Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Vì sao số ca nhiễm tăng vọt tại Singapore, Hong Kong, Đài Loan?

Cập nhật lúc 10:42   

Từng được ca ngợi như những điểm sáng trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 song cả 3 nơi này đều đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, phần lớn từ bên ngoài đưa vào.



Hình ảnh gần đây tại các sân bay lần lượt từ trái qua ở Hong Kong, Đài Loan và Singapore - Ảnh: AFP/GETTY IMAGES/NYT

Theo báo New York Times, ngoài số ca bệnh "nhập khẩu", Singapore cũng đang chứng kiến mức tăng số ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng với hơn 400 ca bệnh mới ghi nhận tuần qua có liên quan tới các khu nhà ở của người lao động nhập cư.

Những ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở cả 3 nơi nói trên đều có liên quan tới những người đã từng đến Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Sau đó là những ổ dịch nhỏ hơn xảy ra trong các nhóm cư dân không hề có lịch sử đi lại tới đâu.

Thay đổi trong hai tuần qua
Mặc dù đều rất gần gũi với Trung Quốc đại lục song cả ba nơi này đều đã kiểm soát thành công trong nhiều tuần liên tiếp, duy trì được số ca bệnh ở mức thấp thông qua chiến dịch giám sát cẩn trọng và ngăn chặn từ sớm.

Tới tháng 3, không nơi nào trong đó ghi nhận một ngày hơn 10 ca bệnh mới, ngay cả khi đại dịch COVID-19 lan tràn khắp thế giới.

Thế nhưng chỉ trong hai tuần qua, tình hình đã thay đổi. Cả Hong Kong và Singapore đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên ở mức 2 chữ số trong nhiều ngày liên tiếp. Một phần lớn trong đó là những người từ nước ngoài trở về.

Số ca bệnh ở Singapore giờ đã tăng lên mức tới 3 chữ số với những ổ dịch lớn nhất liên quan tới các khu nhà ở của người lao động nhập cư.

Đài Loan cũng đối mặt với số ca bệnh mới tăng cao. Phần lớn trong số này là các ca bệnh nhập khẩu từ những nước khác, trong khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở đây vẫn duy trì ở mức thấp.

Lưu học sinh hoặc những người nước ngoài từ châu Âu và Mỹ trở về chiếm tỉ lệ lớn trong số các ca bệnh "nhập khẩu".

Chẳng hạn tại Hong Kong, ít nhất 191 trường hợp trong số các ca bệnh đã xác định là các lưu học sinh đang học tại Anh trở về.

Tương tự, 46 ca bệnh ở Đài Loan là các lưu học sinh học tập tại Anh trở về nhà từ sau giữa tháng 3.

Tại Hong Kong và Đài Loan, mỗi nơi đều có một nhóm du lịch tới Ai Cập, quốc gia đã có nhiều du khách nhiễm virus corona chủng mới và đổ bệnh sau khi trở về hồi đầu tháng 3.

Tại Singapore, nhiều quân nhân đã nhiễm virus mầm bệnh này trong thời gian đồn trú tại Pháp.
 


Biểu đồ thể hiện số ca bệnh ở 3 nơi: Hong Kong, Đài Loan và Singapore với các cột màu cam biểu thị số ca lây nhiễm từ nước ngoài và màu xanh biểu thị ca lây nhiễm trong cộng đồng - Nguồn: NYT

Siết cửa khẩu, tăng cách ly
Cả Hong Kong, Đài Loan và Singapore ban đầu đều chỉ cấm những du khách từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh. Tuy nhiên khi các điểm nóng dịch bệnh bùng lên tại nhiều nơi khác, chính quyền ở cả ba nơi đều mở rộng các lệnh hạn chế đi lại hoặc triển khai những biện pháp cách ly bắt buộc để phòng dịch.

Tới cuối tháng 3, cả ba nơi đều cấm các du khách cư trú ngắn hạn. Các cư dân hoặc những người có visa dài hạn vẫn có thể nhập cảnh nhưng phải tuân thủ các biện pháp cách ly y tế.

Lãnh đạo đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, nói trong cuộc họp báo công bố những biện pháp phòng dịch mới: "Bước đầu tiên là tiếp tục ngăn ngừa các ca bệnh nhập khẩu và cắt đứt chuỗi lây nhiễm trên toàn thế giới và bên trong Hong Kong".

"Mọi người không phải cư dân Hong Kong từ bất cứ khu vực nào ở nước ngoài khi tới sân bay sẽ không được phép nhập cảnh trong 14 ngày, bắt đầu từ 25-3", bà Lam tiếp.

Cũng như thế, Singapore đã ngừng cho phép nhập cảnh với các du khách cư trú ngắn hạn từ 23-3, Đài Loan cấm mọi du khách nước ngoài từ 19-3.

Ngoài việc tăng cường thêm các quy định hạn chế đi lại, chính quyền ở ba nơi này cũng đang triển khai một loạt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.

Họ cũng tiếp tục theo dõi những người đã dương tính với virus corona để truy lại lịch sử tiếp xúc của người bệnh.

Singapore đã áp đặt lệnh phong tỏa mới cho tới ít nhất 4-5, đóng cửa mọi trường học và các nơi làm việc không thiết yếu.

Bà Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại ĐH Johns Hopkins tại Baltimore, nhận định: "Nếu số ca bệnh của họ tiếp tục tăng dần tới một điểm họ cảm thấy không thể kịp thời phát hiện, cách ly, theo dõi lịch sử tiếp xúc, giám sát những người có tiếp xúc và cô lập những trường hợp đó, thì đấy sẽ là tình thế rất khó khăn".
(Theo Tuổi trẻ) D.Kim Thoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét