Đại biểu QH tranh luận việc trang bị máy bay, tàu biển cho Cảnh sát cơ động Cập nhật lúc 14:56 Các đại biểu Quốc hội tranh luận có nên trang bị máy bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động trong dự án Luật Cảnh sát cơ động. Sáng 26/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định về trang bị phương tiện máy bay, tàu biển cho Cảnh sát cơ động là không hợp lý. Bởi lực lượng Phòng không không quân, Cảnh sát biển, bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư đã có máy bay và tàu biển. "Tại sao chúng ta không sử dụng lực lượng và phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết để có sự phối hợp? Quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, Cảnh sát cơ động khi cần thiết để làm nhiệm vụ", đại biểu Hoà đặt câu hỏi. ĐBQH Phạm Văn Hoà phát biểu tại phiên thảo luận. Theo ông Hoà, nếu trang bị máy bay, sân bay, tàu biển cho Cảnh sát cơ động sẽ gây tốn kém ngân sách, sau đó lại phải trang bị kỹ thuật, huấn luyện thường xuyên kỹ thuật sân bay, tàu bay riêng. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có điều kiện chính trị, trật tự xã hội ổn định. "Theo đánh giá chủ quan của tôi, những vấn đề như khủng bố, biểu tình, bạo loạn ở nước ta so với các quốc gia khác trên thế giới là hiếm và sẽ rất ít xảy ra. Cho nên, khi cần thiết bị, trang bị có thể sử dụng các phương tiện của quân đội sẽ hợp lý hơn bởi công an với quân đội như anh em ruột thịt. Từ đó, có thể sử dụng phương tiện sẵn có mà không cần phải mua mới", đại biểu Hòa nêu quan điểm. Từ hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, cần khẳng định Cảnh sát cơ động là lực lượng chống khủng bố, bạo loạn, đảm bảo an ninh trật tự. Do vậy, đây là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của công an trong lĩnh vực này. Đại biểu Thịnh cho rằng không thể nói vì tiết kiệm mà chúng ta không trang bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Theo đại biểu Thịnh, nếu như lực lượng này ngăn chặn được khủng bố, bạo loạn, trật tự an ninh quốc gia thì không thể đong đếm bằng đồng tiền. Chúng ta phải khẳng định, cứu được con người và giải quyết vấn đề quốc gia thì không gì có thể đong đếm được. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lực lượng cảnh sát cơ động cần phải trang bị một cách hiện đại nhất. Do vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng trang bị máy bay, sân bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động. Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, lực lượng Cảnh sát cơ động hoàn toàn có thể sử dụng máy bay khi thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt. Ông Thắng cũng nêu vấn đề là có cần phải trang bị riêng máy bay cho lực lượng Cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ thay bằng việc có thể phối hợp với lực lượng khác. Thực tiễn hiện nay cho thấy, chúng ta có đầy đủ khả năng để thực hiện việc này. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị). “Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, một bên là cảnh sát cơ động cần thiết phải sử dụng máy bay và một bên là Cảnh sát cơ động có cần thiết phải trang bị máy bay hay không?”, đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt vấn đề. Đại biểu Thắng cũng cho rằng chúng ta cần làm rõ việc phối hợp, huy động lực lượng phương tiện thì sẽ tốn nguồn lực hơn hay tiết kiệm, hiệu quả hơn hơn. Trong trường hợp này, có phải là "nhất cử lưỡng tiện" hay không?. Từ đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cân nhắc kỹ, đánh giá tác động nhiều chiều, lấy ý kiến ĐBQH cụ thể về vấn đề này trước khi thống nhất, vì đây là vấn đề có tác động rất lớn. Nêu quan điểm “việc trang bị máy bay cho lực lượng Cảnh sát cơ động tiêu tốn rất nhiều nguồn lực quốc gia”, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, trong bối cảnh chung hiện nay thì chúng ta nên tiết kiệm. Việc tiết kiệm là theo hướng nên phát huy hết công năng chứ không phải trang bị thêm nhiều những cơ sở vật chất. (Theo VTC News) XUÂN TRƯỜNG - QUANG TUYỀN Xưa nay chưa bao giờ xảy ra sự việc mà CSCĐ cần sử dụng máy bay, tàu biển cả. Vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo đã có quân đội. Thêm lực lượng mà chỉ để đó và "thất nghiệp" thì đẻ thêm làm gì? Khi sự việc hiếm xảy ra thì giải pháp phối hợp lực lượng, (nhất là với quân đội) vẫn là tốt nhất. Họ đang lấy giả định hiếm xảy ra để biện hộ cho những chi phí thực thường xuyên rất tốn kém mà thôi. Thêm phương tiện là thêm biên chế đơn vị, con người và nhiều thứ bảo đảm khác. Những vụ việc gây rối, bạo loạn đã xảy ra cũng chưa bao giờ cần tới thiết bị hạng nặng. Thậm chí trang thiết bị được biên chế mà có nơi còn chẳng bảo vệ được (như vụ đốt phá trang bị của công an ở Bình Thuận) mấy năm trước thì nhiều trang bị làm gì? Lực lượng công an, cảnh sát phải lấy xây dựng an ninh, quản lí địa bàn, quản lí con người, tăng cường tuyên truyền giáo dục, vận động để không xảy ra tội phạm, phát sinh tình huống quá khích… chứ không để xảy ra tình huống bất an đến mức phải có trang bị, vũ khí hạng nặng như đánh giặc mới dẹp được. Đó là thất bại trong công tác bảo vệ trị an. Trong thực tiễn đã xảy ra những vụ việc phức tạp như tại Tây Nguyên, Tây Bắc (Mường Nhé) thì cũng chủ yếu quân đội trực tiếp giải quyết và cũng chưa bao giờ phải sử dụng đến máy bay hay vũ khí. Thương Giang |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét