Quá nhiều bất cập xung quanh giá thức ăn chăn nuôiCập nhật lúc 09:09 Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã "ăn mòn" lợi nhuận của nông dân. Ngoài chuyện giá nguyên liệu thế giới tăng, quản lý mặt hàng này quá nhiều bất cập. Giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao "làm khó" nông dân. Ảnh: V.L Những “góc khuất” của giá thức ăn chăn nuôi Trao đổi với PV Lao Động, một doanh nhân có 26 năm trong lĩnh vực chăn nuôi (đề nghị không nêu tên), cho biết: Có 2 nhóm kinh doanh ngành thức ăn gia súc: Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp FDI và một vài doanh nghiệp (DN) trong nước "có máu mặt" như Dabaco, Lái Thiêu, Vina, Anova... mua nguyên liệu trực tiếp từ nước ngoài, thường là mua trước 6 tháng và về dần từng tháng theo nhu cầu sản xuất. Kế hoạch bán hàng, dự báo họ tương đối chuẩn. Nhóm 2 là các DN nội địa nhỏ, số lượng nhiều nhưng sản lượng ít. Nhóm này thường mua nội địa, thường không quá 30 ngày để sản xuất. Họ mua lại nguyên liệu trong nước hoặc của các DN trên. Việc tăng giá thức ăn chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào công ty, nhất là công ty FDI, DN lớn (thực tế DN lớn của Việt Nam cũng phải chờ các công ty FDI tăng hay giảm mới dám điều chỉnh theo). Ông Nguyễn Văn Ánh - chủ một trang trại chăn nuôi lợn tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) - phân tích: Có một nguyên tắc bất thành văn là các công ty nhỏ không dám "cầm đèn chạy trước ôtô". Nghĩa là, khi giá cám xuống hay lên, họ phải chờ mấy “ông lớn” như CP, Cargill, Deheus, Masan, CJ... tăng rồi mới dám tăng, hoặc các “ông lớn này” giảm thì mới dám giảm theo. “Khi giá tăng thì các công ty FDI và các DN lớn tăng ngay vì họ dựa vào thông tin giá thế giới tăng, nhưng khi giá giảm thì họ lại vin vào “cớ” nguyên liệu mua vào đã đặt trước 6 tháng nên chưa giảm. Các công ty nhỏ cũng không dám hạ giá trước mấy “ông lớn”. Như vậy, chỉ cần các DN lớn “lừng khừng” neo giá thêm vài ngày thì các đơn vị bán cám cũng đã có thêm lợi nhuận hoàn toàn không nhỏ. Vì vậy, họ luôn tìm cớ để tăng giá nhanh hoặc trì hoãn thời gian giảm để có thêm lợi nhuận, để mặc nông dân chịu thiệt”- ông Nguyễn Văn Ánh nêu ý kiến. Theo ông Đường Minh Ngà - chủ cơ sở chăn nuôi tại Văn Thành - Yên Thành (Nghệ An), tổng các đợt tăng vừa qua là 9 đợt, tổng các đợt tăng 80.000 đồng/bao 25kg, mỗi đợt tăng bình quân từ 300-500 đồng tùy loại. Có loại tăng 300 đồng/kg, cả bao 25kg tăng 7.500 đồng, nhưng cũng có loại tăng tới 500 đồng/kg, cả bao 25kg sẽ tăng tới 12.500 đồng. Đây là mức tăng hoàn toàn không nhỏ.
“Chiết khấu” cao lấy hết lợi nhuận của người chăn nuôi Một thực tế đang tồn tại xung quanh vấn đề mua, bán thức ăn chăn nuôi là các công ty cám giành giật thị phần nên ra sức đưa ra các chính sách chiết khấu, chính sách đãi ngộ cho đại lý. Ông Hà Văn Tuấn - chủ cơ sở chăn nuôi lợn tại Trực Ninh - Nam Định - thẳng thắn nêu rõ: Các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ lo cho cấp trung gian là đại lý, còn bỏ mặc nông dân. “Họ không quan tâm đến người chăn nuôi, chỉ quan tâm doanh số bán của đại lý, nên phần chiết khấu cám rất cao, ít nhất là 20%, còn chiết khấu cho thuốc thú y lên đến 40-50%. Với mức chiết khấu này, hỏi sao đại lý không ham? Mặc cho giá thuốc thú y, giá cám tăng cao đánh vào giá thành sản xuất. Kết quả là tiền vào khâu trung gian mà không vào túi nông dân” - ông Hà Văn Tuấn chua chát nói. Ồng Hồ Huấn - chủ trang trại chăn nuôi tại Đông Nam Bộ - cho rằng: Chủ trang trại, người chăn nuôi lớn, có tiền còn đỡ, còn người nuôi nhỏ thì đã khó càng khó hơn khi phải lấy lại cám qua nhiều bậc trung gian, giá cám phải cao hơn ít nhất 10-15% nữa. Điều này lý giải vì sao nông dân dù chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi nhưng vấn cứ nghèo. "Nhưng không nuôi thì biết làm gì? Rồi lấy gì trả nợ đại lý cám? Đó là vòng luẩn quẩn không lối thoát, khi họ phải chịu "một cổ nhiều tròng". Như vậy, nông dân không nghèo mới lạ" - ông Huấn chua chát nói, và nêu thắc mắc: Về phía cơ quan quản lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, một việc đơn giản là, ngoài kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, thì việc thanh tra giá, định giá chiết khấu hợp lý, thậm chí đặt “trần” giá bán lẻ, quy định giá bán buôn... là việc có thể làm được, nhưng vẫn bị bỏ mặc. “Tại sao không thành lập sàn giao dịch nguyên liệu nông sản trong nước, nước mình là nước nông nghiệp, nhiều triệu nông dân tại sao không làm? Tại sao không có kênh thông tin giá cám thế giới, giá cám trong nước... để người chăn nuôi nắm được, tránh bị đại lý bán với giá cắt cổ, độc quyền” - ông Hồ Huấn bức xúc nêu câu hỏi. (Theo Lao Động) Vũ Long |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét