, CTCP Thế giới di động vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ của hợp đồng đã ký, tôi sẽ sử dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng", bà B.L. nêu trong văn bản phản hồi vào ngày 11-9. Bà B.L. chia sẻ thêm: "Biết rằng dịch bệnh nên ai cũng khó khăn, bản thân gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng đến kinh tế chứ không riêng gì Thế giới di động. Nếu muốn giảm thì phải hợp lý, chứ không thể áp mức giảm quá sâu và thời gian quá dài như vậy. Công văn mới và các công văn gần đây rõ ràng không tôn trọng và quá ép chủ nhà". Dù chưa nhận được tiền thuê nhà của tháng 8 và 9 (176 triệu đồng) - còn hai ngày nữa hết kỳ thanh toán tháng 10, bị tự ý cấn trừ dẫn đến việc "nợ ngược lại" hơn 136 triệu đồng, nhưng gia đình bà B.L. vẫn đóng tiền thuế cho CTCP Thế giới di động (theo hợp đồng, bên đi thuê sẽ trả lại sau). Chưa nhận được tiền thuê nhà, nhưng nhà bà B.L. đã đóng tiền thuế cho CTCP Thế giới di động - Ảnh: NVCCChủ nhà có thể làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để thu hồi mặt bằng Về công văn mới (ngày 6-10) của CTCP Thế giới di động, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Phạm Hoàng Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: "Công văn này là sự áp đặt, không đúng tinh thần của sự thỏa thuận trong hợp đồng. Sự đơn phương áp đặt nhiều khả năng sẽ không đi đến sự đồng thuận và khả năng tranh chấp giữa các chủ mặt bằng và CTCP Thế giới di động là khó tránh khỏi". Luật sư Sang cũng cho biết thêm, để áp dụng khái niệm "trường hợp bất khả kháng" ghi nhận trong hợp đồng, cần sự đồng thuận của các bên, tức phải nói chuyện với nhau, phải làm thêm phụ lục hợp đồng… "Chúng ta không thể dự đoán tất cả 'trường hợp bất khả kháng' trong thực tế, nên khi một sự kiện nào đó xảy ra mà một bên cho rằng đó là trường hợp bất khả kháng, thì phải có những bước pháp lý cần thiết để đạt được tiếng nói chung với bên còn lại. Khi hai bên không thống nhất được sự kiện đó có phải là bất khả kháng hay không, thì tòa án sẽ là nơi ra phán quyết cuối cùng. Trường hợp bên B (Thế giới di động) không làm đúng theo hợp đồng và cũng không có động thái thiện chí thì bên A (chủ nhà) có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Một biện pháp tư pháp mà bên A có thể tham khảo là có thể làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để thu hồi mặt bằng, đồng thời làm đơn khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết những tranh chấp phát sinh (nếu có)", luật sư Sang cho hay. (Theo Tuổi trẻ) Bông Mai |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét