Đòi cấm nhập khẩu xăng dầu, phải nghĩ đến
người tiêu dùng
Cập nhật lúc 09:10
Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam (PVN) muốn hạn chế/cấm nhập khẩu xăng dầu để “cứu” hai nhà máy
lọc dầu trong nước đang ngập trong hàng tồn kho. Có ý kiến đồng
tình, nhưng cũng có quan điểm ngược lại hoàn toàn.
Hạn chế hoặc cấm nhập
vì xăng dầu trong nước “ế”
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới đây
gửi văn bản tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị xem xét hạn chế tối
đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa
kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Theo PVN, do giá dầu thô hiện giảm sâu
và dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp,
mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống kinh tế đã khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu của PVN
tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất của PVN
đang tồn kho lớn
Trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ
xăng dầu ước giảm khoảng 30% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi toàn bộ thị
trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng. Tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại
hai nhà máy lọc dầu Dung
Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Tại một số thời
điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%.
"Các nhà máy lọc dầu Dung
Quất của PVN đang chịu áp lực từ cả đầu vào (giảm giá hàng tồn kho) lẫn đầu
ra (khách hàng hủy, giãn nhận hàng do nhu cầu xuống mức rất thấp)", PVN
lo lắng.
PVN cho rằng lượng nhập khẩu quá lớn
thực sự đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong
nước.
Vì thế, PVN khẩn thiết kiến nghị Bộ
Công Thương, Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối
đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được
dịch bệnh Covid-19 cũng như thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa đang rất khó
khăn.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, lãnh
đạo doanh nghiệp dầu mối xăng dầu cho hay: Cấm nhập khẩu xăng dầu 1
tháng là rất phù hợp vì các nhà máy lọc dầu trong nước đang dư
thừa công suất. Xăng dầu muốn gửi không còn chỗ trữ nữa. Khi nào
hết dịch, mọi việc trở lại bình thường thì cho nhập trở lại.
Phải vì lợi ích người
tiêu dùng
PGS.TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện
trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, cho rằng: Trong giai
đoạn này, một số mặt hàng cũng cần có điều chỉnh chính sách để
nền kinh tế vẫn có đủ cơ sở phát triển. Nếu nhập khẩu xăng dầu
mà kinh tế có lợi thì tại sao phải cấm? Còn nếu thiệt hại của
các nhà máy lọc dầu trong nước lớn hơn lợi ích của việc nhập
khẩu mang lại thì cần nghiên cứu tạm dừng nhập khẩu.
“Lúc này, tôi không thể nói ngay
là có nên dừng nhập khẩu xăng dầu hay không. Nhưng cơ quan nhà nước
cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng phải ngồi bàn với nhau, đưa ra
các số liệu, phân tích kỹ càng rồi ra quyết định, sao cho hài hòa
nhất”, PGS.TS Đỗ Đức Định chia sẻ.
Một cán bộ của Bộ Công Thương cho
hay đã nắm được đề xuất của PVN. Tuy nhiên, ông lưu ý việc này phải
“hết sức thận trọng” và cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện Bộ Công
Thương mới chỉ khuyến khích các doanh nghiệp xăng dầu tiêu thụ sản
phẩm của hai nhà máy trong nước mà thôi.
Trong khi đó, sau khi bản tin về đề
xuất hạn chế/cấm nhập khẩu xăng dầu được đưa ra, hàng trăm bạn đọc
gửi bình luận đến VietNamNet đều tỏ không đồng tình với kiến nghị
của PVN. “Chỉ vì lợi ích của mấy công ty mà cấm nhập khẩu xăng dầu, lợi ích
của người dân thì ở đâu”, một bạn đọc bình luận.
Chuyên gia năng lượng TS Nguyễn
Thành Sơn, nguyên giám đốc Công ty năng lượng sông Hồng, thì phản đối
gay gắt đề xuất của PVN.
Trả lời phóng viên, TS Nguyễn
Thành Sơn cho rằng: Giá dầu thế giới đang giảm rất mạnh nên cấm
nhập khẩu là rất dại, thiệt cho người dân, cho nhà nước. Giá dầu
thế giới giờ còn gần 30 USD/thùng, tại sao lại không tranh thủ nhập
xăng dầu về. Đáng ra chúng ta phải khuyến khích nhập thật nhiều,
để dùng dần chứ không nên đề xuất “đóng cửa” với xăng dầu nhập
khẩu. Điều đó không đúng tinh thần mở cửa chút nào, không đúng tinh
thần vì lợi ích chung mà có nhóm lợi ích ở chỗ này.
Nói về việc PVN lo ngại tiếp tục
cho nhập khẩu xăng dầu sẽ làm hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và
Nghi Sơn gặp khó, thậm chí có nguy cơ đóng cửa, ông Sơn nói thẳng:
Chuyện doanh nghiệp phá sản, nhà máy đóng cửa trên thị trường là
bình thường. Có thể đóng cửa bây giờ, nhưng ngày mai lại mở cửa
trở lại khi tình hình tốt lên. Đó là điều ai cũng phải chấp nhận.
Sự vận hành của thị trường phải là như vậy chứ không thể vì lợi
ích của một nhóm nhỏ được.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Thành Sơn,
ngành năng lượng Việt Nam, trong đó có xăng dầu, đã mở cửa với thế
giới. Việc nhập khẩu là rất nên làm vì trữ lượng dầu mỏ trong
nước rất thấp. Khi thị trường có cơ hội như vậy thì nên tranh thủ
nhập để trang trải nhu cầu năng lượng trong nước.
“Thế giới đang bán dầu giá 30
USD/thùng, còn trong nước khai thác có mỏ 50 USD/thùng. Cho nên hoàn
toàn có thể nhập khẩu xăng dầu về, còn nguồn dầu mỏ trong nước
có thể để dành”, TS Nguyễn Thành Sơn nói và nhấn mạnh điều hành
phải vì người tiêu dùng là trên hết.
(Theo
VietNamNet) Hà Duy
Hay thật! Khi xăng dầu thế giới tăng
thì lập tức họ đòi tăng với lập luận phải theo giá thị trường. Nay giá dầu
thị trường thế giới giảm sâu thì họ lại đòi đóng để neo giá trong nước là
sao? Tại sao lại chỉ biết đến lợi ích của mình mà quên đi cả cộng đồng? Tư
duy ích kỉ, lợi ích cục bộ chính là lực cản lớn nhất của sự phát triển, tiến
bộ!
Thương Giang
|
Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét