Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Bộ Tài nguyên - Môi trường bổ nhiệm 98 lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn

Cập nhật lúc 16:25                                  

Thanh tra Bộ Nội vụ kết luận Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm 98 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn như bằng lý luận chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng...

Thanh tra Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý... tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời kỳ thanh tra trong giai đoạn từ 1-1-2016 đến ngày 30-9-2018.

Cơ quan thanh tra kết luận Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn tồn tại, thiếu sót về điều kiện, tiêu chuẩn.

 Bộ Tài nguyên - Môi trường bổ nhiệm 98 lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn - Ảnh 1.
Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm 57 trường hợp thiếu bằng trung cấp lý luận chính trị - Ảnh: Minh Chiến
Cụ thể, có 1 trường hợp thiếu bằng cao cấp lý luận chính trị, 57 trường hợp thiếu bằng trung cấp lý luận chính trị; 4 trường hợp thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương; 36 trường hợp chưa có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng hoặc tương đương (trong đó có 3 trường hợp thiếu tại thời điểm bổ nhiệm).
Đáng chú ý, một số lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được bổ nhiệm chức vụ quản lý (đến thời điểm kiểm tra không còn giữ chức vụ); 2 trường hợp tuyển dụng công chức không qua thi năm 2011, 2012 không đúng thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiểm tra 28 kỳ xét tuyển viên chức của 12 đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả tuyển dụng được 235 người. Qua thanh tra cho thấy một số đơn vị không xây dựng và phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng trước khi tổ chức tuyển dụng; một số đơn vị thực hiện thông báo tuyển dụng, nhận hồ sơ dự tuyển chưa đảm bảo theo quy định; thành lập Hội đồng xét tuyển và Ban kiểm tra, sát hạch trước khi hết hạn nhận hồ sơ dự tuyển; câu hỏi phỏng vấn không có đáp án...
Với những hạn chế nêu trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, cử công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thiếu tiêu chuẩn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý... đi đào tạo, bồi dưỡng, thời gian bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu hoàn thành trong năm 2019.
"Xem xét không bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với các trường hợp sau thời hạn vẫn không đáp ứng yêu cầu"- Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị.
Đặc biệt, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế đã nêu trong Kết luận thanh tra để có hình thức xử lý phù hợp.
(Theo Người Lao Động)  Minh Chiến

Đằng sau việc bổ nhiệm là cái gì. Người đủ tiêu chuẩn khi bổ nhiệm còn phải cân nhắc đủ điều, vậy thì thiếu chuẩn vẫn được ưu ái chắc phải có cái giá gì đó chứ? Ngành tài nguyên môi trường nay cũng khá “màu mỡ”. Vụ việc này chắc cũng lại “rút kinh nghiệm sâu sắc” thôi.
Thương Giang


Vì sao ổ bạc Our City ngang nhiên hoạt động?
Cập nhật lúc 10:40   

Đằng sau việc triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc Our City do người Trung Quốc vận hành giữa trung tâm Hải Phòng là công tác quản lý người nước ngoài đang lỏng lẻo, tạo ra lỗ hổng cho tội phạm nước ngoài hoạt động.

 Vì sao ổ bạc Our City ngang nhiên hoạt động? - Ảnh 1.
Công tác chốt chặn của cơ quan công an vẫn đang được triển khai bên ngoài khu đô thị Our City, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo UBND quận Dương Kinh, Hải Phòng thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hiện nay đang bị chồng chéo giữa các đơn vị, thiếu sự kết nối thông tin từ trên xuống dưới để có thể tăng cường việc giám sát, quản lý nhằm ngăn chặn sớm những hành vi phạm tội của người nước ngoài.
Trên tỏ dưới không tường
Nói về việc hơn 380 người Trung Quốc hoạt động vi phạm pháp luật vừa được phát hiện bên trong khu đô thị Our City, vị lãnh đạo quận Dương Kinh cho biết bản thân địa phương trước đó cũng không thể biết bên trong khu đô thị này lại có nhiều người Trung Quốc như vậy do việc tiếp cận của địa phương bị hạn chế.
Theo đó, khu đô thị này có 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài nên từ việc phê duyệt dự án, kiểm soát cấp phép người ra người vào đều do cơ quan chức năng cấp thành phố quyết định. UBND quận chỉ có thể tiếp cận khi có phản ảnh về tình hình mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường... và khi đến làm việc cũng phải có kế hoạch cụ thể, thông báo cho họ trước.
"Cái khó trong quản lý hiện nay của chúng ta là thường chỉ có trên chỉ đạo xuống, dưới đề xuất lên nhưng bên dưới không tiếp cận được thì cũng không thể biết được có vấn đề gì để mà đề xuất!" - vị lãnh đạo quận chia sẻ.
Lấy ví dụ thực tế về hoạt động du lịch 0 đồng hoặc việc công dân Trung Quốc có thể thuận tiện đi lại tự do tại Quảng Ninh hiện nay, để cấp cơ sở biết chắc chắn đang có bao nhiêu công dân Trung Quốc vào đây rõ ràng đang gặp khó khăn.
Theo ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, hiện nay tỉ lệ lao động là người nước ngoài có đăng ký đang làm việc trong các khu công nghiệp và khu kinh tế tại địa bàn tăng nhanh qua các năm. Hiện nay Hải Phòng có 261 doanh nghiệp, nhà thầu trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có sử dụng lao động là người nước ngoài, trong đó người Trung Quốc chiếm 50%, còn lại là Hàn Quốc và Nhật Bản…
Đáng chú ý, tình trạng người nước ngoài lao động "chui" dưới hình thức đi du lịch, sau đó ở lại làm việc không phép khá phổ biến, việc quản lý những người này gặp nhiều khó khăn.

Công an khu vực không nắm rõ Our City?
Theo lãnh đạo Công an phường Hải Thành, công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại khu đô thị Our City gặp nhiều khó khăn do có nhiều đầu mối cùng tham gia như: Ban quản lý khu kinh tế, Công an TP, Sở Ngoại vụ thực hiện.
Người nước ngoài đến sinh sống trên địa bàn phường nhưng chính quyền, công an khu vực, tổ dân phố không nắm rõ họ là ai, đến khi nào và đến để làm việc gì. Việc khai báo thông tin doanh nghiệp được thực hiện trên môi trường mạng, trực tiếp là Phòng quản lý xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi đối với doanh nghiệp.

Không biết bên trong làm những gì
Nói thêm về việc hàng trăm người Trung Quốc hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến tại khu đô thị Our City, ông Phạm Quang Đảo - tổ trưởng tổ dân phố số 2A, phường Hải Thành, nơi khu đô thị này trực thuộc tổ dân phố - cho biết bản thân ông dù làm công tác tổ trưởng rất lâu nhưng không nắm được người Trung Quốc hoạt động tại khu đô thị này như thế nào và làm những gì.
Cá nhân ông khi tiếp cận ban quản lý khu đô thị để vận động tham gia ủng hộ chương trình vì người nghèo hoặc bão lụt đều bị từ chối khéo và đương nhiên không thể tự do đi lại trong khu đô thị do họ đầu tư.
Bên cạnh đó, giá các căn hộ trong khu đô thị này từ những năm 2014-2015 khi được hỏi đã lên tới mức 5-7 tỉ đồng/căn nên vừa nghe qua mọi người đã "chạy xa", bởi tại địa bàn chỉ với vài trăm triệu đồng là có thể mua được nhà đất với sổ đỏ chính chủ, diện tích lại rộng hơn nhiều. Đây cũng có thể là "chiêu" để khu đô thị này không bị người dân Việt để mắt tới.
Báo cáo của Công an Hải Phòng cho biết trong thời gian từ năm 2013 đến nay, cơ quan công an đã kiểm tra phát hiện và xử lý khoảng 400 vụ việc người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
Gần đây nhất, cơ quan điều tra cũng phát hiện một nhóm người Trung Quốc thuê riêng một căn biệt thự tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh để hoạt động phạm tội theo hình thức mạo danh cơ quan tư pháp gọi điện thoại tống tiền.

Tiếp tục chốt chặn bên ngoài Our City
Chiều 27-7, gần 1.000 cán bộ chiến sĩ từ 3 hướng khác nhau đồng loạt đột kích vào bên trong các tòa nhà tại khu đô thị Our City (phường Hải Thành, quận Dương Kinh) khiến các nghi phạm người Trung Quốc hoàn toàn bị bất ngờ khi đang vận hành hoạt động đánh bạc trực tuyến. Bên ngoài khu đô thị, vòng vây được khép chặt để đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
pha an 31-7 2(read-only)
 Bên trong một tòa nhà nơi đặt các máy tính kết nối Internet để các nghi phạm người Trung Quốc vận hành đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến - Ảnh: Bộ Công an

Quá trình đấu tranh, lực lượng phá án tạm giữ hơn 380 người Trung Quốc tham gia vận hành quản lý các website để cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến với các hình thức như: cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, đánh số lô đề...
Ban chuyên án xác định thủ đoạn phạm tội của các nghi phạm người Trung Quốc là chia thành nhiều nhóm nhỏ, hoạt động 24/7 trong sự khép kín và gần như không tiếp xúc với người ngoài. Để qua mặt cơ quan chức năng, các nghi phạm tổ chức trong "vỏ bọc" của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trong ngày 30-7, cơ quan công an vẫn chốt chặn bên ngoài khu đô thị Our City. Dự kiến cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ dẫn độ, bàn giao các nghi phạm này cho cơ quan chức năng Trung Quốc.
 (Theo Tuổi Trẻ) TIẾN THẮNG
Thuế thu nhập cá nhân quá lỗi thời
Cập nhật lúc 10:15   

Giá cả các hàng hóa dịch vụ thiết yếu tăng liên tục qua các năm nhưng thuế thu nhập cá nhân đã 6 năm rồi không thay đổi, khiến số tiền đóng thuế của người dân cao hơn, thu nhập thực tế teo tóp lại.


Học thì khỏi ăn, khỏi mặc

“Luật Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu so với sự phát triển của kinh tế cũng như nhiều mô hình kinh doanh cá thể khác. Vì vậy cần phải có sự thay đổi nhanh để người đóng thuế không cảm thấy bị đối xử mất công bằng
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Đó là than thở của rất nhiều bậc phụ huynh là cán bộ công nhân viên đang hưởng mức chiết trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người theo luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành. Chị Lê Kim (Q.7, TP.HCM) cho biết con gái lớn của chị vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM từ năm học 2016 - 2017, lúc đó học phí là 18 triệu đồng/năm thì đến nay chuẩn bị bước vào năm thứ tư, học phí ước tính lên mức hơn 24 triệu đồng/năm. Cậu con trai nhỏ năm 2018 vào học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) học phí khoảng hơn 1,5 triệu đồng/tháng. "Cả hai đứa đều phải theo học 3 khóa Anh văn mỗi năm với học phí 15 triệu đồng/khóa; học thêm các môn khác như toán, ngoại ngữ thứ hai... Tính tổng cộng nuôi một học sinh cấp 3 tốn kém có khi cao hơn cả học ĐH. Dù mình không ghi rõ từng khoản chi nhưng ước tính mỗi tháng, 2 đứa con đang đi học mình phải chi trả lên gần 15 triệu đồng. Đó chỉ là những khoản chi phí chính, chưa kể ăn mặc, sinh hoạt ngoại khóa, tiền khám chữa bệnh... Vậy mà chỉ cho khấu trừ một người phụ thuộc có 3,6 triệu đồng, nói thật là có khéo co đến đâu thì cũng đóng tiền học thì nhịn ăn, nhịn mặc còn chưa đủ", chị Lê Kim nói.


Người dân làm thủ tục thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM. ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nếu nhìn vào mặt bằng giá trên thị trường, sự lỗi thời của thuế TNCN có thể nói là vô cảm. Đơn giản là cách đây mấy năm tiền gửi xe máy chỉ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc tùy chỗ, còn hiện nay hầu hết lên 5.000 - 10.000 đồng. Với các mặt hàng thiết yếu, hơn 6 năm qua mỗi lít xăng đã tăng thêm 12 - 15% tùy loại; điện tăng 23,5%; học phí, viện phí... mọi cái đều tăng. Nghĩa là chi phí tối thiểu đã tăng mạnh nhưng thuế TNCN không được điều chỉnh khiến người dân phải đóng thuế nhiều hơn.
Đáng nói là theo quy định, trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Thế nhưng tính đến thời điểm này, sau hơn 6 năm áp dụng luật Thuế TNCN, CPI đã tăng xấp xỉ 24%, hết năm nay khoảng 26% thì các ngưỡng thuế quá lỗi thời này vẫn đứng yên.



Không khuyến khích tăng năng suất lao động

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định CPI từ 2013 đến nay tăng hơn 23% là chỉ tính theo kiểu số học. Nếu tính ở từng nhóm hàng thì mức tăng sẽ cao hơn nhiều. Chiếu theo luật đã đến lúc các quy định khấu trừ gia cảnh phải được thay đổi.
Theo TS Lê Đạt Chí, ngoài việc phải nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế lẫn người phụ thuộc thì khoảng cách giữa các bậc thuế cũng phải được tính toán lại. Bởi hiện nay, các loại chi phí sinh hoạt hằng ngày đang gây ảnh hưởng rất lớn cho người nộp thuế, nhất là người làm công ăn lương. Đồng thời, cần xác định lại mức thu nhập như thế nào là cao để đưa ra biểu thuế phù hợp. Ví dụ trên 5 - 10 triệu thuế suất 10% là thuế quá cao. Hay từ 18 - 32 triệu thuế suất 20% cũng không hợp lý. "Với biểu thuế hiện hành, nhiều người không muốn đóng góp công sức nhiều hơn. Chẳng hạn với các giáo viên, nếu trong trường tăng cường dạy thêm các khóa học và tính tổng thu nhập chịu thuế họ phải đóng lên mức 20%. Trong khi đó nếu họ đi dạy ở các trung tâm bên ngoài thì chỉ đóng thuế 10%", ông Chí dẫn chứng và cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu sửa đổi luật Thuế TNCN trong đó đưa ra giải pháp kích thích tiêu dùng vì có lợi cho nền kinh tế. Chẳng hạn cho phép người dân được tự quyết toán và cho khấu trừ các chi phí sinh hoạt hằng ngày, như khám chữa bệnh, ăn mặc, học phí cho con cái, thậm chí cả chi phí xăng xe. Từ đó cũng có tác động ngược lại đến việc nhà nước tăng thu được các loại thuế thông qua kiểm soát doanh thu của các cửa hàng cá nhân hay người buôn bán qua mạng. Hiện nay rất nhiều hoạt động kinh doanh cá thể đóng thuế rất thấp; nhiều người có thu nhập rất cao từ kinh doanh qua mạng nhưng không phải đóng thuế hoặc chỉ đóng thuế khoán bèo bọt trong khi người làm công ăn lương lại bị đóng thuế quá nhiều. “Luật Thuế TNCN đã quá lạc hậu so với sự phát triển của kinh tế cũng như nhiều mô hình kinh doanh cá thể khác. Vì vậy cần phải có sự thay đổi nhanh để người đóng thuế không cảm thấy bị đối xử mất công bằng”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.
Khoảng cách giữa các bậc thuế bất hợp lý đã được đề cập rất nhiều lần trước đây và có không ít chuyện bi hài quanh câu chuyện này. Chẳng hạn một người làm việc cho một công ty IT tại TP.HCM kể, chị mới lãnh lương tháng 7 vào ngày 20 vừa rồi và "vô cùng đau khổ vì tháng này thu nhập tăng thêm vài trăm ngàn đồng". Hỏi sao thu nhập tăng lại buồn, chị nói, chỉ vì vài trăm ngàn đó mà chị rơi vào ngưỡng thuế cao gấp đôi, số tiền bị khấu trừ còn hơn số thu nhập tăng thêm. "Công ty tôi tính hệ số lương theo năng suất lao động hằng tháng nên thu nhập cũng thay đổi liên tục. Cứ mỗi lần lãnh lương là mọi người lại phập phồng sợ rơi vào tình trạng thu nhập tăng ít mà thuế trừ nhiều như trường hợp tôi tháng vừa rồi", chị này nói.

Thu nhập tăng ít, thuế tăng nhiều

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho hay trong chương trình Quốc hội năm 2019 và cả năm 2020 không thấy đưa việc sửa đổi luật thuế này vào. Trong khi với mức giảm trừ gia cảnh thấp như hiện nay đang tạo áp lực lên người nộp thuế bởi mức họ phải nộp tăng lên nhiều so với trước.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của VN ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Như vậy, so với năm 2013, thu nhập bình quân tăng 17,27 triệu đồng, tương ứng 41,8%. Ông Trần Xoa tính toán, một người nộp thuế năm 2013 có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, trừ mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng, số thuế người này nộp khoảng 900.000 đồng. Trường hợp thu nhập của người này tăng lên 30 triệu đồng/tháng, số thuế phải nộp lên 2,55 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của người nộp thuế tăng 50% nhưng số thuế phải nộp tăng lên gấp 2,8 lần, đồng thời từ mức thuế suất bậc 3 nhảy lên bậc 4. Thu nhập của người nộp thuế tăng không nhanh bằng tốc độ nộp thuế.
Có thể điều chỉnh ngay được
Luật sư Trần Xoa phân tích: “Nếu chờ soạn thảo sửa đổi luật thì mất rất nhiều năm nữa mới có thể áp dụng được. Quốc hội có thể xem xét ra nghị quyết để giảm áp lực đối với người nộp thuế, cũng như có thể tránh hiện tượng né thuế, lách thuế mà số thu ngân sách lại tăng lên”.
Theo vị luật sư này, mức giảm trừ gia cảnh năm 2009 ở mức 4 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế tăng lên 9 triệu đồng/tháng vào năm 2013, tương đương tăng 125% trong vòng 4,5 năm. Từ năm 2013 đến 2020 là 7 năm, nếu vẫn lấy mức tăng 125% của kỳ tăng trước, mức chiết trừ cho người nộp thuế 9 triệu đồng hiện nay phải ở con số 20 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng, ban soạn thảo sửa đổi luật Thuế TNCN cho rằng giảm thu ngân sách, thế nhưng con số thực hiện chứng minh điều ngược lại. Chỉ tính riêng trong năm thay đổi mức giảm trừ này là 2013, số thu thuế TNCN cũng đã tăng thêm 1.500 tỉ đồng dù 6 tháng đầu năm tính theo mức giảm trừ cũ 4 triệu, 6 tháng cuối năm mới tăng lên 9 triệu đồng. Đó là chưa kể những năm sau đó, số thuế TNCN tăng khá mạnh, năm 2017 gần như gấp đôi năm 2013.

(Theo Thanh Niên) Thanh Xuân-Mai Phương

Cơ quan Thuế họ chỉ lo thu sao được nhiều chứ đâu quan tâm người đóng thuế! Ngay từ khi ra đời Luật này đã có nhiều ý kiến cho rằng tính giảm trừ gia cảnh không nên ấn định số tiền tuyệt đối vì các yếu tố khác luôn biến động mạnh hàng năm như lạm phát, tăng lương tối thiểu. Chỉ sau vài ba năm thì con số 3,6 triệu đã mất giá khá nhiều và sau 5 năm thì chẳng còn mấy ý nghĩa là giảm trừ gia cảnh. Mỗi khi lương tăng lên thì thuế TNCN lập tức tăng theo nhưng giảm trừ gia cảnh là bất biến. Nếu lấy con số giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu (ví như bằng 2 hoặc 3 lần lương tối thiểu chẳng hạn) thì chẳng lo gì phải điều chỉnh dù hàng chục năm sau.
Thương Giang

Hợp đồng EPC từ Trung Quốc: Hàng loạt bất ổn làm méo mó dự án

Cập nhật lúc 09:47      

 

Một lượng vốn lớn từ Trung Quốc theo các hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng) vào Việt Nam.

Tuy nhiên, các hợp đồng ở nhiều dự án đã và đang xây dựng bộc lộ nhiều bất cập như chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu; có nhà máy phải dừng hoạt động rất lâu để sửa chữa vì đơn vị trúng thầu “bắt thóp” giữ bí quyết công nghệ... Cách nào để giải quyết thực trạng này?
Viện Nghiên cứu Kinh tế chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố nghiên cứu về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam và chỉ ra những bất cập của các hợp đồng EPC. Nghiên cứu của VEPR liên quan đến các hợp đồng EPC từ Trung Quốc ở một số lĩnh vực như xây dựng nhà máy nhiệt điện, đường cao tốc, đường sắt trên cao.
Với nhiệt điện, VEPR khảo sát 40 nhà máy nhiệt điện đã và đang xây dựng. Dù chỉ có 6 dự án nhiệt điện thực hiện theo diện tổng thầu nhưng giá trị hợp đồng EPC của Trung Quốc chiếm tới 69% tổng nguồn vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện. Trong quá trình xây dựng thực tế, tổng thầu EPC của Trung Quốc bộc lộ hàng loạt bất ổn. Gần 65% số dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ. Trong khi đó, nhà thầu Hàn Quốc không có dự án nào chậm tiến độ, của Nhật Bản chỉ 40% bị chậm tiến độ.


Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do tổng thầu EPC Trung Quốc thi công liên tục chậm tiến độ. Ảnh: Mạnh Thắng

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc (VEPR) đưa ra trường hợp xây dựng Nhà máy nhiệt điện Mông Dương và Nhà máy nhiệt điện Hải Dương để thấy rõ bất cập của EPC từ Trung Quốc. Theo đó, Nhiệt điện Hải Dương công suất 1200MW, do tổng thầu EPC Southwest Electric Power Design Institute và China Power Engineering Advisory Group của Trung Quốc thực hiện, có tổng trị giá 1,87 tỷ USD.
Theo ký kết, năm 2012, tổng thầu EPC phải đáp ứng yêu cầu tài chính. Tuy nhiên, sau 4 lần được Chính phủ Việt Nam cho phép gia hạn, đến tháng 1/2016, nhà thầu mới đáp ứng yêu cầu về tài chính. Tháng 3/2016, nhà máy khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, nhà thầu mới hoàn thành 30% tiến độ công việc.
Cùng giai đoạn trên, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương với công suất 1080 MW do Tổng thầu EPC Hyundai Engineering and Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) xây dựng với trị giá 1,27 tỷ USD. Cuối năm 2011, nhà máy được khởi công và dự kiến hoàn thành vào quý 2 năm 2015. Đến tháng 3/2015, cả 2 tổ máy đã phát điện. Đến 6/2018, nhà máy đã sản xuất được 12,86 tỷ Kwh.
Với nhà máy thuỷ điện, việc chậm tiến độ do tổng thầu Trung Quốc rất phổ biến. Cả nước có 8 nhà máy thuỷ điện chậm tiến độ, trong đó có tới 5 nhà  máy do nhà thầu Trung Quốc triển khai. Một trong những ví dụ điển hình của việc chậm tiến độ dự án do tổng thầu EPC Trung Quốc là Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ gần 5 năm so với dự kiến ban đầu. Đặc biệt, dự án này còn xảy ra hàng loạt sự cố.
Từ thực tế nghiên cứu này, Viện trưởng VEPR-TS Nguyễn Đức Thành kiến nghị, cơ quan chức năng mở rộng khái niệm về đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam cần bổ sung thêm dòng vốn từ dự án EPC. 
“Việt Nam khó có thể ngăn chặn vốn Trung Quốc nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra giám sát công trình không sát sao”, ông Thành khuyến cáo.  
Theo TS Trần Thị Ngọc Quyên (Đại học Ngoại thương), nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam phải cẩn trọng khi tiếp nhận dự án của Trung Quốc vì chi phí tương đối đắt đỏ, thực tế nhiều nước Asean đã gặp phải. Đề xuất này nhiều lần được nêu ra nhưng nhà hoạch định chính sách chưa quan tâm. Dòng vốn vẫn theo hợp đồng EPC từ Trung Quốc vào Việt Nam ở nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực. 
Trách nhiệm của ai? 
Một trong những bất ổn của tổng thầu EPC từ Trung Quốc là tình trạng bị phụ thuộc công nghệ nước ngoài. Với tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, nhà thầu Trung Quốc thực hiện 2 gói thầu. Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc thuộc gói thầu này xuất hiện các điểm đọng nước, hạng mục cầu, hầm chui thấm nước, rỉ nước. Trong khi đó, nhà thầu Trung Quốc chỉ khắc phục bằng cách dùng băng dính và keo dán. Sau khi khắc phục, các đoạn đường này tiếp tục bị ngấm nước khi trời mưa lớn. 
“Với tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng, gói thầu của nhà thầu Trung Quốc thiết kế biện pháp thi công vòng vây cọc ván thép cho một số mố trụ cầu trên cạn không phù hợp với kết quả khảo sát địa chất, làm tăng dự toán hơn 13 tỷ đồng”, VEPR dẫn ví dụ. 
Nghiên cứu của VEPR chỉ ra thực trạng tại dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do tổng thầu EPC-Công ty tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng. Tuy nhiên, một năm sau khởi công, tổng thầu đề nghị tăng giá gói thầu do biến động thị trường. Đến năm 2013, dự án chưa hoàn thành, chủ đầu tư đề nghị tăng tổng thầu lên gấp 2 lần so với ban đầu và đến năm 2019 nhà máy chưa hoàn thành. 
“Khi tổng thầu EPC rút về nước, chủ đầu tư thanh toán trên 92% trị giá hợp đồng trong khi đó tổng thầu chưa chuyển đủ thiết bị cho dự án nhà máy gang thép này. Máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ và thông số kỹ thuật; không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam”, VEPR đánh giá. 
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nhiều công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC giá rẻ nhưng vận hành kém, hiệu quả kém. Cơ quan chức năng cần phải phân tích, tính toán chi phí vận hành các công trình do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Thực tế, các dự án do Trung Quốc làm tổng thầu EPC xảy ra hàng loạt bất cập, hiệu quả thấp, phần lỗi do cơ quan chức năng của Việt Nam. 
Trước đây, chúng ta ham giá rẻ. Giá rẻ sẽ xuất hiện tiêu cực. Cuối cùng, kết thúc dự án, đội vốn cao, dự án kém hiệu quả. Yếu kém của hợp đồng EPC trước hết do lỗi của cơ quan quản lý khi lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn dự án”, ông Tuyển đánh giá. 
TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn lãi suất 3%/năm và cho Thái Lan vay với lãi suất 2,5%. Dù lãi suất thấp, Thái Lan vẫn kiên quyết lắc đầu.
“Trung Quốc có chiến lược đặc thù, tận dụng kiểu làm việc của một số đối tác Việt Nam là “thích đi đêm”; “đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng” nên đa số dự án Trung Quốc thắng thầu”, ông Lạng cho biết.
“Việt Nam khó có thể ngăn chặn vốn Trung Quốc nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra giám sát công trình không sát sao”, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành.
Theo Tiền phong

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Dàn tiếp viên nhà hàng ở Sài Gòn mặc đồ thấu nội y
Cập nhật lúc 15:46                

Đột kích vào nhà hàng Dragon-K ở Sài Gòn, cảnh sát phát hiện nhiều nhân viên mặc thấu nội y đang phục vụ khách hát. Tại đây có một nhân viên mới 13 tuổi.
Rạng sáng 30/7, Đội Cảnh sát quản lý Hành chính và Trật tự xã hội, Công an quận 5, TP.HCM ập vào kiểm tra hành chính nhà hàng Dragon-K, nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 14, quận 5.


Dàn tiếp viên mặc đồ nhìn thấu nội y. Ảnh: Công an cung cấp.

Tại nhiều phòng, lực lượng chức năng phát hiện dàn nữ tiếp viên mặc đồ thấu nội y phục vụ khách hát karaoke. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện có một nữ nhân viên mới 13 tuổi.

70 người có biểu hiện nghi vấn được đưa về trụ sở làm việc. Trong đó có một nữ tiếp viên dương tính ma túy.

"Nhà hàng này bị kiểm tra nhiều lần. Những lần trước, nhân viên không mặc khiêu dâm như lần này", đại diện Công an quận 5 nói.

Cơ sở này bị cơ quan chức năng lập hàng loạt lỗi vi phạm hành chính như: hoạt động quá giờ quy định, kinh doanh loại hình karaoke không có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước, sử dụng phương thức có tính chất khiêu dâm, sử dụng người lao động chưa đủ tuổi vị thành niên, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.


Cảnh sát lập biên bản nhiều lỗi vi phạm để xử lý. Ảnh: Công an cung cấp.

Rạng sáng cùng ngày, Đoàn 2 liên ngành Văn hóa - Xã hội TP.HCM phối hợp cùng Công an quận 1 đột kích vào nhà hàng Sunlight (hay còn gọi là D Max), nằm đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão và nhà hàng Hoa Hướng Dương (còn gọi là Sunflower) ở đường Nguyễn Trãi, phường Bến Thành.

Tại 2 tụ điểm ăn chơi này, cảnh sát lập nhiều lỗi vi phạm như: hoạt động quá giờ quy định, kinh doanh loại hình karaoke không có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước, vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy.
(Theo Zing.vn)  Lê Trai

Ba bộ phối hợp làm rõ vụ Asanzo, ngày 30-8 sẽ có kết luận

Cập nhật lúc 15:21                

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại cho biết đã giao Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp, tập trung làm rõ vụ Asanzo và ngày 30-8 sẽ có kết luận chính thức.



Lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia thông tin đến báo chí tại buổi họp báo hôm 30-7 - Ảnh: T.HẢI

Ông Đàm Thanh Thế, chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), cho biết như vậy tại họp báo về triển khai công tác chống buôn lậu 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 30-7 tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, nội dung được cơ quan báo chí tập trung hỏi đều liên quan đến Công ty Asanzo và kết quả điều tra của cơ quan chức năng về doanh nghiệp này.
Ông Đàm Thanh Thế khẳng định Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã giao việc này cho Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ tập trung phối hợp để xác định, làm rõ những hành vi đúng sai của doanh nghiệp này.
Đến nay, các lực lượng chức năng đang tập hợp thông tin, tài liệu. Kết quả về vụ việc sẽ được thông báo rộng rãi với tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện. 
Nếu có hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam và lợi ích người tiêu dùng. Không phải không thấy thông tin là vụ việc lắng xuống.
Cũng theo ông Thế, dự kiến ngày 30-8 sẽ có kết luận chính thức về vụ việc này. Kết quả sẽ thông báo rộng rãi đến các phương tiện thông tin truyền thông. Nếu phát hiện doanh nghiệp sai phạm thì chắc chắn phải xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Ông Thế cũng cho hay hiện vấn đề hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc nhưng mang nhãn mác "Made in Viet Nam" đã được báo chí đã nêu thời gian qua.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết bộ đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng "Made in Vietnam" tiêu thụ nội địa. Dự thảo này sẽ được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 8 này.
"Văn phòng Ban Chỉ đạo đã có công văn yêu cầu cơ quan thường trực của 63 tỉnh, thành tập trung rà soát, đánh giá cùng với Ban Chỉ đạo 398 quốc gia. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo.
Trên cơ sở này, mới đây Ban Chỉ đạo đã có kế hoạch đấu tranh, tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam do ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Bộ Tài chính, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ký ban hành" - ông Thế cho hay.
Cũng liên quan tới vụ việc Asanzo, trước đó tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sáng 25-7, ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết cố gắng trong 2 tuần (kể từ ngày 25-7) sẽ đưa ra kết luận về hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh.
Ông Cẩn cũng thông tin vừa khởi tố vụ án liên quan đến hành vi một công ty con của công ty này nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam đưa hàng vào tiêu thụ nội địa.
Đối với nhãn hiệu Asanzo, theo tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã khởi tố vụ án và chuyển tài liệu cho cơ quan công an về các hành vi thuộc công ty con nhập khẩu, giả mạo xuất xứ Việt Nam để đưa hàng vào tiêu thụ, giả mạo nhãn mác. 
Vụ việc đang được Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiếp tục đang xác minh, điều tra sâu.
"Các ngành cho rằng cơ sở pháp lý không đủ để xử lý hành vi này, nhưng chúng tôi đánh giá sẽ làm sâu và đủ cơ sở" - ông Cẩn nhấn mạnh.
(Theo Tuổi Trẻ) LÊ THANH

Cựu Bộ trưởng chịu án tù được Thủ tướng và 28 Bộ trưởng, Thứ trưởng vào thăm

 

Cập nhật lúc 14:21    

 

Đang chịu án tù, nhưng ông Vũ Ngọc Hải - cựu Bộ trưởng Năng lượng - vẫn được Thủ tướng và 28 bộ trưởng, thứ trưởng tới thăm vì công lao lớn cho đường dây 500 KV.


Bắt tay xây dựng vào năm 1992, khi đất nước vẫn còn rất nghèo nàn, khó khăn, đường dây điện Bắc - Nam 500KV vẫn được thi công và hoàn tất, như một câu chuyện cổ tích đẹp kết thúc có hậu và là mốc son lịch sử, công trình thế kỷ, minh chứng cho sức mạnh phi thường của con người Việt Nam.
Công trình được thực hiện theo chủ trương của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cũng là người đưa ra các quyết định quyết đoán mang tính bước ngoặt đối với dự án. Tuy nhiên, còn có một nhân vật khác gắn liền với kỳ tích đó.
Ông được xem như cánh tay đắc lực, người thư ký “ruột” của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những năm tháng xây dựng đường dây điện lịch sử. Nhưng số phận cũng không mỉm cười với ông cho đến phút chót. Ông bị bắt và kết án 3 năm tù khi đang đương chức Bộ trưởng.
Ông là Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng.
Nhân 25 năm ngày khánh thành và đưa điện vào miền Nam bằng đường dây truyền tải 500 kV Bắc - Nam, phóng viên đã cuộc trò chuyện với ông.


Cựu Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Vũ Ngọc Hải.

Có ngày sinh nhật thứ 2 nhờ công trình thế kỷ
- Thưa ông, đã 25 năm kể từ ngày đóng điện 500KV Bắc Nam, ông đã đi qua 25 năm mùa “sinh nhật” của công trình thế kỷ này với những cảm xúc như thế nào?
Tôi cho đó là sự may mắn đối với cuộc đời mình, may mắn vì tôi trở thành một phần của đường điện 500KV. Cứ đến ngày 27/5 hàng năm, tôi lại nhận được những cú điện thoại, những lời chúc mừng. Điều này giống như cuộc đời tôi có thêm 1 ngày sinh nhật vậy.
Đó là những chuyện vui. Còn điều quan trọng nhất là đường điện 500KV đã đặt nền móng cho những công trình điện lưới sau này. Vai trò của điện lưới trong việc phát triển nền kinh tế, xã hộingày nay chính là lời khẳng định cho những thành công và ý nghĩa của công trình 500 KV.
- Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, khi đất nước vẫn còn nghèo, việc quyết định xây dựng một “siêu công trình” thế này chắc chắn phải có lý do rất đặc biệt?
Đường điện 500 KV xuất phát từ nhu cầu thiết thực cấp điện cho miền Nam những năm 1992. Lúc đó miền Nam thiếu điện trầm trọng trong khi miền Bắc đang thừa điện.
Một ngày đầu xuân năm 1991, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tôi và một số cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng Việt Nam đến dùng bữa cơm tại nhà khách của Công ty Điện lực 2 ở TP.HCM. Mục đích là bàn về việc “làm cách nào để đưa điện vào miền Nam”.
Lúc đó, tôi nói chỉ có một cách đó là xây dựng đường dây siêu cao áp. Nhưng giữa lúc đất nước đang đối diện với nhiều khó khăn về vật chất, nhiều ý kiến chưa thực sự đồng tình, thậm chí phản đối, việc xây dựng đường dây cao áp dài 1.500km với 3.000 cột trụ điện liệu có thực sự khả thi không? Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra “tối hậu thư” phải hoàn thành trong 2 năm và giao tôi phải trả lời sau 3 ngày.
- 3 ngày đó, ông đã suy nghĩ và trả lời cố Thủ tướng như thế nào?
Sau chỉ đạo của anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi và những cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng lúc bấy giờ phải “vắt óc” suy nghĩ và tính toán đầy trăn trở.
Chúng tôi quyết tâm phải làm bằng được đường điện 500KV vì chỉ có cách này điện mới vào miền Nam được. Cả miền Nam lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, doanh nghiệp miền Nam gửi thư kêu cứu ra miền Bắc để được cấp điện.
- Tính khẩn thiết của công trình là vậy nhưng nghe nói ông và các đồng nghiệp đã gặp không ít rào cản trong quá trình thực hiện?
Nhiều khó khăn vô cùng. Đầu tiên là những ý kiến phản đối vì cho rằng công trình sẽ gây lãng phí ngân sách. Một luồng ý kiến khác lại đề xuất bán điện sang Trung Quốc để thắt chặt mối quan hệ bang giao của hai nước.
Nhưng vướng mắc lớn nhất đó là kinh tế. Lúc bấy giờ kinh tế rất khó khăn, công trình quy hoạch là đến năm 1995 nhưng năm 1992 đã bắt đầu, cái này không có trong kế hoạch mà phải chi hàng trăm nghìn tỷ. Nhưng chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cuối cùng công trình đã được khởi công trong sự quyết tâm cao độ.
Ngày 5/4/1992, giữa lúc Quốc hội đang có cuộc họp quan trọng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo khởi công công trình tại các cụm điểm: một vị trí ở Mãn Đức (Hòa Bình), một vị trí ở Hòa Sơn - Hòa Vang (Đà Nẵng) và một vị trí ở Phú Lâm.


 Cựu Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Vũ Ngọc Hải được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn Kỷ niệm chương đường dây 500KV trong trại giam Thanh Xuân.

Gùi từng bao xi măng vượt núi, băng rừng
- Công trường thi công trải dài đất nước, vượt trùng điệp núi rừng Trường Sơn, qua 7 con sông lớn, lại được hoàn thành một cách nhanh chóng trong vòng 2 năm 1 tháng 22 ngày. Có khoảng bao nhiêu người tham gia siêu dự án này, thưa ông ?
Làm sao thống kê hết được. Riêng ngành điện đã phải huy động 20.000 cán bộ công nhân viên, ngành xây dựng huy động 12.000 người, ngành quốc phòng huy động 4.000 người, ngành giao thông vận tải huy động 7000 người.
Đó là chưa tính lực lượng đồng bào địa phương tại chỗ đã đóng góp sức lực. Có rất nhiều vị trí hiểm trở, máy móc không thể đưa lên nên buộc phải huy động người địa phương gùi từng bao xi măng, từng bao cát lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng như đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức, đèo Lò Xo...
Nhưng trong cái khó mới biết tinh thần đoàn kết của nhân dân mình vĩ đại và tuyệt vời như thế nào. Tôi chẳng thể nào quên những đồng bào công giáo Quảng Trị đã ghép hàng trăm con thuyền để giúp kỹ sư kéo dây điện qua sông. Tôi mang ơn những đồng bào dân tộc đã vất vả gùi vật liệu vượt núi để làm đường điện 500 kV.
- Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm đường dây 500kw?
Đầu tiên là phải nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng nói với tôi, ông rất lo, nếu đường dây 500 kV mà thất bại thì tôi sẽ từ chức.
Lúc đó tôi chỉ nói “Làm sao để Thủ tướng từ chức được”. Tư tưởng đó bám theo toàn thể cán bộ công nhân viên suốt cả chặng đường làm công trình. Nếu Thủ tướng từ chức thì có nghĩa là Việt Nam làm không tốt. Suy nghĩ đó khiến tất cả công nhân anh em, rồi cán bộ kỹ sư nỗ lực phát huy trí tuệ.
Tuy chúng tôi có liên hệ với một số chuyên gia nước ngoài như Nga, Israel, Canada, Bỉ nhưng cái chính vẫn là lực lượng trong nước. Công trình này có thể nói đã huy động được tổng thể trí lực của đội ngũ người lao động đạt mức tối đa, kỹ sư phát huy chất xám tốt, công nhân thì tinh thần rất cao. Đây là nhân tố rất quan trọng.
Điều quan trọng nữa là lòng tự hào. Công trình lớn này mở đầu cho ngành điện toàn quốc. Tôi nói với anh em ngành điện phải tự hào bởi vì không có nước nào làm được đường dây 1.500 KV trong khoảng 2 năm, mà bắt đầu khi chưa có lộ trình. Không chỉ hoàn thành, giá trị kinh tế của công trình còn không vượt mức đề ra.
Mức quyết toán là 5.713 tỷ đồng nhưng thực hiện 5.237 tỷ, tức là còn tiết kiệm được so với dự toán là gần 500 tỷ. Vì vậy, có thể coi là công trình vừa đảm bảo chất lượng và vừa đảm bảo kinh tế.
-Công trình 500KV mang đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những tháng ngày làm việc cùng cố Thủ tướng hẳn rất khó quên đối với ông?
Chúng tôi gặp nhau thường xuyên, từ trên bàn họp đến công trường, thậm chí cả lúc nửa đêm. Một lần, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi tôi đến nhà gấp để “bàn việc”. Nhưng khi tôi đến thì anh Sáu Dân lại yêu cầu tôi “họp” với “bà Cầm” (bà Phan Lương Cầm, phu nhân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
GS-TS Phan Lương Cầm là nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực Điện hóa - Ăn mòn kim loại của Việt Nam. Bà muốn trao đổi với tôi về các kỹ thuật chống ăn mòn kim loại tại công trình đường điện 500KV. Sau khi được tôi trình bày thì bà ấy hoàn toàn yên tâm về công trình.
Sau đúng 2 năm 1 tháng 22 ngày, công trình được hoàn thành và đi vào khai thác. 19h6 ngày 27/5/1994, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ lệnh hòa lưới điện quốc gia thành một mạng thống nhất.
“Những ngày trong tù, chỉ lo cho đường điện 500KV”
- Trong thời khắc thiêng liêng lưới điện 500 kV Bắc - Nam, ông lại đang ở trong trại giam?
Đúng vậy, lúc đó tôi đang ở trại giam Thanh Xuân. Nhưng tình hình công trình đến đâu, tiến độ như thế nào tôi nắm được hết. Tôi ở tù nhưng thường xuyên có anh em vào thăm.
Có lẽ không có tù nhân nào lại có vinh hạnh được Thủ tướng rồi Phó Thủ tướng vào thăm như tôi. Sau đó là cuộc ghé thăm của 28 vị Bộ, Thứ trưởng và phu nhân của 2 Bộ trưởng.
Có đoàn doanh nghiệp từ miền Nam ra tận trại giam gặp tôi chỉ để cám ơn vì đã làm đường điện 500KV; đoàn văn công cũng tìm đường đến thăm vì nhờ có công trình 500KV mà sân khấu của họ được sáng đèn. Đó là những niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh.


Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải nâng ly chúc mừng lễ khởi công đường điện 500KV.

- Ngã rẽ vào trại giam, ông có xem đó là những chuỗi ngày u tối trong cuộc đời?
Tôi bị cáo buộc tội danh “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” và phải đối diện với mức án 3 năm tù. Nhưng bản thân tôi thấy rằng mình luôn trong sạch, liêm chính. Tôi cũng không xem đó là chuỗi ngày u tối.
Những ngày trong tù, tôi chỉ lo cho đường điện 500kV, tôi theo dõi, nắm tình hình từ xa. Giây phút dòng điện quốc gia được hòa lưới thành một, dù không có mặt ở đó nhưng trong trại giam, tôi cũng hồi hộp không kém.
5h sáng ngày hôm sau, anh Sáu Dân vào thăm tôi. Anh ôm tôi bằng một cái xiết chặt. Nhìn nét mặt của anh tôi đoán ngay là việc đóng điện đã thành công. Anh Sáu Dân nói: “Mấy hôm nay tôi lo không ngủ được”. Tôi hỏi lại: “Thế hôm qua đóng điện thành công anh có ngủ được không”. Anh nói: “Đêm qua mình lại sướng quá không ngủ được”.
Sau đó, ngay tại phòng tiếp khách của trại giam Thanh Xuân, anh Sáu Dân lấy chiếc huy hiệu đường dây 500 KV mà anh em ngành điện tặng trao lại cho tôi.
Phải phát triển năng lượng tái tạo ngay
-Bao nhiêu năm qua, nhắc đến ngành điện, vẫn thấy ông đau đáu như những ngày còn là tư lệnh ngành, ông nghĩ gì về những vướng mắc của ngành điện hiện nay?
Hiện nay, nguồn điện tương đối ổn định, nhưng về lâu dài chúng ta nên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió..., còn nguồn thủy điện chỉ để duy trì.
Thực tế, thủy điện đã khai thác gần hết, giờ chỉ còn các mỏ khí. Ngành điện phải phối hợp chặt chẽ với ngành dầu khí. Nếu như mỏ khí ở miền Trung tốt thì ngành điện rất có lợi khi phát điện bằng khí.
Nhưng muốn làm được thì phải đầu tư, có lẽ việc này nên để nhà nước và các tập đoàn tư nhân cùng làm.
3 năm nữa nhiều khả năng tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra. Vì thế vấn đề cấp bách là cần phải triển khai ngay các dự án điện. Đặc biệt ưu tiên cả tư nhân cùng đồng hành.
- Ông có dự đoán gì cho những năm tới khi mà thực tế có quá nhiều dự án cung ứng điện chậm tiến độ, thưa ông?
Việt Nam đang có làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cuối năm 2018 đã có 10.000 MW điện mặt trời được các nhà đầu tư đăng ký, trong đó 8.100 MW được bổ sung quy hoạch (121 dự án) với trên 100 dự án đã ký hợp đồng mẫu mua bán điện (PPA).
Hai dự án công suất 86 MW đã hoạt động vào cuối năm ngoái và cách đây vài ngày là cụm nhà máy điện mặt trời quy mô 100 MW tại Đắk Lắk đã được đưa vào vận hành. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch…
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cùng đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.
Nói thế để thấy nguồn là rất lớn, chỉ cần chúng ta làm tốt công tác giá điện, thì tôi tin trong vòng vài chục năm tới, Việt Nam không phải lo lắng gì về nguồn điện.
Theo VTC News