Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

11:00
Người chống tiêu cực đến cùng

Gần 10 năm ông kiên trì tố cáo, kết quả: Tám cán bộ xã bị khởi tố; hậu quả: Hai lần ông bị tấn công khiến một chân gần như bại liệt, thương tật 45%.

Trụ sở UBND huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) một chiều hè năm 2005.
Người đàn ông quần áo xộc xệch, hai má hõm sâu khắc khổ, dắt chiếc xe đạp cà tàng qua cổng. Ôm tập đơn chầu chực gần hết buổi, ông may mắn gặp được vị lãnh đạo huyện. “Ông Xạ ơi, anh em cơ sở làm có đúng có sai, sao ông cố chấp thế” - vị lãnh đạo huyện vừa hờ hững đọc đơn khiếu nại vừa nói. “Tôi đã kiến nghị, xã có giải quyết đâu. Cấp xã sai, tôi phải kiến nghị lên trên chứ” - người đàn ông trả lời. Thuyết phục ông nông dân cứng đầu không được, vị lãnh đạo huyện bèn giới thiệu ông qua thanh tra gửi đơn…
Người đàn ông ấy chính là ông Đào Văn Xạ, 62 tuổi, ngụ thôn 9, xã Kiến Quốc (Kiến Thụy, Hải Phòng).
Không thỏa hiệp
Ông Xạ bắt đầu đấu tranh với sai phạm của cán bộ xã Kiến Quốc từ năm 2001, khi phát hiện thôn, xã giao đất canh tác thiếu, lạm thu các khoản đóng góp của dân. Sự việc sáng tỏ nhưng xã chỉ rút kinh nghiệm xuê xoa. Chán nản, ông Xạ tính bỏ cuộc. “Tới hôm bị xã từ chối xác nhận hồ sơ thi ĐH của thằng con út vì “chưa đóng góp nghĩa vụ 120.000 đồng”, uất quá, tôi bảo sẽ đi hỏi cho ra nhẽ, họ thách thức cứ đi kiện” - ông Xạ nói. “Hôm sau vợ tôi bán vét nốt tạ thóc được 270.000 đồng, đem nộp 120.000 đồng cho xã, số còn lại bà ấy đưa tôi làm lộ phí đi kiện”.
Đơn gửi thanh tra huyện, chờ mãi không hồi âm, ông Xạ bắt xe ôm lên trụ sở tiếp dân TP Hải Phòng gửi tiếp. Nhưng rồi sự việc lại trở về huyện. Không cam chịu, ông Xạ lặn lội bắt xe lên Hà Nội, vào trụ sở tiếp dân của trung ương gửi đơn.
Trong ngày giỗ tổ, một vị trong họ là cán bộ huyện nghỉ hưu rỉ tai ông: “Vấn đề anh tố cáo không lớn, huyện nhờ tôi nói anh rút đơn cho đỡ phức tạp”. Cán bộ xã từng từ chối xác nhận hồ sơ cho con ông cũng xin ông không làm căng. “Có gì không phải mong bác bỏ qua, chúng em không để bác thiệt” - vị cán bộ xã dúi vào tay ông chiếc phong bì. Ông Xạ lắc đầu bỏ về…
Sau gần 10 năm chống tiêu cực, ông Đào Văn Xạ phải bầu bạn với cây nạng khi đi lại. 
Ảnh: HUY HOÀNG
Mãi rồi thanh tra huyện cũng phải vào cuộc. Nhưng, tháng 6-2006, huyện kết luận: Những tố cáo của ông không có cơ sở.
Bị dằn mặt, trả thù
Rời trụ sở UBND xã với tâm trạng thất vọng, mất niềm tin, ông Xạ đạp xe ghé nhà người anh ở xóm trên tâm sự. Sẩm tối, ông Xạ đạp xe về. Vừa qua khu chợ, gần tới nhà, bỗng ông nghe tiếng chân chạy huỳnh huỵch phía sau. Một kẻ bịt mặt đuổi sát. Ông Xạ hoảng hốt đạp nhanh hơn nhưng không kịp. Một cú giáng vào gáy khiến ông ngã nhào ra đất bất tỉnh.
Từ bệnh viện trở về, gia đình ông lại bị những kẻ giấu mặt dằn mặt. Mảnh ruộng trồng rau màu đang xanh mơn mởn chỉ sau một đêm đã bị nhổ sạch. Hằng đêm lại có những mẩu giấy viết nguệch ngoạc ném vào nhà với nội dung “mày đừng đem trứng chọi đá” khiến cả nhà ông sống trong bầu không khí căng thẳng… Vụ việc ông bị ám hại và khủng bố được báo công an huyện nhưng công tác điều tra chẳng có kết quả. “Kẻ nào đó sợ tôi phanh phui sai phạm nên cố đe dọa, ngăn cản. Tôi không sợ vì bà con thôn xóm luôn sát cánh” - ông Xạ nói.
Sau thời gian dài tìm kiếm, ông Xạ phát hiện từ 2004-2006, xã cắt đất nông nghiệp bán gần 200 lô làm nhà ở, đồng thời cho doanh nghiệp “sân sau” thuê khu đầm 40 ha trái thẩm quyền. Những lá đơn tiếp tục được gửi đi tới TP và trung ương. Bà Ngơ, vợ ông, luôn bên cạnh động viên chồng. Bao nhiêu tiền tích cóp được từ nuôi heo, nuôi gà, bà đưa hết cho ông in tài liệu và lận lưng làm lộ phí đi Hà Nội khiếu nại. Ngày ngày ông Xạ lần hồi mò cua bắt ốc giúp vợ chăn nuôi. May mắn ông xin chân bảo vệ xưởng da giày trong xã nên có thêm chút tiền đi tìm công lý.
Đầu năm 2009, Thanh tra TP Hải Phòng vào cuộc. Tháng 7-2009, Thanh tra kết luận nội dung tố cáo của ông là đúng. Theo đó, UBND xã Kiến Quốc đã giao trái thẩm quyền cả trăm lô đất, thu chi tài chính sai nguyên tắc, lạm thu các khoản đóng góp...; UBND huyện sai phạm không thực hiện đấu giá đất, thiếu sát sao kiểm tra, giám sát. Thanh tra TP yêu cầu huyện xử lý sai phạm trong quý III.
Trong khi dài cổ chờ mà huyện không xử lý theo yêu cầu của TP, tối 28-10-2009, ông Xạ lại bị những kẻ giấu mặt “xử” lần nữa.
Từ xưởng da giày, ông đạp xe trở về nhà. Tới gần ngõ rẽ vào nhà, phát hiện một người bịt mặt đậu xe máy bên đường, linh tính có chuyện chẳng lành, ông Xạ vội đạp xe qua. Được khoảng 20 m, bỗng nhiên đèn đóm khu vực phụt tắt. Ông Xạ hoảng hồn, quay xe lại xóm chợ vì ở đó điện vẫn sáng. Chợt phía sau có tiếng chân chạy rầm rập. Một bóng đen đuổi theo sau. Ông Xạ vội rướn người đạp xe mau hơn nhưng đã trễ. Tên sát thủ đã bắt kịp. Nhát dao thứ nhất sớt qua vai. Nhát thứ hai nhắm đầu ông bổ xuống, may mắn chiếc mũ cối đã đỡ cho ông nhát dao trí mạng. Đít xe bị kẻ đó nhấc bổng lên hất ông ngã nhào. Ông vừa kêu cứu đã bị tên sát thủ túm lấy chân. Ba nhát dao đâm vào đùi, máu phún ra khiến ông đau điếng ngất lịm. Hai kẻ bịt mặt lên xe máy tẩu thoát.
Công lý chưa trọn vẹn
Sau một thời gian điều trị tại Hải Phòng, ông phải chuyển lên Hà Nội để phẫu thuật nối gân chân. Tiền không có, bà con làng xóm đã gom góp kẻ ít người nhiều được mấy chục triệu đồng cho ông chữa trị. Vết thương của ông Xạ có tỉ lệ thương tật hơn 45%. Thế nhưng mãi gần hai tháng sau Công an huyện Kiến Thụy mới khởi tố vụ án. Vụ việc sau đó chìm xuồng vì đã hết thời hạn điều tra mà kẻ gây án vẫn bặt vô âm tín.
Rời bệnh viện với một bên chân dị tật không thể hồi phục, ông Xạ nằng nặc bắt gia đình khiêng cáng tới trụ sở tiếp dân của trung ương. Nhìn cậu con trai cõng cha với chiếc chân băng kín bước từng bậc thang, mé bên bà vợ ôm tập đơn kêu cứu, nhiều người không khỏi động lòng. Nhiều người dân Kiến Quốc, trong đó có cán bộ xã nghỉ hưu, cựu chiến binh, thầy giáo đã đến trụ sở tiếp công dân của trung ương gửi đơn kêu cứu giúp ông. Trước những công văn chỉ đạo của cơ quan cấp trên, huyện Kiến Thụy đã không thể làm ngơ.
Đầu năm 2011, Huyện ủy Kiến Thụy đã ra quyết định kỷ luật với các cán bộ xã Kiến Quốc. Theo đó, cách hết chức vụ Đảng đối với bí thư đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã. Cán bộ tài chính bị khai trừ. Bảy người khác bị cảnh cáo, khiển trách. Mới đây, Công an huyện Kiến Thụy đã khởi tố tám người nguyên là cán bộ xã, trong đó có bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch về tội cố ý làm trái...
Chúng tôi tìm tới xưởng da giày nơi ông Xạ đang làm bảo vệ. Thấy khách lạ, ông Xạ hỏi han một hồi mới mở cửa. “Hai lần bị tấn công trả thù nên tôi phải cảnh giác” - ông Xạ cười rồi lê chiếc chân trái tập tễnh vào góc phòng lấy ra chồng tài liệu. “Đây là các lá đơn và chứng cứ tôi tích cóp suốt 10 năm qua”. Lật giở từng trang tài liệu đã ố vàng, ông Xạ cho hay dù còn nhiều sai phạm chưa được làm rõ nhưng ông rất mừng vì công lý đã được thực thi. Để có được kết quả đó, ông Xạ đã chịu biết bao mất mát, chân trái giờ chỉ có thể kéo lê từng bước. Tuy nhiên, đến nay vụ án trả thù người chống tiêu cực vẫn chưa được đưa ra ánh sáng…
“Tác giả” có thể là cán bộ sai phạm
Theo ông Xạ, khi ông bị tấn công, điện ở khu vực xóm 9 gần nhà ông đã bị cắt trong khi các nơi khác vẫn sáng đèn. Khi hai gã sát thủ tẩu thoát, điện lại được bật sáng. “Tôi hồ nghi kẻ chủ mưu bố trí cắt điện để bọn sát thủ ra tay” - ông Xạ bức xúc.
Thượng tá Đặng Bá Cường, Trưởng Công an huyện Kiến Thụy, nhận xét việc ông Xạ bị tấn công có nhiều dấu hiệu trả thù người đấu tranh chống tiêu cực. Theo ông Cường, “tác giả” có thể là một trong những cán bộ xã sai phạm. Tuy nhiên, do hết thời hạn vẫn không tìm được nghi can nên phải đình chỉ vụ án.
HUY HOÀNG

Phó Thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ người chống tiêu cực bị trả thù

(PL)- Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công an thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo điều tra vụ việc người chống tiêu cực bị trả thù.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành điều tra, kết luận vụ việc một cách khách quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ngày 5-11-2011, báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Người chống tiêu cực đến cùng” phản ánh việc ông Đào Văn Xạ (ngụ xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) nhiều năm kiên trì thu thập chứng cứ tố cáo sai phạm của cán bộ xã. Kết quả, một loạt cán bộ xã bị kỷ luật, tám người bị khởi tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh, ông Xạ đã hai lần bị kẻ xấu hãm hại. Hiện một chân của ông bị thương tật 45% dẫn đến di chứng gần như bại liệt. Cuối năm 2009, Công an huyện Kiến Thụy đã khởi tố vụ án nhưng việc điều tra không có kết quả.
H.HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét