15:00
Nét chữ không phải... nết người!
Nếu lấy tiêu chí nét chữ làm thước đo cái nết của người viết thì việc đánh giá rất phiến diện, nguy hiểm và có phần chụp mũ; cũng gần như đánh giá nhân cách một người qua trang phục của người đó.
LTS: Đầu xuân, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Phương về chủ đề "nét chữ có phải nết người"- một chủ đề tưởng nhỏ, nhưng thực ra, nó liên quan đến quan niệm giáo dục con người, trong bối cảnh ngành giáo dục nước ta có rất nhiều điều cần thay đổi, từ những khái niệm, đến tiêu chí chất lượng....
Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết này, với mong mỏi nhận được nhiều ý kiến tham góp, tranh luận của các nhà giáo, nhà khoa học giáo dục, nhà sư phạm, nhà tâm lý... gần xa về một chủ đề nhân văn, trên hành trình một xã hội phát triển và hội nhập.
Đi du xuân thấy cảnh những "ông đồ" - cả trẻ lẫn già ngồi quanh Văn Miếu "bán chữ" - cả chữ ta lẫn chữ Tàu - tôi muốn viết vài dòng về chuyện này nhân dịp đầu xuân cùng lời chúc tốt lành đến bạn đọc.
Người mua chữ (xin chữ) chắc muốn gửi gắm ước muốn của mình vào những chữ này? Những chữ người mua nhiều nhất là "Tài", "Lộc", "Tâm", ...
Việc này cũng bình thường thôi, vì thường thì người ta cầu khấn những gì người ta ước muốn có - vẫn cái quy luật: Thiếu cái gì cầu cái ấy!
Nhưng nếu liên hệ "nét chữ" với "nết người" thì lại là vấn đề khác.
Chúng ta hãy cùng bình tĩnh nhìn lại xem nhận định này đúng tới mức độ nào và hệ lụy của nó là gì, đặc biệt trong bối cảnh cải cách giáo dục đang cần những thay đổi sâu sắc.
Cũng nhân chuyện có nhiều phụ huynh học sinh phàn nàn về sách lớp một và chữ viết, tôi xin được "té nước theo mưa" góp đôi lời về chuyện chữ viết.
Chữ viết và nghệ thuật viết chữ đẹp
Nghệ thuật viết chữ đẹp được coi là một hình thái nghệ thuật thị giác. Khi trở nên phổ biến, nghệ thuật này được người Hy Lạp gọi là kallosgraphe1. Trong khi đó, người Ai Cập cổ đại đã thực hành một hình thái tương tự từ 3000 năm trước Công lịch.
Ở phương Đông, chữ tượng hình-tượng ý như chữ Hán là một loại chữ có khả năng thể hiện nghệ thuật này sinh động hơn cả.
Hán tự còn được coi là thể hiện được tính cách. Người ta cho rằng có thể phỏng đoán được tính cách người viết qua những nét bút. Chả vậy mà người Trung Quốc nói những câu như "nét bút này mang cốt cách của bậc trượng phu". Người ta thậm chí còn "biếu chữ" như tặng nhau một tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ chính vì thế mà người ta mới nói "nét chữ như rồng bay, phượng múa", thể hiện "... cái nhặt cái khoan, cái chơi vơi bay bướm của nét chữ", vv... Hay như mấy thày đồ thường bảo trò của mình: "Chữ thế nào, người thế ấy".
Song, đó là nói về chữ Hán.
Những đặc tính tương tự gán cho chữ viết thuộc hệ thống chữ của tiếng Việt hiện đại có lẽ không thích hợp. Thư pháp là nghệ thuật đối với chữ Hán nhưng không hẳn là nghệ thuật đối với chữ Việt.
Gần đây, phong trào "thư pháp" tiếng Việt nổi lên ở nơi này nơi kia. Mấy từ tiếng Việt viết như giun như rắn đó chẳng ra tiếng Tàu mà cũng chẳng ra tiếng ta. Sự vay mượn này cho tiếng Việt là quá khiên cưỡng.
Lại nói thêm về chuyện mua chữ, thờ chữ. Như đã bàn ở trên, người ta thường cầu khấn những gì mình không có. Thời phong kiến, trên ban thờ nhà ông quan tham nhũng và gian ác lại thờ hai đại tự "心" và "信" rất uy nghi!
Treo chữ hay thờ chữ vẫn không bằng luyện "thần" và "hồn" của chữ vào hành động và việc làm hàng ngày của mình.
Kìm hãm sự đa dạng của cá tính
Khi đặt nét chữ ngang hàng với nết người, so sánh trên đã gần như mặc nhiên khẳng định mối quan hệ qua lại giữa chữ viết và tính cách người viết. Câu nói khái quát thuộc loại này có tính răn dạy như những phương ngôn khác.
Điều này không hoàn toàn đúng. Mặc dù trong một số trường hợp cụ thể người ta thấy một vài đặc tính tích cực, như ngăn nắp, tỉ mỉ, vv... ở một số người có nét chữ đẹp. Tuy nhiên, những đức tính như tỉ mỉ, sạch sẽ, ngăn nắp, v.v... chỉ là một số ít trong rất nhiều cái "nết" mà con người cần phải có, và không thể chỉ thông qua rèn chữ.
Vả lại, chưa có cơ sở khoa học đáng thuyết phục nào khẳng định mối liên hệ giữa chữ viết và tính cách con người, ngoài một vài nghiên cứu không có kết luận rõ ràng của W.R. Birge2. Những nhận định kiểu như trên hầu như do cảm tính hoặc do nói quen miệng, hoặc chỉ do quán tính dưới ảnh hưởng của hội chứng đám đông và không mang tính đại diện cao.
Hơn thế nữa, cố gắng uốn nắn chữ viết để học sinh nào cũng viết như nhau đã vô tình góp phần kìm hãm hoặc triệt tiêu sự khác biệt của cá tính, ý thức tự do phóng khoáng, sự đa dạng, ... và ý thức sáng tạo từ trong tư duy mỗi người ngay khi còn nhỏ.
Xa hơn nữa, sự đồng nhất rất có thể sẽ tạo ra những bộ óc và những trái tim hệt nhau ... như được đúc từ cùng một cái khuôn. Nỗi băn khoăn này đã được thể hiện trong một bức biếm họa của một họa sỹ Đông Âu thời XHCN.
Vì những lý do tương tự, việc mặc đồng phục cũng bị phê phán. Do đó, trường học nhiều nước phát triển không còn khuyến khích học sinh mặc đồng phục khi đến trường, vì các nhà giáo dục ở những nước này muốn "nhà trường phải khác trại lính, mỗi học sinh phải là một cá thể khu biệt".
Đừng đánh giá con người qua trang phục
Vai trò chính của chữ viết nói chung trong nhiều ngôn ngữ là phương tiện, được sử dụng để ghi lại thông tin nhiều hơn là một nghệ thuật. Chữ trong tiếng Việt hiện đại cho dù viết theo kiểu nào - chân phương hay cách điệu - thì cũng không mang sức nặng biểu cảm khác nhau nhiều lắm.
Tôi cho rằng nhận định "nét chữ, nết người" có thể thích hợp với chữ Hán và có phần bị khái quát hoá quá mức.
Theo phép suy diễn thông thường, nhận định đó hàm ý người viết chữ đẹp sẽ có nết tốt và ngược lại. Nhận xét ấy có phần cực đoạn và thậm chí có tác dụng tiêu cực về mặt giáo dục.
Trong thực tế cuộc sống, có những người viết chữ không đẹp nhưng lại có nết tốt và thậm chí là những nhân cách lớn. Xem những bản viết tay được công bố, ta sẽ thấy những nhân vật ưu tú của thế giới hay nhiều người đoạt giải Nobel viết chữ không đẹp, xét theo tiêu chí chữ đẹp như chúng ta đang uốn các em học sinh theo.
Chuyện "chữ viết" - "nết người" không chỉ có ở nước ta. Có một giai thoại như thế này: Một lần ông Thống đốc một bang của nước Mỹ nhận được thư viết tay mời dự một buổi nói chuyện khoa học. Ông ta nhìn thấy chữ trong bức thư như gà bới liền nói: "Người có chữ viết thế này thì biết nói gì!" Đọc đến cuối thư, ông ta mới biết rằng người viết bức thư đó chính là Albert Einstein. Mẩu chuyện nhỏ này không hàm ý một định lý đảo hay biện minh cho chữ xấu.
Nếu "rèn chữ" để "rèn người" như nhiều người đang tâm niệm thì xem ra việc rèn người dễ và đơn giản quá. Cái sự rèn người công phu lắm và phức tạp lắm. Đó là chưa kể đến một quan sát khác là "cha mẹ sinh con, trời sinh tính".
Hơn nữa, nếu lấy tiêu chí nét chữ làm thước đo cái nết của người viết thì việc đánh giá rất phiến diện, nguy hiểm và có phần chụp mũ; cũng gần như đánh giá nhân cách một người qua trang phục của người đó.
Hãy để chữ viết chỉ là phương tiện
Có lần tôi thấy cô cháu gái tôi là giáo viên tiểu học miệt mài ngồi chép giáo án đã được in sẵn ra vở. Khi tôi hỏi làm như thế để làm gì, cháu trả lời là để rèn chữ và cho thuộc giáo án theo yêu cầu chung của "ngành"?
Tôi rất khâm phục lòng kiên trì của các thày cô trong việc uốn nắn chữ viết cho học sinh.
Chuyện "chữ viết" - "nết người" không chỉ có ở nước ta. Có một giai thoại như thế này: Một lần ông Thống đốc một bang của nước Mỹ nhận được thư viết tay mời dự một buổi nói chuyện khoa học. Ông ta nhìn thấy chữ trong bức thư như gà bới liền nói: "Người có chữ viết thế này thì biết nói gì!" Đọc đến cuối thư, ông ta mới biết rằng người viết bức thư đó chính là Albert Einstein. Mẩu chuyện nhỏ này không hàm ý một định lý đảo hay biện minh cho chữ xấu. |
Tuy nhiên, giá như thời gian chép giáo án một cách máy móc và thụ động như các cô giáo phải thực hiện được dùng để suy nghĩ cải tiến cách lên lớp sao cho hay hơn, tìm tài liệu, trò chơi học tập ... nào tốt phục vụ cho bài giảng thì có lợi biết bao.
Một yếu tố tiêu cực nữa là một số trường tiểu học ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội, yêu cầu học sinh phải mua một loại bút mà ngòi được mài một cách "đặc biệt", mà không được phép dùng bút Hồng Hà!? Khi đã "đặc biệt", thì tất nhiên giá cũng đặc biệt, gây tốn kém và lãng phí không cần thiết cho các gia đình.
Viết vừa nhanh, vừa chính xác và đẹp là điều ai cũng muốn. Nhưng trong thực tế học tập, người ta thường phải lựa chọn giữa đẹp và nhanh, nhất là khi lượng thông tin ngày càng nhiều và học ở bậc cao. Trong những giờ nghe giảng, tốc độ ghi chép quan trọng hơn chữ đẹp rất nhiều.
Thêm vào đó, máy chữ, computer ngày nay đã giải phóng bàn tay con người để tập trung tư duy sâu hơn và viết hay hơn. Cũng do vậy, việc chữ đẹp - chữ xấu không còn là vấn đề quá quan trọng như xưa.
Giáo dục cần quan tâm đến vấn đề lớn hơn
Vấn đề chữ viết trong nền giáo dục của chúng ta hiện nay không phải là điều đáng bận tâm đến mức như vậy. Theo quan sát của tôi, người nước ngoài nói chung viết chữ "không đẹp". Song, họ có những tác phẩm hay, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đoạt nhiều giải cao quý trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vấn đề là học cái gì, học và dạy thế nào cần được quan tâm nhiều hơn là viết chữ thế nào.
Có lẽ nền giáo dục của chúng ta đang cần có những đổi cải, chuyển biến thật sự và lớn hơn nhiều nếu chúng ta không muốn nó tụt lại đằng sau. Đó là quan điểm giáo dục, quan điểm tiếp cận kiến thức, phương pháp dạy và học và thái độ xã hội đối với học tập, v.v...
Đọc đến đây, có độc giả cho rằng người viết bài này chắc viết... chữ xấu?
(VietNamnet) Nguyễn Phương
Nét chữ không phải nết người, song nét chữ (hay rèn chữ) cũng là một cách để rèn người. Cha ông ta từ xưa đã làm và mang lại hiệu quả giáo dục không thể phủ nhận.
Kinh Bắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét