12:41
Đảng nên tăng cường tự phê bình trước dân
TP - Rất nhiều lần Đảng tự phê bình về khuyết điểm của mình để quyết tâm sửa chữa và sửa chữa thành công, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nói.
Phải nhận sai và sửa sai
Theo ông, có những dấu ấn nào trong những lần Đảng ta nhận ra sai lầm và kịp thời chấn chỉnh?
Lần thứ nhất là những năm 1930 - 1931 với những quan điểm hơi cực đoan như chỉ thị về thanh Đảng ở Trung kỳ: Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ. Đó là sai lầm tả khuynh về xây dựng Đảng.
Rồi đến giai đoạn 1936-1939, giai đoạn mở rộng mặt trận dân chủ, lại phạm khuyết điểm hợp tác vô nguyên tắc với các lực lượng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết một tác phẩm tự chỉ trích khuyết điểm của Đảng. Xin nói rằng, tự chỉ trích nặng hơn tự phê bình.
Lần thứ 3 là sau Cách mạng Tháng 8, một số cán bộ phạm sai lầm, hống hách với dân, tư túi, bè phái rồi lấy của công làm của tư, không làm tròn trách nhiệm của cán bộ công bộc của dân, cái này xuất hiện ngay sau 1945. Tháng 10-1945, Bác Hồ gửi thư cho UBND các cấp và tự phê bình về 6 khuyết điểm.
Tiếp đó, năm 1947, Bác viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc khi Bác vừa lên Thái Nguyên. Bác đã nhìn thấy những nguy cơ Đảng cầm quyền dễ phạm sai lầm. Bác đi tới một kết luận là: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, nếu Đảng phạm sai lầm thì phải công khai thừa nhận sai lầm, tìm nguyên nhân sai lầm, đề ra biện pháp sửa chữa thì đó là dấu hiệu của một Đảng chân chính”.
Xin nói thêm, trước đấy Lê - nin đã nói đến 3 kẻ thù của người cộng sản là: tính kiêu ngạo cộng sản; sự dốt nát; nạn hối lộ, mà nay chính là nạn tham nhũng.
Sau này, ngay trong những giai đoạn cam go của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng vẫn được thực hiện một cách quyết liệt?
Có thể nói rằng, từ khi lên cầm quyền rồi lãnh đạo kháng chiến, một số đảng viên của mình vẫn mắc sai lầm, như dùng mệnh lệnh rồi xa dân, giáo điều, chủ quan rất nặng. Nên đến năm 1952, Đảng ta mới làm một cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn ngay trong khi đang kháng chiến.
Đến năm 1961, miền Bắc xây dựng CNXH lại phải chỉnh huấn nữa. Lúc đó có rất nhiều khuyết điểm như tham ô, lãng phí, cho nên chúng ta đã mở rất nhiều cuộc vận động. Năm 1963 là cuộc vận động lớn, 3 xây 3 chống. Năm 1969, Bác lại viết bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Từ chỉnh đốn Đảng, Bác cũng viết trong di chúc.
Đến Đại hội VI, tôi có thể nói đó là ĐH mẫu mực về việc tự phê bình của Đảng. Chuyện điều chỉnh giá lương tiền sau có rất nhiều đồng chí chịu trách nhiệm, đến ĐH VI thì với thái độ nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, Đảng đã tự phê bình trên mọi phương diện.
Sau này đi vào Đổi mới rồi thì vẫn xuất hiện những tiêu cực. Đến đầu những năm 1990, Đảng chỉ ra 4 nguy cơ: Nguy cơ chệch hướng, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế với các nước, nguy cơ tham nhũng và nguy cơ diễn biến hòa bình.
Dư âm của Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII về chỉnh đốn Đảng đối với ông như thế nào?
Đúng là đến Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII chúng ta làm rất quyết liệt, nhưng sau này chỉ đạo thực hiện thì vừa rồi đánh giá là chưa đạt yêu cầu. Sau đó đến Đại hội X lại tiếp tục làm, rồi Đảng phát động cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được coi như làn gió mới.
Nói những điều này để thấy một sự thật là Đảng chưa bao giờ giấu giếm khuyết điểm của mình. Đó là một quá trình liên tục, không phải đột nhiên mà có.
Kỷ luật nghiêm từ trên xuống dưới
Hội nghị T.Ư 4 vừa qua nhấn mạnh “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, chạy theo danh lợi” ở một bộ phận cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, kể cả một số cán bộ cao cấp. Ông đánh giá thế nào?
Chủ nghĩa cá nhân là lợi dụng chính sách, chức vụ để vun vén cho cá nhân, cho gia đình, cho họ hàng... đó là cái cần phải lên án. Chống chủ nghĩa cá nhân thì Bác đề ra khá sớm, nhưng đúng như Bác nói đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, gian khổ, nên chúng ta không thể nói là một nghị quyết có thể giải quyết xong ngay được.
Cái này đòi hỏi phải kiên trì, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là phải từ hai phía. Một phía là sự giám sát của Đảng và Nhà nước, phải có cơ chế giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật và hướng thứ hai quan trọng không kém là tự mỗi người phải tự lục vấn lương tâm của mình…
Tôi còn nhớ ngày xưa có một lãnh đạo cấp cao của Đảng nói: Lương tâm của người cộng sản thì anh ra đường nhìn thấy một người nghèo khổ với tư cách là người cầm quyền anh có động lòng không, anh thấy một chị mặc áo vá đẩy xe bò anh có động lòng không, anh có thấy trách nhiệm của anh không?
Còn anh vô cảm, vẫn sống phè phỡn trong khi người dân đói khổ như vậy, thì lương tâm của người cộng sản có cho phép điều đó hay không?
Nhưng liệu chúng ta cứ trông đợi mãi vào “lương tâm”, “sự tự giác” khi mà điều đó trở thành phẩm chất “xa xỉ” của một bộ phận cán bộ, đảng viên?
Đúng thế, trước hết là kỷ luật phải chặt, theo điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta phải hết sức khơi gợi sự tự giác, cái phần thiện của mỗi con người.
Nhìn nhận lại những lần tự chỉnh đốn trước, theo ông thì kinh nghiệm nào giúp Đảng ta vượt qua được sai lầm, khuyết điểm?
Theo tôi, kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới là yếu tố quyết định làm Đảng mạnh lên. Thứ hai là phải hết sức coi trọng giáo dục. Hiện nay, chúng ta chưa giáo dục đến nơi đến chốn, thậm chí né tránh. Tôi muốn nói ở đây là giáo dục lý tưởng cộng sản, có lúc người ta còn né tránh lý tưởng.
Với lần chỉnh đốn này, theo ông cần có những yếu tố nào để Nghị quyết được thực thi hiệu quả?
Bây giờ văn bản pháp luật có cả rồi, nghị quyết có rồi, điều lệ có rồi, đó là cơ sở để siết chặt kỷ luật và không loại trừ cán bộ đảng viên nào. Vấn đề chỉ là hành động, thực thi thế nào cho tốt. Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh là thực thi nhưng không thể nóng vội được, cũng phải thận trọng vì nó đụng chạm đến con người nên mình phải làm từng bước vững chắc cương quyết, nhưng cũng không thể chậm trễ được, phải khẩn trương.
Thêm nữa là vẫn phải khơi dậy mặt tích cực mặt tốt của con người. Giáo dục là quan trọng.
Một trong những điều làm nên hiệu quả của giáo dục chính là tính đi đầu làm gương, đặc biệt là của đảng viên, cán bộ cao cấp?
Tôi cho rằng, nêu gương là hình thức giáo dục có hiệu quả nhất. Đảng viên đi trước làng nước theo sau. Trong chiến tranh điều đó rõ lắm, nhưng trong điều kiện hiện nay lãnh đạo phải gương mẫu trong những cám dỗ về vật chất. Trở lại lời dạy của Bác: Người cách mạng là người ít lòng ham muốn về vật chất.
Con người nào chả ham muốn vật chất, dục vọng nhưng con người cách mạng phải biết kiềm chế, ít lòng ham muốn. Người cán bộ phải tự rèn luyện và phải bắt đầu từ giáo dục. Học để làm người trước đã, rồi sau đó mới làm cán bộ làm cách mạng. Cán bộ cũng phải được giáo dục chứ không phải lên chức này chức kia là anh chỉ đi dạy dỗ người khác.
Công khai tự phê bình trước dân
Đảng cần phải làm gì để tăng cường vai trò của báo chí, của nhân dân trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng?
Theo tôi, phải công khai, phải đưa mọi vấn đề ra cho quần chúng thảo luận, kể cả tự phê bình của cán bộ đảng viên. Hãy xuống với dân, hỏi dân, lắng nghe dân, tìm hiểu cuộc sống của dân, người ta sẽ góp ý cho anh nhiều điều hay.
Tôi trích lại câu của Bác Hồ năm 1947: Hãy đưa mọi vấn đề ra cho dân thảo luận trước khi Đảng quyết định. Và Bác có nói ý là nhiều khi người dân có thể giải quyết nhiều việc rất chóng vánh mà người lãnh đạo nghĩ mãi cũng không ra.
Ngay việc sửa chữa khuyết điểm của mình, cũng hãy đưa ra cho nhân dân thảo luận. Người dân mình rất trăn trở và rất độ lượng trước những khuyết điểm của Đảng, nếu Đảng thực sự quyết tâm sửa chữa thì tôi tin người dân sẵn sàng ủng hộ.
Vậy việc công khai tài sản cán bộ có cần công khai với nhân dân?
Theo tôi, phải công khai, sắp tới phải công khai cho dân thì dân mới dựa vào đó để kiểm soát hành vi của anh. Nếu chân chính, đúng đắn thì làm được hết, các nước họ đều làm hết cả rồi.
Chừng nào mà người dân còn đến góp ý cho Đảng, người ta phê bình đảng viên này, cấp ủy khác thì đó là dấu hiệu của hạnh phúc. Còn nếu người dân quay mặt đi, im lặng không nói gì hoặc khi nói đến đảng viên này, đảng viên khác người ta cười khẩy thì đó là điều bất hạnh, là nguy cơ lớn của Đảng.
Bây giờ dân còn đang rất hào hứng góp ý cho mình, nhân dân rất kỳ vọng, vấn đề còn lại là quyết tâm của Đảng và Nhà nước làm như thế nào cho hiệu quả. Chắc chắn tôi tin Trung ương sẽ tìm ra được những cách thức phù hợp.
Ngay cả việc khó mà Đảng đôi khi cũng lúng túng, nhưng để cho quần chúng tham gia thì có khi lại dễ hơn rất nhiều?
Đúng, quần chúng ở ngoài có thể thấy được nhiều góc cạnh, còn người ở trong thì khó thấy hết.
Với những khuyết điểm vừa qua như chủ nghĩa cá nhân ích kỷ của một số đảng viên..., người dân muốn góp ý thì có thể góp ý với ai, như thế nào?
Đảng có cơ quan tiếp dân để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhưng cụ thể nhất là các đơn vị cơ sở, phải có nơi để cho người ta phát biểu ý kiến tâm huyết thực sự. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ngay tại cơ sở. Tôi chỉ nghĩ một điều thế này, những kẻ thù lớn nhất là giặc ngoại xâm chúng ta đã đánh thắng, kẻ thù dốt nát và nghèo đói cũng đã bị đánh bại thì không có lý gì một bộ phận này, mình nhìn thấy mà mình chịu, mình bó tay. Không có lý gì mà mình lại chịu thua trong trận chiến này, trong trận chiến chống lại sự hư hỏng này.
Ông dự báo thế nào về hiệu quả đi vào cuộc sống của Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua?
Tôi tin lắm. Nhìn vào lịch sử, khi Đảng ta đã quyết tâm làm thì làm sẽ thành công, kể cả những sai lầm lớn như cải cách ruộng đất. Đương nhiên cuộc đấu tranh này liên quan con người, đến các thế lực che chắn, nên rất phức tạp. Chúng ta quyết tâm nhưng phải tìm ra biện pháp phù hợp chứ không chỉ cứ làm ào ào như kiểu chiến dịch hay hình thức cũng không được. Đảng biết dựa vào dân thì làm được.
Ta có nhiều kênh, nhiều hướng, báo chí cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quần chúng phát hiện. Hay chúng ta có lực lượng cựu chiến binh, những người rất kiên trung với cách mạng, đầy bản lĩnh. Tôi tin là Đảng sẽ làm được.
Cảm ơn ông.
Phùng Sưởng - Cao Nhật (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét