Chữ Việt Nam song song: Tùy tiện, phản
khoa học
Cập nhật lúc 15:44
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng
bộ chữ Việt Nam song song là phản khoa học.
Bộ chữ mới
"Chữ Việt Nam song song 4.0" của hai tác giả Kiều Trường Lâm và
Trần Tư Bình vừa nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ Cục Bản quyền tác giả.
Đây là bộ chữ
Việt chỉ sử dụng 26 chữ cái Latin, trong đó dùng 18 chữ cái Latin để thay thế
dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ.
Chia sẻ với báo
chí, tác giả Kiều Trường Lâm cho rằng "Chữ Việt Nam song song 4.0"
phù hợp cho giới trẻ sử dụng trong việc nhắn tin không dấu mà không gây hiểu
lầm nữa, đồng thời tin rằng đây sẽ là một bước ngoặt đưa tiếng
Việt ra khắp thế giới, nhiều người nước ngoài sẽ thích học tiếng Việt hơn vì
chữ viết không còn dấu, giống như tiếng Anh.
Ngay khi công
bố, bộ chữ này lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ số đông công chúng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng, có rất nhiều vấn đề cần bình tĩnh nhìn nhận
xung quanh bộ chữ này.
Vị PGS khẳng
định, tất cả mọi sáng tạo khoa học đều đáng được ủng hộ, và cá
nhân ông ủng hộ việc cấp bản quyền cho những người sáng tạo. Tuy
nhiên, câu hổi đặt ra là: sự sáng tạo ấy có thực sự khoa học không
hay chỉ có tác dụng làm vấn đề rối tung?
Theo dõi phát
biểu của tác giả bộ chữ "Chữ Việt Nam song song 4.0" phát biểu trên
báo chí, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho hay, tác giả không phải là nhà ngôn
ngữ học, do đó có những khái niệm cơ bản tác giá chưa hiểu.
Thứ hai, theo
ông Đạt, việc Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền cho bộ chữ
"Chữ Việt Nam song song 4.0" là không khoa học, thậm chí tùy tiện.
"Ngay cái
tên "Chữ Việt Nam song song" đã rất phản khoa
học. Việc cấp chứng nhận bản quyền có nghĩa Cục Bản quyền tác
giả thừa nhận có một chữ Việt mới song song với chữ quốc ngữ? Cái tên này
chỉ được cấp khi Nhà nước cho phép, tại sao Cục lại có quyền cấp
như vậy? Nó gây ra một tình trạng rối loạn và nếu suy nghĩ kỹ, đây là vấn đề
nghiêm trọng.
Cục Bản quyền
tác giả có quyền chấp nhận đây là sáng tạo, nhưng không có nghĩa là bất cứ
cái gì cũng mang lên để Cục Bản quyền tác giả chấp nhận. Tôi lấy một
khúc gỗ đẽo ra bất kỳ một hình thù gì rồi bảo đó là nghệ thuật, đòi cấp bản
quyền, thế thì kho bản quyền sẽ khổng lồ đến mức nào?
Nếu một tác
phẩm văn học nghệ thuật đã qua các nhà xuất bản thì lại dễ, nó đã được
xác nhận về mặt pháp lý. Còn bộ chữ mới này để được xác nhận pháp
lý thì phải có một hội đồng khoa học thẩm định. Tôi rất ngạc nhiên
khi một vấn đề lớn như thế này lại không có một hội đồng khoa học thẩm
định mà Cục Bản quyền tác giả đã cấp giấy chứng nhận bản
quyền", PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt phân tích và cho rằng nhiều
người đang hiểu sai chữ "cấp thẩm quyền", ai sáng tạo
là được cấp thẩm quyền, nhưng nếu sáng tạo đó gây rắc rối cho xã
hội thì sao?
Vị chuyên gia
nhắc lại đề xuất cải tiến cách viết chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền,
nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, gây
nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận vào năm 2017.
Khi ấy, PGS.TS
Nguyễn Hữu Đạt đã thẳng thắn cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi
Hiền không phải “cải tiến” mà là “cải lùi” bởi nó khiến tiếng Việt không
còn có vẻ đẹp như nó vốn có, làm đảo lộn và phức tạp hóa thêm vấn đề, chứ
không hề tạo ra tiện lợi hơn trong việc sử dụng. Ông cảnh báo, nếu
áp dụng phương pháp cải tiến kiểu này cho hệ thống giáo dục sẽ gây ra nhiều
tác hại hơn là đem lại lợi ích cho dân tộc, rắc rối và tốn kém.
Trở lại với bộ
chữ mới "Chữ Việt Nam song song 4.0", PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt
lưu ý đến phát biểu đưa tiếng Việt ra khắp thế giới, làm cho người nước ngoài
thích học tiếng Việt hơn nhờ bộ chữ này của tác giả Kiều Trường Lâm trên
truyền thông: "Tuyên bố như vậy là tự nhiên tác giả đã nghĩ rằng bộ chữ
này sẽ chiếm được vị trí hơn cả tiếng Việt hiện hành. Khoan hẵng vội cảm thấy
hào hứng, thú vị, còn bao nhiêu vấn đề phi lý về mặt khoa học trong đó. Với
tất cả những chuyện thay thế như tác giả đề xuất thì tôi có thể lấy bất kỳ
chữ nào thay cho các vần đôi... Không thể làm như vậy được, vô cùng rắc
rối", ông bày tỏ quan điểm.
Tái khẳng định
quan điểm ủng hộ sáng tạo, cấp bản quyền cho sáng tạo, nhưng PGS.TS Nguyễn
Hữu Đạt nhấn mạnh, chữ viết là vấn đề lớn của quốc gia, phải có một hội đồng
khoa học thẩm định. Các tác giả có thể nghiên cứu cách chat của giới trẻ, từ
đó nghĩ ra một dạng chữ kiểu tốc ký, nhưng chữ Việt tốc ký xưa nay cũng đã
bàn nhiều. Còn với bộ chữ này cùng tham vọng của tác giả, ông Đạt tin rằng nó
cũng sẽ gặp thất bại như việc muốn đưa Quốc tế ngữ làm ngôn ngữ chung thay
cho các ngôn ngữ cụ thể đã và đang tồn tại trên trái đất của chúng ta.
"Đây là
một vấn đề khoa học rất lớn mà sự sáng tạo nói trên là một câu chuyện quá rắc
rối cho xã hội.
Muốn cấp bản
quyền thì phải có hội đồng khoa học đánh giá, có thể do Liên hiệp các hội
Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Trong bối cảnh xã
hội đang bận rộn chống dịch bệnh, các nghiên cứu khoa học vẫn được
tiến hành làm nhưng không phải gây ra sự bối rối, xáo trộn
thế này. Không cẩn thận có thể làm cho ngôn ngữ rối loạn và hiện
nay một trong những vấn đề khiến ngôn ngữ mất chuẩn hóa là việc
dùng tùy tiện của ngôn ngữ không dấu.
Các tác giả bộ
chữ "Việt Nam song song 4.0" cho rằng tiện lợi nhưng tôi
không thấy như thế. Tác giả không phải là một nhà ngôn ngữ học mà
chỉ là người rất say sưa và thích ngôn ngữ từ bé. Nhưng để cải tiến chữ quốc
ngữ phải có tri thức khoa học, không phải thích là được, không cẩn thận
sẽ gây tác hại lớn cho xã hội", PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cảnh báo.
(Theo Đất Việt)
Thành Luân
|
Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét