Ông Tập
sắp tung "vũ khí mạnh nhất", giới siêu giàu Trung Quốc đứng ngồi
không yên Cập nhật lúc 15:27
Bài phát biểu mới đây của ông Tập Cận Bình hàm chứa thông điệp nhằm
thẳng tới giới "siêu giàu" Trung Quốc.
Trong bài viết
hôm 29/10 trên Yahoo News, nhà báo Jane Li cho rằng, "vũ khí mạnh
nhất" của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chiến lược tìm kiếm
"thịnh vượng chung" cho đất nước chính là: đánh thuế bất động sản Có lẽ điều này đã khiến giới siêu giàu ở Trung Quốc đứng ngồi
không yên. Chiến lược của ông Tập Bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn lần đầu tiên
được công bố trước công chúng, đề cập tới chiến lược nhằm kiềm chế sự giàu có
quá mức của giới "siêu giàu" và tiến tới mục tiêu "thịnh vượng
chung" cho Trung Quốc. Nhưng chính việc ông Tập đề cập đến vấn đề về đánh thuế bất động
sản, vốn đã được thảo luận nhiều lần ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, mới
mang lại ý nghĩa quan trọng nhất, Jane Li nhận định. Vài ngày sau khi trích đoạn bài phát biểu của ông Tập được công
bố, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc cho biết
nước này sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực, kéo dài 5 năm,
bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa chính trị. Ngoài việc loại trừ một số loại hình nhà ở nông thôn, thông báo
này còn thiếu chi tiết cụ thể, bao gồm cả nơi sẽ mở màn chiến dịch thử nghiệm
và phạm vi thuế như thế nào. Nhưng dù sao nó đã cho thấy bước tiến lớn nhất
của Trung Quốc trong việc đánh thuế bất động sản đối với nhà ở, vốn đã được
thảo luận ít nhất từ năm 2003. Trung Quốc sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực, kéo dài 5 năm. Ảnh: Reuters Dường như ông Tập đang quyết tâm đẩy mạnh việc áp thuế, mặc dù
chính sách này có vẻ không được ủng hộ nhiều, bất chấp các nhà kinh tế học
Trung Quốc trấn an rằng, động lực "thịnh vượng chung" của nước này
không phải là "cướp của người giàu". Với khoảng 70% tài sản của các gia đình Trung Quốc nằm ở bất động
sản, chính sách đánh thuế vào bất động sản có thể là công cụ mạnh mẽ nhất của
ông Tập trong nỗ lực phân phối lại thu nhập hướng tới thịnh vượng chung. Tờ Economic Daily (Trung Quốc) viết: "Trong những năm qua,
giá nhà ở đã tăng chóng mặt, giúp nhiều gia đình tích lũy tài sản. Thuế bất động
sản sẽ tập trung vào việc bổ sung thuế nhằm vào những bất động sản này để
tăng cường các quy định và điều chỉnh thu nhập. Còn quá sớm để nói liệu thuế bất động sản sẽ ảnh hưởng như thế
nào đến nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc hay liệu nó có thể giúp làm giảm
đáng kể giá nhà ở hay không vì điều đó vẫn sẽ phụ thuộc vào cung và cầu. Nhưng các nhà phân tích đều cho rằng, việc đánh thuế này sẽ giúp
thay đổi thói quen nắm giữ tài sản của người dân, vốn đã được định hình kể từ
khi nước này cho phép sở hữu nhà riêng vào năm 1998. Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô
tại China Renaissance Securities Hong Kong cho biết: "Các sự kiện gần
đây có thể đánh dấu sự khởi đầu của một mô hình mới cho sự tăng trưởng của
Trung Quốc và lĩnh vực bất động sản của nước này". Tóm lại, thuế bất động sản có thể đưa Trung Quốc vào một con
đường phát triển khác. "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ" Bất chấp tình thế tiến thoái lưỡng nan, chính phủ Trung Quốc từ
lâu đã cảm thấy cần thiết phải áp dụng thuế đối với bất động sản.
Các loại thuế liên quan đến bất động sản hiện có của Trung Quốc chủ yếu nhắm
vào bất động sản thương mại, quá trình xây dựng và giao dịch mua bán bất động
sản nhà ở. Để so sánh, có thể thấy, các loại thuế sắp được ông Tập thí điểm
là nguồn thu lớn nhất cho chính quyền địa phương ở nhiều bang của Mỹ. Người dân Trung Quốc nhìn ngắm các tòa nhà chung cư kiểu mẫu tại hội chợ nhà ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc hồi năm 2008. Ảnh: AP Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đã xảy ra tình trạng đầu cơ
quá lớn trong lĩnh vực này, động thái đã đẩy giá nhà ở lên cao, làm gia tăng
khoảng cách giàu nghèo và kìm hãm mong muốn tiêu tiền của người dân ở nơi
khác. "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ", là câu nói nổi
tiếng của ông Tập vào năm 2017, chính nó đã gửi thông điệp mạnh mẽ về sự bất
bình của ông trong lĩnh vực này. Trước khi công bố mức thuế, các nhà phát triển bất động sản cũng
đối mặt với các chính sách siết chặt của chính phủ. Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty bất động sản giảm nợ trong nỗ
lực đối phó với mức nợ ngày càng tăng của họ. Điều này đã khiến các công ty
khổng lồ như Evergrande gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn và khiến các
nhà phát triển bất động sản "đi chậm" hơn. Thuế bất động sản sẽ như thế nào? Kể từ năm 2011, hai trong số các thành phố lớn nhất của Trung
Quốc là Trùng Khánh và Thượng Hải đã áp dụng mức thuế bất động sản từ 0,4%
đến 1,2% kể từ năm 2011, chủ yếu nhắm vào các căn nhà thứ hai, bất động sản
sang trọng và các giao dịch của những người không thực sự cư trú tại đó. Mức
thuế mới dự kiến sẽ bao gồm nhiều loại bất động sản hơn. Zoe Yang, trợ lý giáo sư tại Trường Quản lý Khách sạn và Du lịch
tại Trường Kinh doanh CUHK có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết, một vấn đề quan
trọng là liệu việc đánh thuế thí điểm này sẽ được áp dụng cho các bất động
sản hiện có hay những bất động sản được mua trong tương lai. "Nếu thuế được áp dụng đối với các bất động sản hiện có thì
đó sẽ là một gánh nặng lớn cho người dân vì sẽ phải đối phó với cả thuế và
các khoản thế chấp vay", bà Yang nói. Thu nhập bình quân của người dân Thượng Hải là khoảng 70.000 nhân
dân tệ (10.951 USD). Để mua một ngôi nhà 10 triệu nhân dân tệ - một mức giá
bình thường ở một thành phố giàu có - ngay cả khi chỉ phải đóng mức thuế
0,5%, họ cũng sẽ tốn 50.000 nhân dân tệ một năm, gây thêm áp lực cho các gia
đình, bà cho biết. Bắc Kinh đang nỗ lực điều chỉnh nhắm vào các công ty bất động sản lớn như Evergrande. Ảnh: Reuters Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền trung ương sẽ đánh thuế
vào tất cả các ngôi nhà mà một người dân sở hữu. Các nhà phân tích từ
Dongfang Securities cho biết: "Nếu thuế bất động sản chỉ đánh vào những
ngôi nhà mới mua, quy mô sẽ quá nhỏ và khó có thể đạt được mục đích thúc đẩy
sự công bằng và đóng góp nhiều hơn doanh thu tài chính". Có khả năng chính phủ sẽ đưa ra một hướng dẫn sơ bộ về thuế để
chính quyền địa phương sử dụng như một hướng dẫn. Thâm Quyến, Hàng Châu,
Quảng Châu và Nam Kinh, một số thành phố phát triển nhất ở Trung Quốc được
cho là sẽ những nơi thí điểm đầu tiên. Cần sự cân bằng tinh tế Mặc dù thuế bất động sản có thể giúp giảm chênh lệch giàu nghèo
về lâu dài, nhưng nó sẽ là một "cú sốc mạnh". Vì vậy, chính phủ Trung Quốc sẽ cần phải tính toán cẩn thận phạm
vi đánh thuế để tránh làm tổn thương quá nhiều đến người dân và nền kinh tế.
Việc người dân tiết kiệm hơn và giảm chi tiêu đã là một mối lo ngại đối với
nền kinh tế Trung Quốc, vốn dựa vào xuất khẩu và đầu tư để tăng trưởng nhanh. Chẳng hạn như những người đã nghỉ hưu dựa vào lương hưu như một
nguồn thu nhập chính sẽ phải vật lộn để trả mức thuế mới, đặc biệt nếu giá
trị ngôi nhà của họ đã tăng đáng kể trong những năm qua, giáo sư Yang cho
biết. Giá thuê ở các thành phố hạng nhất nơi có lượng người đổ vào lớn
cũng có thể tăng nếu áp dụng thu thuế bất động sản vì chủ nhà muốn chuyển một
phần gánh nặng của họ cho người thuê nhà. Tuy nhiên, cuối cùng thì người giàu vẫn bị đánh thuế nhiều nhất,
đặc biệt nếu Trung Quốc áp dụng mô hình lũy tiến, áp dụng mức thuế cao hơn
đối với những cá nhân nắm giữ nhiều bất động sản, bà Zoe Yang nói. |