Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

 

 

Báo Trung Quốc: Trận đấu với ĐT Việt Nam có thể mang tới "thảm họa" 

Cập nhật lúc 16:16                                 

Tờ Sohu nhấn mạnh, 2 trận đấu với ĐT Việt Nam rất quan trọng. Nếu thua, nó có thể tạo ra một thảm họa cho bóng đá Trung Quốc, đồng thời dẫn tới một cuộc cách mạng toàn diện...

ĐT Việt Nam và ĐT Trung Quốc chuẩn bị đối đầu nhau ở lượt trận thứ 3 bảng B vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Trận này, Trung Quốc là chủ nhà, nhưng vì dịch Covid-19, họ đã buộc phải xin chuyển trận đấu tới sân trung lập ở UAE. Trước giờ bóng lăn, tờ Sohu đã có một bài phân tích rất sâu về sự phát triển nhanh chóng của bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây, đồng thời đánh giá nếu ĐT Trung Quốc "biết mình, biết ta" thì vẫn ở cửa trên và giành chiến thắng. Tuy vậy, tờ báo này cũng nhấn mạnh, nếu thua ĐT Việt Nam, bóng đá Trung Quốc có thể trải qua thảm họa, đồng thời dẫn tới một cuộc cách mạng toàn diện...

"ĐT Việt Nam vốn không phải đội bóng mạnh của châu Á, họ chỉ có thể tranh chức vô địch các giải như Tiger Cup ở Đông Nam Á và trước đây chưa từng vào đến vòng loại cuối cùng của World Cup khu vực châu Á", tờ Sohu bắt đầu bài viết.


ĐT Việt Nam chuẩn bị bước vào trận đấu với ĐT Trung Quốc. Ảnh: AFC.

"Năm 2007, Việt Nam là một trong 4 nước chủ nhà của Asian Cup và họ bắt đầu chú ý đến bóng đá. Một đội bóng ở giải quốc nội là CLB HAGL đã đạt thoả thuận hợp tác với CLB Arsenal của Premier League để thành lập học viện bóng đá đầu tiên của Việt Nam, áp dụng các lý luận đào tạo trẻ tiên tiến của Premier League và bắt tay hợp tác với Arsenal trên con đường phát triển toàn diện. Thế hệ đại diện mới của bóng đá Việt Nam hiện nay như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn đều xuất thân từ lò đào tạo này.

Tiếp bước HAGL, đội bóng của Quỹ phát triển bóng đá Việt Nam (PVF) ra đời. Đội thành lập năm 2008 nhằm đào tạo các tài năng trẻ cho bóng đá Việt Nam. Tháng 11/2017, PVF thành lập trụ sở mới với diện tích 22ha, có thể gọi là trung tâm đào tạo bóng đá tiên tiến hàng đầu Đông Nam Á hiện nay.

Đồng thời với việc ra sức đào tạo bóng đá trẻ, bóng đá Việt Nam còn mạnh dạn học hỏi những kinh nghiệm tiên tiến của bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2012, Việt Nam thoả thuận với Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm tổ chức giải đấu chuyên nghiệp và quy cách xây dựng các CLB chuyên nghiệp.

Năm 2012, giải V.League chính thức bắt đầu. Tháng 5/2014, HLV Miura sang Việt Nam làm HLV trưởng ĐTQG trong 2 năm. Từ 2017, Việt Nam mời ông Park Hang-seo người Hàn Quốc dẫn dắt ĐTQG và đội U23.

Sau hơn 10 năm tập trung phát triển, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong đào tạo trẻ. Từ năm 2012 trở đi, một loạt cầu thủ xuất sắc sinh năm 1993 và 1995 xuất hiện. Từ 2016 các đội tuyển trẻ của Việt Nam đã âm thầm bắt nhịp. Ở giải U-16 và U-19 châu Á, họ lần lượt lọt vào top 8 và top 4 để giành quyền dự U-19 thế giới.

Năm 2018, U23 Việt Nam là con ngựa ô vào đến trận chung kết giải U23 châu Á và ở Asian Cup năm đó (Jakarta, Indonesia), họ vào đến top 4 và chỉ dừng bước sau khi thua Hàn Quốc.

Trong vòng loại World Cup thứ 2, ở trận cuối cùng, ĐT Việt Nam thi đấu bế tắc trước UAE nhưng vẫn tiến vào vòng loại thứ 3 với tư cách là một trong những đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

Tất nhiên, xét về lịch sử đối đầu thì ĐTQG Trung Quốc có 9 lần chiến thắng ĐT Việt Nam. Tuy nhiên lợi thế lịch sử đối đầu này là từ trước năm 2013 và không có nhiều giá trị tham khảo cho cuộc đối đầu hiện tại. Trận đấu gần đây nhất là giải vô địch trẻ châu Á 2014, khi đó đội Trung Quốc với lứa cầu thủ sinh năm 1995 hoà Việt Nam tỷ số 1-1.

Trong vòng loại cuối cùng cho World Cup lần này, ĐT Việt Nam có lực lượng chủ lực là những cầu thủ sinh sau năm 95, chính là những cầu thủ năm xưa đã giao chiến với đội Trung Quốc. Hơn nữa trong ĐT Việt Nam còn có những cầu thủ thuộc lứa sinh năm 1997 đã giành được quyền dự U19 thế giới và cả những cầu thủ sinh năm 1999. Họ đều là những cầu thủ trẻ khá nổi bật trong phạm vi châu Á.

Sự thay đổi thực sự của bóng đá Việt Nam là sau khi HLV người Hàn Quốc dẫn dắt. Ông đã áp dụng chiến thuật có trọng điểm, lấy phòng ngự phản công làm chính, chú trọng xây dựng thể năng và chú trọng ghi bàn trong thực chiến. Hai điểm này khiến đội Việt Nam giành được thành tích nổi bật trong các giải đấu lớn.

Nếu từ góc độ kỹ chiến thuật thì đội Trung Quốc cần làm tốt khâu chuẩn bị. Đặc biệt là trên lĩnh vực tâm lý, một mặt không nên ỷ vào thành tích quá khứ mà khinh địch, mặt khác không bị những luận điệu nói quá của truyền thông Việt Nam gần đây mà nóng nảy mù quáng. Chẳng hạn truyền thông Việt Nam nói: “Đối đầu Trung Quốc là kết quả quan trọng nhất của họ”. Đặc biệt là khi đá ở sân nhà, tuyệt đối phải rút kinh nghiệm như trận như gặp Philippine ở vòng trước, không nên để mất điểm dễ dàng.

Nếu HLV Li Tie biết mình biết ta, họ sẽ vẫn ở thế cửa trên và giành chiến thắng. Nhưng nếu thua trong cả 2 lần đối đầu với ĐT Việt Nam tới đây, đó sẽ thực sự là một thảm họa cho bóng đá Trung Quốc và có thể dẫn tới uộc cách mạng toàn diện", tờ Sohu chốt lại.

(Theo Dân Việt) Vũ Tiến

(Nguồn Sohu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét