Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Vì sao mua xong máy xét nghiệm Covid-19 rồi đàm phán... giảm giá?

Cập nhật lúc 10:58  

Tỉnh Thái Bình đàm phán giảm giá máy xét nghiệm Covid-19 sau khi đã chỉ định thầu, lắp đặt hoàn thiện và đưa thiết bị vào sử dụng.

Liên quan đến việc mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, một số địa phương cho biết đã đàm phán và được giảm giá mua máy như Quảng Ninh, Quảng Nam, Thái Bình.
Đáng lưu ý, tỉnh Thái Bình đàm phán giảm giá hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR sau khi đã chỉ định  thầu, lắp đặt hoàn thiện và đưa thiết bị vào sử dụng.
Theo đó, chia sẻ với báo chí,  lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết tỉnh đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31/3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1/4, mua qua hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, sau khi lắp đặt thiết bị, đến ngày 15/4 Sở Y tế Thái Bình lại có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị. Sau khi đàm phán, giá được giảm từ trên 6 tỷ xuống còn 5,85 tỷ đồng. Đó là chưa tính các quyền lợi bảo hành cùng vật tư y tế kèm theo sau khi đã mua máy.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Sái, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Bình bày tỏ, ông không thấy có gì khuất tất trong việc Thái Bình đàm phán giảm giá máy xét nghiệm Covid-19 sau khi đã lắp đặt hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
"Đây là vì lợi ích chung, vì sự phát triển của ngành và vì người dân. Nếu chi phí đắt đỏ quá thì người dân không chịu được, Nhà nước cũng không thể bỏ tiền ra để bù nên tỉnh phải làm việc với nhà thầu.
Về thời điểm tỉnh đàm phán giảm giá máy, tôi nghĩ trong lúc cấp bách điều quan trọng là làm thế nào để có được hệ thống thiết bị xét nghiệm phục vụ người dân, nếu cứ "cò cưa" mãi thì có khi không mua được máy.
Đến khi đặt được máy rồi thì thấy giảm được giá sẽ có lợi cho người dân, cho ngành. Bản thân bên bán có thể cũng muốn chia sẻ với người dân, với tỉnh Thái Bình.
Quan trọng là có máy phục vụ xét nghiệm kịp thời, không nên bàn chuyện trước sau gì cho nặng lời, oan cho ngành y tế và oan cho lòng tốt của người muốn đóng góp công sức cho cuộc chiến chống dịch.
Tôi mong các tỉnh sớm báo cáo với Bộ Y tế về việc mua máy xét nghiệm Covid-19 cho rõ ràng, minh bạch, để không ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế", PGS.TS Nguyễn Văn Sái chia sẻ.


Sở Y tế Thái Bình đàm phán thành công với nhà thầu giảm giá hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh từ hơn 6 tỷ đồng còn 5,85 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trong khi đó, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Phó trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương bày tỏ quan điểm, câu chuyện đàm phán giảm giá sau khi đã lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống thiết bị xét nghiệm ở Thái Bình "không phù hợp cho lắm", bởi thông thường người ta ngã giá xong rồi mới mua, đằng này đã đưa vào sử dụng lại đàm phán, mặc cả mấy lần.
"Tại sao lạ thế?", GS Khải đặt câu hỏi và thừa nhận câu chuyện giá cả hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR rất "khó nói", nhất là khi các địa phương tự mua sắm. 
Theo ông, cần phải phân biệt chuyện mặc cả giá với giá chính thức. Mặc cả giá có thể xuống hay lên, tùy vào quan hệ giữa người bán với người mua, thậm chí cả quyền lợi của cá nhân nếu có người muốn lợi dụng.
Ở đây, số tiền mua máy ở mỗi địa phương rất khác nhau, khó có thể phân biệt được chuyện lợi dụng với không lợi dụng vì không ai biết quan hệ giữa người bán với người mua như thế nào.
Vì lẽ đó, GS.TS Phạm Gia Khải cho rằng, vai trò của Bộ Y tế rất quan trọng, lẽ ra phải quy định khung giá cho hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR.
"Khoan hẵng bàn có động cơ không chính đáng gì ở đây. Có thực tế là nơi mua máy xét nghiệm chỉ 1,5 tỷ đồng, trong khi một số nơi khác lại mua tới 7 tỷ đồng...
Có rất nhiều lý do để biện minh cho mức giá khác nhau, có nơi mua qua nhà nhập khẩu trực tiếp hoặc đơn vị phân phối trực tiếp, có nơi lại phải mua qua đơn vị trung gian, rồi tùy vào chủng loại mặt hàng, giá thẩm định của cơ quan chức năng hay các bên thẩm định độc lập...
Trong khi đó lẽ ra phải quy định khung giá, có một "tiêu chuẩn vàng" để các địa phương dựa vào đó mà mua sắm và mới có căn cứ biết sai hay đúng, có lỗi hay không có lỗi, có lợi dụng hay không...", nguyên Phó trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương chỉ rõ.
Trở lại với việc mua sắm hệ thống thiết bị xét nghiệm Covid-19 của tỉnh Thái Bình, trong quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị y tế chống dịch Covid-19 của Sở Y tế tỉnh Thái Bình thì số tiền trúng thầu là 6,48 tỷ đồng.
 Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (số 7, ngõ 128 Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi đàm phán, giá thiết bị được giảm xuống còn 5,85 tỷ đồng.
Lý giải điều này trên báo Thanh niên, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình - ông Phạm Văn Dịu cho biết: “Sau khi trúng thầu, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đóng góp chống dịch của MTTQ tỉnh Thái Bình, đơn vị cung cấp đã đồng ý giảm giá, gọi là ủng hộ chống dịch.
Chính vì vậy, giá còn lại mới còn 5,85 tỷ”.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Các địa phương đang “cuống cà kê” sau vụ cán bộ CDC Hà Nội bị bắt. Lúc này họ muốn làm động tác giống như vụ AVG hủy hợp đồng vì “mua hớ” Mobiphone! Việc điều tra chắc chẳng khó lắm, cứ xem giá nhập khai thuế ở Hải quan là rõ ngay. Cấu hình cao thấp thì cũng có giá cụ thể, Hải quan nắm được hết. Quan trọng là có quyết tâm điều tra tất cả hay không thôi!

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét