Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Kinh tế - xã hội

 

Hà Nội, sao còn dè dặt mở cửa?

 Cập nhật lúc 09:21     

 Trong khi TP.HCM đang mở cửa trở lại rất nhanh dù số ca nhiễm hằng ngày vẫn ghi nhận ở mức hàng nghìn, Hà Nội với độ phủ vắc xin đứng thứ 2 cả nước, hơn 10 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng, lại dè dặt mở cửa.

Hà Nội đã có 60 ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ 24.7 - 6.9, phân vùng giãn cách xuống Chỉ thị 15 từ 7 - 21.9.

Theo đề xuất, hành khách đáp ứng các quy định, test nhanh tại sân bay có thể không cần cách ly tập trung khi về địa phương. Ảnh NHƯ HÀ

TP.HCM đã mở, sao Hà Nội phải lo lắng?

Nếu trung bình số ca nhiễm của đợt 1 giãn cách là 71,2 ca/ngày, thì tính từ 21.9 tới 7.10, số ca mắc chỉ còn 5,6 ca/ngày. Hà Nội cũng ghi nhận 11 ngày không có ca ngoài cộng đồng.

Theo thống kê, đến sáng 7.10, Hà Nội đã tiêm được 7,78 triệu mũi, trong đó 5,87 triệu mũi 1 (đạt 97,6% dân số trên 18 tuổi và 70,8% tổng dân số) và 1,9 triệu mũi 2 (đạt 31,7% dân số trên 18 tuổi và 23% tổng dân số), đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM về độ phủ vắc xin. Bộ Y tế cũng đã khẳng định quan điểm Hà Nội tiếp tục được ưu tiên phân bổ vắc xin thời gian tới.

Tất cả những yếu tố trên được xem là thuận lợi nhất để Hà Nội có thể trở thành địa phương tiên phong mở cửa các hoạt động. Song trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 6.9, trước kiến nghị của cử tri về việc cho phép trẻ em đi học trở lại hay việc mở lại hàng không, đường sắt, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh nhiều lần nhấn mạnh “cân nhắc một cách thận trọng” hay mở phải “theo lộ trình”.

Cho rằng thận trọng là cần thiết, song theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội không nên quá thận trọng với việc nới lỏng thêm hoạt động, bởi tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức cao. “TP.HCM cũng đã mở, vì sao Hà Nội lại quá lo lắng?”, ông Nga nêu.

Theo chuyên gia dịch tễ này, TP chỉ còn 1 ổ dịch nguy cơ cao là Bệnh viện Việt Đức song đã được phong tỏa, các ca F0 phát sinh trong vài ngày qua đều trong khu cách ly và phong tỏa. Ổ dịch Việt Đức có thể coi như một sự cố trong phòng dịch tại bệnh viện, nguy cơ lây lan ra cộng đồng không cao. Đặc biệt, hơn nửa tháng qua, một vài ca cộng đồng vẫn xuất hiện lốm đốm, cho thấy không thể “Zero Covid”, Hà Nội phải chấp nhận sống chung và tiếp tục chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp.

TS Nguyễn Huy Nga cũng đề xuất TP nên cho phép trẻ em đến trường mà không cần phải đợi tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 18 tuổi, hay phủ vắc xin mũi 2 cho người dân vì sẽ phải chờ đợi quá lâu. Lý do, trẻ em nếu lây nhiễm Covid-19 không nặng bằng sởi hay thủy đậu, mức độ tác động của vi rút với trẻ càng nhỏ thì triệu chứng càng nhẹ. Để đảm bảo an toàn, TP có thể tạo các “bong bóng trường học”, tức là thầy cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm.

Sân bay Nội Bài vẫn vắng lặng. Ảnh ĐẬU TIẾN ĐẠT

Đóng Nội Bài ngày nào, thiệt hại ngày ấy

Việc Hà Nội thận trọng quá mức và kiên quyết lắc đầu với việc mở lại sân bay, đường sắt cũng đang khiến kế hoạch khôi phục đi lại trên phạm vi toàn quốc gặp trở ngại.

Đừng lãng phí nỗ lực tiêm vắc xin

Bài học từ Singapore cho thấy ngay cả ở đất nước đạt tỷ lệ phủ vắc xin cao hàng đầu thế giới, mỗi ngày vẫn có 2.000 - 3.000 ca nhiễm, nhưng 98% triệu chứng nhẹ và phục hồi tại nhà. Singapore cẩn trọng hơn nhưng không thay đổi tư tưởng sống chung an toàn với vi rút và lộ trình bình thường hóa. Không thể kỳ vọng tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ chống hoàn toàn lây nhiễm. Kể cả trong trường hợp Hà Nội tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nguy cơ xuất hiện các ca cộng đồng, thậm chí một vài ổ dịch là vẫn có. Nhưng không thể vì thế mà tiếp tục đóng cửa, càng kỳ vọng “Zero Covid” càng dễ rối loạn chính sách.

Gần đây đã có những quan ngại của các DN, hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài về việc đóng cửa quá lâu ảnh hưởng đến sản xuất. Các quan ngại này cần được xem xét và xử lý để giảm thiểu những hạn chế, cấm đoán. Mặt khác, việc tiêm vắc xin không chỉ để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm mà còn để người dân có nhiều quyền hơn về di chuyển và hoạt động. Nhà nước đã rất nỗ lực có được hàng chục triệu liều vắc xin để tiêm. Nếu người tiêm 1 hay 2 mũi cũng không khác gì chưa tiêm thì rất lãng phí nỗ lực và chi phí để tiêm vắc xin.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB)

Sau khi Cục Hàng không có văn bản xin ý kiến mở lại đường bay nội địa vấp phải sự từ chối của Hà Nội, hôm qua, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội, đề nghị 2 phương án mở lại đường bay trục Hà Nội - TP.HCM từ 10.10. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, đề xuất này đưa ra trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

Cụ thể, phương án 1, sẽ tổ chức chuyến bay khứ hồi giữa Hà Nội - TP.HCM với tần suất 2 chuyến/ngày (chở khách 2 chiều). Phương án 2, chỉ tổ chức chở khách chiều từ Hà Nội đi TP.HCM với tần suất ban đầu 4 chuyến/ngày. Hành khách phải tuân thủ 5K, khai báo y tế và chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin (mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng. Ngoài ra, hành khách xuất phát từ vùng nguy cơ rất cao tương ứng màu đỏ (cấp 4), phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong 72 giờ. Với các đường bay khác, Bộ GTVT đề nghị Hà Nội có ý kiến cụ thể. Số lượng chuyến bay đi/đến Nội Bài sẽ giảm rất nhiều so với kế hoạch trước đó (91 chuyến khứ hồi/ngày).

Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không VN (VABA), Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 sân bay trọng yếu, chiếm gần 90% số lượng khách và doanh thu của các hãng hàng không trong nước. “Hầu hết khách đi và đến đều liên quan đến 2 sân bay này. Nếu chỉ TP.HCM mở mà Nội Bài tiếp tục ngừng tiếp nhận khách bay thương mại định kỳ sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng không, người dân và kế hoạch phục hồi kinh tế đất nước”, ông Dũng nói.

Theo đề xuất, hành khách đáp ứng các quy định, test nhanh tại sân bay có thể không cần cách ly tập trung khi về địa phương. Ảnh NHƯ HÀ

Cũng theo lãnh đạo VABA, hàng không là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trong các loại hình, môi trường trên máy bay được đánh giá an toàn. Các phi công, tiếp viên, nhân viên hàng không đều đã được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, các hãng hàng không đã chuẩn bị phương án test nhanh Covid-19 với tất cả các hành khách chiều đi tại sân bay trước khi lên máy bay (kể cả khách đã có kết quả âm tính 72 giờ). Ngoài ra, toàn bộ khách hàng không đều phải sử dụng PC Covid và bật chế độ truy vết, cho phép quản lý hoàn toàn bằng công nghệ mà không phải cách ly tập trung tại điểm đến. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm

vắc xin của Hà Nội, TP.HCM và các địa phương có dịch đạt rất cao. VABA đề xuất mở lại các chuyến bay đi/đến Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất từ ngày 10.10 và không cách ly tập trung đối với khách âm tính (chỉ theo dõi, quản lý bằng công nghệ), giảm áp lực khu cách ly cho các địa phương.


(Theo Thanh Niên) Mai Hà
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét