Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

18:34
Trung Quốc:
Bài học duy trì ổn định xã hội
TP - Trung Quốc giờ phải chi nhiều tiền cho an ninh công cộng hơn là quốc phòng và tìm các biện pháp hiệu quả hơn để duy trì ổn định xã hội, song vẫn bảo vệ quyền của người dân.
Cảnh sát chống bạo động diễn tập xử lý biểu tình ở tỉnh Tứ Xuyên Ảnh: CFP.
Tại Trường Đảng tỉnh Phúc Kiến, các quan chức địa phương đang tham gia một buổi thảo luận nhanh, tận dụng trí tuệ tập thể để giải quyết một trong những vấn đề nóng nhất ở Trung Quốc: làm thế nào để duy trì ổn định xã hội? “Xã hội hiện chẳng có xáo động gì, hầu hết vụ việc là do truyền thông thổi phồng”, một sĩ quan cảnh sát ở Phúc Kiến nói. “Nếu nhà ông bị ép dỡ bỏ, ông có còn nói như vậy không?”, một quan chức khác hỏi.
Hai điểm chung của nhiều vụ biểu tình
Trong buổi học tập trung tìm giải pháp cho một vấn đề nan giải là duy trì ổn định xã hội và bảo vệ quyền của người dân, giáo sư Wang Liping (Trường Đảng tỉnh Phúc Kiến) đã khơi mào cho cuộc tranh luận giữa các học viên. Để minh họa cho quan điểm của mình rằng, việc cưỡng chế phá dỡ nhà đất có thể dẫn tới bạo lực, ông Wang cho trình chiếu các hình ảnh về một nông dân ở tỉnh Hồ Bắc dùng một khẩu pháo tự chế để đuổi đội cưỡng chế, nhằm bảo vệ đất của mình. Lớp học bỗng im phăng phắc.
Lớp học của giáo sư Wang cho thấy một thực tế là chính quyền các cấp ở Trung Quốc đang phải đối mặt một thách thức quy mô và dai dẳng, khi mà ngày càng có nhiều dân thường khiếu nại, tố cáo quyền của họ bị vi phạm. Tất cả quan chức chính quyền và cán bộ Đảng trong lớp học của giáo sư Wang hiểu rằng căng thẳng xã hội đang gia tăng. Tất cả đều biết trường hợp các công nhân nhập cư ở Zengcheng (tỉnh Quảng Đông) - những người nổi giận sau khi nhân viên an ninh đẩy một nữ công nhân đang mang thai ngã xuống đất. Đám đông giận dữ đã đốt trụ sở chính quyền địa phương.
Các quan chức sử dụng vụ Wukan nổi tiếng để làm bài tập nghiên cứu chuyên sâu về cách xử lý biểu tình, bạo loạn. Cuối năm ngoái, người dân làng cá Wukan ở tỉnh Quảng Đông đã xua đuổi quan chức địa phương và phong tỏa làng của họ. Tuy nhiên, căng thẳng dịu hẳn sau khi lãnh đạo tỉnh hứa với dân làng rằng, khiếu nại, tố cáo của họ (liên quan thu hồi đất, bầu cử, tham nhũng) sẽ được xem xét một cách nghiêm túc. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Wang Yang đồng ý thay giới chức địa phương, đảo nghịch các quyết định về đất đai… Đầu năm nay, một trong những người biểu tình, ông Lin Zulian, được bổ nhiệm làm bí thư Đảng ủy xã.
“Hiện nay, hầu hết vụ tập trung đông người ở Trung Quốc có hai điểm chung: khiếu nại của người dân không được giải quyết công bằng và công dân ngày càng ý thức về quyền của mình”, giáo sư Wang nhận định.
Tăng chi cho an ninh
Tạp chí Caijing của Trung Quốc hồi tháng 5-2011 viết rằng, chính phủ hiện đầu tư cho an ninh công cộng nhiều hơn cho quốc phòng. Theo tạp chí này, ngân sách an ninh năm 2011 vượt quá con số 624 tỷ nhân dân tệ (99 tỷ USD), trong khi ngân sách quốc phòng khoảng 600 tỷ nhân dân tệ.
Giáo sư Sun Liping ước tính, năm 2010 có khoảng 180.000 vụ biểu tình, bạo loạn và các dạng tụ tập đông người khác ở Trung Quốc, gấp 3 lần con số năm 2003. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức cho năm 2011, hầu hết tin rằng số vụ tập trung đông người năm ngoái tăng.
Đối với nhiều chính quyền địa phương, duy trì ổn định xã hội là ưu tiên số 1 và công việc này tiêu tốn nhân lực, vật lực. “Nếu ai đó từ thành phố của chúng tôi xuất hiện ở Bắc Kinh để khiếu nại, chúng tôi sẽ ngay lập tức được lệnh đưa người đó trở về quê. Trong dịp lễ quốc khánh hoặc kỳ họp quốc hội, chúng tôi triển khai đông đảo lực lượng để giám sát những người gây rối tiềm năng. Điều này khiến chúng tôi thực sự tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng”, lãnh đạo một huyện ở Phúc Kiến nói.
“Hằng ngày, chúng tôi phải cảnh giác cao độ, lo ngại rằng chỉ một tranh cãi nhỏ trong số dân làng cũng có thể dẫn tới tụ tập đông người, nếu không được giải quyết kịp thời”, vị nữ lãnh đạo huyện nói. Vị này than rằng chỉ một vụ tụ tập đông người gây mất trật tự trong huyện cũng có thể làm tiêu tan sự nghiệp của bà.
“Theo phương thức duy trì ổn định xã hội hiện nay, việc bày tỏ các vấn đề của người dân có thể gây ra bất ổn xã hội và sự bất ổn này cần được trấn áp. Nếu yêu cầu của người dân không được giải quyết, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và nỗ lực duy trì ổn định xã hội phải được tăng cường”, nhóm nghiên cứu của giáo sư Sun Liping ở Trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) kết luận.
Không thể chỉ trấn áp
Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng hầu hết tranh chấp dẫn tới bất ổn xã hội liên quan thiệt hại kinh tế đối với các cá nhân hoặc nhóm người, chứ không phải là các bất đồng chính trị nhằm vào chính quyền ở một số khu vực dân tộc thiểu số như Tây Tạng, Tân Cương. Họ nói rằng, hầu hết vụ phản đối liên quan doanh nghiệp và quan chức địa phương tham nhũng thu hồi đất của dân, hoặc liên quan công nhân đình công đòi tăng lương. Các chuyên gia cho rằng, xử lý vấn đề bằng cách thương lượng mặt đối mặt là thượng sách.
“Các vấn đề không thể giải quyết được nếu chỉ có mục tiêu duy nhất là duy trì ổn định xã hội. Chúng ta phải tìm cách giải quyết những vấn đề lớn hơn”, Yu Jianrong, chuyên gia về bất ổn dân sự công tác tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói. “Chẳng có gì đáng sợ khi người dân yêu cầu chính quyền đáp ứng yêu cầu của họ. Điều đó cho thấy người dân trông mong chính quyền đem lại giải pháp công bằng cho vấn đề của họ. Chúng ta không thể chịu được cái ngày không ai tin ở chính quyền”, giáo sư Wang nói.
Giáo sư Wang nhận định việc chính quyền tỉnh Quảng Đông công nhận các khiếu kiện chính đáng của dân làng đem lại hình mẫu cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. “Chỉ khi quyền cơ bản của người dân được bảo vệ tốt, thì ổn định xã hội mới đạt được một cách tự nhiên”, ông nói.
Giáo sư Wang nhấn mạnh, việc người dân gia tăng nhận thức dân chủ là kết quả tự nhiên của đổi mới kinh tế 3 thập kỷ qua. Ông thúc giục các quan chức thay đổi thái độ, không coi người dân là đối thủ. “Vấn đề then chốt trong việc xử lý biểu tình phản đối là phải tập trung tìm hiểu xem quyền cơ bản của người dân có bị vi phạm hay không”, ông nói. Tuy nhiên, một quan chức địa phương tỏ ý lo ngại: “Một số cá nhân có thể lợi dụng áp lực ngăn chặn bất ổn xã hội của chúng tôi để đưa ra những yêu cầu quá đáng”.
Zhao Dingxin, nhà xã hội học công tác ở Trường Đại học Chicago (Mỹ), cho rằng, có hai cách xử lý tình trạng biểu tình, nổi loạn ngày càng tăng. “Việc thực thi pháp luật cần được cải thiện và chính quyền cần có đủ năng lực, can đảm để chống lại những vụ tập trung đông người bất hợp pháp và trấn áp họ khi cần thiết”, ông Zhao nói. Theo ông, việc đàn áp mà không thương lượng hoặc đồng ý không điều kiện đều không phải là giải pháp.
Vai trò của luật sư
Giáo sư Sun Liping nói: “Việc công khai nêu yêu cầu chính đáng phải được pháp luật bảo vệ, nhưng những người đòi hỏi vô lý và đe dọa gây bất ổn xã hội phải bị trừng phạt”, ông Sun nói. Ông muốn thái độ của quan chức đối với giới luật sư biện hộ ngày càng cởi mở hơn. “Luật sư có thể dẫn dắt công dân bảo vệ quyền của mình trong khuôn khổ pháp lý, giúp thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp xã hội một cách hòa bình”, giáo sư Wang nói. Theo ông, Trung Quốc cũng cần một hệ thống tư pháp độc lập hơn để giúp đảm bảo công bằng xã hội.
Nhiều học giả cho rằng, nguyên nhân chính của bất ổn xã hội là người dân thiếu cơ hội bảo vệ lợi ích của mình thông qua thương lượng với chính quyền. Giáo sư Sun muốn có thêm nguồn lực cho các cơ chế giải quyết tranh chấp, trong đó cho phép người dân bày tỏ bức xúc của mình một cách tự do hơn. “Để trị quốc một cách hòa bình, lâu dài, một điều rất quan trọng cần làm là xây dựng lại niềm tin của người dân đối với chính quyền thông qua một loạt thủ tục hợp pháp, minh bạch, thông thoáng”, ông Sun nói.
Năm 2010, một cơ sở đào tạo về quản lý khủng hoảng công được thành lập tại Viện Quản trị Trung Quốc, chủ yếu nhằm giúp quan chức địa phương xử lý tốt hơn các vụ biểu tình, nổi loạn. Giáo sư Zhu Lijia (Viện Quản trị Trung Quốc) nói: “Bất ổn xã hội chủ yếu là do thiếu hạn chế quyền lực của những người có vai trò chính trong quản trị xã hội. Chúng ta cần một loạt cải cách thật sự, ngay lập tức để kiềm chế quyền lực của họ và cải thiện công bằng xã hội”.
Thái An
(dịch từ báo chí Trung Quốc - Global Times, People’s Daily, Chinese Time Weekly, Xinhua)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét