Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Bắc Kinh đẩy nhanh năng lực điều binh khẩn cấp khắp Biển Đông
Cập nhật lúc 10:49  

Đó là lo ngại được đặt ra đối với việc Trung Quốc vừa công bố sắp thử nghiệm trên biển dòng máy bay đổ bộ AG600.


Thủy phi cơ AG600 sắp được bay thử nghiệm trên biển. ECNS

Vừa “thoát” dịch bệnh, tăng tốc hoàn thiện máy bay đổ bộ

Tối 8.4, trang tin ECNS, của China News Service - hãng thông tấn lớn thứ hai của Trung Quốc, dẫn nguồn từ Đài truyền hình trung ương nước này (CCTV) đưa tin Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đang điều động nhân sự tại một cơ sở ở Kinh Môn (tỉnh Hồ Bắc) để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện máy bay đổ bộ AG600.
Chương trình làm việc được thúc đẩy ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hồ Bắc được kiểm soát. Nhờ đó, theo truyền thông Trung Quốc, thủy phi cơ đổ bộ AG600 đã có bước tiến mới. CCTV dẫn lời người đứng đầu căn cứ của AVIC ở Chu Hải cho hay máy bay AG600 đã sẵn sàng thử nghiệm bay huấn luyện trên biển.
Bay thử nghiệm lần đầu trên đất liền vào năm 2017 và bay thử nghiệm lần đầu ở một hồ chứa nước vào năm 2018, AG600 được Bắc Kinh kỳ vọng hoàn thành bay thử nghiệm trên biển trong năm nay. Lâu nay, việc bay thử nghiệm trên biển thường có nhiều thách thức hơn trên đất liền, nhất là việc cất và hạ cánh của thủy phi cơ do mặt biển thường có nhiều biến động. Theo kế hoạch, chiếc AG600 đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội vào năm 2022.

Lý giải động cơ của Trung Quốc

Trả lời Thanh Niên ngày 9.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Đến nay, hầu hết các quốc gia đã kết thúc các chương trình phát triển thủy phi cơ đổ bộ. Các nước còn theo đuổi phương tiện này chỉ gồm Nhật Bản, Nga và Canada”.
“Thế thì tại sao giờ đây Trung Quốc cũng muốn phát triển thủy phi cơ đổ bộ?”, TS Nagao đặt vấn đề và giải đáp: “Thủy phi cơ đổ bộ là loại khí tài đáp ứng chiến lược của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific)”.


Tàu đổ bộ Type-075 của Trung Quốc. Ảnh: TNI

Cụ thể, trong quá khứ thời Thế chiến 2, loại máy bay này có vai trò rất hữu dụng lúc Mỹ khai thác ở Indo - Pacific khi có thể cất và hạ cánh phần lớn địa điểm ở vùng biển rộng lớn, để đáp ứng nhiều nhiệm vụ như chiến đấu chống tàu ngầm, chống tàu chiến nổi, vận tải, tuần tra… Thủy phi cơ cũng cho phép cất và hạ cánh dễ dàng trên biển để có thể kiểm soát các đảo, bãi đá nhỏ.

“Chính vì thế, Trung Quốc phát triển thủy phi cơ AG600 nhằm phát triển khả năng tiếp cận nhanh các đảo nhỏ, bãi đá...”, TS Nagao nhận định. Và thực tế thì đây cũng chính là đặc điểm của Biển Đông mà Trung Quốc đang nuôi tham vọng bá quyền.
Trung Quốc phát triển thủy phi cơ AG600 nhằm phát triển khả năng tiếp cận nhanh các đảo nhỏ, bãi đá…
TS Satoru Nagao

Tham vọng đổ bộ không - biển

Lý giải trên là phù hợp khi chính trang tin ECNS cũng cho rằng AG600 có thể hoạt động trong nhiều điều kiện, đặc biệt là khả năng chở theo 30 binh sĩ, vũ khí để đổ bộ khẩn cấp trên biển.
Với tầm bay hơn 4.000 km cùng tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ, AG600 khi đồn trú ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) của Việt Nam, mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, có thể nhanh chóng vươn đến mọi khu vực ở Biển Đông. Vì thế, theo ECNS, với việc biên chế AG600, Bắc Kinh có thể sử dụng phương tiện này để sẵn sàng tiếp viện cả binh sĩ lẫn vũ khí đến Biển Đông khi cần thiết.
Hiện Trung Quốc có đường băng ở 3 bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập, mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, với nhiều bãi đá khác thì Bắc Kinh đã xây dựng hạ tầng, nhưng khó có thể thiết lập đường băng, nên AG600 chính là giải pháp để kết nối đến các bãi đá này.
Phân tích sâu hơn trong tổng thể chiến lược, TS Nagao chỉ ra rằng Bắc Kinh có thể phát triển một năng lực đổ bộ bao gồm nhiều phương tiện khi kết hợp AG600 với các loại tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Type-075 và tàu vận tải đổ bộ Type-071.
Mới đây, đầu tháng 4, truyền thông Trung Quốc rộ tin vừa hạ thủy chiếc tàu đổ bộ Type-075 thứ hai. Đây là tàu đổ bộ có độ choán nước toàn tải xấp xỉ 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 và Z-9.
Trong tương lai, Bắc Kinh đang kỳ vọng phát triển máy bay tiêm kích cất cánh đường băng ngắn hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho lớp tàu Type-075 nhằm biến loại tàu này thành tàu sân bay như cách Mỹ đang thực hiện với tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp.
Bên cạnh đó, tàu Type-071 vừa có thể chở vũ khí, bao gồm cả tàu đổ bộ đệm khí, mang theo gần 1.000 lính cũng đóng vai trò đổ bộ quan trọng. Chính vì thế, khi kết hợp thủy phi cơ AG600 với các loại tàu đổ bộ Type-075 và Type-071 thì Trung Quốc có thể hình thành năng lực tác chiến đổ bộ cả đường không lẫn đường biển.
Ngoài ra, việc sở hữu AG600 còn được cho là nhằm đóng vai trò hậu cần đối với hoạt động của tàu sân bay, đặc biệt đối với công tác giải cứu phi công gặp nạn. Nếu phi công gặp nạn, AG600 có thể bay nhanh hơn so với máy bay trực thăng để đến địa điểm cần giải cứu.
Siêu thủy phi cơ đổ bộ của Nhật
Trong khi Trung Quốc vẫn đang hoàn thiện AG600, Nhật đã sở hữu dòng thủy phi cơ đổ bộ hiện đại ShinMaywa US-2. Theo một số báo cáo thì nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, hay Ấn Độ đều đang tỏ ý muốn đặt mua US-2 từ Nhật, bởi thực tế chứng minh US-2 có khả năng hoạt động khá ưu việt, cất và hạ cánh trên biển ngay cả giữa thời tiết xấu, như sóng cao đến 3 m. Tuy nhiên, để sở hữu US-2 thì thách thức khá lớn là phải trả mức giá đến hơn 100 triệu USD, theo một số tạp chí chuyên ngành.

Việt Nam đã sẵn sàng đến đâu cho cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc ?
Chiều 9.4, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, đại diện DPA (hãng thông tấn của Đức) đã gửi câu hỏi về tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Cụ thể, đại diện DPA nêu: Trước đây, Việt Nam nhiều lần cho biết không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc liên quan đến những đòi hỏi về chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Vậy tiến trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý đã hoàn thành chưa? Liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc sau khi Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 30.3 đã gửi Công hàm phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông?
Trả lời câu hỏi này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, như đã thể hiện trong Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
“Việc lưu hành Công hàm tại LHQ là bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam”, bà Hằng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Lập trường nhất quán của Việt Nam cũng đã thể hiện đầy đủ tại Công hàm này. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo UNCLOS 1982”.
Cũng tại buổi họp báo, bình luận về việc truyền thông Trung Quốc cho biết nước này chuẩn bị đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra Biển Đông, bà Hằng nêu rõ: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực. Chúng tôi mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp tích cực vào mục tiêu nói trên”.
Vũ Hân

(Theo Thanh Niên) Ngô Minh Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét