Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Nước Mỹ về thời 'Miền Tây hoang dã' trong quan hệ quốc tế?

Cập nhật lúc 15:22   
Khi số ca mắc COVID-19 tại Mỹ vượt quá con số 100.000, Nhà Trắng buộc phải gây áp lực cho hãng sản xuất thiết bị bảo hộ 3M để đẩy mạnh nhập khẩu khẩu trang từ các nhà máy Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Hôm thứ Năm, 2/4, Tổng thống Donald Trump công khai tuyên bố 3M sẽ phải “trả giá đắt” nếu không tăng cường nguồn cung cho Mỹ.
Cùng lúc đó, ở hậu trường, Mỹ đẩy mạnh thu gom khẩu trang bằng các phương pháp khác ít chính thống hơn.
Một lô hàng gồm 200.000 chiếc khẩu trang đã rời nhà máy 3M ở Trung Quốc hồi đầu tuần này để lên đường đến Bangkok (Thái Lan). Từ Bangkok, lô hàng sẽ được gửi đến thủ đô Berlin (Đức).
Nhưng trên thực tế, điểm đến cuối cùng của lô hàng không phải Berlin, mà là Mỹ.
Lãnh đạo cơ quan nội vụ bang Berlin (Đức), ông Andreas Geisel hôm qua, 3/4, xác nhận lô khẩu trang đã bị “tịch thu”.
“Chúng tôi coi đây là hành động cướp bóc hiện đại. Đây không phải là cách bạn đối xử với các đối tác xuyên Đại tây Dương”, ông Geisel nói.
Cảnh sát trưởng Berlin - Barbara Slowik cho biết bà tin rằng công ty 3M đã chuyển hướng lô hàng vì lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ Mỹ.
Cáo buộc này bị 3M bác bỏ ngay sau đó. Một phát ngôn viên Nhà Trắng khẳng định với một tờ báo của Đức rằng cáo buộc của ông Geisel hoàn toàn sai sự thật.
Trước Đức, Canada cũng đã lên tiếng tố Mỹ “nẫng tay trên” các lô thiết bị bảo hộ.
Tuần trước, tờ Le Journal de Montreal báo cáo rằng một lô khẩu trang được đặt hàng cho các bệnh viện trong thành phố Montreal (Canada) đã được chuyển đến tiểu bang Ohio của Mỹ. Công ty vận chuyển DHL sau đó quy kết đây là lỗi máy tính.
Trong một tình huống tương tự hồi đầu tuần này. Một lô khẩu trang y tế khi đang được đưa lên máy bay để chuẩn bị chuyển từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Pháp, thì bất ngờ bị các nhà buôn Mỹ mua lại ngay trên đường băng với giá cao gấp 3 lần.
“Một lô khẩu trang của Pháp đã bị người Mỹ mua lại bằng tiền mặt ngay trên đường băng. Chiếc máy bay thay vì đến Pháp đã hạ cánh ở Mỹ”, ông Rénaud Muselier - người đứng đầu vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur nói hôm 1/4.
Các cáo buộc trên chưa từng được xác nhận bởi Washington.
Mỹ, Đức, Pháp hiện đều nằm trong số 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với số ca bệnh tương ứng lần lượt là 277.953 ca (Mỹ), 91.159 ca (Đức) và 65.202 ca (Pháp).
Tính đến sáng nay, Mỹ đã có 7.152 ca tử vong vì COVID-19, Pháp có 6.520 ca và Đức có 1.275 ca.
Dù đã có những nỗ lực rõ ràng trong việc thu gom khẩu trang, nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất tranh giành để đảm bảo nguồn cung thiết bị bảo hộ y tế trong mùa dịch, bất chấp việc phải quay lưng với các đồng minh.
Khi đại dịch tấn công nước Ý vào tháng trước, Đức đã ra lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế, bao gồm khẩu trang, kính bảo hộ và găng tay.
Pháp đã ban hành lệnh cấm tương tự, trong khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hàng xuất khẩu ngoài khối.
Từ Berlin, ông Geisel mô tả thị trường khẩu trang toàn cầu hiện không khác gì bộ phim nổi tiếng “Miền Tây hoang dã” của Mỹ.
Các quan chức Mỹ từng nhiều lần phủ nhận việc sử dụng các biện pháp không chính thống để thu mua thiết bị bảo hộ. Nhưng vào đầu tuần này, một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã tiết lộ với Reuters rằng Mỹ sẽ không ngừng gom mặt nạ “cho đến khi thừa thãi”.
(Theo Tiền Phong) Minh Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét